Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

Madagascar: Cuộc khủng hoảng đói đầu tiên do biến đổi khí hậu - Khánh Linh


Biến đổi khí hậu đã dẫn đến tình trạng sa mạc hóa tràn lan ở các vùng phía Nam Madagascar. (Ảnh: UN)
Madagascar là quốc gia đầu tiên phải đối mặt với tình trạng khó khăn về lương thực liên quan đến hiện tượng ấm lên toàn cầu. Và cuộc khủng hoảng đói hoành hành hơn một năm ở miền Nam nước này có thể còn tồi tệ hơn trong những tháng tới. Đây là cảnh báo được Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc vừa đưa ra.
<!>
Theo WFP, ít nhất 1,3 triệu người, trong đó có 30.000 người đang đói, cần được hỗ trợ lương thực và dinh dưỡng khẩn cấp ở phía Nam hòn đảo, nơi duy nhất trên thế giới hiện nay có các điều kiện tương tự như nạn đói do khí hậu gây ra chứ không phải do xung đột. Khoảng 500.000 trẻ em trong khu vực bị suy dinh dưỡng và 110.000 trẻ em trong số đó có nguy cơ mất đi sinh mạng nếu không nhận được sự giúp đỡ.

Người dân phải áp dụng các biện pháp sinh tồn

Theo cơ quan của Liên hợp quốc, Madagascar đã phải hứng chịu nhiều năm hạn hán liên tiếp, cộng thêm bão cát, sự xâm nhập của châu chấu và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đã đẩy hòn đảo phía Nam châu Phi vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Nguồn thức ăn gần như biến mất hoàn toàn đã buộc con người phải áp dụng các biện pháp sinh tồn cuối cùng như ăn côn trùng, quả hoặc củ cây xương rồng đỏ.

Điều phối viên Nhân đạo của Madagascar, Issa Sanogo cho biết khi đến thăm khu vực phía Nam Madagascar, ông đã thấy thực tế của con người về cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu. “Phụ nữ, trẻ em và các gia đình đang ăn xương rồng hoặc cào cào để sống sót qua đợt hạn hán này và hơn nửa triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng. Điều này đang xảy ra ở một quốc gia và khu vực ít gây ra biến đổi khí hậu nhất” – ông nói thêm, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương tăng cường hỗ trợ cho những người đang đối mặt với nạn đói ở miền Nam Madagascar.

Tình hình nhân đạo nghiêm trọng khiến các gia đình phải cho con cái nghỉ học để chúng có thể tham gia vào các công việc hằng ngày, bao gồm cả việc tìm kiếm thức ăn và nước uống.

Bắt buộc phải hành động

Tình trạng bạo lực về giới và lạm dụng trẻ em đã gia tăng và người dân đang di cư từ các khu vực nông thôn ra thành thị để tìm kiếm thức ăn và dịch vụ.

Điều phối viên Nhân đạo của Madagascar, Issa Sanogo giải thích: “Tôi đã gặp những gia đình nói với tôi rằng họ phải bán hết đồ đạc cá nhân, thậm chí cả nồi nấu ăn để mua một lượng nhỏ thức ăn không để được lâu”. Theo ông, điều cấp thiết là thế giới phải hành động ngay bây giờ để giúp đỡ những gia đình này.

Các tổ chức nhân đạo ở Madagascar đã mở rộng hoạt động đáng kể vào năm 2021, tiếp cận gần 880.000 người với sự hỗ trợ cứu sống, bổ sung cho các nỗ lực của chính phủ trong Kế hoạch Quốc gia Ứng phó với Khủng hoảng ở miền Nam.

Tuy nhiên, với cao điểm thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 đang đến gần, điều cần thiết là phản ứng phải tăng cường.

Theo WFP, nạn đói ở Madagascar hiện là cuộc khủng hoảng đói duy nhất do biến đổi khí hậu trực tiếp gây ra. Nạn đói ở những nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như Yemen, Nam Sudan, hoặc vùng Tigray của Ethiopia, là kết quả gián tiếp của xung đột vũ trang./.

Khánh Linh (Theo UN, Reuters)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét