Cách đây khoảng 10 năm tôi có gặp một phái đoàn quan khách thăm viếng hết sức đặc biệt. Bây giờ cô Thái Hà còn tìm được một tấm hình. Các quan khách này đến từ Úc châu, Âu châu, đến từ Việt Nam, đến từ Nhật Bản và đến từ Đức quốc. Quý vị xem tấm hình trình bày ở đây thì từ phía trái qua phải sẽ thấy cô Thái Hà, anh Trịnh Hội. Kế tiếp tới một vị cao niên giới thiệu là bác Thành và bạn của bác đến từ Âu châu. Vị cao niên đã từng bị cộng sản bắt bị tù, bị thương. Bên cạnh đó là cô Đoan Trang rồi đến một ông có bút hiệu là Người buôn gió đến từ Đức. Rồi thì tới hình của tôi, Giao Chỉ San Jose. Sau cùng là anh Đỗ Thông Minh đến từ Nhật. Quý vị xem lại một lần nữa có thể nhìn ra được cô Phạm Đoan Trang.
<!>
Lúc đó người ta giới thiệu với tôi cô này xuất thân từ Hà Nội ngoài 30 tuổi. Cô sinh ra sau 1975, khi cuộc chiến đã qua rồi. Cô trưởng thành trong chế độ cộng sản. Không những thế, cô đã sống tuổi thơ ấu trong thời gian đau thương vất vả nhất. Thời gian tem phiếu. Tuy rằng miền Bắc chiếm miền Nam đã vơ vét được nhiều của cải đem về nhưng trên thực tế 10 năm đầu của chế độ cộng sản từ 1975 cho tới 1985 khổ sở vì cấm vận. Mười năm đóng cửa không tiếp xúc với bên ngoài. Mười năm khốn khổ nhất của cả miền Bắc lẫn miền Nam. Chính cô gái đó tên là Phạm Đoan Trang lại tới thăm Viet Museum của chúng tôi trên con đường trở về Việt Nam. Hỏi thăm thì được biết là cô du học tốt nghiệp tại Hoa Kỳ và bây giờ trở về nước.
Cô là một trong những sinh viên xuất sắc được học bổng của Hoa Kỳ. Cô cũng đã gặp cộng đồng Viet Nam và rất là cởi mở. Không ngần ngại đứng chụp hình với cộng đồng bên cờ vàng rồi đi thăm hầu hết tất cả mọi nơi mà không tránh né gì hết. Tôi nghĩ là cô này có thể nói là vẫn còn ngây thơ về chính trị. Nhưng rõ ràng đây là cô sinh viên học hành xuất sắc từ Việt Nam muốn đi học được những cái gì gọi là tự do dân chủ nhân quyền thực sự của một nước hàng đầu thế giới là Hoa Kỳ.Và cô đã học được. Anh chị em có nói chuyện khuyên cô ở lại đây xin học thêm vài năm nữa rồi, có thể là ở lại đây luôn sao lại về? Đoan Trang trả lời cô phải về để đem sở học mà giúp đồng bào. Đó thực sự là chiều thuận hợp lý bởi vì sinh viên du học ở nước ngoài thì học được cái gì phải đem về để xây dựng đất nước. Nhưng sinh viên Việt Nam đi học về điện tử rồi về làm việc trong ngành hay là kỹ sư cầu cống xây cầu thì có lẽ ước vọng phục vụ đất nước có vẻ đơn giản và không gặp khó khăn.
Sao lại trở về:
Nhưng Đoan Trang học được những gì mà có ý định đem về nước? Tự do dân chủ nhân quyền. Bài học về con người đối xử với nhau. Tất cả những kiến thức đó cô có ý định đem về quảng bá ở Việt Nam và sẽ tổ chức các cơ quan ngôn luận. Cô sẽ tập hợp anh em, sẽ viết sách nói về dân chủ nhân quyền và tự do và vân vân. Tất cả mọi thứ cô học được tại Hoa Kỳ. Chúng tôi ai cũng nghĩ rằng niềm ước mơ của cô có lẽ khó khăn nhưng biết đâu có thể đem lại ánh sáng cho người dân ở Việt Nam. Bởi vì từ lâu tôi vẫn có quan niệm thế này. Cộng sản vẫn có khẩu hiệu, Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa. Sai. Yêu nước không phải là yêu xã hội chủ nghĩa. Nhưng chúng ta Chống cộng không phải là chống lại cả quê hương.Quê hương và cộng sản là 2 điều mà chúng ta phải phân biệt. Quê hương với lại hơn 90 triệu dân.Những người đó là những người Việt Nam, những người đồng chủng, những người đồng loại, những người cùng dân tộc chúng ta mới từ đó mà đi. Chúng ta phải hiểu rằng Chống cộng không phải chống cả quê hương.Thành ra đây là chuyện cô sinh viên quay trở về với niềm mơ ước rất lớn. Khuyên cô ở lại chỉ là chuyện thường tình.Thực sự không phải là lời khuyên dành cho những người có lý tưởng.Tuy nhiên, tôi vẫn nhìn thấy một Đoan Trang khác biệt ngoài 30 tuổi vào cái buổi chiều nhạt nắng ở Viet Museum với phái đoàn đại diện của các anh chị em trên thế giới. Anh Trịnh Hội của châu Úc,cùng với lại các quý vị đã từng đấu tranh nay ở bên Đức, bên Nhật rồi bên Pháp…Các bạn đến thăm chúng tôi, trong đó có cô từ Việt Nam sang đây học mà trở về Việt Nam.Tôi nghĩ đây là kỉ niệm thật là đáng quý. Rồi mai đây các bạn chia tay cùng trở về với thế giới tự do, riêng mình Đoan Trang về với quê hương đầy hiểm họa, Tôi không muốn cô chụp nhiều hình thách đố với tương lai.
Mười năm tranh đấu:
Và sau đó chúng tôi không biết những chuyện kế tiếp ra làm sao cho tới một ngày. Tức là ngày mà người ta loan tin Phạm Đoan Trang lãnh án chín năm tù..Thì ra quãng đời từ lúc cô ghé thăm Việt Museum trên đường về Việt Nam cho đến nay cô Trang đã thực sự đấu tranh như dự kiến. Cuối cùng đã lĩnh án như vậy chứ không phải chỉ là chuyện viển vông. Ai đã tôi luyện cô sinh viên ngây thơ ngày xưa ngoài 30 tuổi du học trở về với giấc mơ xây dựng non sông mà năm nay đã 44 tuổi với 9 năm tù. Cô đã trải qua hơn 10 năm đấu tranh với 25 lần bị bắt từ vài ngày đến vài năm. Đã nhận tất cả đòn thù của công an đến gãy chân và 2 năm lẩn trốn ngay trong nước. Cô cũng đã nhận bằng tuyên dương của hầu các tổ chức nhân quyền thế giới kể cả mạng lưới nhân quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ. Bao nhiêu người chấm giải thưởng, bao nhiêu người khen ngợi và bao nhiêu là lần bị sỉ nhục bởi truyền thông phải đạo từ trong đất nước thân yêu.
Phiên tòa lịch sử
Phiên tòa xử cô Trang được một luật sư ở trong nước kể lại và tôi coi như áng văn chương tư pháp tuyệt vời của một người chống lại một chế độ. Chưa bao giờ có bài tường thuật hay ho như vậy. Bị can trả lời với 3 tòa quan lớn nhưng thực sự là cô giãi bầy với tất cả công luận thế giới. Cộng sản đưa ra 3 bà. Một bà chánh án và 2 bà bồi thẩm.Ở Mỹ có chánh án ngồi giảng giải phương thức cho 12 bồi thẩm nhân dân rồi người ta mới họp bàn xem có tội hay không. Khi tất cả quyết định có tội thì ông tòa sẽ theo luật tuyên bố bản án. Tòa cộng sản bà xếp ngồi luôn với 2 bà phụ thẩm cùng một một hàng ghế. Ba bà xì xào bàn tán với nhau rồi thì giở hồ sơ ra xem đảng ra lệnh là từ 7 đến 8 năm. Quý bà vừa bị cô Trang mắng cho một trận quá nặng nên quyết định thống nhất ý kiến phạt 9 năm, tức là bồi thêm 1 năm. Nhưng mà Đoan Trang đã phán một câu đáng giận thật. Cô nói chúng mày là những con vật. Những con vật không bao giờ có thể trở thành con người được.Hết nói chuyện. Là con vật thì còn nói chuyện gì, 3 chị chánh án với bồi thẩm bị cô xác định là con vật.Có nghĩa là tất cả chế độ, tất cả các đảng viên trong chính trị bộ là những con vật thì không có cách gì có thể thảo luận.Và nói tóm lại là không bao giờ mà cái đám này nó có thể trở thành con người được thì đành chịu thôi
Câu chuyện trong tù
Luật sư nghe cô Trang kể những chuyện đơn giản và không có lúc nào là tỏ vẻ ân hận về việc làm và cô lại có vẻ rất là thú vị để có thể kể ra cho luật sư những hoàn cảnh trong tù. Thí dụ như bệnh của đàn bà cứ chảy máu hàng tháng riêng cô bị mãi không hết, cô khổ sở về cái vấn đề đó lắm. Chẳng có thuốc gì cả. Cô cũng vừa cười vừa nói, cái đau thương của một phụ nữ mà phải nằm ở trên cái nền xi măng. Cô cũng tả cái cảnh bị nhốt chung với tù thường phạm, với những tên đàn bà đầu gấu. Và cô ấy cũng vào trong đó và cô cũng đấu tranh. Cô cũng đánh nhau, cũng làm tất cả mọi thứ rồi cuối cùng được cả đám lên nể phục vì lý do là có khác biệt. Những tù thường phạm nữ có thể dữ dội với nhau nhưng vẫn sợ công an.Riêng mình cô chả sợ ai cả mà cũng chẳng sợ công an, cô chửi tất cả. Tinh thần quyết liệt như vậy đã chinh phục được đám tù thường phạm. Cuối cùng công an lại phải đưa cô trở lại giam riêng. Bởi vì cô cũng có thể trở thành lãnh chúa của cái đám thường phạm thì cái đó là không nằm trong chính sách của công an.
Bài học Nhân quyền đem về quê hương
Tổng số trên 21.000 sinh viên của chế độ cộng sản Việt Nam đang học tại Hoa Kỳ , bao nhiêu người có thể trở thành như Phạm Đoan Trang? Quý vị thử nghĩ coi bao nhiêu người? Bao nhiêu người từ một cô gái lý tưởng,trẻ trung ngây thơ mà biến thành một người đàn bà mà đấu tranh vang rừng cả thế giới.Ở đâu mà ra chuyện được? Chính chế độ cộng sản đánh đập, vùi dập Đoan Trang đã tôi luyện cô trở thành một người anh hùng chiến đấu chống lại chế độ. Chính công an những ngày đầu tiên tới để thẩm vấn, để bắt bớ một tuần, một tháng rồi cứ từ từ bắt rồi thả lên đến 25 lần để cô trốn tránh mất dấu 2 năm. Cô trở thành một người chống lại cả chế độ qua những buổi nói chuyện với thế giới. Cô tiếp tục nói chuyện với VOA, BBC và Á châu tự do vân vân. Cô phóng ra những tin tức, những bình luận tôi luyện cho kinh nghiệm và kiến thức vàng son từng bước một làm cho thiếu nữ ngây thơ trở thành một nữ chiến sĩ kiên cường chống lại chế độ
Cuộc chiến cô đơn
Đồng thời cũng xin nói thêm một điểm rất quan trọng là trong cuộc chiến Việt Nam từ 54 cho tới 75 Việt Nam cộng hòa chiến đấu không cô đơn. Có các đơn vị, có chiến hữu có cấp trên, cấp dưới. Tóm lại là có bài bản có tổ chức, có huấn luyện. Ngay lúc mà bị cộng sản lừa bịp, tống vào tù hàng trăm ngàn người nữa cũng vẫn có anh có em, vẫn có bao nhiêu người cùng chia xẻ những đau thương. Nhưng ngày nay những chiến sĩ của thế kỷ 21 này đã chống lại một chế độ, mỗi người một tâm sự, mỗi người một con đường riêng rẽ và rất cô đơn.
Nobel Hòa Binh 2023
Cuối cùng muốn thưa chuyện bên Canada anh em đã có sáng kiến dựa theo tin giải nobel vừa qua phát cho các thành viên của truyền thông.Đó cũng là mở đường rất là đặc biệt.Vì vậy cho nên anh em lập ủy ban đề nghị giải Nobel Hòa bình 2022 cho Phạm đoan Trang. Nhưng cuối tháng 1-2022 hết hạn. Chúng ta bây giờ vẫn còn có thể lập hồ sơ đề nghị cho 2023. Công việc này có thể cũng là đội đá vá trời. Nhưng tất cả những người được đề nghị giải Nobel hàng năm đều là những thần tượng của một khu vực, của một số người, của một thế giới, của một dân tộc.Dù được hay không, họ có tên đều là những người đáng cho chúng ta kính trọng. Chúng ta cần phải một lần nữa cùng nhau kính trọng cái tinh thần bất khuất của Phạm đoan Trang mà đưa tên cô vào trong danh sách những người được đề nghị. Nhân dịp thực hiện chương trình Xuân văn hóa,Tết nhân quyền tại San Jose chúng tôi sẽ thu thập danh tính các đoàn thể và quý vị tham dự, Tên cơ quan hay là tổ chức, chức vụ hay đoàn viên. Cho biết email, Tel. địa chỉ liên lạc bằng thơ. Sẽ làm thành một danh sách gửi lên cho ủy ban phối hợp rồi chuyển tới ủy ban cứu xét giải Nobel hòa bình 2023. Chúng ta còn 1 năm để làm việc. Tin tức này sẽ xây dựng bầu không khí tình nghĩa vô cùng đẹp đẽ mà hải ngoại có thể gửi qua song sắt nhà tù lọt vào trong những phòng giam cô đơn mà những người tù lương tâm đang chịu đựng. Những tin tức bày tỏ sự quan tâm của hải ngoại đối với người tù là niềm hy vọng sống còn của tất cả những người chiến sĩ chiến đấu cho nhân quyền vào thế kỷ thứ 21. Xin cảm ơn toàn thể quý vị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét