Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 2 tháng 12, 2021

Người dân vui mừng vì ‘phong toả’ không tái diễn - VOA

Ảnh tư liệu _ Một chốt kiểm soát bị ùn ứ hôm 09/8/2021 khi Hà Nôi hạn chế người dân ra đường

Số ca nhiễm Covid tại Việt Nam liên tục được ghi nhận ở mức cao, trên dưới 13.000 ca mỗi ngày. Tuy vậy, chính quyền trung ương và các địa phương không tiến hành ‘phong toả’ như những lần bùng phát dịch trước đó. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tuyên bố không thể phong toả mãi mà Việt Nam phải học cách sống trong hoàn cảnh ‘bình thường mới’ như nhiều nước đang áp dụng.

<!>

Đa số mọi người cho rằng đây là cách làm dù muộn nhưng rất đúng đắn vào thời điểm này khi dân đã ‘sức cùng lực kiệt’ sau nhiều đợt phong toả kéo dài.

Chị Nguyễn Hồng Thuỷ, một nhân viên làm việc cho một tổng công ty nhà nước ở Hà Nội, cho VOA biết chị rất vui mừng vì tình trạng ‘phong toả’ đã không tái diễn bởi nhiều gia đình đang dần rơi vào cảnh túng bấn, nếu tiếp tục ‘phong toả’ thì không biết sẽ sinh sống ra sao.

“Đóng cửa nữa thì chết đói. Nói chung là dân hết tiền rồi. Bằng chứng là đợt mở cửa lại vừa rồi không như đợt mở cửa lại trước đó, người ta háo hức đi ăn uống, vui chơi và tiêu tiền. Lần này nhiều cửa hàng vẫn đóng cửa vì không có khách. Người ta còn tiền đâu mà tiêu và nhiều người cũng lo lắng không biết dịch còn kéo dài đến bao giờ nên cũng không dám ăn uống, tiêu tiền đâu,” chị Thuỷ chia sẻ với VOA.

Anh Nguyễn Phùng Hải, một phóng viên kỳ cựu tại Hà Nội, cho biết trong suốt gần 2 năm qua với nhiều đợt phong toả kéo dài, người lao động và các doanh nghiệp thực sự đã ‘lãnh đủ’. Vì vậy, theo anh, cách làm khôn ngoan nhất là phát hiện dịch ở đâu thì cô lập trong phạm vi toà nhà và tổ dân phố nơi đó, ai dương tính thì cách ly và chữa chạy. Anh Hải nói phong toả toàn thành phố như trước thật sự là thiếu khôn ngoan và gây ra muôn vàn khó khăn cho đời sống người dân.

“Người nào khổ thì vẫn khổ, còn người nào có điều kiện thì vẫn không khó khăn quá. Nhưng thật sự thì người lao động và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng quá nhiều. Họ đã kiệt sức. Nếu cứ tiếp tục đóng cửa như thời gian trước thì chết hết, sống sao nổi,” anh Hải trần tình.

Chị Thuỷ cho biết ngay khi thành phố mở cửa trở lại vào cuối tháng 9, cơ quan của chị đã lập tức cho nhân viên quay trở lại làm việc như bình thường. Chị Thuỷ nói cho đến nay, chị và các đồng nghiệp đi làm không thiếu một ngày nào vì doanh nghiệp cần hoạt động để có doanh thu, còn người lao động thì cần đi làm để có thu nhập đều đặn nuôi sống bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, cũng theo chị Thuỷ, hiện giờ tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa Covid tại Hà Nội đã rất cao nên việc cho phép kinh doanh và đời sống trở lại là hoàn toàn hợp lý.

“Chính bây giờ tôi lại thích như thế này vì do dịch bệnh người dân vẫn ít ra đường hơn, trẻ con thì tuyệt đối không ra đường rồi. Đường phố vắng vẻ, đi lại không bị tắc đường như trước, chứ trước đây đi lại mệt mỏi và khổ sở lắm. Không đóng cửa nhưng người dân giờ cũng cân nhắc trước khi ra đường. Nếu không thật sự có việc cần thiết thì không ra, thành thử lại hay,” chị cho biết.

Những người dân mà VOA có dịp tiếp xúc cho rằng không chỉ dân chúng mà ngay cả các lãnh đạo trung ương và địa phương giờ cũng đã nghiệm ra và nhìn nhận rằng phong toả hoàn toàn theo kiểu ‘ngăn sông cấm chợ’ chỉ mang đến hệ lụy cho người dân và đời sống xã hội. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét