Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

Một thời của những tên cướp cạn - TTNH


Chợ trời trên đại lộ Lê Lợi. Sài Gòn 1979. Ảnh: Redsvn
Sau 1975, chồng đi tù cải tạo, không còn lương, tôi không thể nằm chờ sung rụng từ sự tiếp tế dài hạn của cha mẹ ruột khi tuổi cha mẹ đã già, lại còn gánh thêm nhà chồng của mình, tôi mon men ra chợ trời kiếm sống. Trên con hẻm chợ Bàn Cờ, cách nhà tôi độ hai mươi phút đạp xe đạp, nơi tập trung nhiều gian hàng hầu hết bán ly, tách, chén, dĩa… v.v… Cũng như bao người, tôi trải tấm nylon trước hiên nhà của người nào đó rồi bày hàng ra bán. Hàng ban đầu từ đồ gia dụng trong nhà, coi những gì không cần thiết đem ra bán hết. 
<!>
Khách hàng hầu hết là những bộ đội, cán bộ hay người ngoài Bắc vào Nam tham quan mua mang về. Ngoài đó thiếu thốn mọi bề, nên bất kể cái gì cũng bán được, kể cả chén mẻ!  Ngày đầu tôi chở hai giỏ chén, dĩa… ra chợ. Bán được vài hôm, có người đem hàng tới chào tôi mua, lúc thì chục chén, lúc thì chục cái ly, khi thì vài cái rổ rá, khay, mâm… tôi mua rồi bán lại cho người khác để kiếm lời, vô hình trung nghề dạy nghề, tôi… ngự luôn tại đó trở thành dân chuyên nghiệp chợ trời. Lai rai vậy cũng vui và vui nhất là kiếm được vài đồng tiền chợ đắp đổi qua ngày. 

Thời gian không lâu, buôn bán phát triển, tôi đến tận nhà những người thân quen lùng thêm hàng hóa. Hàng càng lúc càng nhiều, chở tới chở lui không nổi, vừa vất vả, vừa dễ bị bể nên tôi tìm nhà người quen ngay đường Cao Thắng gần đó chiều tối gởi nhờ trước khi về nhà rồi sáng hôm sau ra nhận lại đem bán. Dân miền Nam lúc đó cùng hoàn cảnh như nhau nên thông cảm giúp đỡ nhau.

Tôi bán như thế, dễ chừng đã hơn nửa năm. Tự lực được nên lòng tôi vui, an tâm từ đây không phiền đến cha mẹ nữa. Thế nhưng, cuộc đời không luôn như mình muốn, nhất là sống dưới chế độ cộng sản, rất bấp bênh, giai đoạn mà chính sách nhà nước thay đổi xoèn xoẹt, vừa khắc nghiệt vừa quái đản không ai lường nổi.

Hôm đó, nhân sinh nhật Hồ Chí Minh, ngoài đường mọi nhà treo cờ san sát đến nỗi không thấy phố, không thấy nhà, chỉ thấy đỏ rực một màu cờ máu. Nhà nước còn muốn làm sạch đường phố, nên ra sắc lịnh càn quét mọi gian hàng chợ trời, tịch thu tất cả hàng hóa của dân. Đám thanh niên với băng tay đỏ cùng tên công an súng ống gườm sẵn túa ra, lùa hết mọi người cùng hàng hóa về ban quản lý chợ.


 Tác giả thời buôn chợ trời. Ảnh tác giả gửi
Tôi không ngoại lệ. Nghĩ mình không làm gì sai trái, tôi… ngoan ngoãn theo họ lập biên bản kê khai hết… tài sản để họ chuyển về phường tôi giải quyết.

Hôm ra phường tại địa phương, tôi cầm theo tờ báo “Giải Phóng“ của họ, bày ra trước mặt tên trưởng phòng thương nghiệp, rồi nói:

– Ông xem, hàng của tôi không nằm trong quốc cấm. Tờ báo viết rành rành ra đây, nhà nước chỉ cấm buôn bán:

1- Vũ khí.
2- Ma túy.
3- Hóa chất thuốc men.
4- Kim loại, vòng vàng.
5- Vải vóc.
Còn tôi bán chén đĩa ly tách… đồ gia dụng trong nhà, tại sao lại bị tịch thu?

Tên trưởng phòng ngửa người dựa vào ghế khật khà, bình thản, làm như rất hiểu chuyện, không có gì quan trọng xảy ra:

– Chính xác. Hàng của cô không bị tịch thu.
– Thế thì, xin ông hoàn trả lại cho tôi.
– Hoàn trả lại?… Gã nhíu mày, tưng tửng nhìn tôi, nói:
– Trả lại, để rồi cô tiếp tục bán tiếp à?

Tôi thản nhiên:
– Tôi không dùng nữa thì bán chứ sao.
– Cô có biết buôn bán là trái với qui định chính sách nhà nước không? Là“bóp nghẹt kinh tế quốc doanh”, là “người bóc lột người” không?
– Ô hay, buôn bán có thương lượng đàng hoàng, ai bóc lột được ai? Có mỗi cái gian hàng vỉa hè mà nhà nước … sợ đến bóp nghẹt được kinh tế nhà nước sao?

Gã không trả lời tôi, gã nhìn chăm chăm vào mặt tôi, chậm rãi… phán:
– Hàng cô không bị tịch thu, nhưng bị thu mua!
– Tại sao?
– Vì tội cô bán chợ trời!

Biết chúng lật lọng, bày trò ăn cướp. “Thu mua” với “tịch thu” đối với xã hội cộng sản đồng nghĩa như nhau. Chỉ khác cách nói, cách dùng chữ. Tôi bắt đầu nóng mặt:
– Không, tôi không bán… chợ trời. Tôi bán… chợ đất. Rõ ràng tôi ngồi bán dưới đất!
Gã lườm và nhìn tôi từ đầu xuống chân, soi mói.

Từ sau 1975, nhiều phụ nữ miền Nam thay đổi cách ăn mặc, cất hay lôi ra bán hết những chiếc áo dài, những bộ đầm, giày dép, quần tây sang trọng, thay vào những bộ đồ lùi xùi lèn xèn che dấu thân phận… giàu sang để khỏi bị để ý và cho… hợp thời trang lúc bấy giờ. Những chiếc áo dài hồi đó bị kết tội “tư sản”. Hai tà áo dài thừa thãi là tội đồ phung phí tài sản nhà nước, đi ngược lại chính sách vô sản chuyên chính mà cộng sản chủ trương.

Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ, bán vẫn có người mua, đa số người mua lại là dân miền Bắc! Xã hội lúc đó làm như kéo cái giàu của dân miền Nam xuống và nâng đời sống miền Bắc lên sao cho ngang nhau, hay nói cho rõ ra cùng nghèo đói như nhau mới xứng với câu “san bằng xã hội”. Riêng tôi, sau 1975, tuy gia đình sa sút (cả nước chứ chẳng riêng nhà tôi) nhưng tôi có cái suy nghĩ riêng, vẫn giữ phong cách phụ nữ miền Nam, không để mình thê thảm bệ rạc cần cộng sản vào… giải phóng mình. Do vậy, dù đi bán chợ trời, tôi vẫn mặc quần jean, áo Pull (áo thun có hàng chữ tiếng Anh trước ngực) mắt đeo kiếng cận thị, đầu đội nón lưỡi trai, bộ dáng của một cô sinh viên “tiểu thư“ đi học, và ngay khi tới phường, tôi vẫn mặc như thế. Gã trưởng phòng “ngắm” tôi xong, hỏi:

– Chắc cô là sinh viên trường luật?
Đang bực mình vì hai chữ “thu mua” đồng nghĩa với mất trắng, vì rõ ràng biết bao người hàng hóa từng bị… thu mua mà nhà nước có trả tiền đâu, tôi cay cú:

– Không, tôi mù chữ! Đang theo đuổi lớp bình dân học vụ buổi tối!
Biết nói chuyện với tôi chỉ bằng thừa, gã kết thúc câu chuyện:
– Thôi nhé, hàng của cô không bị tịch thu, chỉ bị thu mua thôi.
Tôi nhìn gã:
– Nếu mua thì xin ông trả tiền!
Gã mở tròn mắt:
– Hàng chưa bán được lấy tiền đâu trả cho cô?
– Nếu thế thì bán cho tôi, tôi mua!

Gã lắc đầu:
– Tôi không cãi với cô nữa. Cô về đi, một tuần sau, hàng bán xong sẽ trả tiền cho cô.
Biết có nói thêm cũng vô ích, tôi thất vọng ra về, lòng buồn hiu hắt. Bao nhiêu “tài sản” vốn cũng như lời gây dựng bấy lâu nằm hết vào số hàng hóa đó, coi như bao công trình mồ hôi nước mắt của mình đều nuôi béo bọn cướp cạn.

Tôi thất thểu bước ra cổng, dắt xe đạp, đạp về nhà. Nắng Sài Gòn hôm đó rực sáng soi rõ con đường dài mênh mông trước mặt mà sao tôi thấy tôi như đi vào ngõ cụt, tương lai mịt mờ. Thành phần “ngụy quân, ngụy quyền” như tôi, muốn có một đời sống lương thiện cũng không thực hiện nổi trong chế độ, xã hội này. Buôn bán cũng cấm, xin một chân thư ký hay công nhân quèn cũng không ai dám nhận.

Cái lý lịch “vợ ngụy” đen thui, như bản án tử hình treo trước ngực chờ ngày hành quyết, giết dần mòn đời tôi. Họ chỉ muốn đuổi tôi đi vùng kinh tế mới, nơi vùng sâu, vùng xa, rừng sâu nước độc. Trời ạ, tôi vốn “liễu yếu đào tơ” quen cầm bút hơn cầm cuốc, bắt tôi cuốc đất, thì năng suất cuốc được bao nhiêu đất trong ngày, hay mắc công khiêng tôi vô nhà thương khi tôi bị xỉu?! Tôi buông tiếng thở dài, lững thững đạp xe loanh quanh, vô hồn, không định hướng. Tôi chưa muốn về nhà, dù nhà gần đó. Tôi thẫn thờ đạp mãi, đạp mãi không biết đi đâu, về đâu, cho đến lúc tôi đâm xầm vào một người băng qua đường. Cả hai lăn cù, tôi mới trở về thực tại.

Một tuần sau tôi trở lại theo lời hứa hẹn của ông ta. Gã gặp lại tôi, cười giả lả:
– Vẫn chưa bán được cô. Hẹn cô một tuần sau nữa nhé.

Về nhà, tôi lại nằm, chờ… sung rụng từ sự tiếp tế của ba tôi. Thời gian dài lê thê, không biết làm gì hơn ngoài sự theo đuổi lời hứa cuội của gã trưởng phòng thương nghiệp phường. Hết tuần này, gã lại hẹn tuần khác. Bao người bị thu mua như tôi, không còn thời gian theo đuổi đành bỏ cuộc, còn tôi, rảnh mà, tôi theo đuổi cho tới cùng.


 Sài Gòn 1979. Ảnh: Redsvn

Một ngày, tôi trở lại theo lời hẹn của gã, cũng chỉ nhận những lời hứa cuội, tôi lại thất thểu ra về. Hôm đó, vừa ra khỏi cổng, tôi bắt gặp một cô gái ngang tầm tuổi tôi bước vào. Tôi vội hỏi:
– Chào chị, chị cũng bị tịch thu hàng hóa như tôi hả?
Cô gái ngạc nhiên, lắc đầu:
– Không, tôi là công nhân viên, tôi sắp lập gia đình nên cơ quan cấp cho tôi một danh sách cho phép mua một số đồ gia dụng theo giá nhà nước.

Tôi tần ngần một lát, rồi lên tiếng:
– Chị có thể cho tôi đọc danh sách chị được phép mua những gì không?

Biết mình tọc mạch tò mò một cách đường đột quá bất lịch sự, tôi giải thích mọi nỗi cho cô gái hiểu hoàn cảnh tôi đến đây. Cô gái vốn dân miền Nam hiểu ra, dễ thông cảm với tôi, rồi tự động lấy trong túi xách một tấm giấy nhỏ liệt kê toàn bộ hàng cô được mua, nào mùng mền, chăn, gối, ly, tách, chén, đĩa, đũa, muỗng, dao kéo, nồi niêu..v.v.. Tôi mừng rơn, nhắc cô gái:
– Chị vào nhớ hỏi, những bát chén dĩa ly tách… chị được mua là đồ kiểu hay đồ sành nhé. Họ tịch thu của tôi và nhiều bạn hàng khác toàn đồ kiểu đấy.

Cô gái gật đầu, bước vào phòng gặp gã trưởng phòng, cô hỏi y chang những lời tôi dặn. Gã ta ngửa người dựa ra sau ghế, cười hỉ hả:
– Nhà nước làm gì có đồ kiểu mà bán cho cô. Chỉ đồ sành thôi!

Gã không ngờ, tôi đang lấp ló ngoài cửa. Vừa nghe gã nói xong, tôi bước ngay vào phòng, đứng trước mặt gã, nghiêm mặt nói:
– Ông tịch thu đồ của tôi toàn đồ kiểu, nay có người mua, sao ông không bán để trả tiền cho tôi?

Biết gặp thứ… dữ (mà tôi cũng “dữ” thật, con giun xéo quá cũng quằn thôi mà!), gã hạ giọng:
– Thôi cô về đi, ngày mốt cô trở lại, tôi trả tiền cho cô.

Để không bị gạt gẫm, hứa trăng hứa cuội như bao lần rồi quịt, tôi yêu cầu gã viết giấy ghi đúng nội dung gã vừa nói ra. Để yên chuyện, gã làm theo yêu cầu của tôi, và trước mặt gã, tôi còn xin cô gái cho tôi biết tên tuổi và địa chỉ nhà cô nữa. Nắm sẵn các chứng tích, tôi mới an tâm ra về.

Đúng hai ngày sau, tôi trở lại. Lần này, thấy tôi đến, gã không nói lời nào với tôi mà gọi nhân viên ra làm việc với tôi. Tên nhân viên như đã chuẩn bị sẵn từ bao giờ, có lịnh, hắn mang tờ giấy ghi chú toàn bộ hàng mà tôi bị tịch thu cùng giá cả từng món ghi bên cạnh đưa tôi đọc qua rồi trao cho gã trưởng phòng ký duyệt. Số tiền trả cho tôi, theo định giá của họ chỉ còn 150 đồng trong khi vốn của tôi mua vào hơn 500 (giá trị tiền tệ lúc đó, lương bác sĩ 100 đồng, cán bộ công nhân viên 65, và công nhân lao động chỉ 30 đồng).

Trời ạ, ông Trời thấu chăng, ai bóc lột ai? Trên thế gian này, có chính sách quái gở nào (chắc chỉ có từ bọn cộng sản Việt Nam) người mua có quyền định giá trả cho người bán?! Quyền hành nằm trong tay kẻ cướp “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” rất đúng trong trường hợp của tôi. Không còn cách nào khác, tôi đành ký nhận, dù gì có vẫn hơn không!

Tôi cầm tiền ra về, sực nhớ còn năm cái giỏ chứa hàng hóa của tôi, giỏ nào cũng tốt và giá trị, tôi lại trở vô, gặp gã trưởng phòng, nói:
– Ông thu mua ly tách, chén dĩa… Còn năm cái giỏ chứa, xin ông trả lại tôi.

Gã không trả lời trực tiếp với tôi, quay vào trong, nói với vô:
– Anh em nào lấy năm cái giỏ trả cho cổ.

Có tiếng hỏi vói ra.
– Màu gì thưa anh?

Tôi vội đáp thay:
– Ba cái màu xanh dương, hai cái màu đỏ.
– Không thấy giỏ nào có màu đó hết.

Bấy giờ, gã trưởng phòng mới nói với tôi:
– Cô vào trong kho, lấy năm cái giỏ khác thay thế.

Được lịnh, tôi bước vào trong. Mắt tôi hoa lên, chao ôi, không biết cơ man nào là giỏ không, nằm la liệt chồng chất cả một góc phòng. Những giỏ này chắc chắn là của những người bị tịch thu hàng hóa như tôi. Tội nghiệp dân tôi, những kẻ thấp cổ bé miệng, biết kêu ca vào đâu, đồng tiền kiếm đã khó khăn còn bị cướp ngày cướp đêm hoành hành, kêu Trời sao thấu?!

Tôi chọn năm giỏ ưng ý rồi bước ra ngoài, chìa cho gã trưởng phòng thấy rồi lẳng lặng ra về. Tôi khinh bỉ gã ra mặt, nguýt mắt đi, không một lời chào gã. Tôi lầm thầm trong đầu, đúng là “Những Tên Cướp Cạn” đội lốt chính quyền!

Cuối cùng, không thể sống và không còn con đường sống trong chế độ cộng sản khắc nghiệt, man rợ trên chính quê hương mình, bằng mọi cách, tôi tìm đường ra đi.
Nơi xứ người, oái ăm thay, dù khác chủng tộc, màu da, tiếng nói, nhưng với tấm lòng nhân hậu và chính sách nhân bản, họ đã mở rộng vòng tay đón nhận và cưu mang tôi, cho tôi hít thở không khí tự do với một cuộc sống bình yên, được sống đời tôi muốn sống, thoải mái từ vật chất lẫn tinh thần, và tôi đã nhận nơi này làm quê hương thứ hai với niềm tri ân vô bờ bến trong tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét