Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2022

Tết người Huế: Lộng lẫy hương xưa một thời


Mâm chay cúng ngày Tết - Ảnh: GS.TS Thái Kim Lan
Mắc kẹt lại Việt Nam vì dịch COVID-19, GS.TS Thái Kim Lan (sinh ra ở Huế, sống và giảng dạy triết học tại Đức) được ăn hai cái Tết cổ truyền ở quê nhà từ năm ngoái tới năm nay. Việc sửa soạn Tết là một niềm vui lạ lùng, kết nối bằng tình thương. Để ăn một cái Tết ngon, người Huế làm gì cũng phải làm cho đẹp, cho tốt; bên mâm cỗ đoàn viên, họ chào đón một năm mới, cùng nhau hi vọng và mơ ước.
Sau những ngày bão dài, Huế tháng chạp bắt đầu có những cơn mưa phùn lất phất vào ban sớm. Tới trưa thì tạnh hẳn, trời ấm dần. Khung cảnh vườn nhà cũng như thành phố có vẻ tân kỳ hơn. Chính lúc đó, người Huế nhận ra năm sắp hết, mùa xuân sắp trở lại.
<!>
Người Huế ăn Tết từ rằm tháng chạp Ở Huế, Tết thường được bắt đầu từ ngày 20 tháng chạp. Với những đại gia đình, Tết đến sớm hơn, ngay từ giữa tháng. Trong trí nhớ của bà Lan vẫn còn đó cảnh người lớn trong nhà họp lại, phân công nhiệm vụ cho từng người để sửa soạn ra sao. Hóa ra, chuẩn bị Tết cũng là cách ăn Tết hào hứng. Mâm cỗ Tết dâng lên bàn thờ gia tiên của người Huế được chuẩn bị rất kỹ, gồm một mâm hoa quả, một mâm bánh ngọt, một mâm bánh mặn, một mâm thức ăn. Ở những gia đình gia thế ngày trước, người ta không mua đồ ăn ở chợ mà tự tay làm hết.

Qua lời kể của GS Lan, có lẽ không có nơi nào bày nhiều bánh như ngày Tết ở Huế. Ngọt thì có các loại bánh đậu xanh, phục linh, sen tua, hạnh nhân, bánh dừa, bánh thuẫn... Mặn thì có các loại bánh ít đen, ít trắng, bánh lá... Bánh Huế phong phú ở chỗ vừa được gói bằng lá vừa được gói bằng giấy, trông đẹp mắt

.

Bánh bèo, bánh lá và chả tôm theo kiểu Huế xưa: chả tôm nặn thành trái quýt chưng trên cành quýt - Ảnh: GS.TS THÁI KIM LAN

Mường tượng cảnh cũ người xưa, trong chất giọng Huế chậm rãi, bà nói như reo khi nhắc tới món tôm chua và chao - rất đặc trưng và rất Huế. Tới nay, dù đã lãng du qua những vùng văn hóa khác, thẳm sâu trong lòng người phụ nữ đã sống hơn nửa đời người này vẫn còn đó thứ "vàng mười" ký ức gắn với những món ăn, hương vị của một thời. Tết này, bà lại tự tay làm một hũ tôm chua, hũ chao đón Tết.

Khác các nơi, để làm món tôm chua ăn với heo luộc, heo quay, người Huế chỉ dùng muối. Tôm chua nhà làm khác tôm chua ngoài chợ ở chỗ vị thuần hơn, thơm hơn. Mùng 1, người Huế ăn chay nên chao trở thành một món đặc biệt quan trọng. Qua chuyện làm tôm chua, làm chao, người nội trợ thể hiện tài năng, thiên phú của mình. Không phải cứ muốn làm ngon mà được.

Mâm cỗ Tết Huế gồm nhiều món, tùy điều kiện từng gia đình mà bày biện, nhưng có mấy món cơ bản. Sau món thịt ngâm và nem, chả khai vị, kế đến là mâm nhỏ ngũ vị gồm tôm chua, thịt kho tàu, tôm rim (hoặc cá chiên), gỏi (gỏi gà trộn hoa chuối/mít/vả/măng).

Món nữa là bát bửu gồm su le, cà rốt, bong bóng heo, nấm đông cô nhồi chả tôm, thịt ba chỉ, tôm, nấm mèo/rơm xào lên... Bánh chưng, bánh tét, dưa món cũng là các món không thể thiếu.

Đạo ẩm thực, triết lý gói - mở

Người Huế không bao giờ bày một mâm cỗ mà thái quá. Nếu tôm chua kích thích dạ dày mau tiêu thì có các loại rau thơm, chuối chát, vả kìm hãm lại.


Bánh sen tua làm bằng hột sen nấu chín quết nhuyễn với đường, ngào khô, vo viên và bọc giấy tua, còn gọi là bánh sen tán

Hay như món thịt heo kho tàu (kho như thế nào để miếng mỡ còn lại trong veo mới là kho giỏi) phải có măng trộn, vả trộn ăn kèm. "Qua mỗi món ăn, người Huế gửi gắm một triết lý hòa hợp trong đời sống. Đó là một bản hòa điệu giữa thức ăn ngon và cách sống khỏe" - bà Lan nói.

Người Huế cũng rất chuộng cái đẹp. Ngoài ăn bằng vị còn ăn bằng mắt. Thành thử bánh trái, món ăn của Huế đủ màu sắc. Người nội trợ không những nấu ăn ngon mà còn biết trình bày đẹp. Bà Lan ví dụ món dưa món. Cà rốt, su hào, đu đủ, củ cải... không chỉ xắt lát mà còn được tỉa thành những hoa ngọc lan, cúc, hồng... Mỗi lần dọn, dĩa dưa món giống như một dĩa hoa.


Bánh phất đặc biệt trong ẩm thực cung đình, ngày nay hầu như thất truyền và hiếm hoi trong mâm bánh Huế.

Ông bà nói "học ăn, học nói, học gói, học mở" là vì thế. Có khi cái sự nấu nướng mở ra cả một nền văn hóa. Người Huế xưa chú trọng đạo ẩm thực cùng lối sống thẩm mỹ, làm thế nào cũng muốn cho đẹp. Để rồi họ vừa là người thưởng thức hương vị đặc biệt của đời sống, vừa tạo nên vẻ đẹp cho đời sống ngay trong gian bếp của mình.

Người Huế xưa thường uống trà vào ngày Tết. Họ chuộng nhất là hoa mộc và hoa sói vì ướp trà rất thơm. Ngoài ra còn có rượu nếp, rượu gạo và rượu đỏ (rượu chát). Bà Thái Kim Lan vẫn nhớ mạ và bà mình ngày xưa, cứ đến mùa dâu tằm lại ngâm rượu dâu tằm như một thứ rượu chát, năm mới Tết đến lại lấy ra mời khách.


Cây hoa mộc trước nhà từ đường của gia đình

Không thể về đoàn tụ cùng con cháu bên Đức, bà Lan ở đây, trong căn nhà "xưa như Trái đất" của gia đình với mấy người bà con. Lúc ở Đức, bà vẫn khắc khoải bồn chồn không biết Tết nhất ở nhà ra sao.

Tết năm nay, bàn thờ gia tiên được chăm sóc chu đáo. Được trở lại sống trong không gian ấm nồng hương xưa nghĩa cũ ấy vốn là ước mơ bao lần của bà khi ở Đức thì giờ đây, giấc mơ nhỏ đã thành sự thật. Mùa này, những đóa hoa mộc bắt đầu nở trong khu vườn thời thơ ấu. Ngày mai, bà lại cắp rổ ra vườn hái hoa đặng còn kịp ướp trà đón Tết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét