Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2022

Anh Huy Phương đã từ giã cõi trần - Lê Văn Hải


Tác Giả Tuyển Tập “Như Một Lời Chia Tay!” Nhà Văn Huy Phương, Đã Thực Sự Nói Lời Vĩnh Biệt Với Tất Cả Chúng Ta!
*Nhà văn Huy Phương, cây viết có sức sáng tác bền bỉ, tên tuổi nổi nang, được biết nhất tại Hải ngoại.
<!>


*Một Văn Hữu rất thân thiết với Văn Thơ Lạc Việt, tình cảm như Anh Em trong trong giới văn nghệ. Bất cứ tác phẩm nào ra mắt tại San Jose, đều có bàn tay phụ giúp của VTLV. Ông có số độc giả rất đông, khắp nơi. Hầu như buổi RMS nào, cũng đầy nghẹt khách tham dự, thành công rực rỡ.

*Giờ chia tay!

Nhà văn Huy Phương, tên thật là Lê Nghiêm Kính, pháp danh Thiện Bảo. Sinh năm 1937, tại Huế. Vừa qua đời lúc 4 giờ chiều Thứ Sáu, (ngày hôm qua) 25 Tháng 2, năm 2022. Hưởng thọ 86 tuổi. Tại nhà riêng ở thành phố Anaheim, Nam California.

Bà Phan Thị Điệp, hiền thê của nhà văn vừa mất, đã xác nhận và xin gởi lời thông báo đến với tất cả Quý đồng nghiệp, bạn bè, người thân xa gần.

*Hơn 2 năm trời chiến đấu với bịnh ung thư thực quản!

Một người bạn vừa thăm ông, vào những ngày gần cuối đời nhận xét: Vẫn với mái tóc rậm đặc, bạc trắng phau phau, nhà văn Huy Phương lộ nét cực kỳ yếu sức thấy rõ, vì sau gần hai năm ròng rã, chống chọi với căn bệnh ung thư thực quản quái ác. Người gầy khô, còn da bọc xương, mệt mỏi. Nhưng ở ông vẫn toát ra một thái độ an nhiên tự tại, sẵn sàng đón nhận tất cả, bình thản, kể cả cái chết!

Ông tâm sự: “Hồi Tháng Tám, 2020, một hôm đang ăn, tôi bị nghẹn cổ và khó chịu trong người, rồi bỗng dưng ói mửa thốc tháo thực phẩm ra ngoài. Đi soi bao tử, không thấy gì hết. Mừng lắm! Không ngờ sau đó, thì người ta phát giác ra là, tôi bị ung thư thực quản thời kỳ cuối!”

Từ cuối Tháng Ba, năm 2021, bịnh viện chê! không có thuốc chữa! Ông được chuyển sang quy chế “hospice tại gia” Ông đã rời bệnh viện, về tĩnh dưỡng cuối đời tại nhà, của người con gái út ở Anaheim.

*Những lời trăn trối cuối cùng

-Hỏi ông có điều gì trăn trối? Ông không trả lời, mà vói tay lấy tập thơ “Chúc Thư Của Một Người Lính Chết Già” của chính mình. Lật ra bài “Chúc Thư,” chỉ vào đoạn:

“Khi tôi chết ván hòm xin đậy nắp
Có vui chi nhìn người lính chết già
Hổ thẹn đã không tròn ơn nước
Tiễn tôi chi, thêm phí một vòng hoa!
Hãy quên tôi, người lính già lưu lạc!”

-Hỏi, có ước vọng gì sau khi chết? Ông tâm sự, còn có một trăn trở cho thế hệ tương lai, nghĩ mãi mà chưa làm được gì.

Điều ông muốn dặn dò là, thế hệ trẻ gốc Việt, là phải cố giữ gìn ngôn ngữ Việt. “Phải bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Đây là nhiệm vụ của người lớn chúng ta, những người Việt hải ngoại. Vì tiếng Việt trong nước, đã trở thành một ‘cái gì’ què cụt, rất dị hợm, đọc là muốn ói rồi!” Ông xác định: “Mất tiếng Việt là mất văn hóa Việt.” Không chú ý công tác văn hóa, văn học này, chỉ vài chục năm nữa, cả người trong nước, lẫn Hải ngoại, đều ngơ ngác hỏi “Việt Nam tôi đâu?”

*Niềm vui lớn nhất trong đời?

-Hỏi Ông có niềm vui nào lớn trong đời? Ông nói: “Trong lúc làm chương trình ‘Huynh Đệ Chi Binh,’ tình cờ tôi liên lạc được những người, có thông tin chính xác về hai ngôi mộ tập thể, có chôn xác rất nhiều Cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại Việt Nam. Một tại ở Bình Dương, Sài Gòn và một ở Thuận An, Huế. Nhờ đó, tôi giúp được khá nhiều gia đình, để vợ tìm được chồng, để mẹ tìm được con, bà tìm được cháu. Họ viết thư cám ơn tôi tưng bừng! …khói lửa! Không ngờ đó là một hạnh phúc lớn nhất, đối với đời của tôi.”

*Chút tiểu sử Nhà Văn Huy Phương

Trước 75

Nhà văn Huy Phương, tên thật là Nguyễn Huy Phương, sinh ngày 4.10.1927. Quê gốc ở xã Nghi Lộc, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Sinh trưởng trong một gia đình nho học đỗ đạt, Huy Phương được theo học từ nhỏ và đã học hết toàn ban tú tài (cũ trước 72)

Ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng ít lâu, trong phong trào Tổng khởi nghĩa ở Huế (1945).

Tốt nghiệp Khóa 16 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và Khóa Sĩ Quan Thông Tin Báo Chí tại Hoa Kỳ.

Biên tập viên báo chí đài Phát Thanh Quân Đội. Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến và Chỉnh Huấn, Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.

Ngòi viết Huy Phương là cây viết rất sớm. Năm 15 tuổi (1952), ông đã có thơ và tuỳ bút đăng trên Tuần Báo Ðời Mới tại Sàigòn, do Chủ Nhiệm là Ông Trần Văn Ân chủ trương.

Ra Hải ngoại

Ông qua đến Mỹ, từ năm 1990. Sau 7 năm tù cải tạo.

Đã cộng tác với báo Người Việt, Hệ Thống Saigon Nhỏ và Báo Trẻ, Thời Báo (Canada). Đài Phát thanh Việt Nam (Oklahoma) và Đài truyền hình SBTN tại Hoa Kỳ. Thằng Mõ (San Jose)

Ông sở trường, mà mọi người đọc quen thuộc với Ông, với thể loại tạp ghi. Viết về sinh hoạt, đời sống và tâm tình của người Việt trên đất Mỹ. Nhận xét sâu sắc, văn không bóng bẩy, nhưng rất hấp dẫn, chen chút dí dỏm.

Tác Phẩm:

- Mắt Đêm Dài (thơ) năm 1960
- Mây Trắng Đồn Xa (truyện) năm 1966
- Chúc Thư Của Một Người Lính Chết Già (thơ)
- Nước Mỹ Lạnh Lùng
- Đi Lấy Chồng Xa
- Ấm Lạnh Quê Người
- Hạnh Phúc Xót Xa
- Sóng Vỗ Bèo Trôi
- Nước Non Nghìn Dặm
- Quê Hương Khuất Bóng
- Quê Nhà - Quê Người
- Tuyển Tập 80 Huy Phương - Ga Cuối Đường Tàu
- Tuyển Tập Huy Phương "Như Một Lời Chia Tay".


*Rất nhiều người không biết, Ông còn là một thi sĩ!

Huy Phương ngoài tài viết, còn làm Thơ! Thơ Ông mang nỗi niềm bâng khuâng mang mác, thao thức, trăn trở. Qua Thơ của Huy Phương, người đọc bỗng thấy trái tim mình còn sống! chưa chết! đang đập! Vì còn thấy tình cảm ấm áp nào đó, vẫn len lén chen vào trong tim.
Xin mời thưởng thức 2 bài thơ của Ông:

Dạ Thưa Thầy Thầy Còn Nhớ Em Không?

Quê Hương xưa từ những ngày chinh chiến
Thầy trò ta vội từ giã ngôi trường
Thầy từ đây đã rời xa bục giảng
Trò làm thân chiến sĩ của mười phương!

Rồi Thầy Trò cùng chung màu áo trận
Đời chiến binh ai ngỡ buổi tương phùng!
Từ thế nghiêm trò dơ tay chào kính:
“Dạ thưa Thầy, Thầy còn nhớ em không?”.

Gặp vận nước buổi rã rời tan nát
Thân tù đày nơi nước đục rừng thiêng
Bó nứa nặng trên đường qua suối cạn
“Dạ thưa Thầy, Thầy còn nhớ em không?”

Giờ lận đận ở quê người phiêu bạt
Tóc bạc phơ ngày tháng nặng lưng còng
Buổi hội ngộ nghe muốn trào nước mắt
“Dạ thưa Thầy còn nhớ em không?”

Sau đây một bài thơ “đặc trưng” Huế của Huy Phương, ai đọc mà không cảm động, ai đọc mà không nao nao trong lòng! Hướng về Quê Hương có Sông Hương Núi Ngự, đong đầy nước mắt.

Nhớ Huế

Mùa này nước Hương Giang có mặn
Muối đại dương có thấm vào sông?
Từ ngày anh đoạn tình bỏ Huế
Nguồn xa đã lạc mấy trăm dòng!
Mùa này Huế còn mưa tầm tã
Thương quê xưa vẫn nỗi đói nghèo
Anh ở nơi này vùng nắng ấm
Vẫn nhớ hoài đời Mẹ gieo neo.
Mùa này quê có còn bão lụt
Chén cơm em còn độn sắn khoai?
Trên tiệc rượu người con xa xứ
Mùa này Huế có còn phượng đỏ
Tiếng ve nào gọi nỗi buồn xa
Nơi này cả một trời hoa tím
Nhớ em xưa tiếng guốc học trò.
Mùa này Huế có còn áo trắng
Em hiện thân làm bướm tan trường
Thương ngày tháng một thời niên thiếu
Huế bây giờ - Huế đã mù sương!
Huế của tôi giờ đâu còn nữa
Cảnh vô hồn khuất nẻo người xưa
Hồn cổ tích Hoàng Thành hoang phế
Tiếng chim khuya gọi bóng trăng mờ…

Lời kết

Hầu như ai cũng đều công nhận, Huy Phương thuộc những cây bút nổi trội, có giá nhất hải ngoại. Được như thế, vì Ông có tâm huyết với nghề viết. Thêm đức tính cần mẫn, tận tụy, nghiêm túc, đầy trách nhiệm. Đặc biệt là luôn cố gắng tìm tòi để tự vượt lên chính mình, trong hoàn cảnh mới, tự đổi mới học hỏi, để có thể hòa nhập và đóng góp lớn cho nền văn học hải ngoại nói riêng và dân tộc Việt nói chung.

Ông được người đọc và đồng bào quý mến, qua hình ảnh một nhà văn, nhà báo, một chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã từng ở tù, dù bên thua trận chiến, mà vẫn hiên ngang, không làm mất danh dự của người Lính VNCH.

Ông mất đi, là một mất mát lớn đối với giới Văn Nghệ Sĩ, Truyền Thông, Báo Chí và Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại. Một cây bút nhiều thiện chí xây dựng, có trái tim thương yêu Việt Nam, hầu như không biết đả phá.

Người như Ông làm sao chết được! Hình bóng Ông, lời văn Ông, vẫn còn sống mãi trong các tác phẩm để lại, chưa kể trong tim với những người yêu mến, một nhân cách rất đáng ngưỡng mộ. Trong đó từ lâu đã… có tôi!

Anh Phương ơi, “Anh, Anh không chết đâu Anh!”

Lê Văn Hải (tổng hợp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét