Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2022

Hôm qua – Hôm nay – Hôm sau - KD


Lời giới thiệu: Để tưởng niệm một tiếng hát đã không còn bay nữa “trên hàng phố bâng khuâng”; còn chăng trong ký ức đẹp đẽ về một thời Sài Gòn tình tự. Tiếng hát ấy, Lệ Thu, “đã về bên kia phương trời miên viễn chiêm bao” vào một ngày giữa tháng Giêng năm 2021, Trẻ đăng lại bài viết của Cổ Ngư viết sau khi Lệ Thu vừa mất với những cảm xúc bàng hoàng của tác giả. Hôm qua, thời 5-10 tuổi, tôi thấy bố loay hoay bên máy cassette mới tậu. Ông để máy thật sát TV, đợi người dẫn chương trình giới thiệu xong bài hát, vội nhấn cùng lúc vào hai nút REC và PLAY, một đỏ, một trắng. Bài hát phát ra từ truyền hình được thu âm thẳng vào chiếc cassette đang quay từ từ. Bố đợi hết bài hát, bấm nhẹ vào nút PLAY, tức thì nút REC bật lên một tiếng «tách», cassette ngừng, bài hát đã thu xong. Cứ thế, ông thu, nghe, xoá những bài không ưng ý, lại thu, lại nghe, lại xoá. 
<!>
Giữa những tiếng lách tách của nút REC, nút PLAY thu cả vào băng cassette, là các tiếng hát đương thời lừng lẫy của Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Hà Thanh, Anh Ngọc, Duy Trác, Sĩ Phú… thỉnh thoảng bị đủ loại tạp âm, từ tiếng chó sủa, gà gáy, con nít hàng xóm khóc cười đến tiếng kéo ghế, rồ xe, rao hàng, gọi cửa… chen vào phá rối. Và có những lúc khoái trí, bố nói một mình, cho cả nhà cùng nghe : «Ai cũng hát ‘Ngậm ngùi’, nhưng thấm nhất, vẫn là Lệ Thu» !

Hôm qua, thời 10-15 tuổi, đôi lần, tôi thoáng thấy Lệ Thu, như bao phụ nữ bình thường khác, lái honda ra, vào khu chung cư gần nhà, khi mẹ sai đi mua lạng giò, cân chả ở tiệm Minh Hương, hay tô hoành thánh của Hải Ký Mì Gia bên kia đường. Thời thế đổi dời, trên sân khấu lộ thiên dựng góc Nguyễn Văn Giai-Ðinh Tiên Hoàng, nơi trước kia là bãi đổ rác của cả khu phố, lần đầu tiên trong đời, tôi thấy trước mắt Lệ Thu bằng xương bằng thịt cất giọng: «Từ thành phố này, Người đã ra đi…» Vẫn tiếng hát ấy, khoan hoà, trầm dịu, đã thay đổi hẳn diện mạo của một bài hát từng bị nhét sâu vào đầu mọi người bằng tiếng loa phóng thanh ra rả mỗi ngày bên tai. Một lần, đọc báo, thấy nhắc chuyện Lệ Thu gây được tiếng vang lớn tại thủ đô Hà Nội. Giữa lòng Thăng Long nghìn năm văn vật, với «Hà Nội niềm tin và hy vọng», «Dạ khúc / Sérénade», tiếng hát êm ấm, dạt dào cảm xúc ấy đã khuấy động tâm tư của những con người từ bao năm nay vốn quen tai với các âm thanh sắc, lạnh, nhọn vút. Một bài hát đẹp, qua lăng kính của tiếng hát Lệ Thu, vụt trở nên lộng lẫy.

Hôm qua, thời 15-20 tuổi, gần như mỗi cuối tuần, tôi đều đạp xe từ Ðakao đến Phú Nhuận thăm ông bà ngoại. Bà vẫn thường lệ đi chùa, đọc kinh, niệm Phật, nấu chè, thổi xôi, thoa dầu Nhị Thiên Ðường. Ông nằm một chỗ, sau lần trượt chân ngã trong nhà tắm và bị tai biến mạch máu não. Từ một người trước kia vốn rất năng động, thích ra Long Hải câu cá, thường xuyên theo dõi tình hình thế giới qua truyền thanh, truyền hình trong và ngoài nước, đặt mua dài hạn các tạp chí Time, Newsweek, Life, Chính Luận… bây giờ, ông nằm nghiêng một bên trên giường, thần trí vẫn tỉnh táo, nhưng không điều khiển được chân bước, tai vẫn nghe rõ mồn một nhưng tay không vói được nút radio xoay vặn tìm đài, mắt loà hẳn, nhìn mặt người thân còn mờ mịt, nói gì đến chuyện đọc chữ, xem ảnh. 

Tôi ngồi đọc báo ngày, báo tuần cho ông nghe, viết lại những gì ông nghĩ, nhớ trong đầu rồi phát thành lời để hoàn thành quyển gia phả của dòng họ, và, buổi chiều, loay hoay với chiếc radio kềnh càng đặt sát bên tai ông, xoay nút từng chút một, rà cho trúng đài BBC hay VOA để ông nghe tin tức. Lẫn vào những tạp âm nhiễu ríu rít lấn át cả giọng người, tệ hại gấp nhiều lần thời bố thu cassette nhạc qua TV, tôi lặng nghe Khánh Ly hát «Sài Gòn, niềm nhớ không tên» hay mê mẩn cùng «Tóc mây» với giọng thơ trẻ nhưng vững vàng của Thái Hiền. Cũng ở đó, qua cuộc phỏng vấn của Lê Văn, Lệ Thu kể về chuyến vượt biển thành công của hai mẹ con, về những kỷ niệm cười ra nước mắt khi cùng hai ca sĩ Thanh Lan và Hoạ Mi thăm thú phố phường Hà Nội trong chuyến lưu diễn của đoàn kịch Kim Cương. Và Lệ Thu hát, vẫn tiếng hát ấy, trầm, rền, mượt, ấm, vượt qua tạp âm, vượt qua không gian, đến được với người còn ở lại quê hương.


Cố danh ca Lệ Thu lúc chưa đầy 20 tuổi.

Hôm qua, thời 20-25 tuổi, lúc rảnh rỗi trong ngày, tôi hay chạy sang nhà ông bà nội. Từ Gia Ðịnh, qua Ðakao, dọn ra Hàng Xanh, cuối cùng lại dời về Ðakao, căn nhà gỗ tiền chế ông bà thuê ở cùng con đường, chỉ cách nhà tôi khoảng năm phút đi bộ, và cũng độ chừng ấy phút để đến nhà bác C., chị của bố và bác M., anh của bố. Bà ngẩn ngơ đã vài năm, ngồi yên một chỗ. Ông lúc nào cũng có việc để làm, không lúi húi với hòn non bộ, bể cá vàng ngoài sân, hồ cá cảnh trong nhà, cái hoa cái lá, cũng cẩn thận lau chùi mấy món đồ cổ hay bày bộ ấm trà tàu gan gà với chén tống chén quân ra khề khà cùng con cháu, kể chuyện ngày xưa sang tận Tàu buôn hàng gốm sứ. Dù ở cùng một con đường, nhưng nhà tôi mặt tiền, khô không khốc, nhà ông bà thuê chỉ thụt sâu vào chưa đến năm mươi thước, vậy mà mát bóng cây và yên tĩnh như giữa một vùng quê xa nào đó. Ðấy là một trong nhiều lý do để tôi chạy qua, chạy về: tôi thèm khoảng xanh, thèm được trồng một cái cây thẳng xuống đất, không phải bó bí trong chậu nhựa hay bệ xi-măng, thèm được mở bọc lăng quăng gọi cá đến ăn, thèm được vạch tán lá ngọc lan, mãng cầu, cà-ri rậm rạp, tìm bắt những con sâu nhỏ, đem về bỏ vào lọ thuỷ tinh nuôi lớn từng ngày, để cuối cùng, sau thời hoá nhộng, nở ra bọn bướm xanh lá cây, xanh da trời, đen đốm đỏ khoanh trắng. Vậy đó, trong mảnh vườn nhỏ bên hông nhà ông bà, một lần đang lúi húi cột tỉa bụi trạng nguyên vừa đỏ hoa tháng Chạp, tôi ngẩn người nhận ra giọng Lệ Thu. «Ave Maria». Từ đâu không rõ, chương trình radio thu lại hay cassette hải ngoại theo các thùng quà ở ngoại quốc tuồn về, nhưng tiếng hát ấy, bài hát ấy vang lên vào những ngày cận Giáng Sinh, như một lời nhắn gọi thiêng liêng cho những ai còn le lói chút niềm tin giữa thời kỳ đen tối mịt mù của đất nước.

Hôm qua, thời 25-30 tuổi, sau hơn mười năm không gặp, chúng tôi có dịp ngồi lại bên nhau, ở một thành phố Bắc Mỹ. Những đứa trẻ khu Ðakao đã lớn, nhưng khoảng cách một thập niên với hai lối hấp thụ kiến thức trường lớp và trường đời khác nhau, không nhiều thì ít, cũng đã uốn nắn chúng tôi thành những thanh niên, tráng niên có cái nhìn và cách xử thế khác nhau trước cuộc sống. Chỉ có tiếng hát Lệ Thu là vẫn thế, và vẫn là những bài hát của nhiều năm trước, được khán thính giả yêu cầu hát lại. Lệ Thu đứng trên sân khấu, trong ánh đèn màu, cũng ít nhiều có khác với Lệ Thu trong TV đen trắng của băng tần số 9 năm xưa, hay Lệ Thu của sàn rạp lộ thiên dạo nọ. Bạn, nhà đối diện với chung cư của người ca sĩ, có nhận họ nhận hàng, nhận đồng hương, láng giềng cũ? Tôi, nhìn quanh, tự hỏi: giữa những kẻ đang đứng ngồi, ăn uống, tán gẫu hay đong đưa trên sàn nhảy của buổi dạ vũ này, có bao nhiêu người đang thật sự trải lòng ra nghe tiếng hát ấy?

Hôm qua, thời 30-40 tuổi, tôi tiếp tục nghe, xem Lệ Thu hát. Không múa diễn, không luyến láy, không cường điệu phô trương kỹ thuật, tiếng hát, như hơi thở, như lời tâm tình, cứ thế tuôn chảy, dào dạt, miên man. Kỹ thuật hiện đại đã thay đĩa than, đĩa nhựa, băng cối AKAI hay cassette SONY, PHILIPS bằng CD, thay video VHS bằng DVD, Blu-ray Disc, người nghe, người xem ngày càng dễ dàng tiếp cận với các mặt hàng có chất lượng hình ảnh, âm thanh cực tốt. Như nhiều người yêu nhạc, tôi mua sản phẩm gốc của các trung tâm, và chắc chắn, phải có các CD với tiếng hát Lệ Thu. Lệ Thu hát nhạc Việt, Lệ Thu hát nhạc bán cổ điển Âu châu lời Việt, Lệ Thu hát một mình hay song ca với Khánh Ly, trên nền hoà âm của Văn Phụng, Lê Văn Thiện, Duy Cường… Bao nhiêu băng, đĩa để chất, chứa cho vừa cả một đời ca hát?

Cố danh ca Lệ Thu trong một buổi trình diễn.

Hôm qua, thời 40-45 tuổi, chúng tôi rủ nhau tổ chức một chương trình nhạc thính phòng, một dương cầm, một tây ban cầm, một đại hồ cầm, một tiếng hát: Lệ Thu. Paris, chiều hôm ấy, chưa bao giờ chúng tôi được nghe Lệ Thu hát gần như thế, hát nhiều như thế. Bố mẹ tôi, anh em tôi, vợ con tôi, bạn bè tôi, trước-sau-trên-dưới sân khấu, đã cùng nghe và cùng hát với Lệ Thu. Bố mẹ, nhất là bố, chắc hẳn rất hài lòng với «Ngậm ngùi» không tạp âm của một khuôn dáng, một tiếng hát hiện diện trong không gian thật, với một khoảng cách chỉ vài mươi thước giữa sân khấu và hàng ghế khán thính giả. Con trai của chúng tôi, đang thời 5-10 tuổi, chạy quanh khán phòng, không biết có lưu lại chút gì trong ký ức nó những năm sau này về tiếng hát nỉ non của những tình nhân ấy không?

Hôm qua, thời 55-60 tuổi, tôi đón những bông tuyết đầu tiên của tháng Giêng cùng lúc với cái tin Lệ Thu vừa qua đời. Trời xám, nặng, bít bùng. Không phải «Nước mắt mùa thu khóc ai trong chiều…» mà là những giọt đông trắng lạnh lả tả bay từ khi trưa vừa ửng. Trái tim đã ngưng đập, nhưng tiếng hát không tắt lịm, trái lại, còn truyền, lan mạnh hơn bao giờ hết trong cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới. Trong một ngày, tôi nhận, đọc gần một trăm tin nhắn, e-mail, bài viết, hình ảnh, bản nhạc… tất cả đều hướng đến cùng một cái tên: Lệ Thu.

Hôm nay, vẫn thời 55-60 tuổi, tôi nhìn xuống: những vạt tuyết cuối cùng đã tan lẫn vào bãi cỏ sau nhà. Tôi nhìn lên: mây nõn lênh đênh trên nền xanh biếc, những nụ mộc lan, anh đào đang căng phồng nơi góc vườn, nao nức chờ ngày bung nở. Một người bạn gửi cho nghe «Tuổi xưa quê nhà», nhạc ngoại quốc, lời Việt của Phạm Duy, Lệ Thu trình bày. Lần đầu tiên nghe giai điệu lạ lùng của bài hát. Lần đầu tiên nghe tiếng hát Lệ Thu với tiết tấu nhanh, với một âm vực khác thường. Lại thêm một khám phá về tiếng hát đã «già» non nửa thế kỷ !

Hôm sau, thời 60-70 tuổi hay lâu hơn nữa, nếu còn có thể, tôi vẫn sẽ nghe Lệ Thu. Khi nào còn người yêu nhạc Việt, của những Ðoàn Chuẩn, Phạm Duy, Vũ Thành, Phạm Ðình Chương, Cung Tiến, Tuấn Khanh, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Trường Sa, Ngô Thuỵ Miên, Vũ Ðức Sao Biển, Trần Quảng Nam… tôi đoan chắc, khi ấy, tiếng hát Lệ Thu sẽ còn tiếp tục cất lên ở một nơi nào đó, trên quả địa cầu này.


Mời thưởng thức Ánh Đèn Màu do Lệ Thu trình bày

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét