Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 31 tháng 1, 2022

7 LỐI SỐNG Mà Chúng Ta Nhất Định Phải Thay Đổi Sau Dịch Bệnh - NPN


Một trận dịch bệnh giúp chúng ta hiểu rõ tầm quan trọng của sức khỏe, sự đáng quý của bình an. Tiền tài không mua được sinh mạng, lợi ích không đổi lại được sức khỏe. Tài sản lớn nhất của đời người là được sống, hạnh phúc lớn nhất của đời người là bình an. Muốn khỏe mạnh, vui vẻ và bình an bạn nhất định phải thay đổi 7 lối sống dưới đây sau dịch bệnh: 1Ngủ, 2Ăn, 3Sạch sẽ, 4Siêng năng, 5Bình thản, 6Thỏa lòng, 7Tiết kiệm.
<!>
1. Đừng thức khuya, hãy ngủ sớm

Làm việc khi trời sáng, nghỉ ngơi khi chiều tà. Đảm bảo ngủ đủ giấc mới là điều quan trọng nhất. Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng: "Nếu ai đó thường xuyên thức khuya, hệ miễn dịch sẽ bị giảm sút trầm trọng".

Covid-19 chưa có thuốc đặc trị, thứ duy nhất mà chúng ta sở hữu để đối đầu với nó đó chính là hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch tốt may ra còn có thể chống đỡ được, hệ miễn dịch kém sẽ rất khó đương đầu.

Hệ miễn dịch là sức cạnh tranh lớn nhất của mỗi người. Do vậy chúng ta phải ngủ đủ giấc, ít nhất là 7-8 tiếng mỗi ngày mới đảm bảo có được hệ miễn dịch tối ưu.

Công việc thực sự không thể quan trọng bằng sức khỏe, do vậy không nên thức khuya bởi cơ thể khỏe mạnh mới là duy nhất.

2. Không kén ăn, nên ăn tạp một chút

Trong "Hoàng đế nội kinh" có viết: Ngũ cốc vi dưỡng, ngũ quả vi trợ, ngũ súc vi ích, ngũ thái vi sung, khí vị hợp nhi phục chi, dĩ bổ ích tinh khí". Ngũ cốc là thực phẩm cung cấp dinh dưỡng, hoa quả là thực phẩm hỗ trợ, gia cầm và gia súc là thực phẩm bồi bổ, rau củ là thực phẩm bổ sung, con người hấp thụ khí, vị của các món ăn đó sẽ bổ ích tinh khí cho cơ thể.

Virus corona có nguy cơ đe dọa lớn nhất tới những người già mắc các bệnh mãn tính như: tiểu đường, cao huyết áp…

Do vậy, ăn một chút thức ăn thô, chất xơ hoặc một chút rau củ quả có thể giúp phòng tránh các bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp.

Rất nhiều người kén ăn, chỉ ăn những loại thức ăn nhất định sẽ rất dễ xuất hiện các vấn đề về sức khỏe. Do vậy, các bữa ăn hàng ngày phải được phối hợp cân bằng, ăn cả đồ chay lẫn đồ mặn và ăn thêm cả thức ăn thô, chất xơ…

Không kén ăn, không chuyên ăn những thức ăn nhất định. Chua, ngọt, đắng, cay, mặn, nóng, lạnh, ấm, nguội mỗi thứ đều phải ăn một chút mới có thể đảm bảo cân bằng sức khỏe.

3. Không lôi thôi, bừa bộn, hãy chăm chỉ quét dọn

Lần dịch bệnh này, khiến nhiều người có thói quen dọn dẹp, khử trùng nhà cửa. Nhà ở sạch sẽ, ngăn nắp không chỉ giúp tinh thần khoan khoái còn có tác dụng bảo vệ sức khỏe.

Rất nhiều bệnh tật là bởi môi trường sống không trong sạch gây nên. Bởi vậy, nhà ở phải thường xuyên quét dọn, khử trùng, đổi làn gió mới tránh vi khuẩn sinh sôi nảy nở.

Rác thải sinh hoạt cần phải được dọn đổ kịp thời, giữ môi trường sống trong sạch, chỉ ngắm nhìn thôi cũng thấy thoải mái rồi.

4. Đừng quá lười, hãy chăm vận động một chút

Nước chảy liên tục thì không bị thối, trục cửa quay thường xuyên thì không bị mọt. Con người nếu vận động đều thì gân cốt dẻo dai. Phải thường xuyên vận động mới có thể duy trì được sức sống. Đồng thời vận động còn là cách nâng cao hệ miễn dịch một cách trực tiếp nhất.

Những người làm văn phòng đừng ngồi lì trong văn phòng cả ngày. Bởi nếu ngồi qua lâu khiến cơ thể trơ lì, không có sức sống.

Hãy luôn nhớ phải vận động, đừng để tình trạng trẻ kiếm tiền, già dưỡng bệnh, bởi như vậy thật không đáng.

Ngoài ra, không cần phải vận động quá mạnh, ngoài giờ làm việc chỉ cần dạo bộ, kết hợp với lao động chân tay nhẹ nhàng, rất có lợi cho sức khỏe cả về thể xác lẫn tinh thần.

5. Không suy nghĩ quá nhiều, hãy mở rộng tâm hồn

Kể từ khi có dịch covid-19, nhiều người phải cách ly tại nhà, quả thực không hề dễ chịu chút nào.

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số người hay suy nghĩ tưởng tượng linh tinh. Lúc nào cũng nghĩ người mình nóng sốt, một ngày đo nhiệt độ cơ thể không biết bao nhiêu lần. Rõ ràng chẳng có vấn đề gì mà vẫn cứ lo ngay ngáy.

Bởi vậy, ngoài cơ thể khỏe mạnh chúng ta còn phải giữ tinh thần khỏe mạnh. Bởi 90% bệnh tật trên cơ thể người đều có liên quan tới tâm lý, cảm xúc.

Một khi tâm lý gặp phải vấn đề nghiêm trọng sẽ dễ gây ra các bệnh về sinh lý. Hãy mở rộng lòng mình, tránh đa nghi, đối mặt với cuộc sống bằng một tâm thái bình thản và điềm nhiên nhất có thể.

Tâm hồn rộng mở, mọi việc đều nhìn nhận thoáng một chút thì cuộc sống mới bớt âu lo. Tránh tạo áp lực tinh thần, bởi đó là vũ khí mãn tính thầm lặng mang tên tử thần dễ đoạt mạng sống con người nhất.

6. Đừng tham lam, mọi thứ "đủ" là được

Tiền tài không mua được sinh mệnh, lợi ích không đổi được sức khỏe. Một trận dịch bệnh, khiến chúng ta hiểu rằng, danh lợi dù nhiều đến mấy cũng đều vô dụng.

Một khi gục ngã, mọi thứ coi như xong. Do vậy, sống ở đời phải biết chừng biết mực, biết đủ và biết dừng. Đừng đòi hỏi quá nhiều và cũng đừng tham lam vô độ. Tiền đủ tiêu là được.

Cơ thể khỏe mạnh không tai không tật, cả đời bình an mới là hạnh phúc lớn nhất của mỗi người. Do vậy, mọi thứ đừng ham muốn quá nhiều. Luôn biết điểm dừng và tự thỏa mãn với những gì mình có mới là điều quan trọng nhất.

7. Đừng hoang phí, phải tiết kiệm

Nhiều người bị cách ly ở nhà nhiều ngày, không có tiền lương, mọi sinh hoạt phí đứng trước nguy cơ mất nguồn cung. Tuy lo lắng bất an nhưng lại không còn cách nào khác.

Khi sự cố ập đến, nếu như trong tay có chút tiền tiết kiệm mọi thứ sẽ được an toàn hơn. Người xưa thường dạy chúng ta phải tiết kiệm, nhiều người lại cho rằng đó là thói quen lỗi thời. Nhưng khi gặp nguy nan mới biết rằng, tiền tiết kiệm mới là mốc đánh dấu năng lực chống lại rủi ro của mỗi người, dòng tiền quyết định sinh tồn của mỗi doanh nghiệp.

Đừng để thói quen mua sắm thả phanh mê hoặc, thao túng bản thân. Trong cuộc sống tương lai tuyệt đối đừng hoang phí, làm được đồng nào tiêu hết đồng đó, nhất định phải dành dụm tiết kiệm. Tiết kiệm tiền đồng nghĩa với việc vun vén thêm "cảm giác an toàn" cho bản thân.

Hạnh phúc, sức khỏe và niềm vui trong cuộc sống này phải được tích lũy từng chút một, vun đắp từ những điều đơn giản và nhỏ nhặt nhất. Hãy nhớ rằng, vui thêm một tý, khỏe thêm một tý để sống lâu thêm một tý.

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét