Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2022

Thái Thanh: Nửa thế kỷ thiên tài - Ngọc Giàu


Tiêu đề bài hát này chọn ghi là “Nửa thế kỷ thiên tài”, là bởi vì từ những ngày đầu đi hát vào thập niên 1950 cho đến khi giải nghệ, và trừ đi 10 năm ngừng hát sau biến cố 1975, thì danh ca Thái Thanh đã tròm trèm nửa thế kỷ đứng trên đỉnh cao của âm nhạc Việt Nam. Và việc gọi bà là “thiên tài”, có lẽ cũng không có gì là quá đáng.
<!>

Cách đây hơn 60 năm, một giọng hát nữ vút cao đã làm cho làng âm nhạc Việt Nam bất ngờ xao động. Người ta bị cuốn vào ma lực của giọng hát thánh thót, khi thì dịu dàng lâng lâng, khi thì ngân nga, tê buốt.

Thanh âm từ trong cổ họng người phụ nữ ấy cất lên xoắn xít với ca từ, réo rắt mà liêu trai, có thể xoáy vào tâm can bất kỳ người nào vô tình hay hữu ý để lời ca lọt vào tâm tưởng. Tiếng hát ám ảnh đầy mê hoặc ấy, không ai khác chính là Thái Thanh – “người không cần làm thơ, cũng đã là thi sĩ”.

Và cho đến tận bây giờ, khi nốt ngân huyền ảo của Thái Thanh chỉ còn vang lên qua những bản thu âm nhuốm màu hoài cổ, thì thứ thanh âm đắm đuối mà mãnh liệt kia, vẫn đủ thấm sâu vào tâm hồn những người đã từng đi qua một thời máu lửa.

Giọng ca vút lên hồn dân tộc

Thái Thanh sinh năm 1934, tên thật là Phạm Thị Băng Thanh. Bà là con út của nghệ sĩ chuyên về nhạc cụ dân tộc Phạm Đình Phụng với người vợ thứ hai. Mới 13 tuổi đầu, cô bé tóc còn hoe vàng đầu ngọn đã rong ruổi theo chân quân đoàn cảm tử Trung đoàn 9, chợ Sim, Khu III, Khu IV để vút cao giọng hát kêu gọi tình yêu dân tộc.

Danh phận của Thái Thanh như được báo trước khi bà sinh ra trong một gia đình mà tất cả người thân đều là những tên tuổi gạo cội trong làng âm nhạc Việt Nam. Cha bà là nghệ sĩ Phạm Đình Phụng, hai người anh cùng cha khác mẹ là Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm cũng trở thành nhạc sĩ. Phạm Đình Sỹ cưới vợ là nữ diễn viên kịch Kiều Hạnh sinh ra nữ ca sĩ Mai Hương.

Nhạc sĩ Phạm Đình Viêm còn có nghệ danh khác là Hoài Trung. Mẹ của bà sinh được 3 người con, chị đầu của Thái Thanh là bà Phạm Thị Quang Thái, sau thành ca sĩ lấy nghệ danh Thái Hằng và trở thành vợ của nhạc sĩ Phạm Duy. Anh trai kế là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, thời còn làm ca sĩ lấy nghệ danh là Hoài Bắc.

Do ảnh hưởng từ ngón nghề nhạc cụ dân tộc của cha, Thái Thanh đã tự luyện âm theo lối chầu văn, hát chèo. Vì thế tiếng hát của bà chắt lọc tinh túy từ cách luyến láy của các làn điệu dân tộc, pha trộn sắc thái biểu cảm của dòng nhạc bác học phương Tây. Bởi vậy âm vực trong lời ca của Thái Thanh trở thành độc nhất vô nhị. Từ cách luyến láy da diết tình quê, đến giọng ngân du dương sang trọng đã đưa Thái Thanh bước đến đỉnh cao danh vọng.

Từ thành thị, người ta đổ xô đi nghe Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long hát tình ca quê hương. Không những thế, giọng hát của bà còn len lỏi vào những vùng quê, ru êm những vất vả cần lao của người dân nghèo, khốn khó. Những ngày ấy, ban Thăng Long trụ luôn tại bar Đêm Màu Hồng – một trong những tụ điểm âm nhạc lớn nhất Sài Gòn thời bấy giờ.


Sau khi đã thành danh, Thái Thanh vẫn thường trìu mến kể về những người thầy, người anh đã dìu dắt bà. Có lần bà kể: “Anh Phạm Duy hay ca cẩm với tôi: Cô này thay lời nhạc của anh bằng những từ rất sướng. Còn anh Phạm Đình Chương thì dạy tôi hát từ nhỏ, có lần cười cười mắng yêu: Cái cô này, nốt nhạc chưa vào đầu đã thành tiếng hát của cô rồi”.

Nốt nhạc chưa vào đầu, Thái Thanh đã ngân nga thành tiếng hát, nên thính giả bị thứ âm nhạc của bà vấn vít vào hồn, chạm vào sâu thẳm của trái tim trước khi kịp nhận ra đó còn là tầng nấc của kỹ thuật xướng âm điêu luyện.

Giọng hát của Thái Thanh gắn liền với đạn lạc, mưa bom, vương vít theo tiếng súng, cuồn cuộn trong khói lửa tang thương. Người ta nghe Thái Thanh trong mọi hoàn cảnh, vui cũng như buồn, tràn trề hy vọng lẫn sâu thẳm niềm đau, trên những nẻo đường tị nạn hay chốn xa hoa rượu đèn ngây ngất. Chính vì thế, tiếng hát Thái Thanh không đơn thuần chỉ là một chất liệu giải trí, mà nó còn đủ sức khơi gợi lại một phần đời.


“Tiếng hát lên trời”

Báo chí thời bấy giờ không tiếc lời ca ngợi Thái Thanh, người ta lấy câu thơ đầy chất liêu trai của Hoàng Trúc Ly là: “Từ em tiếng hát lên trời – Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh” để mô tả cho hình ảnh Thái Thanh khi đứng trên sân khấu.

Mặc dù Hoàng Trúc Ly sinh thời không chủ định nhắm vào một danh ca nào, chỉ gợi lên không khí các phòng trà của Sài Gòn cũ, nơi mà ca nhi trở thành trung tâm của cảm xúc, nhưng thời ấy người ta lại mặc định “tiếng hát lên trời” là chỉ có Thái Thanh. Đến nỗi, có người còn ngộ nhận Hoàng Trúc Ly chỉ viết về Thái Thanh.

Dù Thái Thanh tóc ngắn, và cũng không có thói quen “tay xao dòng tóc” trên sân khấu bao giờ. Từ đó, Thái Thanh gắn với biệt danh “tiếng hát lên trời”. Mà thật vậy, “tiếng hát lên trời” dùng để chỉ Thái Thanh không còn gì là vẹn tròn hơn nữa.

Lại nói có một thời, người miền Nam còn đánh giá trí tuệ người khác bằng “đơn vị Thái Thanh”. Đại loại như, nếu yêu thích và cảm thụ được giọng hát của Thái Thanh thì được đánh giá là dân… trí thức. Nếu thuộc dạng nghiện nặng, am tường thì thuộc về nhóm… trí thức bác học.

Chỉ có nghe Thái Thanh mới có thể cảm thụ được tất cả những gì làm nên sự ưu đãi trong ngôn từ của cả một thế hệ dành cho bà. Vậy vì lẽ gì giọng hát Thái Thanh lại trở thành thứ không thể tan biến theo thời gian? Một phần cũng vì hoàn cảnh lịch sử.

Không phải vì Thái Thanh hát những bài dân ca vốn đã là hồn dân tộc, mà Thái Thanh hát dân ca xuất phát tự lòng người, tự nỗi đau của chính một con dân trong hoàn cảnh nước nhà máu đổ. Nên bài hát tình ca cũng trở thành dân ca, trở thành tiếng nói rất riêng vừa dịu dàng vừa bi tráng của một đất nước mang lịch sử oai hùng.


Báo giới đã từng ví tiếng hát Thái Thanh như thơ ngân giữa nhạc: “Thái Thanh là một danh hiệu, nhưng như có ý nghĩa tiền định: bầu trời xanh tiếng hát. Hay tiếng hát xanh thắm màu trời. Tiếng hát “long lanh đáy nước” trong thơ Nguyễn Du, “lơ lửng trời xanh ngắt” trong Vòm thu Yên Ðổ, tiếng hát sâu chót vót dưới đáy Tràng Giang Huy Cận, hay “đẫm sương trăng, ngừng lưng trời” trong không gian Xuân Diệu, tiếng hát “cao như thông vút, buồn như liễu” đến từ cõi thiên thai nào đó trong mộng tưởng Thế Lữ”.

Sức mạnh của thơ là ngôn từ, nhưng một Thái Thanh đã khiến thanh âm cũng gợi tưởng về những con chữ đang trải dài trước mặt người đang nhắm mắt để lặng nghe. Nên người ta ưu ái Thái Thanh, ví hình ảnh bà đang hát như ca nhi đứng giữa một bầu trời thơ. Nhạc sĩ có thể là một thi nhân với những ca từ diễm lệ, nhưng hiếm có ca sĩ nào nắm được nghệ thuật truyền cảm để chính bài hát trở thành một bài thơ không chỉ lay động lòng người bằng sức mạnh của ngôn từ, của thị giác mà mạnh mẽ hơn là bằng thứ thanh âm sẵn sàng vọng động đến tận đáy tâm hồn…,

Thái Thanh đã làm được. Và giọng ca Thái Thanh đối với một thế hệ luôn là người “chẳng cần làm thơ cũng đã là thi sĩ”.

*** Thái Thanh hát nhạc Phạm Duy trước năm 1975 - Những ca khúc bất tử  
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét