Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

RA MẮT SÁCH. BIẾU TẬNG KHÔNG BÁN: DI SẢN CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA (BS Phan Quang Đán - Giao Chỉ, San Jose.

 

DÂN SINH MEDIA SAN JOSEshining1.gif  |  THE REPUBLIC OF VIETMAM’s ENVIRONMENT & PEOPLEshining1.gif

                                                             Author Dr. Phan Quang Đán

<!>


Xin lưu ý.-

Chương trình ra mắt sách đặc biệt.                                                                                                     

Tổ chức 10 giờ sáng thứ bảy 18 tháng 12 năm 2021 

tại hội trường Santa Clara County 70 W. Hedding San Jose.                                                                 

(Khai mạc đúng giờ. Phần mở đầu nghi thức và giới thiệu bằng Anh Ngữ nửa giờ.                           

Một giờ tiếp theo bằng Việt Ngữ. Tác phẩm dành để biếu tặng. Không bán.)

~~~~~~~~~~~~~~~

Cuối năm 2021 Viện bảo tàng Thuyền nhân và VNCH tại San Jose sẽ tổ chức Ra mắt Sách giới thiệu tác phẩm của vị phó thủ tướng cuối cùng của miền Nam Việt Nam. Bác sĩ Phan Quang Đán là một trí thức khoa bảng với bằng cấp y khoa của Hà Nội 1945, bằng bác sĩ Sorbonne tại Pháp và bằng Hoa Kỳ tại Harvard năm 1954. Tác giả cũng đồng thời là một nhân sĩ lập pháp đối lập với đệ nhất cộng hòa, bị tù chính trị 3 năm và cũng là người góp phần xây dựng đệ nhị cộng hòa cho đến những năm sau cùng của miền Nam. 

Suốt nửa thế kỷ VNCH lưu vong đã có biết bao nhiêu trang quân sử viết về các trận đánh trong chiến tranh Việt Nam nhưng chưa từng có tài liệu dân sinh về đất nước và con người. Tác phẩm này chính là tập hợp đã ghi lại với rất nhiều tin tức của viện thống kê Sài Gòn và nha địa dư Đà Lạt. Miền Nam Việt Nam trải qua 21 năm với 2 nền cộng hòa nhưng không có vị lãnh tụ nào để lại hồi ký lịch sử. 

Chúng ta đã từng có 2 vị quốc trưởng, 4 vị tổng thống và nhiều vị thủ tướng, nhưng duy nhất chỉ có bác sĩ Phan Quang Đán cùng các cộng sự viên của ông đã soạn thảo tác phẩm về đề tài Đất và Người miền Nam vào những ngày cùng tháng tận của VNCH.

Mục đích Ra Mắt Sách.

Nhân loại hiện nay đang sống trong thời kỳ điện toán. Sách vở đã từng hiện diện cả ngàn năm đưa nhân loại từ bán khai đến thời đại văn minh rực rỡ ngày nay. Tuy nhiên bây giờ là giai đoạn hoàng hôn của sách vở. Một ngày mai sách vở sẽ trở thành tài liệu tiêu biểu cho những ngày đã qua và là kỷ niệm của quá khứ. Những sách vở sẽ là hình ảnh của cuộc đời của từng người Việt xa quê hương. Với sứ mạng của Viện bảo tàng thuyền nhân và VNCH chúng tôi muốn tìm lại những tác phẩm tiêu biểu gửi đến mọi người trong chương trình gọi là Giữ đời cho nhau. 

Vì cuốn sách này viết bằng Anh Ngữ nên ưu tiên sẽ gửi đến thế hệ tương lai tại Hoa Kỳ. Sách sẽ trao tặng cho các văn phòng dân cử địa phương. Các thư viện, các tổ chức quan tâm và các nhà sưu tầm lịch sử. Chúng tôi sẽ mời các vị dân cử đến nghe phần giới thiệu và nhận sách. 58 ngàn chiến binh Mỹ đã hy sinh tại VN với hơn 200 ngàn thương bệnh binh. Hoa Kỳ và VNCH đã chia xẻ niềm đau làm mất miền Nam Việt Nam. 

Ngày nay sau gần nửa thế kỷ, các vị dân cử Mỹ biết gì về VNCH hay chỉ gặp gỡ xã giao với cử tri vì lá phiếu. Chúng tôi sẽ dành phần mở đầu của chương trình Ra Mắt sách để trao vào tay các nhà dân cử địa phương một tác phẩm viết về con người và đất nước mà 2 dân tộc Mỹ Việt đã cùng sống chết bên nhau. Sau phần mở đầu bằng Anh Ngữ sẽ đến phần giới thiệu với độc giả Việt Nam bằng Việt Ngữ.

Đây không phải là một chương trình ra mắt sách vì nhu cầu bán sách. Đây là một tập hợp để chuyển giao thông điệp chính trị đồng minh vận và dân vận muộn màng cho thế hệ tương lai. Chúng tôi rất hân hạnh được thân quyến gia đình họ Phan của bác sĩ Phan Quang Đán cho phép. Trong lịch sử cận đại chúng ta hẳn không quên các nhà cách mạng họ Phan như Phan Đình Phùng, Phan châu Trinh, và Phan bội Châu. Ngày nay cũng rất cần nhắc đến con người và tác phẩm của cụ Phan Quang Đán.

Trong số các nhà lãnh đạo của VNCH gần như chỉ có bác sĩ Phan Quang Đán có người con trai là phi công anh hùng vào năm 1972 đã hy sinh trên trời Cam Lộ tại cuộc chiến miền hỏa tuyến Quảng Trị. Người phi công trẻ tuổi đã không tìm được xác. Bài ca năm trước vẫn còn nghe vẳng đâu đây. Đi không ai tìm xác rơi...  

Hồ sơ phi vụ của đại úy phi công Phan Quang Tuấn 26 tuổi bay khu trục bị phòng không ngày 6 tháng 4-1972 tại Cam Lộ, Đông Hà. Mất tịch.                                   

Đã hơn 50 năm qua. Ai đã nghe thấy tiếng gọi của bác sĩ phó thủ tướng Phan Quang Đán nói với người con trưởng Phan Quang Tuệ. Con bay ra Huế với cậu. Em con gẫy cánh ở Đông Hà. Rơi trong vùng địch. Chưa tìm được xác. Ông bác sĩ với 3 mảnh bằng y khoa danh tiếng. Với 3 năm tù cộng hòa đệ nhất để rồi suốt cuộc đời còn lại phục vụ cho cộng hòa đệ nhị. Ông là người lo cho dân Việt tỵ nạn trên chính quê hương yêu dấu. Trách nhiệm toàn diện về lãnh vực xã hội cho miền Nam. Với tất cả tâm huyết và nghị lực dành cho quê hương nhưng đất nước vẫn đòi hỏi ông phải hy sinh thêm người con trai anh dũng ngay tại miền Trung thân yêu của họ Phan.

Vì những tình tiết đặc biệt như vậy nên chúng tôi đã chọn tác phẩm Đất và Người của VNCH để gửi biếu mọi người.  

Sơ lược về tác phẩm:

Một tác phẩm vô cùng đặc biệt biên soạn bằng Anh Ngữ. The Republic of Vietnam’s Environment & People. Tiêu đề tiếng Việt: Việt Nam Cộng Hòa, Đất nước và Con người. Tác giả: Phó Thủ tướng , Quốc Vụ Khanh Phan quang Đán.

 

Cuối năm 1974 bác sĩ Phan Quang Đán đã phối hợp với các nhân viên trực thuộc soạn thảo một tài liệu về Con người và đất phương Nam dưới thời đệ nhị cộng hòa.

Tác phẩm sẽ giới thiệu trong nghị hội tháng giêng năm 1975 do UNICEF thuộc Liên Hiệp Quốc bảo trợ.

Tài liệu thống kê lấy từ viện quốc gia thống kê Sài Gòn và phần địa lý nhân văn tham khảo từ nha địa dư quốc gia Đà Lạt. 

Bác sĩ Đán là tác giả chính chỉ đạo việc phối hợp biên soạn nhưng đã nhờ rất nhiều ở người phụ tá là ông Võ Văn Nhơn thuộc bộ xã hội. Chúng ta hẳn còn nhớ lại thời kỳ đầu năm 1975 hội nghị quốc tế tổ chức tại Thủ Đức với đề tài phát triển quốc gia và bảo vệ quyền thiếu nhi.

Tác phẩm của bác sĩ phó thủ tướng VNCH được đón nhận đặc biệt giữa bầu không khí chiến tranh đè nặng trong lòng mọi người.

Ai nghĩ rằng 3 tháng sau sẽ có một ngày 30 tháng tư năm 1975. Tác phẩm này sẽ trở thành di sản cuối cùng của VNCH.

Tác phẩm gồm 588 trang khổ lớn tràn ngập tin tức về đất nước và con người thời VNCH. Có 3 phần chính là địa lý nhân văn, môi trường sống và con người. Nhưng khai thác chi tiết về nội dung sẽ tìm thấy tất cả về đất và người một thời đã xây dựng phương Nam tuy ngắn ngủi nhưng thực sự ngời sáng về tất cả mọi phương diện.

Xin ghi lại các con số đáng lưu ý. 472 bản đồ, 90 bản vẽ,40 biểu đồ thống kê, 150 bức hình, 510 đầu sách đã tham khảo, 2000 địa danh và nhân vật được ghi nhận, Tên và chữ ký của 117 vì dân biểu quốc hội. Thêm 10 trang danh sách các hội đoàn thiện nguyện bất vụ lợi trong nước và ngoài nước. Phần phụ lục lại có thêm tóm lược hiệp định Geneve 1954 nên gọi là tờ khai sinh của nền Cộng hòa miền Nam. Bản Hiến Pháp đệ nhị cộng hòa và sau cùng là bản tóm lược hiệp định Paris 1973 có thể coi như bản án tử hình chờ ngày khai tử của nền Cộng Hòa miền Nam. 

Người con trưởng là thẩm phán tòa di trú Phan Quang Tuệ là người được thân phụ trao lại tác phẩm này. 

Ngày nay dù cộng sản thay tên đổi họ các địa danh. những phần tài liệu về địa lý nhân văn trong tác phẩm của miền Nam vẫn còn giá trị muôn đời. Bao nhiêu đèo cao và vực sâu. Bao nhiêu sông nước và hải đảo. Khí hậu thay đổi ra sao và dân số cao thấp thế nào. Cuốn sách đất và người phương Nam có đủ hết. Từ gần nửa thế kỳ vừa qua, chúng ta đã được đọc về các trận đánh trong chiến tranh Việt Nam. Hàng trăm đến hàng ngàn câu chuyện. Nhưng không mấy ai có sách in về 20 năm xây dựng đất nước của 2 nền cộng hòa. Tác phẩm này đã trở thành di sản của đồng bao hai ngoai trong 50 năm lưu vong. Bây giờ cần đưa ra ngoài ánh sang.


Sơ lược về tác giả.

Bác sĩ Phan quang Đán sinh năm 1918 tại Nghệ An đã tốt nghiệp bác sĩ tại Hà Nội năm 1945, thêm bằng bác sĩ Sorbonne tại Pháp và lấy thêm bằng Hoa Kỳ tại Harvard năm 1954. Dưới thời đệ nhất cộng hòa bác sĩ Đán thuộc thành phản đối lập dù đã trúng cử dân biểu 1958. Qua năm 1960 ông đã từng bị tù chính trị 3 năm vì tham gia đảo chính bất thành. Cũng trong thời gian này, nhà văn Nhất Linh tự vẫn vì từ chối ra tòa. Năm 1966 ông chính thức trở lại chính trường và liên tiếp thành công trong các chức vụ phát triển quốc gia bao gồm cả ngoại giao, xã hội và văn hóa. Từ 1975 đến nay không có các nhà lãnh đạo VNCH viết hồi ký. Các vị tổng thống và phó tổng thống cho đến các thủ tướng cũng không hề viết dù là đôi dòng tâm sự dành cho hậu thế. Bây giờ chỉ còn cuốn sách của bác sĩ phó thủ tướng sau khi ông ra đi vào tháng 3 năm 2004 tại Tampa, Florida. Chúng tôi cũng cần ghi thêm rằng trong số các vị lãnh đạo quốc gia và tướng lãnh VNCH, bác sĩ Đán là phó thủ tướng đã có người con trai thứ là phi công khu trục đã hy sinh tại trận Quảng Trị năm 1972. Người con trưởng trước 75 là trung úy ngành tư pháp và hiện nay nguyên là thẩm phán tòa di trú SF Phan Quang Tuệ được thân phụ giao cho tác phẩm này. Ông giữ mãi hơn 40 năm qua… 

Trang sách với tình yêu và mối Nhục mất nước.                                                                 

Tác phẩm này ngoài 588 trang lại có thêm phần mở đầu trên 30 trang có hình tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, quốc kỳ, quốc ca VNCH, hình tác giả, lời nói đầu v v. Tôi chú ý đến trang sách mở đầu có chữ viết tay của bác sĩ Đán.  

Ông viết: Thân tặng con Tuệ, dưới ký tên Cậu. Đán.

Chúng tôi hiểu gia đình này gọi cha mẹ là cậu mợ. Cũng trong trang sách này có 3 đoạn ghi những ý kiến về quan điểm sống, sự liên hệ giữa đất và người. Giữa con người với nhau và với môi trường sống.  Không có chiến tranh và không có chính trị. Chúng tôi không biết rõ đây là di cảo của tác giả hay ông ghi lại những tư tưởng này từ tác phẩm nào.   Xin chép lại nguyên văn 3 đoạn và tạm dịch ra Việt Ngữ.

 

Là độc giả của tác phẩm, chúng tôi chia xẻ với tâm sự của tác giả. Bác sĩ Đán là nhà khoa bảng trí thức. Đỗ 3 bằng bác sĩ Việt Pháp Mỹ rồi về nước mở phòng khám bệnh cho dân nghèo. Nhưng y khoa không giữ chân ông. Dòng máu cách mạng xứ Nghệ đưa ông vào con đường chính trị. 

Ông chống đệ nhất cộng hòa chấp nhận đi tù và sau đó nhập cuộc xây dựng đệ nhị cộng hòa.

Ông nhìn về tương lai trông cậy vào 2 người con trai. Sự hy sinh của riêng ông chưa đủ, đất nước lấy đi thêm người con trai 26 tuổi.

Tháng tư 1975 cha con ông phó thủ tướng phải di tản. Dân sinh Media của anh Phạm Phú Nam hỏi ông Phan Quang Tuệ lúc ra đi trên máy bay Mỹ bao gồm gần như cả nội các VNCH cảm tưởng ra sao?

Ông Trung úy Tư pháp họ Phan ngoài 30 tuổi đã thẳng thắn trả lời: Nhục.                                                                                      

Là độc giả của cuốn sách VNCH với Sài Gòn thân yêu, năm 75 tôi là đại tá ngoài 40 tuổi nhưng hoàn toàn chia sẻ với ông Trung úy 30. Dù các ông đi tầu bay Mỹ. Chúng tôi đi tầu quân vận của Army ta, tôi cũng thấy Nhục như cụ Đán và ông Tuệ.

Nửa thế kỷ tiếp tục chiến đấu một mình, nếu có niềm hãnh diện nhỏ bé là vì tôi vẫn còn mang mối Nhục đến ngày hôm nay. Giao Chỉ, San Jose. 

Ghi chú của bác sĩ Phan Quang Đán:

If time is to be considered the fourth dimension. geography would be history in space and history would be geography in time. They complete one another and their  combined disciplines help reach a better understanding of man and his environment through the diversities of nations and ages.

Nếu thời gian được coi là chiều thứ tư, địa lý sẽ là lịch sử trong không gian và lịch sử sẽ là địa lý trong thời gian.  Chúng hoàn thiện lẫn nhau và sự kết hợp trật tự này giúp ta hiểu rõ hơn về con người và môi trường của chúng ta thông qua sự đa dạng của các quốc gia và thời đại 

The ruthless but efficient nature’s equilibrium which has preserved life on our planet should be gradually replaced by a rational and well planned harmony between man and his environment. There is little room for presumptuous and selfish feelings in this essential endeavor which could best succeed if inspired with a deep sense of humility and human solidarity 

Sự cân bằng tàn nhẫn nhưng hiệu quả của thiên nhiên đã bảo tồn sự sống trên hành tinh của chúng ta nên dần dần được thay thế bằng sự hòa hợp hợp lý và có kế hoạch giữa con người và môi trường của anh ta. Có rất ít chỗ dành cho những cảm giác tự phụ và ích kỷ trong nỗ lực thiết yếu này có thể thành công tốt nhất nếu được truyền cảm hứng với ý thức sâu sắc về sự khiêm tốn và tình đoàn kết của con người. 

The distinction between people and their environment is mainly academic . They are both integrant parts of the same nature .They are closely related and react continually to each other. Economic development, health. Education and social welfare should aim in a concerted effort at improving man and his environment, achieving  their equilibrium and harmony and enhancing the quality of life with special attention for children and youth who obviously represent and hold the future of mankind. 

Sự khác biệt giữa con người và môi trường của họ chủ yếu là học thuật. Chúng đều là những bộ phận tích hợp có cùng bản chất, chúng liên quan chặt chẽ với nhau và phản ứng liên tục với nhau. Phát triển kinh tế, y tế. Giáo dục và phúc lợi xã hội cần hướng tới một nỗ lực phối hợp nhằm cải thiện con người và môi trường của họ, đạt được trạng thái cân bằng và hài hòa và nâng cao chất lượng cuộc sống với sự quan tâm đặc biệt đối với trẻ em và thanh thiếu niên, những người rõ ràng đại diện và nắm giữ tương lai của nhân loại.

Giao Chỉ San Jose  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét