Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

Vũng Liêm: Quê Tôi - VĨNH LIÊM


Tượng đài Đốc binh Lê Cẩn và Nguyễn Giao tại ngã ba An Nhơn ở thị trấn Vũng Liêm - Năm 1978 tôi có đọc cái truyện ngắn của Chàng Phi, trong truyện có nhắc tới một nhân vật quê ở Vũng Liêm. Vì thời gian đã trôi qua gần 19 năm nên tôi không còn nhớ cốt truyện cũng như tên của nhân vật đó, nhưng tôi vẫn còn nhớ địa danh Vũng Liêm, vì Vũng Liêm là quê tôi, nơi tôi đã chôn nhau cắt rún. Nhắc đến Vũng Liêm là nhắc đến những kỷ niệm thân thương, đẹp cũng như xấu, vui lẫn buồn, hạnh phúc lẫn khổ đau. Tôi được chào đời ở Vũng Liêm và lớn lên ở Vũng Liêm. Nhưng tôi lại không biết gì nhiều về Vũng Liêm, nhất là cái tên của nó.
<!>
Đa số độc giả hỏi tôi về gốc gác: có liên hệ gì với Hoàng tộc hay không? Tôi trả lời rằng: Tôi thì không, nhưng Ông Nội tôi thì có thể có. Cái tên của tôi có thể gây ngộ nhận, nhưng Ông Nội tôi thì không. Bởi vì Ông từ ngoài Huế vào, còn tôi sinh trưởng ở Vũng Liêm. Bà Nội tôi hình như cũng sinh trưởng ở Vũng Liêm (?). Sở dĩ tôi đặt câu hỏi là vì tôi không được nghe Bà nhắc tới nguồn gốc của Bà. Nhưng tôi biết chắc quê Bà ở Vĩnh Long vì thân tộc của Bà trải dài từ Long Hồ cho tới Vũng Liêm. Ngày tang của Bà, năm 1960, tôi thấy có trên năm trăm thân nhân của Bà về phúng điếu. Họ truyền miệng với nhau, người nào nhận được tin sớm thì về kịp, còn không nhận được tin sớm thì về muộn. Cả tháng sau vẫn còn có thân nhân lai rai về phúng điếu. Còn thân nhân bên Ông Nội ở ngoài Trung thì đến cả mấy tháng sau mới vào.

Mỗi lần nhắc đến Bà Nội làm tôi không khỏi xúc động. Bà là một hình ảnh tuyệt vời trong trí nhớ của tôi. Từ lúc lọt lòng Mẹ cho tới năm chót bậc Tiểu Học, tôi ở bên cạnh Bà, đêm nào cũng được ngủ cùng giường với Bà. Điều đó cũng dễ hiểu vì tôi là cháu đích tôn nên được Bà cưng chìu nhất nhà. Lúc bấy giờ chỉ có Bà mới có giường nệm. Tôi được ngủ giường nệm vì là cháu đích tôn.
Thuở tôi còn bé, mới biết đọc và biết viết, đêm nào trước khi đi ngủ tôi cũng lãnh phần đọc thơ và truyện cho Bà nghe. Bà thích nhất là truyện tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Điều đó cũng dễ hiểu, vì Ông Hồ Biểu Chánh đã có một thời giữ chức Quận Trưởng ở Vũng Liêm và đa số các cốt truyện của Ông đều được xây dựng ở Vũng Liêm. Bù lại, Bà kể cho tôi nghe các mẩu chuyện đời xưa đã xảy ra ở Vũng Liêm. Nhưng tánh tôi lơ đãng nên không chú tâm ghi nhớ. Bây giờ muốn tìm hiểu về Vũng Liêm thì không còn cơ hội nữa!

Bà Nội đã qua đời 37 năm rồi. Những điều Bà kể cho tôi nghe cũng đã trên 45 năm thì làm sao tôi có thể nhớ hết từng chi tiết được! Vả chăng những điều Bà kể có thể là truyền thuyết, chưa được kiểm chứng. Học giả Huỳnh Minh có viết về các thắng cảnh Vĩnh Long nhưng tôi chưa có dịp đọc qua nên không biết có phải Vũng Liêm là một trong các thắng cảnh của Vĩnh Long hay không? Có điều tôi biết chắc chắn rằng Vũng Liêm là một “địa linh nhân kiệt”. Và, Vũng Liêm còn là đất “văn nghệ” nữa. Bằng chứng là một số trong các vị tiên phong của ngành Cổ nhạc-Cải lương đã xuất phát từ Vũng Liêm (1). Ngoài sở trường làm chính trị ra, dường như đa số dân Vũng Liêm đều có máu văn nghệ: ca hát, hò, làm thơ, v.v...

Ba tôi cũng sính văn nghệ lắm! Ông biết xử dụng hai loại đờn: Kìm và Cò. Ông còn khuyến khích tôi học đờn cổ nhạc. Vì vậy, nhà tôi có nuôi hai ông thầy dạy đờn: một ông dạy đờn ghi-ta, còn một ông dạy đờn tranh. Lúc tôi lên 8, 9 tuổi, Ba tôi rước Thầy Tí (quê Trà Vinh) về dạy đờn ghi-ta cho tôi. Nhưng tôi không có chí học đờn nên không nối được “nghiệp” cha. Rồi Ba tôi lại rước Thầy Ba, bạn của Ba tôi ở Quới Thiện, về dạy đờn tranh cho tôi. Thế rồi tôi cũng trả lại hết bài bản cho thầy!
Cạnh nhà tôi có chị Hai Hữu, đã trên ba mươi tuổi rồi mà chị vẫn còn độc thân. Chị có nhan sắc và lại có học. Thời đó, con gái học tới lớp Ba là đã giỏi rồi. Nhưng chị lại mang mặc cảm, có lẽ vì con mắt trái bị hư – do cành cây đâm thủng mà chữa trị không đúng thầy nên mang tật suốt đời. Chị có tật thì lại có tài. Cái tài của chị thuộc vào hạng siêu đẳng, nếu so sánh trong giới bình dân ở trong quận Vũng Liêm. Chị Hữu có giọng hò thật ngọt và thuộc hàng trăm câu hò đối đáp. Đám thanh niên trong quận đều phải chào thua chị. Chị còn có tài nữ công gia chánh nữa. Chị làm bánh đủ loại, mà loại nào cũng khéo và ngon cả. Có lẽ vì thế mà chị kén chồng chăng?

Bây giờ trở lại “sự tích” Vũng Liêm. Theo Bà Nội kể lại thì ngày xưa (không rõ vào năm nào) Vũng Liêm có tên là Vũng Linh. Vũng là một khoảnh đất trũng có nước đọng lại, nhỏ và cạn hơn hồ và ao. Còn Linh là linh thiêng, linh hiển. Tục truyền rằng lúc Nguyễn Ánh thất thế bị nhà Tây Sơn đuổi bắt nên phải chạy vào trong Nam lánh nạn; đồng thời chiêu dụ binh mã để chờ dịp phản công. Khi dừng chân lại tại vùng đất Vũng Liêm ngày nay (lúc bấy giờ chưa có tên), Ngài thấy địa thế thật là lý tưởng cho việc phòng ngự nên mới ra lệnh cho binh sĩ đào một cái ao dài độ năm trăm thước (theo phỏng đoán của tôi) và bề ngang rộng khoảng một trăm thước. Chung quanh ao có cắm cọc cau và tre vạc nhọn, mà người thời bấy giờ gọi là giao thông hào hay là chiến lũy của Gia Long. Nhưng quân của Tây Sơn không đuổi theo để gây chiến với tàn quân Nguyễn Ánh nữa, có lẽ vì đường xá quá xa xôi lại hiểm trở. Tàn quân Nguyễn Ánh dừng lại ở đó một thời gian thì bị quân Khờ-Me (dân địa phương quen gọi họ là người Thổ) tấn công. Trận chiến diễn ra giữa hai bên thật là khốc liệt. Cả hai bên đều bị tổn thất khá nặng nề, máu đào lai láng. Giao thông hào của Nguyễn Ánh là mồ chôn xác giặc. Sau khi tàn quân Khờ-Me rút đi, quân của Nguyễn Ánh cũng kéo đi nơi khác. Thời gian trôi qua, người Việt từ “miền ngoài” (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định...) kéo vào đây định cư, lập thành làng xã. Dân địa phương đồn rằng: hàng năm cứ đến rằm tháng Bảy, vào lúc giữa đêm khuya canh vắng thì nghe có tiếng chiêng, trống, cùng tiếng hò hét trổi vang lên nơi chiến lũy như thể hai bên đang giao chiến với nhau vậy. Không biết Bà Nội tôi có đến nơi để mục kích hay không, nhưng Bà kể một cách say sưa, đầy thích thú.

Chiến lũy nằm về hướng Đông quận lỵ Vũng Liêm, cách chợ khoảng năm trăm thước. Trong mùa học, ngày nào tôi cũng phải đi ngang “chiến lũy” ấy để đến trường và về nhà. Lớp học vỡ lòng đầu tiên của tôi tọa lạc cạnh chiến lũy nên ngày nào cũng được nhìn thấy nó. Nhưng chiến lũy ấy không còn hình dạng giống như Nội tôi kể, mà bấy giờ nó đã hoàn toàn thay hình đổi dạng mất rồi. Cái vũng đã cạn hẳn. Mặt vũng đã cao gần bằng mặt ruộng, cỏ nọc rậm rạp. Chỉ còn quanh bờ vũng là những giồng đất nhô cao với hàng cây dại mọc đầy. Quang cảnh thật là u tịch. Tôi không thấy có vết tích nào của chiến tranh. Bây giờ tôi thắc mắc tự hỏi tại sao người xưa lại đổi Vũng Linh thành Vũng Liêm, và Vũng Liêm có ý nghiã gì? May ra Bà Nội tôi có thể biết, nhưng Bà đâu còn nữa! Cụ Hồ Biểu Chánh cũng đã ra người thiên cổ rồi! Tôi xin dành phần trả lời cho nhà văn Hứa Hoành trong cuốn sách mới nhất của Ông đang viết về Vĩnh Long. (Ghi chú của Vĩnh Liêm năm 2018: Nhà văn Hứa Hoành đã qua đời, không nhớ năm).

Từ ngày bước chân vào quân ngũ, tôi rất ít có dịp về thăm lại Vũng Liêm. Năm 1967, sau cuộc “đấu tố” Ba tôi có con làm việc cho “Mỹ-Ngụy” (tức ám chỉ tôi) và riêng Ông “có nợ máu với nhân dân” (vì Ông là một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, có thành tích chống Pháp và Việt Minh, làm việc trong Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia của TT Ngô Đình Diệm...), gia đình tôi đã phải bỏ lại tất cả mồ mả tổ tiên, ruộng vườn cùng tài sản để chạy thoát lên tỉnh lỵ tránh nạn. May mà Ba tôi đã vượt được ngục trước ngày lãnh án tử hình. Ba Má tôi âm thầm giao hết ruộng vườn cho Cậu Sáu tôi trông nom giùm. Năm 1972, tôi từ Cần Thơ về Vũng Liêm thăm Cậu Sáu. Không ngờ chuyến viếng thăm của tôi lại đưa đến cái chết đầy thê thảm cho Cậu! Bọn tình báo Cộng sản nằm vùng ở Quận báo cáo rằng Cậu tôi liên lạc với Xi-Ai-Ê (CIA) – tức ám chỉ liên lạc với tôi – nên bắt Cậu đem đi xử bắn. Tôi có ba người Cậu đều bị chết vì tay giặc: Cậu Năm bị Pháp bắn chết, Cậu Tám bị tử thương ngoài mặt trận, và Cậu Sáu bị Việt Cộng xử tử! Gia đình Ngoại tôi không còn đứa con trai nào để nối dõi tông đường! Bà Ngoại tôi cũng bị đạn của Việt Cộng gây tử thương năm 1966! Cho tới giờ phút này tôi không quên được hình ảnh đầy thê thảm của gia đình Ngoại tôi.
Chiến tranh đã mang lại những hình ảnh đầy đau thương mà con người bình thường không thể nào tưởng tượng nổi. Tôi đã mất đi những người yêu qúi nhất trong đời. Ngày tôi đi thăm Bà Ngoại đang nằm ở nhà thương Chợ Rẫy, tôi biết thế nào Ngoại cũng không qua khỏi bàn tay tử thần. Bà chỉ còn chờ ngày trút hơi thở cuối cùng vì các bác sĩ đều lắc đầu bó tay. Tôi khuyên Má tôi nên đem Ngoại về Vĩnh Long để còn kịp mai táng cho Bà. Tôi đành gạt nước mắt từ giã Bà với nỗi lòng đầy uất hận.

Vũng Liêm - cái tên nửa quê mùa, nửa thanh lịch đã có công đầu đưa Vũng Liêm vào văn học sử qua các tác phẩm của Cụ Hồ Biểu Chánh. Những người mê truyện của Hồ Biểu Chánh đều không quên địa danh Vũng Liêm.
Khách phương xa tới Vũng Liêm không thể không thưởng thức món nem Vũng Liêm. Và ngay cả những khách đi ngang ngả ba Vũng Liêm đều không quên mua nem Vũng Liêm để dằn bụng dọc đường hoặc đem về làm quà cho thân nhân. Nem Vũng Liêm nổi tiếng ngon không thua gì nem Thủ Đức và nem Lái Thiêu. Chiếc nem nhỏ nhắn dễ thương, vuông vức chừng hai lóng tay, rất vừa cho những chiếc miệng xinh xinh. Bởi thế, phái nữ ưa thích nem Vũng Liêm là vậy. Nem ngon nhất phải kể là nem của cụ Hai Sừng. Cụ là người Việt gốc Hoa đã hai đời sinh sống ở Vũng Liêm. Các con cháu của Cụ đều hoàn toàn trở thành người Việt, học tiếng Việt và nói tiếng Việt. Chính Cụ đi chọn mua lá vông tươi về làm nem. Lá vông phải còn non, nhưng không được quá non, và cũng không được quá già. Non quá thì khi bốc nem ra, lá sẽ bị nát hết. Còn già quá thì lá dai cứng, ăn không ngon. Nghệ thuật làm nem cũng lắm công phu. Cụ có hai đứa cháu nội học cùng lớp Ba với tôi nên tôi có dịp đến nhà quan sát cách làm nem của Cụ. Và Cụ cũng thường hay tới nhà tôi để mua lá vông.

Ngoài món nem độc đáo ấy ra, Vũng Liêm còn có các món ăn chơi khác như: bánh bột lọc, bánh canh giò heo, bánh bò, bánh lọt, bánh bao, bánh da lợn, bánh tráng, bánh phồng, bánh cốm, bánh tét, bánh lá tre, bánh cống, xôi vị, xôi nếp, xôi nếp than, xôi vò, xôi bắp, chè đậu xanh, chè đậu đỏ, chè đậu hủ, chè thưng, bắp nướng, chuối ngào, chuối chưn, chuối ép, nước mía, hủ tiếu, mì, bún ốc, v.v... Phụ nữ Vũng Liêm giỏi về gia chánh nên nấu món nào cũng tuyệt. Những năm học Tiểu học ở Vũng Liêm là thời kỳ ăn quà vặt vàng son của tôi. Sáng ăn quà, trưa ăn quà, chiều cũng ăn quà! Thức ăn ngon, tinh khiết mà giá lại rẻ!
Về trái cây thì có đủ loại như: mít, ổi, xoài, mận, điều, đào, lôm chôm, sa-kê, mảng cầu, măng cụt, bưởi, dừa, chuối, cóc, lê-cu-ma, sa-bô-chê, v.v... Đất Vũng Liêm thuộc loại đất cát nên rất thích hợp cho trái cây. Vì vậy, trái cây Vũng Liêm còn để “xuất cảng” lên Sài-Gòn nũa, chứ không riêng gì tỉnh lỵ Vĩnh Long.
Các loại dưa Vũng Liêm cũng được tiếng là dưa ngon nhất Miền Tây. Ngoài các loại dưa ăn hàng ngày như dưa leo, dưa chuột ra, hàng năm vào mùa Tết là dưa hấu Vũng Liêm tràn ngập cả chợ, và còn đem bán tận Sài-Gòn nữa.
Vũng Liêm cũng sản xuất chuối không thua gì Cái Mơn, Măng Thít. Mà chuối nào cũng ngọt đậm đà! Chuối cao và chuối già hương được ưa chuộng nhất.
Gạo Vũng Liêm thì khỏi chê. Gạo nàng hương là loại gạo qúi phái nhất. Tôi đã có dịp đi Thái Lan, Phi Luật Tân, Cao Miên là ba nước sản xuất gạo nhiều nhất ở Á Châu, thế mà gạo ngon nhất của cả ba nước nầy đều không thể sánh kịp gạo Nàng Hương của Vũng Liêm! Nói đến gạo thì phải nhắc đến nếp. Vũng Liêm cũng là vùng sản xuất nếp ngon nhất. Ngoài xôi nếp ra, nếp còn giã làm cốm (gọi là cốm dẹp) và nấu rượu nếp than. Rượu nếp than rất bổ, dành cho những người đau yếu mới vừa khỏi và những sản phụ. Cốm dẹp ăn lúc nào cũng được, vừa thơm lại vừa béo, không bị đầy bụng.

Nhắc đến Vũng Liêm là phải nhắc đến cá. Vũng Liêm là đất lành nên có đủ loại cá. Địa thế Vũng Liêm nằm giữa hai lằn ranh: nước ngọt và nước mặn. Mùa nước mặn từ tháng Giêng cho đến hết tháng Ba. Nước biển từ cửa Ba Động chảy vào theo cơn gió chướng, qua Minh Đức rồi tới Vũng Liêm là hết. Nước hơi lơ lớ mặn chứ không mặn gắt như ở Minh Đức. Cá biển cũng theo nước mặn mà ngao du đến Vũng Liêm, nhất là hai loại cá lẹp và cá cháy. Cá lẹp mình dẹp xương đầy mình, ăn cũng ngọt nhưng không ngon bằng cá cháy. Cá cháy mình tròn hơn, không có xương vụn, chỉ có bộ xương chính là xương sống mà thôi. Đặc biệt thịt cá cháy có thể nấu đủ kiểu, nhưng không cần cầu kỳ. Nấu cách nào cũng ngon. Người không sành nấu ăn cũng nấu được. Vào thời điểm cuối thập niên 50, một cân cá cháy đổi một kí thịt bò. Thế mới biết cá cháy được yêu chuộng tới bực nào. Vì vậy, cá cháy chỉ dành để bán cho giới nhà giàu ở tỉnh thành hoặc đô thành mà thôi. Nhưng tới giữa thập niên 60 thì hình bóng cá cháy không còn thấy xuất hiện ở Vũng Liêm nữa. Cá cháy đã bị tuyệt giống!

Ai ở Vũng Liêm vào thập niên 50 ít nhứt cũng có nghe tiếng cá cháy, nếu chưa có dịp thưởng thức hương vị của nó. Nhân đây cũng xin nói thêm về điểm độc đáo của cá cháy: cá chỉ ăn toàn bọt biển và rong biển mà thôi, tuyệt nhiên không ăn tạp như những loại cá khác. Vì vậy, thịt cá cháy rất hiền và lại bổ. Hình dạng cá cháy từa tựa như cá mè nhưng to hơn, vải màu trắng. Cá to nhất nặng khoảng 2 kí rưỡi. Cá cái có hai trứng, mỗi trứng to bằng cườm tay, nếu cá lớn. Cá cái to và thịt béo hơn cá đực. Vì vậy, cá cái bán mắc hơn cá đực. Trứng cá béo vừa phải, bùi, thơm và ngọt. Trứng cá caviare không thể sánh kịp.
Dân Vũng Liêm cũng ưa thích thể thao, nhất là bóng tròn, bóng chuyền, điền kinh, nhảy bao bố, trèo cột mỡ, đua xuồng (thuyền), đẩy cây, kéo dây, v.v... Ngày Tết hoặc các ngày lễ lớn đều có tổ chức thi đua thể thao vô cùng hào hứng.
Nhưng đặc biệt hơn hết, người dân Vũng Liêm rất yêu thích văn nghệ: hát bội, cải lương, vọng cổ, hò... Vọng cổ là môn giải trí lành mạnh bắt buộc phải có trong các đám tiệc như: cưới hỏi, đám giỗ, đám ma, Tết... Khách đến dự đám thường thì ở lại ban đêm để nghe hoặc tham dự vào chương trình ca hát. Nếu có nhiều kép nhiều đào thì chương trình văn nghệ có thể kéo dài luôn tới sáng.
Còn ngoài đồng áng (nhổ mạ, cấy lúa, gặt lúa, đập lúa, giăng câu...), khi chèo xuồng hay làm việc dưới sông thì màn hò đối đáp hoặc hò lơ một mình rất thịnh hành. Trai thanh gái lịch đều phải học hò để thi đua với nhau, nhất là tán đào. Chàng trai nào không biết hò thì quê một cục, các cô không thèm để ý tới, cho dù chàng ta có đẹp trai như kép Thành Được thì cũng bị ế như thường.

Vũng Liêm được tiếng là nơi sản xuất nhiều người yêu nước chống thực dân Pháp, có đầu óc canh tân và gan dạ; đồng thời Vũng Liêm cũng sản suất những tên vô lại hại đời. Yêu nước với tâm hồn sáng suốt thì có lợi cho đất nước; bằng ngược lại, yêu nước một cách mù quáng thì hại nước hại người. Không cần phải đợi đến 50 năm sau mới luận công tội của tập đoàn Cộng sản Hà Nội, mà ngay bây giờ chúng ta cũng có đủ bằng chứng để luận tội chúng. Miền Bắc sau 21 năm dưới chế độ Cộng sản đã tệ hại như thế nào, ai cũng đã quá rõ và ngay cả những tên chóp bu của chế độ cũng đã thấy rõ những sự sai lầm của họ. Rồi thêm 21 năm nữa áp đặt lên toàn đất nước Việt Nam rập khuôn theo kiểu mẫu Sô-Viết, xã hội càng thêm băng hoại và rách nát. Võ Văn Kiệt phải chịu một phần trách nhiệm vì y là thủ tướng của cái chế độ tàn độc ấy.
Võ Văn Kiệt gốc ở xã Trung Hiếu (dân địa phương gọi là Mai-Phốp), quận Vũng Liêm, thuộc gia đình nông dân. Y đi theo Việt Minh rồi được tập kết ra Bắc và sau đó được kết nạp vào đảng Cộng sản. Chắc chắn Võ Văn Kiệt phải đạt được nhiều “thành tích” mới được kết nạp vào đảng. Mà thành tích hiển hách nhất của y là thành tích “bần cố nông” và triệt hạ hết những người đã cùng chiến tuyến với y trong 9 năm kháng chiến chống Pháp. Điều này có thể kiểm chứng được qua nhà văn Xuân Vũ, người đã biết rõ quá nhiều về các nhân vật Cộng sản, nhất là cái mặt trái của chúng.

Tôi không lấy làm hãnh diện cho Vũng Liêm có một “thủ tướng của cái gọi là”, ngược lại tôi cảm thấy hổ thẹn cho Vũng Liêm đã sản xuất ra một tên tàn hại cả nước. Những sự “cải tổ” hay “cởi trói” của Cộng sản chỉ gạt được những người ngu ngơ không hiểu biết gì về Cộng sản, chứ còn những nạn nhân của Cộng sản (người tị nạn ở hải ngoại cũng như người ở lại trong nước) thì không thể nào trơ trẽn mở miệng khen chúng có thật tâm, vì chúng đâu có tâm để mà thật! Tất cả đều vì sự sinh tồn của chế độ nên chúng buộc lòng phải “cởi trói”. Chúng ta cũng nên tìm hiểu ý nghĩa của chữ “cởi trói” thì mới hiểu tường tận thâm ý của Cộng sản, có nghĩa là “cởi” ra rồi “trói” lại, chứ không phải cho “cởi” luôn đâu!
Vũng Liêm quê tôi có những cái thân thương mà cũng có những cái đáng ghét như vừa kể. Hai cuộc chiến tranh vừa qua đã cướp đi mất những cái thân thương nhất của tôi. Bây giờ Vũng Liêm không còn là Vũng Liêm của thời tôi mới lớn. Những cảnh thơ mộng không còn nữa! Những lễ nghi truyền thống không còn được giữ gìn. Những sinh hoạt hội hè, đình đám đều hoàn toàn thay đổi. Tánh tình người dân Vũng Liêm cũng đã đổi thay, không còn những sự thân ái mầu nhiệm như xưa. Tôi chỉ còn lại Vũng Liêm trong quá khứ, một quá khứ đầy hình ảnh thân yêu: trên kính dưới nhường, tấm lòng hải hà độ lượng.

Vũng Liêm quê tôi, có thể viết thành một quyển sách dày, nhưng tôi chỉ có khả năng viết được vài trang giấy ngắn vì đã xa cách quê hương trên bốn mươi năm. Trí nhớ kém cỏi của một đứa bé ngây thơ không đủ khả năng ôm ấp những hình ảnh và kỷ niệm quá lớn của quê hương. Ước gì tôi được sống lại một lần nữa của thuở thiếu thời để ghi khắc hết những hình ảnh và kỷ niệm thân thương ấy! Thời đó đâu còn nữa! Thân cây đã già cỗi, nhựa sống đã cạn dần. Nhưng Vũng Liêm vẫn là Vũng Liêm của quê tôi muôn thuở.
Ngày nào chế độ tàn độc không còn ngự trị trên quê hương yêu dấu, ngày đó tôi sẽ về để sống và chết với quê tôi. Sống để hít thở hương vị của ngày xa xưa; chết để trở về với lòng đất Mẹ. Dù sao lòng đất Mẹ vẫn ấm áp hơn đất của xứ người. Chính vì vậy mà người Việt Nam không muốn rời xa quê hương đất tổ của mình.

VĨNH LIÊM
(Đức Phố, đầu năm Đinh Sửu 1997)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét