Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

Mỹ và Trung Quốc, ai sẽ nhanh tay vớt được chiếc F-35C ở Biển Đông?


Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson. Ảnh: Military.com
Hải quân Mỹ đang cố gắng lấy lại chiếc F-35C bị rơi xuống Biển Đông trước khi Trung Quốc làm như thế. Là một quốc gia rất lão luyện về hành vi ăn cắp công nghệ, Trung Quốc đã khiến Mỹ ăn ngủ không yên nếu chiếc máy bay tàng hình thế hệ mới, một trong những “con át chủ bài chiến tranh” của Mỹ không được thu hồi sớm. Nhân danh tinh thần “yêu nước với bất cứ giá nào”, Trung Quốc không bao giờ bỏ qua cơ hội bằng vàng này.
<!>

Lần thứ ba vất vả vì F-35 rơi!

Hải quân Mỹ đang cố gắng thu hồi chiếc máy bay chiến đấu tiên tiến nhất trị giá $100 triệu bị tai nạn tại Biển Đông nhưng đây là một hoạt động cực kỳ phức tạp mà các nhà phân tích cho rằng đang bị Bắc Kinh theo dõi chặt chẽ, để nếu có thể sẽ “thay” Mỹ làm việc này!

F-35C, máy bay chiến đấu một động cơ tàng hình và là máy bay phản lực mới nhất của lực lượng Hải quân Mỹ được đưa vào biên chế tác chiến từ 2019 khi hạ cánh xuống Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson trong một hoạt động định kỳ hôm Thứ Hai đã va vào sàn đáp của Hàng không mẫu hạm 100,000 tấn và rơi xuống biển. Phi công bung dù an toàn nhưng bị thương cùng sáu thủy thủ trên tàu. Vinson chỉ thiệt hại nhẹ lớp vỏ ngoài nên vẫn hoạt động bình thường.

Việc đáp và hạ cánh trên tàu sân bay cũng thế. Nhưng tai nạn đã đặt Hải quân Mỹ trước một nhiệm vụ khó khăn chưa từng có: Làm sao thu hồi nhanh chiếc F-35 khỏi đáy một vùng biển tranh chấp nhất hành tinh mà Trung Quốc đang chiếm ưu thế với binh đoàn tàu đông đúc các loại.

Cũng giống như chiếc trực thăng tàng hình của đặc nhiệm Mỹ rơi tại khu nhà trùm khủng bố Bin Laden lẩn trốn trong chiến dịch truy bắt y, chiếc F-35C bị rơi cũng lọt vào tầm ngắm của Trung Quốc, một bậc thầy về ăn cắp công nghệ. Hải quân Mỹ chỉ cung cấp thông tin ít ỏi về kế hoạch trục vớt chiếc F-35C. Phát ngôn viên của Hạm đội 7, Trung úy Nicholas Lingo, nói: “Hải quân đang tiến hành các hoạt động thu hồi chiếc F-35C sau tai nạn trên tàu USS Carl Vinson”.

Đây là lần thứ ba một chiếc máy bay F-35 bị rơi khiến một quốc gia sở hữu nó phải vất vả trục vớt từ biển sâu. Tháng Mười Một năm ngoái, một chiếc F-35B của Anh bị rơi khi cất cánh từ Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth xuống Biển Địa Trung Hải. Đến đầu Tháng Một, Bộ Quốc phòng Anh xác nhận máy bay đã được trục vớt vào Tháng Mười Hai trong sự lo ngại có thể nó là mục tiêu của tình báo Nga.

Khi một chiếc F-35A của Nhật Bản rơi xuống Thái Bình Dương vào năm 2019, nhiều người cũng tin rằng tình báo Nga và Trung Quốc rất quan tâm đến nó. Nhưng do chiếc máy bay vỡ vụn tại độ sâu quá sâu nên Nhật Bản chỉ thu hồi được các mảnh vỡ nhỏ. Trong vụ tai nạn ở Địa Trung Hải và vụ vừa xảy ra ở Biển Đông, máy bay không bay nhanh và nước không sâu nên các mảnh vỡ sẽ lớn hơn và nhiều hơn.


Chiến đấu cơ F-35C tối tân của Hoa Kỳ. Ảnh: Military.com
Cơ hội cho Trung Quốc?

Dù Hải quân Mỹ không tiết lộ nơi xảy ra vụ tai nạn ở Biển Đông để giữ bí mật, nhưng Bắc Kinh từng tuyên bố gần như toàn bộ 3.3 triệu km vuông Biển Đông là lãnh thổ của mình và đã củng cố tuyên bố này bằng cách xây dựng và quân sự hóa các rạn san hô và đảo ở đó. Vì vậy, Bắc Kinh tự giành cho mình quyền làm chủ tất cả những tài sản có trong vùng biển tranh chấp này. Các tàu hải quân và tuần duyên Trung Quốc hiện diện thường xuyên ở đây.

Mỹ thách thức yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc và sử dụng các hoạt động như chiến dịch mà Vinson đang tiến hành để cổ suý cho một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Hiện chưa có bình luận chính thức nào của phía Trung Quốc về vụ việc, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng chỉ trích dẫn truyền thông nước ngoài. Nhưng các nhà phân tích khẳng định Trung Quốc gần như chắc chắn không bỏ qua “cơ hội bằng vàng” này và sẽ theo dõi sát sao quá trình thu hồi chiếc F-35C tại Biển Đông.

Carl Schuster, cựu Thuyền trưởng Hải quân Mỹ và cựu Giám đốc hoạt động tại Trung tâm Tình báo Liên hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii, nhận định: “Trung Quốc sẽ tích cực xác định vị trí chiếc máy bay rơi bằng tàu ngầm và những tàu lặn sâu của nó. Có khả năng nó sẽ đưa ra yêu sách về ‘độc quyền trục vớt’ dựa trên tuyên bố lãnh thổ đơn phương ở Biển Đông, nêu lý do thu dọn các thiết bị quân sự có hại cho môi trường”.

Tuy nhiên, Collin Koh, hiện làm việc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết. “Nếu Trung Quốc công khai làm như thế sẽ có những rủi ro chính trị tiềm ẩn và làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng với Mỹ. Vì vậy, tôi không tin Bắc Kinh sẽ đi theo cách này mà chỉ có thể nghe ngóng, âm thầm phát hiện vị trí máy bay rơi, theo dõi hoạt động cứu hộ của Mỹ để nếu có thể, lén lút lấy đi một số phần của chiếc máy bay!”.

Trước những nguy cơ từ phía Trung Quốc, Schuster cho biết Hải quân Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện ở khu vực nơi máy bay rơi cho đến khi vớt được nó. Thời gian có thể kéo dài nhiều tháng, tùy thuộc vào độ sâu của F-35C dưới Biển Đông, nơi có nhiều vùng nước cạn chỉ hơn 12-15 mét. Các tàu cứu hộ của Mỹ cần từ 10 đến 15 ngày mới đến được địa điểm trục vớt và quá trình thu hồi có thể mất tới 120 ngày.

Khi được hỏi liệu Mỹ có thể phá hủy chiếc máy bay bằng ngư lôi hay chất nổ, các nhà phân tích cho rằng điều đó khó xảy ra “vì bất cứ cái gì rơi ra từ chiếc máy bay cũng đều quí giá về mặt vật liệu, kể cả những tấm kính cường lực và vỏ máy bay”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét