Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2021

Thư số 122 gởi: Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam - Phạm Bá Hoa

Tôi là người Việt Nam. Chào đời năm 1930, phục vụ quân lực Việt Nam Cộng Hòa từ ngày 12/5/1954 đến Giờ Thứ 25 ngày 30/4/1975. Sau ngày tang thương này, lãnh đạo Việt Cộng đẩy tôi vào trại tập trung trên đất Nam ngày 14/6/1975, chuyển đến trại tập trung trên đất Bắc từ ngày 16/6/1976, ra khỏi trại tập trung ngày 9/9/1987 về đến nhà ở Sài Gòn chiều ngày 12/9/1987, rời khỏi Việt Nam tháng 4/1991 tị nạn cộng sản trong đợt H05, và đang sống tại Hoa Kỳ. Ước mơ của tôi là được trở về Việt Nam sống trên quê hương cội nguồn của mình dưới chế độ dân chủ tự do. Vì vậy mà ước mơ đó luôn thúc đẩy tôi tổng hợp các tin tức và chọn lọc vào nội dung, giúp Các Anh và những thành phần yêu dân chủ tự do có nét nhìn rộng hơn và rõ hơn, về những sự kiện trên thế giới liên quan trực tiếp lẫn gián tiếp đến mục tiêu ngăn chận tham vọng thống trị thế giới của Trung Cộng, mà Hoa Kỳ và một số quốc gia phát triển đang thực hiện. 
<!>
Và khi lãnh đạo Việt Cộng tự suy yếu, hoặc Trung Cộng bị suy yếu thì lãnh đạo Việt Cộng không còn chỗ dựa, đó là cơ hội cho Các Anh và toàn dân đứng lên giành lại Quyền Làm Người của mình, nối tiếp dòng lịch sử oai hùng của dân tộc từ ngàn năm trước.
Là Người Lính trong quân đội gắn liền với hai chữ “Nhân Dân”, Các Anh phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc và Nhân Dân, vì Tổ Quốc với Nhân Dân là trường tồn, trong khi đảng cộng sản hay bất cứ đảng nào cầm quyền cũng chỉ một giai đoạn của lịch sử. Và nội dung tôi gởi đến Các Anh được đặt trên căn bản đó.
Với lá Thư này, tôi tổng hợp một số tin tức về hồ sơ Ấn Độ - Thái Bình Dương: (1) Trung Cộng đang bối rối vì Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu mở Văn Phòng Đại Diện -một dạng tòa Đại Sứ- tại Đài Loan, và ngược lại. Đồng thời giúp bảo vệ Đài Loan trước sự đe dọa của Trung Cộng ngày càng gia tăng. (2) Tại sao Đài Loan trở thành mục tiêu nóng bỏng của Trung Cộng? (3) Hải Quân Hoa Kỳ và Nhật Bản tập trận chống tiềm thủy đỉnh trong Biển Đông. (4) Sau khi Australia kêu gọi quốc tế mở cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc Coronavirus bùng phát tại Vũ Hán, Trung Cộng liền đáp trả bằng cách không nhập cảng những mặt hàng quan trọng của Australia, nhưng Australia phản ứng rất hiệu quả, và từ đó quốc gia này chống Trung Cộng một cách mạnh mẽ. (5) Tại hội nghị ASEAN, Trung Cộng tuyên bố là “không ức hiếp các quốc gia Đông Nam Á” trong khi tàu tuần duyên của họ xịt vòi rồng nước truy đuổi tàu tiếp tế của Philippines.

1. Liên Hiệp Châu Âu & Đài Loan - Trung Cộng.

Ngày 29/10/2021- Bà Sandra Oudkirk, đại diện cao cấp của Hoa Kỳ tại Đài Loan, tuyên bố: “Hoa Kỳ cam kết giúp Đài Loan tự vệ”.
Ngày 30/10/2021, trong một thông cáo của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng cho biết: “Ngoại Trưởng Trung Cộng Vương Nghị khẳng định tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Italy, là lịch sử và sự thật pháp lý của nguyên tắc "Một Trung Cộng" là không thể thay đổi, và 1 tỷ 400 triệu dân luôn thúc đẩy sự thống nhất đất nước, cũng không thể ngăn cản. Theo luật pháp quốc tế, Đài Loan là một phần của Trung Cộng. Các quốc gia cố tình thúc đẩy công khai về vấn đề Đài Loan, sẽ phải hứng lấy hậu quả”.
Cùng ngày 30/10/2021, Trung Cộng cũng cảnh báo các viên chức Lithuania và Liên Hiệp Châu Âu, rằng: “Không phá vỡ bang giao với chúng tôi, khi cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện”.
Trong khi đó, Đại Sứ Lithuania tại Trung Cộng Diana Mickeviciene nói rằng: “Văn phòng đại diện của Đài Loan ở Lithuania là không vi phạm nguyên tắc "một Trung Cộng", vì Đài Loan có văn phòng đại diện tại hầu hết các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu”.
Tại sao Trung Cộng không phản đối các quốc gia khác cho Đài Loan mở văn phòng đại diện, mà Trung Cộng chỉ phản đối Lithuania? Tại vì văn phòng đại diện Đài Loan tại các quốc gia khác dưới tên gọi “Văn Phòng Đại Diện Đài Bắc” là tên của một thành phố- trong khi tại Lithuania có tên là “Văn Phòng Đại Diện Đài Loan” là tên của một đảo.
Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Cộng -Uông Văn Bân- cho biết: “Chúng tôi mạnh mẽ phản đối các quốc gia bang giao với chúng tôi, lại tiếp xúc chánh thức với Đài Loan. Chúng tôi kêu gọi chánh phủ Lithuania tôn trọng các cam kết chính trị được đưa ra khi thiết lập bang giao với chúng tôi, và không đưa ra các quyết định sai lầm. Liên Hiệp Châu Âu nên theo đuổi một lập trường đúng đắn, và ngăn chận mọi hành động can thiệp vào sự phát triển lành mạnh trong bang giao với chúng tôi”. (tóm tắt bản tin của Thành Đạt dẫn tin từ Reuters)

2. Hoa Kỳ & Litva & Đài Loan - Trung Cộng.


Ngày 7/11/2021, Đài Loan phổ biến bản tin: “Tối 6/11/2021, có 16 phản lực cơ chiến đấu J-16 của Trung Cộng bay vào vùng nhận dạng phòng không hướng tây nam Đài Loan, trong khi phái đoàn Nghị Viện Châu Âu đang thăm Đài Loan.
Tối 7/11/2021, lại có 4 phản lực cơ chiến đấu J-16 của Trung Cộng xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan như đêm hôm trước.
Cả 2 nhóm phản lực cơ chiến đấu đó, cơ quan phòng vệ Đài Loan đã phát lời cảnh báo qua vô tuyến, đồng thời hệ thống hỏa tiễn phòng không trong tình trạng sẳn sàng tác chiến”.
Cơ Quan Phòng Vệ Đài Loan (như Bộ Quốc Phòng) cho biết: “Trong thời gian từ ngày 5 đến ngày 10/10/2021, Trung Cộng đã điều động 150 lượt phản lực cơ chiến đấu bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Từ ngày 16/10 đến ngày 5/11/2021, gần như hằng ngày đều có phản lực cơ chiến đấu của Trung Cộng áp sát Đài Loan”. (tóm tắt bài của Thành Đạt dẫn tin từ báo SCMP)
Ngày 12/11/2021, theo bản tin của AFP thì cuộc điện đàm với Ngoại Trưởng Trung Cộng Vương Nghị, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, nói lên sự lo ngại của Hoa Kỳ về những hành động của Trung Cộng liên tục gây sức ép quân sự, ngoại giao, và kinh tế đối với đảo Đài Loan. Đây là điện đàm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden với Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình, vào ngày 15/11/2021 trên hệ thống internet.


Ngoại Trưởng Hoa Kỳ hối thúc Trung Cộng "tham gia vào các cuộc đối thoại có ý nghĩa để giải quyết vấn đề eo biển Đài Loan một cách hòa bình, phù hợp với mong muốn và lợi ích của người dân trên hòn đảo".
Ngoại Trưởng Trung Cộng liền cảnh báo sự nguy hiểm từ “những hành động của Hoa Kỳ như đang ủng hộ Đài Loan độc lập. Nếu thật sự Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan độc lập, sẽ hủy hoại hòa bình hai bờ eo biển Đài Loan, và cuối cùng gậy ông đập lưng ông".

Ngày 13/11/2021, Ngoại Trưởng Trung Cộng Vương Nghị lại cảnh báo Hoa Kỳ rằng: “Hoa Kỳ không nên gởi những tín hiệu sai lạc liên quan đến ủng hộ Đài Loan độc lập. Nếu Hoa Kỳ muốn duy trì hòa bình khu vực eo biển Đài Loan, thì Hoa Kỳ phải lên tiếng rõ ràng minh bạch chống lại bất cứ hành vi của quốc gia nào ủng hộ Đài Loan độc lập”.
Ngày 18/11/2021, Litva -quốc gia nhỏ ở vùng Đông Âu- trở thành quốc gia đầu tiên của Châu Âu quyết định cho đặt “Văn Phòng Đại Diện Đài Loan” tại xứ này. Quyết định này, ví như “cái gai nhỏ Litva” đâm sâu vào cái chân của người khổng lồ Trung Cộng”.
Grzegorz Stec -chuyên gia thuộc Mercator Institute For Chinese Xtidies Merics- nhấn mạnh rằng: “Điều quan trọng trong vấn đề này là ngữ nghĩa. Đây là “Văn Phòng Đại Diện Đài Loan” chớ không phải là Văn Phòng Đại Diện Đài Bắc mà trước đây Trung Cộng chấp nhận”.
Không có gì ngạc nhiên, khi phản ứng của Trung Cộng với chỉ trích hành động của Litva là “đặc biệt bỉ ổi”. Trung Cộng còn cảnh báo rằng: “Từ nay, Litva phải tự gánh trách nhiệm những gì sẽ đến với xứ này”.
Konstantinas Andrijauskas -Viện Bang Giao Quốc Tế thuộc Đại Học Vilnus, Litva- nói rằng: “Chúng tôi đang trải qua một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước. Trung Cộng không còn Đại Sứ tại Litva từ tháng 7/2021, và chúng tôi cũng đã rút Đại Sứ của mình về nước”.

Không chỉ có vấn đề đại diện ngoại giao với Đài Loan. mà trong nhiều tháng qua, Litva đã có những hành động khiêu khích Trung Cộng. Tháng 5/2021, Litva quyết định rút ra khỏi “Nhóm 17+1”, đó là tổ chức ngoai giao bao gồm Trung Cộng với 17 quốc gia Châu Âu. Litva còn kêu gọi những thành viên khác trong Nhóm hãy hành động theo mình. Tháng 9/2021, Litva lên tiếng khuyên những ai đang dùng điện thoại của Trung Cộng hãy vứt bỏ, những người chưa mua thì đừng mua nó, và Trung Tâm An Ninh Litva đã nhấn mạnh là Trung Cộng đã cài đặt các software gián điệp trong các điện thoại đó. .(trích bài của Vũ Anh)
*Tại sao Đài Loan trở thành mục tiêu nóng bỏng của Trung Cộng?

Đôi nét về Đài Loan.
Vị trí đảo Đài Loan phía Tây Bắc Thái Bình Dương, giữa quần đảo Ryukyu của Nhật Bản với quần đảo Philippines. Đường biên giới với Trung Cộng là Eo Biển Đài Loan.
Năm 1911, Đài Loan thuộc Nhật Bản. Ngày 14/8/1945, Nhật Bản đầu hàng Hoa Kỳ chấm dứt chiến tranh thế giới lần 2, và Đài Loan thuộc về Trung Hoa, trong khi lục địa Trung Hoa đang nội chiến giữa Trung Hoa Tư Do với Trung Hoa Cộng Sản.
Năm 1949, Trung Hoa Cộng Sản nhuộm đỏ toàn cõi Trung Hoa lục địa. Chánh phủ Trung Hoa Tự Do và rất đông người dân chạy ra đảo Đài Loan, và đảo này vẫn là thành viên Liên Hiệp Quốc. Ngoài đảo Đài Loan, còn có quần đảo Bành Hồ và tỉnh Phúc Kiến gồm đảo Kim Môn với Mã Tổ.
Năm 1971, Liên Hiệp Quốc thông qua Nghị Quyết 2.758, chấp nhận Trung Cộng là thành viên hợp pháp của Liên Hiệp Quốc, cũng từ đó Đài Loan bị loại khỏi tổ chức quốc tế này, và không được xem là một quốc gia, cũng không được gia nhập tổ chức quốc tế nào thuộc Liên Hiệp Quốc.
Đài Loan với diện tích 36.197 cây số vuông, dân số năm 2018 là 23.780.452 người, sử dụng 5 ngôn ngữ khác nhau.
Năm 2020, tổng sản phẩm (GDP) là 635 tỷ 500 triệu mỹ kim, tổng sản phẩm bình quân đầu người là 30.111 mỹ kim. (đoạn trên đây trích trong wikipedia.org)



(Tổng Thống Đài Loan là Bà Thái Anh Văn, và Thủ Tướng là ông Tô Trinh Xương).

*Đài Loan là một trong bốn con cọp Châu Á.

Đó là bốn nền kinh tế tăng trưởng cao nhất tại Châu Á, là: Hong Kong + Singapore + Đại Hàn + Đài Loan.

Từ năm 1960, bốn nền kinh tế này duy trì mức tăng trưởng cao, nên được gia nhập vào các quốc gia phát triển cao của thế giới. Hong Kong và Singapore là hai trung tâm tài chánh nổi tiếng thế giới, trong khi Đại Hàn và Đài Loan là hai trung tâm thiết yếu cho sản xuất xe và chip điện tử cung ứng cho thế giới.
Đặc điểm nổi bật của “bốn con cọp Châu Á” là: “Kinh tế xuất cảng + Dân trí cao + Tiết kiệm nhiều”.
Ngày 4/11/2021, theo bản tin của CNN thì trong buổi họp báo tại Đài Bắc, Bộ Trưởng Kinh Tế Đài Loan Cung Minh Hâm (Kung Minh Hsin) tuyên bố rằng: “Ba tháng đầu năm 2020, kinh tế tăng trưởng 1.54% so với ba tháng đầu năm 2019, cao nhất trong số 4 “con cọp Châu Á. Trong cùng thời gian, mức độ thất nghiệp chỉ tăng 0.04%, dù rằng Đài Loan cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đã chịu ảnh hưởng nặng Coronavirus”.
Vẫn theo Bộ Trưởng Kinh Tế, thì: “Năm 2020, khi cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Cộng ngày càng tăng thêm, chúng tôi khuyến khích các công ty Đài Loan đang đầu tư sản xuất tại lục địa (Trung Cộng) hãy chuyển cơ sở sản xuất trở về Đài Loan hoặc chuyển đến các quốc gia ổn định chính trị và tôn trọng luật pháp. Với vốn trợ giúp các nhà đầu tư là 330.000.000 mỹ kim (1.000 tỷ tiền Đài Loan), và tính đến ngày 20/5/2021, chúng tôi đã tạo ra được hơn 80.000 việc làm”.
Con bọ nhỏ cạnh một ông khổng lồ.

Tác giả Marc Julienne -nhà nghiên cứu thuộc Viện Bang Giao Quốc Tế của Pháp- ví von “Đài Loan là con bọ nhỏ”, nhưng được các cường quốc kinh tế thế giới ve vãn, vì chip điện tử mà hằng năm Đài Loan xuất cảng chiếm đến 50% tổng số chip trên thế giới. Chip điện tử được gọi là những “con bọ nano”, vì nó nhỏ đến mức chỉ bằng vài phần ngàn của một mi-li-mét, nhưng Đài Loan dễ dàng làm cho “những tập đoàn viễn thông của ông khổng lồ Trung Cộng tê liệt, bởi hằng năm Trung Cộng nhập cảng đến 370 tỷ mỹ kim mặt hàng chip điện tử”.
Tháng 5/2020, Hoa Kỳ cấm tập đoàn TSMC khổng lồ của Đài Loan nhỏ bé -đây là tập đoàn sản xuất chip điện tử- không được bán cho tập đoàn viễn thông Huawei cũng như các tập đoàn khác của Trung Cộng dù trực tiếp hay gián tiếp. Và từ đó, sản xuất của tập đoàn Huawei bị khựng lại, rồi suy yếu đến mức phải rời khỏi thị trường quốc tế mà lui về thị trường nội địa.

“TSMC là chữ tắt của Taiwan Seconductor Manufacturing Company, tạm dịch là “tập đoàn sản xuất chip điện tử Đài Loan”. (dòng chữ này trích trong wikipedia.org)
“Có thể nói tập đoàn TSMC của Đài Loan gần như độc quyền sản xuất “bọ nano” nhỏ đến mức bằng 7/1000 của một mi-li-mét, nhưng bọ nano là bộ não của loại điện thoại thông minh mới nhất trên thế giới, và nếu không có chip điện tử của TSMC Đài Loan thì thị trường thế giới không có Iphone 13. Vì vậy mà Trung Cộng nhận rõ vai trò chiến lược của Đài Loan, không chỉ là một vị trí chiến lược chính trị, mà còn là chiến lược về “bọ nano”, một nhu cầu thiết yếu đối với các tập đoàn viễn thông của Trung Cộng”.
Trong cuộc phỏng vấn của đài RFI/tiếng Việt ở Paris, nhà nghiên cứu Marc Julienne, phân tách vị trí chiến lược của Đài Loan, có đoạn sau đây:
”... Đài Loan là một quốc gia nhỏ bé, vậy mà ông khổng lồ Trung Cộng phải phụ thuộc vào Đài Loan để thực hiện tham vọng thống trị thế giới. Chẳng những thế, mà thế giới cũng rất cần đến Đài Loan. Gần đây, Nhật Bản loan tin là tập đoàn TSMC sẽ xây dựng một nhà máy tại Nhật Bản với vốn đầu tư khoảng 7 tỷ mỹ kim, và sẽ sản xuất chịp điện tử từ năm 2024. Trong khi Ủy Viên Châu Âu đặc trách thị trường trong phạm vi của Liên Hiệp Châu Âu -Thierry Breton- đang đàm phán với Đài Loan về một công trình kỹ nghệ nano trên lãnh thổ Châu Âu”.

*Trung Cộng, “tòa nhà khổng lồ xây trên cát”.

Năm 2019, sáng lập viên hệ thống internet của Trung Cộng là ông Mã Hóa Đằng -Pony Ma- nhận xét một cách thẳng thắn rằng: “Thiếu “bọ nona”, sự thống lãnh của chúng ta trên thị trường điện tử thế giới, không khác gì “tòa nhà khổng lồ xây trên cát”. Vì thật sự, chúng ta chỉ tự cung ứng chip điện tử chưa đến 16% cho nhu cầu sản xuất, mà là những “con bọ Made in China” của chúng ta còn quá thô sơ với kích cỡ 20 nano. Nói rõ hơn, nếu chúng ta không mua được chip điện tử từ Đài Loan và Đại Hàn, thì ngay lập tức giây chuyền sản xuất của chúng ta khựng lại”.
Vẫn theo nhà nghhiên cứu Marc Julienne: “Chính vì Trung Cộng biết rõ yếu điểm của mình, nên đã lao vào kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm trong giai đoạn 2021-2025, với vốn đầu tư gần 200 tỷ mỹ kim, để đạt mục tiêu mà truyền thông Trung Cộng rất tự hào huênh hoang gọi là “bước đại nhảy vọt của kỹ nghệ chip điện tử”. Nhưng theo hãng tin Bloomberg thì “kế hoạch kinh tế thứ 14 của Trung Cộng với số vốn lên đến 1.400 tỷ mỹ kim để phát triển chip điện tử thế hệ ba, trong khi chip điện tử của Đài Loan và Hoa Kỳ đang là thế hệ 5”.

“Theo phân tách của George Stieler -đồng sáng lập công ty tư vấn chuyên về thị trường điện tử tại Thượng Hải- thì kế hoạch “Made in China 2025” sẽ tự cung ứng chip điện tử đến 70%, mà hiện nay tự cung ứng mới được 16%. Đây là bài toán rất khó cho Trung Cộng, vì sắp hết năm thứ nhất của kế hoạch 5 năm, mà đội ngũ nhân sự chưa sẵn sàng”.
Tại sao trong thời gian gần đây, Trung Cộng gây sức ép với Đài Loan?
Trung Cộng với khối tài chánh dồi dào, cộng với quyết tâm thực hiện kế hoạch biến tập đoàn SMIC của họ, phát triển theo kịp tập đoàn kỹ nghệ chip điện tử TSMC Đài Loan, nhưng đìều đó không phải dễ, vì vậy mà Trung Cộng tìm mọi cách gây sức ép với Đài Loan.
Nhà nghiên cứu Marc Julienne của Pháp nhận định rằng: “Trung Cộng không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để gây sức ép: Khi thì dùng đòn kinh tế, như cấm nhập cảng trái cây của Đài Loan. Lúc thì dùng đòn chính trị hay quân sự, với các chiến dịch uy hiếp Đài Loan trên không và trên biển. Riêng với tập đoàn TSMC thì không đơn giản, bởi vì kỹ nghệ chip điện tử không hoàn toàn do Đài Loan, mà tập đoàn TSMC sử dụng bằng sáng chế chip điện tử là công trình nghiên cứu của Hoa Kỳ.
Vì vậy mà hơn một năm qua, Trung Cộng đã và đang gây sức ép Đài Loan, buộc tập đoàn TSMC Đài Loan bán chip điện tử cho họ, cũng là vô ích. Chính vì vậy mà tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Cộng lâm vào tình cảnh điêu đứng như hiện nay”.
Liệu Trung Cộng có dùng vũ lực xâm chiếm Đài Loan không?
Nhà nghiên cứu Marc Julienne nhận định: “Vì tập đoànTSMC mà Trung Cộng gây sức ép chính trị lẫn đe dọa sử dụng quân sự buộc Đài Loan phải bán chip điện tử cho họ, nhưng cũng vì tập đoàn TSMC mà siêu cường Hoa Kỳ cùng Liên Hiệp Châu Âu với Nhật Bản và Đại Hàn chung tay bảo vệ Đài Loan. Theo giới quan sát, thì đây là điều rất thú vị, vì “người khổng lồ Trung Cộng không dễ gì chụp lấy con bọ nano chỉ bằng 7/1000 của một mi-li-mét Đài Loan.
Trở lại với trường hợp của Trung Cộng -Mathieu Duchâtel- Giám Đốc Chương Trình Châu Á tại Viện Nghiên Cứu Montaigne của Pháp, được báo Les Echos trích dẫn, ông nhấn mạnh rằng: “Kỹ nghệ chip điện tử là lãnh vực mà khoảng cách giữa mục tiêu với kiến thức thật sự của Trung Cộng còn rất xa. Và hơn bao giờ hết, tương lai của nền kỹ nghệ điện tử của Trung Cộng tùy thuộc vào những rào cản của Hoa Kỳ và Châu Âu”.
Trong khi nhà nghiên cứu June Park thuộc Đại Học George Washington tại thủ đô Washington, nhận định: “Nhiều người đã hiểu rằng, kỹ nghệ chip điện tử là một yếu tố chiến lược giúp Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới. Đầu hàng trên mặt trận này, sẽ là dấu chấm hết cho thời vàng son của Hoa Kỳ”.

3. Hoa Kỳ & Nhật Bản - Trung Cộng.


Theo thông báo của Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản, thì: “Ngày 16/11/2021, Hải Quân Nhật Bản với Hải Quân Hoa Kỳ, cùng thực hiện cuộc tập trận chống tiềm thủy đỉnh trên Biển Đông”. (tóm tắt bài viết trong e-mail “tabaclieu...ngày 16/11/2021)
Trích bản tin trên trang web USNI News của Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ: “Tham gia cuộc tập trận, Nhật Bản có một tiềm thủy đỉnh lớp Oyashio, cùng với hai khu trục hạm chở trực thăng Kaga và Murasame, và một phi cơ tuần tra biển. Hoa Kỳ có khu trục hạm USS Milius và một phi cơ tuần tra biển. Đây là lần đầu tiên, tiềm thủy đỉnh của Hải Quân Nhật Bản tham gia cuộc thao dượt chống tiềm thủy đỉnh với Hải Quân Hoa Kỳ”.
Vẫn theo bản tin của USNI news, thì: “Tuần lễ trước cuộc tập trận của Hoa Kỳ và Nhật Bản, thì Đài Loan điều động một trong hai tiềm thủy đỉnh mới nhất của đảo này vào Biển Đông tham gia tập trận (không thấy nói tham gia với Hải Quân nước nào) gần đảo Ba Đình mà(Đài Loan gọi là đảo Thái Bình”.
Ngày 17/11/2021, Hải Quân Nhật Bản công bố hai thông cáo về các cuộc thao dượt quân sự sắp tới: Một là, các cuộc diễn tập rà phá mìn với Hải Quân Hoa Kỳ từ ngày 18 đến 28/11/2021 ở vùng biển Huyga Nada, ngoài khơi đảo Kyushu. Hai là, các cuộc tập trận song phương của Hải Quân Hoa Kỳ và Nhật Bản, và cuộc tập trận đa phương ở các vùng biển chung quanh Nhật Bản từ ngày 21 đến 30/11/2021. Những cuộc tập trận này sẽ diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ hiện đang gia tăng hợp tác quân sự với các cường quốc khu vực, để đối phó với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Cộng ở Biển Đông”.

4. Australia - Trung Cộng.

Từ năm 2009 đến năm 2019, xuất cảng từ Australia sang Trung Cộng với khoảng 110 tỷ mỹ kim/năm. Gần 50% trong số đó là những mặt hàng quặng mỏ của Australia, là nguồn nguyên liệu quan trọng giúp nền kinh tế Trung Cộng thoát qua cơn đói sắt thép và than đá. Ngoài ra, Australia còn có nguồn thu đáng kể từ khối lượng học sinh Trung Cộng như tràn sang Australia vào học các học viện của quốc gia này.
Vì vậy mà trong một thời gian dài, Australia và Trung Cộng ngầm thỏa thuận gác lại các bất đồng chính trị để phục vụ mục tiêu đôi bên cùng có lợi về kinh tế. Nguyên tắc được giữ vững ngay cả trong những sự kiện làm cho bang giao giữa hai quốc gia căng thẳng, giúp ngành thương mại tăng trưởng đều đặn theo từng năm.
Tháng 12/2019, Coronavirus bùng phát tại Vũ Hán, Trung Cộng cấp tiền cho hằng trăm người tại Vũ Hán -nhất là những người đã bị lây nhiễm- du lịch các quốc gia Tây Âu và Hoa Kỳ. Vì vậy mà tình trạng lây lan nhanh trên thế giới, mà bước đầu là Italy với Tây Ban Nha (Châu Âu), và New York (Hoa Kỳ).

Tháng 4/2020, chánh phủ Australia kêu gọi thế giới mở cuộc điều tra độc lập vể nguồn gốc Coronavirus. Trung Cộng tức giận và đáp trả bằng cách cấm nhập cảng những mặt hàng quan trọng trong nền kinh tế của Australia, cùng lúc ép Australia rút lại lời kêu gọi đó.
Giám Đốc Nghiên Cứu Trung Tâm Perth -Jeffrey Wilson- nhận định rằng: “Những biện pháp trả đũa thương mại của Trung Cộng tác động không đáng kể lên nền kinh tế Australia. Khả năng chống đỡ sức ép một cách bền bỉ của Australia, cũng là cách chứng minh lời cảnh báo của Trung Cộng về cái giá phải trả có thể thấp hơn lo ngại ban đầu. Australia bước vào cuộc đấu với Trung Cộng, không phải với ý nghĩ không còn gì để mất, dù giao thương đã ràng buộc kinh tế giữa hai nước ngày càng chặt chẽ trong nhiều năm qua”.
Tháng 5/2020, Đại Sứ Trung Cộng tại Australia -Thành Cạnh Nghiệp- mở đầu với lời đe dọa sẽ không nhập cảng hàng hóa của Australia.
Tháng 6/2020, Trung Cộng áp mức thuế nhập cảng lúa mạch tăng 80.5%, khiến các nhà xuất cảng lúa mạch Australia chao đảo. Rồi đến cấm nhập cảng thịt bò, rượu vang, lúa mì, len cừu, tôm hùm, đường, đồng, gỗ, nho, hoa, đến than đá, và khí đốt hóa lỏng của Australia.
Tháng 11/2020, tòa đại sứ Trung Cộng tại Australia, công bố danh sách "14 điểm không bằng lòng" và yêu cầu Australia điều chỉnh, nếu muốn giữ bang giao trong tình trạng bình thường.

Giám Đốc Jeffrey Wilson nhận định tiếp: “Những đòn đánh thương mại của Trung Cộng nhắm vào Australia với quy mô chưa từng có. Họ từng áp dụng đòn đáp trả này trong một số tranh cãi ngoại giao với Canada, Nhật Bản, Na Uy, Philippines, và Đại Hàn, nhưng đây là lần đầu tiên một nền kinh tế Australia phải đương đầu cơn thịnh nộ tổng lực của Trung Cộng, vì hằng năm xuất cảng sang Trung Cộng đến 40%” trong tổng trị giá xuất cảng. Nhưng Trung Cộng không đạt được điều họ mong muốn. Vì ngay sau đòn trừng phạt đầu tiên nhắm vào lúa mạch Australia, thì Ngoại Trưởng Australia -Bà Marise Payne- công khai lên tiếng Trung Cộng cưỡng ép kinh tế", và Australia vẫn giữ lập trường cần mở cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc Coronavirus”.
Vẫn nhận định của Giám Đốc Jeffrey Wilson: “Australia chịu được áp lực khủng khiếp như vậy, vì Australia không để mình rơi vào tình thế "ngấm đòn" thương mại. Australia đã nhanh chóng uốn dòng chảy hàng hóa của mình sang thị trường quốc tế. Mặt hàng than đá là điển hình cho cách mà Australia chống đỡ thành công trước sức ép của Trung Cộng. Giữa năm 2020, Trung Cộng cấm nhập cảng than đá của Australia, quay sang mua than đá của Nga và Indonesia, làm cho thị trường than đá thế giới thiếu hụt. Chỉ có vậy là Australia chuyển hướng xuất cảng than đá sang Ấn Độ, Nhật Bản, và Đại Hàn. Cùng lúc, Australia nâng giá than đá tăng lên giúp các công ty sản xuất thu thêm lợi.

“Chẳng những với mặt hàng than đá, Australia hướng dòng chảy các mặt hàng khác xuất cảng sang thị trường Arab Saudi + Nhật Bản + các quốc gia Đông Nam Á + các quốc gia Châu Âu. Theo công bố của Bộ Tài Chánh Australia, thì sự trừng phạt của Trung Cộng ngay trong năm đầu đã gây thiệt hại khoảng 4 tỷ mỹ kim, nhưng với các thị trường mới đã giúp Australia thu được 3 tỷ 300 triệu mỹ kim. Như vậy, Australia chỉ thiệt hại gần 0,25% mà thôi”.
Và Bộ Trưởng Tài Chánh Australia - Josh Frydenberg- kết luận rằng: “Chúng ta đã chứng minh nền kinh tế đất nước chúng ta thật sự mạnh khỏe".
Với bản yêu sách "14 điểm không bằng lòng" của Đại Sứ Trung Cộng Thành Cạnh Nghiệp, Giám Đốc Jeffrey Wilson nhận định rằng:
“Bản yêu sách đó trở thành "gậy ông đập lưng ông", khi phái đoàn Australia tại Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 cuối tháng 10/2021 tại Rome, đã chánh thức công bố bản yêu sách này cho toàn thể hội nghị biết. Đó cũng là cách mà Australia cáo buộc Trung Cộng dùng thủ đoạn chén ép trấn áp Australia. Tháng 9/2021, Australia cùng Anh quốc và Hoa Kỳ, thành lập liên minh AUKUS để giúp Australia sản xuất tiềm thủy đỉnh chạy bằng năng lượng hat nhân, mà giới quan sát quốc tế cho rằng, sự kiện này cũng là cách tăng cường sức mạnh quân sự đối đầu với Trung Cộng trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Sau cùng, Giám Đốc Jeffrey Wilson kết luận: “Thời gian uốn dòng chảy hàng hóa xuất cảng sang các quốc gia khác, thật sự đã đã gây đau đớn cho Australia chúng tôi, nhưng cái giá phải trả thì thấp hơn những gì mà chúng tôi từng lo sợ".

Nhận định chung.

Với phản ứng thành công của Australia khi bị Trung Cộng chèn ép ức hiếp, lại thêm phản ứng thành công của quốc gia bé nhỏ Litva, dù Trung Cộng lên tiếng đe dọa khi Litva cho Đài Loan đặt “Văn Phòng Đại Diện Đài Loan” như “tòa đại sứ” tại thủ đô Vilnus. Tôi nghĩ, đó là bài học kinh nghiệm rất giá trị đối với các quốc gia đang trong sự kềm tỏa của Trung Cộng, nhất là các quốc gia Châu Phi.
Về phía Trung Cộng. Tôi tin là họ cũng có được bài học kinh nghiệm, nhưng vì họ là cộng sản với bản chất độc tài tàn bạo để đạt mục đích thống trị quốc gia của họ, đến thống trị quốc tế. Vì vậy mà bài học của họ không phải giúp họ hành động nhân nghĩa, mà bài học của họ sẽ làm cho họ độc tài hơn và tàn bạo hơn đối với Đài Loan.
Nhưng, liệu Trung Cộng có tung lực lượng quân sự tấn công Đài Loan không? Trước mắt, rõ ràng là Australia và Nhật Bản, là hai quốc gia mạnh mẽ lên tiếng ủng hộ Đài Loan độc lập và sẳn sàng giúp bảo vệ Đài Loan. Nhưng tôi nghĩ, Trung Cộng luôn nhìn Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden, vì những tuyên bố mập mờ rằng “Hoa Kỳ vẫn tôn trọng một Trung Cộng, nhưng vẫn giữ nguyên trạng hiện nay”. Nếu vào một lúc nào đó, chỉ một sơ hở trong tuyên bố của Tổng Thống Hoa Kỳ mà Trung Cộng hiểu rằng Hoa Kỳ không can thiệp quân sự vào Đài Loan, thì Trung Cộng sẽ dùng quân sự đánh chiếm Đài Loan, vì Đài Loan đang là một trung tâm của thế giới về sản xuất chip điện tử mà Trung Cộng muốn nắm trong tay.
Với lại nếu Hoa Kỳ không bảo vệ Đài Loan, thì liệu Australia với Nhật Bản có dám chống Trung Cộng để bảo vệ Đài Loan không? Tôi nghĩ, dù là liên minh hai quốc gia, nhưng cũng không đủ sức ngăn chận Trung Cộng, chưa nói đến những tổn hại mà hai quốc gia này phải gánh chịu.
Vậy, nếu Đài Loan vào tay Trung Cộng thì Hoa Kỳ có phản ứng gì? Cho dù phản ứng như thế nào thì tất cả đều quá muộn, và uy tín của Hoa Kỳ xem như sụp đổ.
Nguợc lại, nếu Hoa Kỳ trực tiếp chống Trung Cộng để bảo vệ Đài Loan, và bảo vệ thành công với một chiến thắng đầu tiên trong thế kỷ 21 này, có thể là một cơ hội giúp Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông, ..v..v.. trở thành các quốc gia thoát khỏi vòng tay độc tài của Trung Cộng. Và cũng là cơ hội giúp toàn dân Việt Nam thoát khỏi chế độ cộng sản độc tài hiện nay, xây dựng nền dân chủ tự do và nhanh chóng phát triển.
Tại sao không? Chính trị mà, 1 + 1 không nhất thiết là 2, mà cũng có thể là 2, vấn đề là mức độ tin tưởng và quyết tâm của người trong cuộc như thế nào.

Kết luận.

Các Anh vừa đọc xong tin tức bên trên, bây giờ tôi muốn Các Anh đọc nhận định của Ông Larry Kudlow sau đây, để hiểu sâu thêm về mức độ xấu xa tồi tệ của chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, đến mức triệt tiêu dòng lịch sử oai hùng từ ngàn năm trước, và văn hoá Việt Nam trên nền tảng “nhân bản + dân tộc- khai phóng”, mà Các Anh có muốn hay không muốn, cũng là những thành viên trong đó:
“Chủ nghĩa xã hội hứa hẹn giàu sang, nhưng chỉ đem đến nghèo khổ. Chủ nghĩa xã hội hứa hẹn đoàn kết, nhưng đem đến hận thù và chia rẽ. Chủ nghĩa xã hội hứa hẹn một tương lai tốt đẹp hơn, nhưng nó luôn luôn mang những chương đen tối nhất trong lịch sử trở lại với dân tộc dưới quyền họ, và cả nhân loại nữa. Chưa bao giờ sai, luôn luôn là như vậy.

Chủ nghĩa xã hội là một ý thức hệ đau buồn đầy tai tiếng, có gốc rễ nảy sinh từ sự ngu dốt hoàn toàn của lãnh đạo, đó cũng là bản chất của người cộng sản. Những người chuộng chủ nghĩa xã hội, thuyết giảng về tình yêu với những người khác, nhưng họ khăng khăng bắt tất cả đều phải khuất phục hoàn toàn.
Chúng ta biết rằng, chủ nghĩa xã hội không phải tồn tại vì công lý, không vì bình đẳng, không vì giúp người thoát nghèo khổ, mà chủ nghĩa xã hội tồn tại vì một mục đích duy nhất là “quyền lực và thống trị”. Và khi chúng có càng nhiều quyền lực, chúng càng thèm khát quyền lực, chúng nắm quyền quản trị người dân toàn diện, đến mức người dân không thể tự mình cử động được nữa.
Chúng muốn có quyền phán quyết ai thắng ai bại, cho phép ai ngoi lên và ai phải hạ đài, cái gì đúng cái gì sai, thậm chí là ai được sống ai phải chết.
Tóm lại. Tất cả chúng ta biết rằng, bất cứ nơi đâu mà chủ nghĩa xã hội xuất hiện, thì nơi đó trở thành một xã hội mà mọi người không còn một ý nghĩa gì trong cuộc sống, nếu không nói là những con người chỉ có thân xác mà thôi”.


Đau lắm phải không Các Anh? Các Anh hãy suy nghĩ qua các góc cạnh của bài viết, rồi nhìn vào những sự thật trong cuộc sống, Các Anh dễ dàng nhận ra sự thật, hoàn toàn thật. Khi nhận ra sự thật đắng cay chua chát với dân tộc nói chung -đối với tuổi trẻ Việt Nam nói riêng- đã và đang bị lãnh đạo Việt Cộng gian manh dối trá lừa gạt từ thế hệ này sang thế hệ khác, tự khắc Các Anh sẽ nhận ra trách nhiệm của người cầm súng bảo vệ đồng bào, bảo vệ tổ quốc. 


(Thủ Tướng Đức, Bà Angela Merkel)
Và khi nhóm lãnh đạo Việt Cộng suy yếu, hoặc khi Trung Cộng suy yếu thì lãnh đạo Việt Cộng không còn chỗ dựa, đó là cơ hội cho Các Anh đứng lên -trong khi đồng bào đang chờ Các Anh- để cùng đứng lên giành lại quyền làm người cho chính Các Anh, cho thân nhân Các Anh, và cho toàn dân. Các Anh phải hiểu rằng, không một quốc gia nào làm thay cho Việt Nam mình đâu Các Anh à, mà họ sẳn sàng trợ giúp Việt Nam mình để thực hiện trách nhiệm cao cả đó.
Từ đó, mọi người Việt Nam trong nước và hải ngoại, cùng nhau vá lại mảnh giang sơn đã rách loang lỗ, bởi những Hiệp Ước của Việt Cộng giao đất giao biển cho Trung Cộng, xóa tan những vệt da beo trên da thịt quê hương, mà hiện nay là những làng mạc có công nhân hay quân lính Trung Cộng mà người Việt bị cấm vào. Từ đó, khôi phục lại nền văn hoá nhân bản, khoa học, và phát triển một xã hội dân chủ pháp trị mà mọi người được hưởng một cách tự nhiên những quyền căn bản của mình.

Tôi vững tin rằng, Cộng Đồng Việt Nam tị nạn cộng sản tại hải ngoại -đặc biệt là Những Người cựu Lính Chúng Tôi- vẫn hết lòng hỗ trợ Các Anh và quí vị đồng bào làm nên lịch sử.
Hãy nhớ, “Tự do, không phải là điều đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước. Không có dân chủ, không thể có sự trỗi dậy và phát triển bền vững. Muốn được sống trong Tự Do Dân Chủ, chính chúng ta phải tranh đấu, vì Tự Do Dân Chủ không phải là quà tặng./.

Texas, đầu tháng 12 năm 2021

Phạm Bá Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét