Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

NGÀY XUÂN, NGHE HÁT QUAN HỌ... - Lan Anh


Nguồn: Chương trình "Tản mạn văn học" của đài Hồn Việt TV tối mùng Một Tết 25/01 với hình chụp qua cell phone
Hình 1: "Liền chị" Xuân Mai của ban Văn nghệ HĐH Bắc Ninh Nam California đang trình bày về quần áo của người hát quan họ với chiếc nón quai thao
Hình 2: Bà hội trưởng Ngô Tuyết Mai của ban Văn nghệ HĐH Bắc Ninh Nam California
Hình 3: Em Emily Nhã Vân trong tiết mục "Cô đôi thượng ngàn" của hội Tết Bắc Ninh tại Little Saigon
Hình 4: Các em nhỏ trong trang phục truyền thống tại hội Tết Bắc Ninh năm 2018
<!>

Tối mùng Một Tết, lướt qua các đài ti-vi, tôi bắt gặp một chương trình văn hóa về quan họ . Thoạt tiên, tôi nghĩ là một chương trình trong nước, nhưng xem kỹ mới biết là buổi tọa đàm văn hóa do đài "Hồn Việt TV" tổ chức với ban Văn nghệ Hội đồng hương Bắc Ninh Nam California. Ngoài bà hội trưởng đã lớn tuổi, còn có mấy "liền anh", "liền chị" cỡ tuổi trung niên. Họ giới thiệu về các nét đặc trưng của quan họ như quần áo, kỹ thuật hát ("vang, rền, nền, nảy"). Họ giúp phân biệt giữa "chơi quan họ" với "hát quan họ": một đằng là chỉ có hai bên hát đối nhau mà không có khán giả, một đằng là có khán giả. Họ còn trình diển một số bài hát quan họ theo điệu cò lả, hay hát ru con,...mà không cần nhạc cụ hỗ trợ.

Thật là những điều lạ lẫm vì trước nay tôi rất ít hiểu biết và không phải là một 'fan" của hát quan họ, nhưng cách trình bày hấp dẫn và nhiệt tình đã lôi cuốn tôi xem hết chương trình. Tôi không hề nghĩ là ở nước Mỹ này lại tồn tại một hội giữ lại đặc trưng văn hóa chuyên biệt của một địa phương như Bắc Ninh. Điều ngạc nhiên hơn nữa là những người có vẻ hoài cổ và đi ngược thời gian này lại truyền được niềm đam mê của họ đến thế hệ con cháu, những đứa trẻ lớn lên trong văn hóa nhạc rock, rap. Em Emily Nhã Vân, mới 16 tuổi đã có thể trình diễn "Cô đôi thượng ngàn" rất khó theo kiểu chầu văn , kết hợp với gõ ly trong hội Tết Bắc Ninh tại Little Saigon.

Tôi thật sự rất khâm phục những con người này. Ngày cha ông họ lìa vùng Kinh Bắc vào Nam, họ chắc còn rất bé hay còn chưa chào đời. Lưu lạc xứ người, họ lại một lần nữa bị đứt mất cội rễ. Họ phải "cày bừa" kiếm cơm mỗi ngày, và quay cuồng trong cuộc sống công nghiệp. Trong trào lưu hội nhập toàn cầu, ngay trong nước, việc bảo tồn văn hóa dân tộc cũng là điều khó khăn, đừng nói gì đến hải ngoại! Chỉ có mối tình sâu đậm với quê hương giúp họ tìm đến bên nhau, và tìm cách bảo tồn báu vật của văn hóa ông cha - cũng chính là báu vật của văn hóa dân tộc, những làn điệu quan họ. Trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, kẻ "ngoại đạo" được có thêm hiểu biết và thưởng thức những vẻ đẹp của nghệ thuật quan họ, thật sự đã là một niềm vui. Xin cám ơn những người con của Bắc Ninh nơi xứ Mỹ!

'Linh rất thích "Liền anh" duy nhất trong nhóm hình như tên Bá Toàn. Anh nhìn phúc hậu, nói chuyện nhỏ nhẹ. dí dỏm và hát rất hay"

"Đúng là ngẫu nhiên ..Ai mà ngờ tình cờ lại biết được mấy người này! Phải nói chương trình họ rất đặc sắc, và ở xứ người mà còn giữ được văn hóa xưa như vầy thì quá là bái phục! Mình thì cùng lắm là dạy chút Việt ngữ. Với lại văn hóa Gia Đình thì không biết có gì đặc biệt để mà bảo tồn không!!!!!!???"

Kính chúc các bác và chúc tất cả các liền anh liền chị luôn an vui!

Lan Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét