Ngày 7 tháng 12 năm 1941, một ngày tưởng như mọi ngày nhưng không ai ngờ đã trở nên một ngày đau thương nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Cùng lúc với vầng thái dương rạng lên trên biểnThái Bình, hàng trăm khu trục cơ mang huy hiệu mặt trời của con cháu “Thái Dương thần nữ” ào ạt bay vào không phận quần đảo Hawaii (Hạ Uy Di) và liên tục đổ những trận bão lửa xuống Pearl Harbor (Trân Châu Cảng), biến một buổi sáng rất bình thường của hàng ngàn chiến sĩ Hoa Kỳ trở thành một buổi sáng tang thương nhất thế kỷ.
Khởi đầu lúc 8 giờ 10 phút, một quả bom 2 tấn của không quân xứ Phù Tang xuyên thủng boong tàu Arizona, đâm thẳng vào kho vũ khí. Con tàu nổ tung, chìm vào lòng biển, mang theo sinh mạng của hơn 1000 thủy thủ. Tiếp theo, chiến hạm USS Oklahoma trở thành nạn nhân thứ hai. Thủy lôi Nhật đã xuyên thủng sườn chiếc USS Oklahoma và nhận chìm tàu với một thủy thủ đoàn hơn 400 người.
Sau gần 2 giờ đồng hồ tung hoành như chỗ không người, đàn chim sắt của quân đội Nhật Hoàng bay đi để lại Trân Châu Cảng khói lửa ngút trời. Hơn 20 chiến hạm bị phá hủy, gần 3000 chiến sĩ Hải quân Hoa kỳ tử trận và hơn 1000 chiến sĩ bị thương.
Cuộc đột kích của Nhật làm nhiều người bàng hoàng không hiểu trong khi Hoa Kỳ vẫn đứng ngoài vòng Đệ nhị Thế chiến và không có hành động gây hấn nào thì tại sao Nhật lại có thể bất ngờ tấn công căn cứ Trân Châu Cảng một cách tàn bạo như vậy?
Trên thực tế, ngòi thuốc nổ của Nhật đã âm ỉ từ cuối thập niên 1930 vì giữa Hoa Kỳ và Nhật đã có một số bất đồng trước thái độ thiếu thân thiện của Nhật đối với Trung Hoa Dân Quốc (lúc này chưa rơi vào tay cộng sản). Các lãnh tụ Nhật tin rằng chỉ có bành trướng sang lãnh thổ của nước láng giềng mới là cách duy nhất cho họ giải quyết những vấn đề kinh tế và địa lý của Nhật bản. Dựa trên nhận định này, năm 1937 họ đã công khai tuyên chiến với Trung Hoa Dân Quốc. Cuộc tấn công Nam Kinh diễn ra vào cuối năm 1937 đã làm cho hàng trăm ngàn người Trung Hoa bị thảm sát và đây là một trong những cuộc thảm sát tàn bạo nhất của thế kỷ 20.
Mỹ can thiệp yếu ớt bằng phương thức cấm vận. Những hục hặc giữa Mỹ và Nhật trong thời gian chiến tranh Nhật-Trung tạo điều kiện cho phe Nhật bắt đầu nghĩ đến chuyện tấn công Hoa Kỳ. Thay vì chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh có thể xảy ra, giới chức cao cấp Mỹ luôn tự mãn khi cho rằng những bất đồng chính trị nhỏ không đủ sức châm ngòi nổ và Nhật sẽ không tấn công, nếu không muốn nói không đủ khả năng hay can đảm để tấn công. Suốt thời gian này, tình báo Mỹ vẫn tin thay vì tấn công Hawaii, Nhật sẽ tấn công các đảo thuộc địa của Âu châu trong vùng biển nam Thái Bình Dương như East Indies, Tân Gia Ba hay Nam Dương vì các quần đảo này gần với Nhật hơn trong khi Hạ Uy Di cách Nhật đến 4000 dặm. Chính vì dựa vào tin tức tình báo mà các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã không chú tâm phòng thủ Trân Châu Cảng trong khi lại đưa hầu hết hạm đội Thái Bình Dương và hàng trăm chiến đấu cơ về đậu tại đây. Dưới mắt các chiến lược gia Nhật bản, Trân Châu Cảng là một con mồi quá ngon không thể nào bỏ qua được.
Chính quyền Nhật quyết định phải tiêu diệt hạm đội Mỹ tại Trân Châu Cảng để bẻ cánh tay chiến lược có khả năng vươn dài trên Thái Bình Dương của Mỹ. Bẻ được cánh tay này, Nhật sẽ thừa thắng xông lên làm chủ cả Nam Thái Bình Dương. Trước viễn ảnh chiến thắng quá huy hoàng, Nhật Hoàng ra lệnh tấn công.
Trong khi Thế chiến thứ Hai nổ ra trên chiến trường châu Âu và châu Á, chính quyền Mỹ vẫn chủ trương không can thiệp và giữ thái độ "bình chân như vại". Biến cố Nhật tấn công Trân Châu Cảng ngày 7 tháng 12 năm 1941 đã gây ra một vết thương lớn cho người Mỹ, đánh thức con mãnh hổ Mỹ đang lim dim ngủ, đẩy Mỹ vào thế phải hành động.
Ngày 8 tháng 12 năm 1941, TT Franklin D. Roosevelt (đảng Dân chủ) triệu tập lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ mở cuộc họp khẩn cấp. Cùng ngày, Mỹ chính thức tuyên chiến với Nhật. 3 ngày sau, 2 đồng minh Đức và Ý của Nhật đồng loạt tuyên chiến với Mỹ. Mỹ tuyên chiến ngược lại, và cuộc chiến giữa các đại cường quốc trên thế giới bắt đầu tiến vào giai đoạn khốc liệt.
Rất may nước Mỹ lúc ấy chưa đến hồi mạt vận nên tuy cuộc đánh lén của Nhật đã tiêu hủy nhiều nhân lực, tài lực và một khối chiến cụ đáng kể nhưng tiềm năng quân sự của Mỹ tại Thái Bình Dương vẫn còn rất hùng hậu. Toàn bộ hàng không mẫu hạm của Mỹ vẫn tồn tại vì trong khi Trân Châu Cảng bị tấn công, các con tàu này vẫn còn di chuyển trên đại dương, chưa về đến bến. Những con tàu khổng lồ này chính là những vũ khí chiến lược giúp Mỹ một mặt ngăn quân thù đến gần hai bờ lục địa, một mặt mang sức mạnh chiến tranh đi khắp mọi nơi. Mặt khác, vì chỉ tập trung nhắm vào các chiến hạm nên Nhật đã bỏ sót các kho nhiên liệu, công xưởng và các ụ neo tiềm thủy đỉnh. Nhờ vậy nên Hải quân Mỹ phục hồi không mấy khó khăn.
Tưởng niệm biến cố Trân Châu Cảng cũng là dịp nhìn lại bối cảnh lịch sử Mỹ những năm trước Đệ nhị Thế chiến. Từ tháng 8 năm 1929 đến tháng 3 năm 1933, nước Mỹ đắm chìm trong cuộc Đại khủng hoảng kinh tế (The Great Depression) lớn nhất lịch sử. Tổng thống Mỹ trong thời kỳ này là ông Herbert Hoover, người của đảng Cộng Hòa. Cho dẫu ông có những cố gắng phục hồi kinh tế qua các công trình vĩ đại như xây dựng đập Hoover tại Nevada, cuộc Đại khủng hoảng đã làm cho ông mất ghế Tổng thống trong cuộc tái ứng cử năm 1932. Nhờ vận động tranh cử trên chiêu bài phục hồi, chấn hưng kinh tế, ông Franklin D. Roosevelt - người của đảng Dân chủ - đã chiến thắng một cách dễ dàng.
Cuộc Đại khủng hoảng không chỉ làm đảng Cộng Hòa mất tòa Bạch Ốc mà làm cho cả ngọn đồi Capitol rơi vào tay đảng Dân chủ. Xin mở một dấu ngoặc ở đây: nếu cuộc Đại khủng hoảng kinh tế đầu thập niên 1930 đã làm đảng Cộng Hòa mất tòa Bạch Ốc thì cuộc Đại khủng hoảng vi khuẩn và đại loạn nội địa sau vụ George Floyd đầu thập niên 2020 cũng đã có tác dụng tương tự.
Một trong những việc làm đầu tiên của chính quyền Roosevelt sau khi đắc cử là đổi tên đập "Hoover Dam" thành “Boulder Dam” cho dù Tổng thống Hoover là động lực chính cho việc kiến tạo thành công một trong những công trình thủy điện lớn nhất thế giới. Hành động sai trái không thể đứng vữngi lâu, năm 1947 cái gọi là “Boulder Dam” đã khôi phục lại tên “Hoover Dam” như cũ.
Từ năm 1933 cho đến năm 1947, quyền lực nằm trọn trong tay đảng Dân chủ vì họ đã chiếm được cả 2 ngành hành pháp và lập pháp. Với sự hậu thuẫn của Quốc Hội nằm trong tay người đồng đảng, Tổng thống Franklin Roosevelt thuận buồm xuôi gió, vững tay chèo và sau đó thắng cử liên tiếp để trở thành Tổng thống đầu tiên ngồi hơn 2 nhiệm kỳ.
Biến cố Trân Châu Cảng cho thấy người Mỹ vốn rất thầm lặng nhưng khi quốc gia lâm nguy, lòng yêu nước của họ trỗi dậy mãnh liệt và họ sẵn sàng đoàn kết sau lưng lãnh tụ để cùng chiến đấu. Thời thế tạo anh hùng, Tổng thống Frankin D. Roosevelt từ biến cố Trân Châu Cảng đã vươn lên thành một trong những Tổng thống vĩ đại nhất của lịch sử cận đại Mỹ, chiếm ngự tòa Bạch Ốc trong 4 nhiệm kỳ. Ông thắng nhiệm kỳ thứ 4 nhờ vào yếu tố ở thời điểm đó Thế chiến thứ Hai chuyển hướng sang những khúc ngoặc quan trọng và phần lớn dân Mỹ ngần ngại không muốn thay ngựa giữa đường. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau ngày nhậm chức, ngày 12 tháng 4 năm 1945 ông qua đời và phó Tổng thống Harry Truman được tuyên thệ nhậm chức Tổng thống.
Nếu 80 năm trước, lòng tự mãn của một số giới chức cao cấp Mỹ đã là một trong những nguyên nhân gây ra biến cố Trân Châu Cảng thì 60 năm sau, lòng tự mãn đó thêm lần nữa là một trong những nguyên nhân dẫn đến thảm nạn 9/11. Bài học lịch sử năm 1941 được ôn lại năm 2001: Khi quốc gia lâm nguy, lòng ái quốc của người Mỹ lại trỗi dậy và thêm một lần nữa Quốc Hội lưỡng viện cùng toàn dân đứng lên đoàn kết sau lưng Tổng thống George Bush 'Bush con' trong cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù như đã từng đứng lên đoàn kết sau lưng Tổng thống Franklin D. Roosevelt.
Trong quá trình 245 năm lập quốc, nước Mỹ đã trải qua rất nhiều cuộc chuyển giao quyền lực từ đảng này qua đảng kia, từ Lừa qua Voi, từ Voi qua Lừa. Từ sau Đệ nhất Thế chiến cho đến năm cuối cùng của cuộc Đại khủng hoảng , Quốc Hội lưỡng viện nằm trong tay đảng Cộng Hòa. Cuộc Đại khủng hoảng đã đẩy cán cân quyền lực từ Cộng Hòa sang Dân Chủ, và đảng Dân chủ đã nắm quyền lực trong suốt 14 năm từ năm 1933 cho đến 1947.
Tàn cuộc chiến, cán cân quyền lực lại nghiêng về đảng Cộng Hòa. Trong thời hậu chiến, Tổng thống kiêm Đại tướng 5 sao thuộc đảng Cộng Hòa Dwight Eisenhower đã viết tiếp trang sử vẻ vang của nước Mỹ với công trình xây dựng hệ thống xa lộ liên bang. Người Việt tỵ nạn trên quê hương thứ hai khi lái xe đi từ tiểu bang này đến tiểu bang khác đôi khi sẽ thấy cấp hiệu 5 sao và tên của vị Tống thống này đâu đó trên đường vạn lý. Ông cũng đã đắc cử 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Nhìn lại đoạn đường dài hơn 2 thế kỷ của lịch sử nước Mỹ ai cũng có thể thấy không đảng nào có thể nắm quyền quá lâu. Theo truyền thống cao quý của các cha già lập quốc, người Mỹ yêu nước chân chính cũng không muốn thấy quyền lực nằm trọn trong tay đảng nào và càng không muốn thấy một đảng nắm quyền từ đời này sang đời khác. Tu chính án thứ 22 (do đảng Cộng Hòa đề xướng năm 1947 và được các tiểu bang biểu quyết thuận năm 1951) nhằm hạn chế 2 nhiệm kỳ Tổng thống là một thí dụ điển hình. Cho dẫu Tổng thống Franklin D. Roosevelt có là một vị lãnh tụ tài ba đến đâu đi nữa, người Mỹ cũng không dễ dàng chấp nhận có một Tổng thống ngồi tại tòa Bạch Ốc từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác.
Từ tháng 1 năm 2021 đến nay, những gì xảy ra trên đất Mỹ tuy thất vọng nhưng chưa hẳn tuyệt vọng. Đêm tối sẽ qua, bình minh sẽ đến, thời thế sẽ đổi thay, cán cân quyền lực sẽ hoán chuyển. Quá khứ dựng nước trong 245 năm đã chứng minh sức mạnh của người Mỹ yêu nước chân chính. Những tên thiếu đạo đức,vô tài bất tướng, nhảy lên địa vị lãnh tụ một cách thiếu minh bạch, chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân, đưa dân tộc, chủng tộc vào đường chia rẻ, đưa đất nước vào vòng tăm tối sẽ sớm bị đào thải.
Vết sẹo Trân Châu Cảng của 80 năm trước đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Với sự hy sinh tuyệt đối và tối hậu của gần 3000 chiến sĩ ngày 7 tháng 12 năm 1941 và hàng triệu chiến sĩ khác trong suốt tiến trình dựng nước, nhất định đất nước Hoa Kỳ phải tiến mãi trên con đường chánh đạo để máu xương của người nằm xuống không bị lãng phí một cách oan uổng.
Lê Phú Thọ
(*) Bài đã đăng trên báo Thương Mãi Miền Đông VA ngày 2 tháng 12 / 2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét