Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

Chuyện Bây Giờ Mới Kể - Trần Kỳ Trung

Trần Kỳ Trung
Hơn hai mươi năm làm công tác biên tập sách ở NXB Đà Nẵng, có những kỷ niệm không bao giờ tôi có thể quên. Bây giờ ngồi ôn lại những kỷ niệm đó, nhiều lúc thấy buồn cười. Không hiểu sao nước mình lại hay thích thú cái trò “tự hành hạ” nhau đến thế! Càng khủng khiếp hơn, mới thấy sự “cơ hội”, “hãnh tiến” của một số kẻ gọi là “trí thức”, nó lớn đến mức độ nào! Nhưng… cũng qua sự việc này, tôi cũng thấy sự ấm áp của tình người, tình yêu đồng loại của một số anh chị Nhà Văn, Nhà Thơ chân chính, đã giúp tôi gượng dậy qua những cơn sóng gió cuộc đời.
<!>
Vào giữa năm 1990, Giám đốc Nhà xuất bản Đà Nẵng (NXB) là anh Nguyễn Văn Giai có một quyết định táo bạo. Cho phép thành lập một chi nhánh của NXB Đà Nẵng tại Hà Nội. Chi nhánh được sử dụng con dấu riêng, tài khoản cũng như việc tổ chức bản thảo, biên tập, in ấn, phát hành… Anh Nguyễn Văn Giai, gọi riêng tôi ra nói: “Anh rất tin em, anh phân công em làm công tác tổ chức bản thảo, biên tập cho Chi Nhánh. Vì anh biết, ở Hà Nội, em quen biết nhiều nhà văn, nhà thơ, nên dễ có bản thảo hay. Em cố gắng tổ chức được những bản thảo tốt, có chất lượng, được bạn đọc đón nhận, nâng cao uy tín của NXB Đà Nẵng. Tuyệt đối tránh những bản thảo có chất lượng thấp, câu khách, rẻ tiền”. Tôi coi lời dặn dò của của anh Nguyễn Văn Giai là trách nhiệm mình phải làm tròn.

Ra Hà Nội, chi nhánh NXB Đà Nẵng hoạt động hoàn toàn độc lập, trong vòng gần một năm, đã ra được một loạt đầu sách có tiếng vang từ văn học đến sách nghiên cứu. Có tiếng vang nhất là hai tập Trường Sinh Học của Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương, và đặc biệt cuốn Miền Hoang Tưởng của Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (Đào Nguyễn). Cả hai cuốn này, tôi tổ chức bản thảo và biên tập.

Với cuốn Trường Sinh Học của cố Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương, Giáo sư diễn giải một cách hợp lý, có tính thuyết phục nhiều vấn đề mà giới khoa học lúc đó còn đang tranh cãi, ví dụ thế nào là “tâm linh”, rồi “gọi hồn”, “giác quan thứ sáu”, v.v. Hai tập của cuốn sách vừa xuất bản, đã bán hết rất nhanh. Ở Hà Nội, chúng tôi còn tổ chức được một buổi nói chuyện của Giáo Sư Nguyễn Hoàng Phương với độc giả tại thư viện Hà Nội, có rất đông người đến tham dự.

Riêng tiểu thuyết Miền Hoang Tưởng của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, đối với tôi, thật nhiều kỷ niệm.

Tôi quen chị Phương Quỳnh, qua anh Đào Hùng, lúc đó chị là biên tập viên của NXB Ngoại Văn. Tôi nhờ chị giúp tìm những bản thảo tốt, có nội dung hay, đảm bảo tính thẩm mỹ để Chi nhánh NXB Đà Nẵng xuất bản. Chị Phương Quỳnh rất vui, nhiệt tình giúp đỡ. Hôm ấy, chị gọi tôi đến nhà chị. Chị đưa cho tôi tập bản thảo đánh máy dày, với tiêu đề Hoang Tưởng Trắng của nhà văn Xuân Khánh. Chị nói với tôi:

- Trung cầm tập bản thảo này về, đọc xem có thể xuất bản được không?

Tôi cầm tập bản thảo về, đọc nghiền ngẫm trong một ngày. Càng đọc bản thảo, nói thật, tôi càng say. Nội dung cuốn tiểu thuyết gần như cuốn hút mình. Nó làm cho tôi sáng ra biết bao nhiêu điều. Nhũng hiện tượng đang xảy ra trước mắt mình, mình không chú ý, nhưng chính đó làm mầm mống của sự đổ vỡ. Những nguyên lý trơ lỳ, lạc hậu với quy luật cần thay đổi, mà thay đổi lớn nhất là ý thức hệ trong mỗi con người, không khô cứng, sáo mòn. Một xã hội muốn hoàn thiện cần tìm ra những điều chưa được để điều chỉnh hợp quy luật mới có thể tồn tại và phát triển đi lên. Đã rất lâu, tôi mới đọc được một cuốn tiểu thuyết “lớn” như vậy, “hay” như vậy.

Hôm sau gặp chị Phương Quỳnh, tôi nói:

- Phải in quyển này chị ạ ! Văn học Việt Nam rất cần những cuốn tiểu thuyết như thế này.

Lúc đó chị Phương Quỳnh mới cho tôi hay:

- Anh Xuân Khánh là nhà văn có tài, rất giỏi. Nhưng, nói thật với em, quyển sách này không NXB nào ở Hà Nội dám in vì anh Xuân Khánh trước đây có dính vào chuyện Nhân Văn Giai phẩm, họ sợ. Hơn nữa, nội dung cuốn sách này, họ không nghĩ như em đâu, mà cho là “phản động”.

Về chuyện Nhân văn Giai phẩm, tôi nghĩ, bây giờ ai còn nghĩ đến chuyện đó nữa, ông Văn Cao, ông Hoàng Cầm, ông Lê Đạt, ông Hữu Đang… toàn là “chủ soái” của phong trào này còn in lại tác phẩm ầm ầm, thì chuyện nhà văn Xuân Khánh mới có “dính” cũng chẳng ngại. Còn nói nội dung cuốn sách này “phản động” tôi sẽ tranh cãi tới cùng. Vì tôi đọc cuốn sách, chỉ thấy nhận thức mình tốt lên, yêu nhân dân mình thêm, thương đất nước mình nhiều hơn thì bảo cuốn sách “phản động” ở chỗ nào?

Tôi nói với chị Phương Quỳnh:

- Những điều chị nói với em, không ảnh hưởng đến việc xuất bản cuốn sách, vẫn phải in. Không xuất bản cuốn sách này, em nghĩ, là thiệt thòi rất lớn cho bạn đọc.

Chị Phương Quỳnh lúc này mới cho tôi biết thêm một chi tiết nữa, xung quanh cuốn Hoang Tưởng Trắng:

- Hình như Cục xuất bản và bên An ninh cũng biết nội dung cuốn tiểu thuyết, họ cũng không muốn cuốn sách này xuất bản… Nếu cứ để tên Hoang Tưởng Trắng và tác giả là Xuân Khánh, chắc chắn các em không xin được giấy phép đâu.

Lại còn thế nữa! Tôi nghĩ, không cần để tên Hoang Tưởng Trắng, cũng không cần để tên Xuân Khánh, mà đề một tên khác, để có giấy phép. (Cũng phải nói thêm, chẳng đâu xin giấy phép xuất bản sách dễ như ở Việt Nam. Nếu cuốn sách của một tác giả nào đó gọi là “có vấn đề”, muốn xuất bản, thì đề tên khác, viết tóm tắt nội dung cho đúng tính “tư tưởng”, thế là Cục xuất bản duyệt vì có bao giờ các vị ấy đọc bản thảo đâu). Sau khi hai chị em thống nhất cách làm như vậy, chị Phương Quỳnh nói tôi nên đến gặp nhà văn Xuân Khánh để trao đổi.

Nhà văn Xuân Khánh là một người dễ mến, dễ gần và đặc biệt kiến thức văn học của Nhà văn thật uyên thâm. Đứng cạnh nhà văn, tôi chỉ là một cậu học trò nhỏ bên thầy giáo lớn. Sau khi nghe ý kiến của tôi, nhà văn Xuân Khánh hoàn toàn thống nhất. Từ Hoang Tưởng Trắng, nhà văn chuyển thành Miền Hoang Tưởng, tác giả Xuân Khánh, chuyển thành Đào Nguyễn. Nhà văn nói với tôi:

- Chỉ cần sách ra thôi em ạ! Anh đâu có cần tiếng. Anh muốn văn học Việt Nam phải có những tác phẩm văn học đích thực, đúng tầm của một dân tộc. Mà dân tộc Việt Nam lớn lắm. Vĩ đại lắm!

Việc làm của tôi, rất mừng được anh Trưởng chi nhánh, đặc biệt là anh Nguyễn Văn Giai, giám đốc NXB Đà Nẵng ủng hộ: “Nếu em đem sinh mạng chính trị ra đảm bảo nội dung cuốn sách này thì anh yên tâm.” Anh Nguyễn Văn Giai đã ký vào “Kế hoạch bổ sung” gửi Cục xuất bản đề nghị cấp giấy phép cho quyển Miền Hoang Tưởng của tác giả “Đào Nguyễn”. Sau khi có giấy phép xuất bản cuốn tiểu thuyết này, có thể nói, người mừng nhất là anh Xuân Khánh, tiếp theo là bạn bè quen biết của anh ấy. Họa sỹ Trần Lưu Hậu, một họa sỹ nổi tiếng đất Hà Thành, đã xin nhận vẽ bìa cho cuốn tiểu thuyết. Hôm đó, tôi đang đi trên đường Nguyễn Du, tình cờ gặp anh Xuân Khánh đi lấy bản vẽ bìa cuốn Miền Hoang Tưởng về. Anh gặp tôi, reo to:

- Trung ơi! Bìa Miền Hoang Tưởng đây này, em xem có đẹp không?

Quả thật, bảo tôi nhận xét về mỹ thuật rất khó, vì mình không am hiểu mấy, nhưng nhìn bức vẽ của họa sĩ Trần Lưu Hậu thấy nó lạ. Bức vẽ nét mặt của một người đàn ông trông từa tựa như mặt của chúa Jésu, đôi mắt buồn khắc khoải, khuôn mặt gầy từng trải. Phía sau là nền phông màu hơi đen… Nhìn bức vẽ hơi nặng nề, như chính nội dung cuốn sách, phải đọc lâu, thật sâu mới hiểu hết cốt chuyện. Tôi nói với anh Xuân Khánh có ý như vậy. Anh gật đầu:

- Phải nói anh Trần Lưu Hậu, rất hiểu anh, rất hiểu nội dung cuốn sách mới vẽ được bìa sách như thế này.

Sau này tôi hơi tiếc là không giữ được bản gốc của bìa sách Miền Hoang Tưởng.

Giấy phép, bìa sách có rồi còn chuyện biên tập sách và theo dõi bản in, rất may tôi có chị Phương Quỳnh làm giúp. Chị Phương Quỳnh là một biên tập viên giỏi và là một nhà sưu tầm tranh có hạng. Chị đánh máy lại bản thảo rất nhanh, chữa tất cả lỗi chính tả, theo dõi in đến tận bản thứ 3. Gần như quyển tiểu thuyết khi đến tay bạn đọc không phải đính chính đến một lỗi nhỏ.

Cuốn sách bắt đầu xuất hiện trên các kệ sách của các cửa hàng sách, mới đầu, cũng chưa có tiếng vang. Nhất là ở Hà Nội, có lẽ với cái tên tác giả “Đào Nguyễn”, độc giả thấy mới quá, chưa ai biết. Nhưng tôi rất mừng, cố Giáo sư Hoàng Thiếu Sơn (xin lỗi nếu tôi nhớ nhầm họ của Giáo Sư), đọc cuốn sách này, ông thấy quá hay và tự ông đứng ra tổ chức giới thiệu cuốn tiểu thuyết tại thư viện Hà Nội. Giáo sư cho rằng, từ sau năm 1975 đến giờ, Giáo sư mới đọc được một cuốn tiểu thuyết “đáng đọc” có nhiều vấn đề “đáng nói” và ông không tiếc công sức để giới thiệu cuốn tiểu thuyết này. (1). Ngay tối đó, gần một trăm cuốn tiểu thuyết Miền Hoang Tưởng chúng tôi đã bán hết.

Khi dư âm của cuốn tiển thuyết “lan tỏa” đến Đà Nẵng, bắt đầu có chuyện. Đầu tiên là bài viết của tác giả Mai Lĩnh trên báo Công an Quảng Nam – Đà Nẵng với cái tít “ghê rợn”: “Miền Hoang Tưởng một cuốn sách đen bôi xấu chế độ, chống Chủ Nghĩa Xã Hội”. (2) Sau này, tôi biết Mai Lĩnh là bút danh của một nhà thơ có một bài thơ tình yêu khá hay, tôi chơi tuy không thân, nhưng có mấy lần đàm đạo thơ ca. Mai Lĩnh đang là Trưởng chi nhánh của một tờ báo lớn tại Đà Nẵng. Không hiểu vì nguyên nhân nào, mà Mai Lĩnh lại viết một bài như vậy? Trong bài báo đó, Mai Lĩnh dùng đủ thứ từ để “kể tội” cuốn sách. Nào là “có tư tưởng bi quan”, “không tin vào sự lãnh đạo của Đảng”, “kích động chống đối, bôi nhọ chế độ”, v.v. và v.v. Trong bài báo, Mai Lĩnh đề nghị kỷ luật Ban Giám đốc NXB Đà Nẵng. Tôi đọc bài báo này mà suy nghĩ mãi. Tự nhận là một “nhà thơ”, chẳng lẽ trong anh ta không có “tình người ” hay sao? Thôi, chưa nói đến nội dung cuốn sách, có thể mỗi người hiểu một kiểu. Nhưng, giá như trước khi đăng bài báo, Mai Lĩnh hỏi ý kiến tác giả, biên tập, hay giám đốc NXB, có phải là người trọng “lễ nghĩa”, có nhân cách hay không!!! Chính anh ta cũng đã từng in thơ ở NXB Đà Nẵng. Anh ta không làm như thế, đăng một bài báo hiểu sai căn bản về nội dung cuốn sách trên báo Công an, với đủ lời lẽ truy chụp. Đang rất mến Mai Lĩnh, tôi đã nhìn Mai Lĩnh với con mắt khác. Từ đó không bao giờ tôi nói chuyện với Mai Lĩnh nữa.

Tiếp sau bài báo của Mai Lĩnh, trên tờ Công an Quảng Nam – Đà Nẵng đăng một loạt bài công kích thậm tệ Miền Hoang Tưởng. Đủ kiểu viết, đủ loại người viết. Trong NXB của tôi có một vị không thích anh Nguyễn Văn Giai, tiện thể có việc này, dù chưa đọc cuốn tiểu thuyết nhưng vị ấy cũng “tương” ngay một bài lên báo Công an Quảng Nam – Đà Nẵng, với một bút danh khác, mượn cớ là “phê bình” cuốn sách, nhưng thực chất để “một mũi tên trúng hai đích”. Tôi thấy sợ nhất, trong chuyện này là trò đánh “hội đồng”. Đọc nhiều bài báo trên báo Công an Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) lên án cuốn sách của mấy người viết, tôi cam đoan, họ chưa đọc tiểu thuyết Miền Hoang Tưởng, nhưng cứ viết, cứ “lên án”. Đó là chuyện rất lạ của báo chí Việt Nam mà hình như… đến tận bây giờ ở nước ta vẫn còn hiện tượng này!

Nhưng tất cả các bài viết đó, không bằng một bài viết của một nhà văn có tên tuổi, ông là tác giả mấy cuốn tiểu thuyết nổi tiếng từ thời chống Pháp đến chống Mỹ, tôi đọc cũng thích. Bài phê bình cuốn tiểu thuyết Miền Hoang Tưởng của nhà văn viết những lời lẽ rất nặng nề, thậm chí, ông còn cho rằng, nếu nói đây là cuốn sách một của một nhà văn phản động với ý thức chống Cộng điên cuồng, ông không ngạc nhiên… và … nếu như bảo đây là cuốn tiểu thuyết được xuất bản trước năm Bảy lăm ở miền Nam do bị ảnh hưởng của văn hóa lai căng… ông cũng tin là thật. Cuối cùng ông kết luận, đại ý, ông chỉ làm nhiệm vụ của một người đọc sách chỉ ra những điều “xấu” của cuốn sách đang “đầu độc” tuổi trẻ, còn NXB Đà Nẵng và tác giả cuốn tiểu thuyết thì hãy để pháp luật xử lý. Báo Công an Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) coi bài viết của nhà văn này là bài “tổng kết“ cuộc tranh luận về cuốn tiểu thuyết Miền Hoang Tưởng. (Thực chất các bài viết trên báo Công an Quảng Nam – Đà Nẵng lúc đó chỉ có một chiều là phê phán chứ không hề có một tý nào gọi là “tranh luận”. Điều ngạc nhiên nữa, tại sao bài viết của một tác giả lại coi là “tổng kết” cuộc “tranh luận”? Thật là không thể giải thích nổi!).

Sau đó, bài viết của nhà văn này còn được đăng lại trên báo Nhân dân Chủ Nhật. Nhưng ở đây, tôi cũng phải nói một điều, có khi bạn đọc lúc ấy không để ý. Anh Hoàng Trà, lúc đó là Tổng biên tập báo Quảng Nam – Đà Nẵng, khi thấy không khí “sôi sục” xung quanh cuốn tiểu thuyết Miền Hoang Tưởng, biết tôi là người biên tập cuốn sách, anh đến trực tiếp gặp tôi, hỏi cặn kẽ nôi dung cuốn sách, anh nói rất thành thật: “Nói thật với Trung, mình đọc cuốn này chẳng hiểu tác giả nói gì? Toàn những chuyện sáng tác nhạc, rồi đi kinh tế mới rồi ra ngoài ga ngủ thấy công an, rồi cả yêu đương, đêm mơ về lại thấy chúa… rất phức tạp. Vậy tính tư tưởng của cuốn tiểu thuyết là gì?”. Với kiến thức văn hóa còn hạn hẹp, nhưng tôi cũng cố nói hết những suy nghĩ vì sao mình tổ chức bản thảo, biên tập cuốn tiểu thuyết Miền Hoang Tưởng. Anh nghe tôi trình bày xong, đứng dậy bắt tay tôi rất thân ái: “Nghe Trung nói mình thấy sáng ra nhiều điều, văn học là thế, không thể áp đặt cũng không thể hiểu theo cách suy diễn rồi kết tội người ta. Báo Quảng Nam – Đà Nẵng sẽ không đăng những bài báo phê phán hoặc ca ngợi cuốn tiểu thuyết này. Vì đây không phải là lĩnh vực mình chuyên sâu”. Anh Hoàng Trà đã làm đúng điều đó, báo Quảng Nam – Đà Nẵng đã đứng ngoài cuộc chuyện này. Giá như ông Tổng biên tập báo nào cũng có cách suy nghĩ và việc làm như anh Hoàng Trà như trong việc này thì có phải tốt biết bao nhiêu.

Khi đã có những “đợt sóng phê phán” dồn dập bổ vào NXB Đà Nẵng, người trực tiếp lĩnh hậu quả là anh Nguyễn Văn Giai, Giám đốc. Nét mặt anh già đi trông thấy, anh buồn về nhân tình, thế thái. Nhiều người trước đây mình tưởng là “tốt”, giờ được thế “đục nước, béo cò”, quay ra phê bình anh thậm tệ, bới móc đủ điều…

Với tôi, Đảng Ủy NXB Đà Nẵng, thực hiện đúng chỉ thị của Đảng Ủy cấp trên yêu cầu tôi từ Hà Nội trở về Đà Nẵng làm “kiểm điểm”…

Trước khi được “triệu hồi” về Đà Nẵng thì thông tin do bạn bè của tôi liên tục báo ra Hà Nội về chuyện quyển tiểu thuyết Miền Hoang Tưởng đang gây một cơn “bão tố” phê bình lên án “ghê gớm” trên báo Công an Quảng Nam – Đà Nẵng. Cũng lạ! Ở Hà Nội, cũng có xôn xao trong dư luận về cuốn tiểu thuyết này, nhưng lại ở hướng tích cực, làm tôi rất vui. Nhiều độc giả nói, khi gặp chúng tôi: “Lâu lắm rồi mới có cuốn tiểu thuyết xem được”. Còn tuyệt nhiên báo chí Trung ương không đả động gì. Mãi về sau, có lẽ duy nhất chỉ có báo Nhân dân Chủ Nhật đăng lại bài báo đã đăng trên báo Công an Quảng Nam – Đà Nẵng của nhà văn nổi tiếng kia.

Cũng vì suy nghĩ trên nên khi được yêu cầu của Đảng Ủy NXB về Đà Nẵng để kiểm điểm “tổ chức và biên tập tiểu thuyết Miền Hoang Tưởng”, tôi không ngạc nhiên, cũng không hoảng sợ. Vì tôi biết việc mình làm là “quang minh chính đại”, rõ ràng như “giữa ban ngày”, với một động cơ hết sức trong sáng. Gia đình tôi có truyền thống cách mạng, đến chính tôi, dù bị cận thị nặng, vẫn xung phong vào bộ đội đi B, vậy thì không thể nói việc làm của tôi là “chống đối chế độ, chống chủ nghĩa xã hội” như một số bài viết trên báo Công an Quảng Nam – Đà Nẵng lên án. Hôm tôi chuẩn bị về Đà Nẵng tôi được nhiều anh chị là nhà văn, nhà thơ đến an ủi động viên. Nhà văn Trần Huy Quang, nhà ở cùng chỗ với địa điểm NXB Đà Nẵng thuê làm trụ sở chi nhánh (56 Bà Triệu – Hà Nội), hai anh em thường ngồi tâm sự với nhau mỗi buổi chiều, bên quán chè chén. Quang biết chuyện của tôi, anh vỗ vai thân mật:

- Cứ bình tĩnh! Nghề viết sách, biên tập của anh em mình thì chống ai!!! Viết để trang trải nỗi lòng, viết để mong một xã hội tốt đẹp, con người sống với nhau tử tế hơn. Đấy là thiên chức của nhà văn, người biên tập. Còn nếu họ không đồng ý như thế, tức là họ chưa hiểu mình. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, em đừng bi quan, đừng chán nản, sống đúng với mình – Anh còn gợi ý cho tôi – Anh thấy em có thể viết văn được đấy! Lúc nào em thấy cô đơn nhất, buồn nhất, thì viết đi. Em viết sẽ giải tỏa được nhiều điều. Nếu viết được một truyện ngắn nào, cứ đưa anh xem, anh sẽ góp ý cho.

Lúc ấy tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành người viết văn, dù trước đó cũng “tập tọe” viết một, hai truyện ngắn được đăng ở tạp chí Non Nước của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ). Cũng không ngờ… lời gợi ý của anh, sau này giúp tôi nhiều điều. Tôi sẽ kể tiếp cho các bạn nghe ở hồi sau. Chị Phương Quỳnh đến dặn dò tôi: “Mọi việc trong ấy, có gì phải báo cho chị biết ngay, để chị lo cho em. Nếu căng quá, em bí mật ra đây, chị nuôi…” Còn anh Xuân Khánh thì ái ngại: “Cũng vì anh mà em khổ!”. Tôi nghĩ, sự việc chắc cũng không đến nỗi trầm trọng như thế! Cứ về xem binh tình thế nào, rồi định liệu sau.

Về đến Đà Nẵng, điều tôi mừng, là tất cả các bạn biên tập trong Ban biên tập NXB Đà Nẵng đều ủng hộ việc làm của tôi, cho rằng: “Việc này tự nhiên các ông ấy bơm to lên, chứ có gì đâu!”. Đến hiền lành như nhà thơ Thanh Quế, trong một cuộc họp kiểm điểm tôi, NXB Đà Nẵng mời nhà thơ đến dự, cũng phát biểu: “Quyển tiểu thuyết này, theo tôi, không khéo năm mươi năm nữa nó lại được giải thưởng Nobel, lúc đó đồng chí Trung lại có công phát hiện ra cuốn tiểu thuyết hay làm rạng danh văn học Việt Nam”.

Ngược với không khí của Ban Biên tập NXB Đà Nẵng, trong Đảng Ủy NXB Đà Nẵng là không khí rất nặng nề. Ông Đ, Phó giám đốc, bí thư Đảng Ủy yêu cầu tôi viết kiểm điểm thật “thành khẩn nghiêm túc”. Kiểm điểm tôi từ tổ Đảng, đến Chi bộ, rồi tôi phải kiểm điểm trước tất cả đảng viên trong Đảng bộ, có đại diện của Đảng Ủy Dân Chính Đảng xuống dự. Trong bản kiểm điểm, tôi không thừa nhận bất cứ những điều họ đã viết trên báo Công an Quảng Nam – Đà Nẵng, tôi luôn bảo vệ quan điểm: “Đây là quyển sách có nội dung tốt, không chống chế độ, không chống chủ nghĩa xã hội” tôi phân tích nội dung tư tưởng, cả từng nhân vật trong cuốn sách… Nhưng nhiều người ngồi dự không nghe, trong đó có một chị nguyên là giám đốc Nhà khách của NXB Đà Nẵng lúc đó, chị ấy nói: “Đã là báo Công an viết mà còn sai à! Đồng chí Trung chưa thành khẩn”. Liên tiếp mấy cuộc họp nữa, cũng chỉ yêu cầu tôi nhận “…Thiếu sót là mất cảnh giác trước các âm mưu của thế lực thù địch, lập trường tư tưởng chưa vững vàng, chưa thấy được bản chất hai mặt nguy hiểm của cuốn tiểu thuyết Miền Hoang Tưởng”. Hơn một tháng trời, tôi cứ phải viết đi, viết lại bản kiểm điểm, đạp xe từ Hội An ra Đà Nẵng và ngược lại. Mấy cuộc họp liền mà sự việc chẳng đi đến đâu.

Thấy vậy, Đảng Ủy Dân Chính Đảng yêu cầu tôi phải kiểm điểm trực tiếp với Ban kiểm tra Đảng. Tôi nhớ một ông có chức tước trong Ban kiểm tra, nghe đâu là người từ Chiến khu về, nói với tôi: “Không điều gì qua mắt được chúng tôi, dù nấp dưới bất cứ hình thức nào.” Ông kể cho tôi nghe một câu chuyện. Có một ông thủ thư trong một thư viện, hàng ngày ông ta cứ hay ngồi sau một cái bàn, sau lưng ông ta là một bức tường vàng, trước bức tường vàng có ba kệ sách được sơn bằng màu nâu đỏ. Tại sao ông ta cứ ngồi đây, không ngồi chỗ khác?!! Ông ta rất thắc mắc. Sau khi tìm hiểu lý lịch của ông thủ thư, ông này phát hiện, ông thủ thư nguyên là viên chức của chế độ cũ: “Hèn chi hắn ta vẫn tôn thờ lá cờ của bọn ngụy, nhưng giấu mặt. Bức tường vàng, là nền cờ vàng. Còn ba sọc đỏ, chính là màu của ba kệ sách kia. Qua mắt tôi thế nào được. Tôi nói điều này với anh Giám đốc thư viện, anh ấy khen tôi, sau đó sửa chữa bằng cách sơn tường, sơn kệ sách màu khác còn ông thủ thư cho thôi việc”.

Nghe ông ta nói thế, tôi không nín được cười. Cứ thế này, đêm đến đừng ai nhìn lên bầu trời nữa, vì bầu trời có nhiều sao, mà có “nhiều sao” là cờ của bọn đế quốc Mỹ!!! Ông này được cái nói dai, nói nhiều. Tôi nghe mệt quá, giả lấy sổ ra ghi chép cho thật nghiêm túc. Tôi chợt nhớ đến lời nói của một người bạn thân: “Mấy bố này ưa nịnh lắm. Các bố ấy nói gì đừng cãi lại, cứ gật gù làm như lắng nghe, mày khen đại đi. Thế là mình thắng!”. Một tứ truyện ngắn bất chợt ập đến, tôi ngồi “ghi chép”, kỳ thực, tôi viết truyện ngắn Đọp – Nhà thơ. Ông nói đến đâu, tôi “ghi chép” đến đó. Hết một buổi sáng, truyện ngắn Đọp – Nhà thơ cũng “hòm hòm”, để tối tôi về sửa lại. Tôi đã tìm ra được một cách đối phó không “nhàm chán”. Đúng là viết truyện ngắn – như lời nhà văn Trần Huy Quang – đã giúp tôi giải tỏa nhiều điều!

Đúng lúc ấy tôi gặp thêm một việc nữa nữa. Việc này không đùa được.

Tôi có giấy “Khởi tố ” của Công an triệu tập tôi để điều tra việc “tổ chức, biên tập, phát hành cuốn tiểu thuyết Miền Hoang Tưởng”. Thế là sự việc nghiêm trọng rồi, không đơn giản như tôi tưởng. Vợ tôi vừa mới sinh cháu, rất lo cứ hỏi: “Liệu họ có bắt anh đi tù không?”. Tôi phải giấu sự việc này với mẹ của tôi, sợ bà bị sốc. Một số anh chị em thân thiết trong NXB nhìn tôi với ánh mắt lo lắng. Quả thật, lúc này tôi mới hơi lo sợ. Chẳng lẽ sự việc lại “nghiêm trọng” đến thế! Tôi vội viết một bài, nói hết tất cả sự việc, diễn biến việc xuất bản cuốn tiểu thuyết Miền Hoang Tưởng và động cơ mình làm việc này gửi các báo. Tôi biết nếu gửi báo ở địa phương, chắc chắn họ không đăng. Tôi đánh bạo gửi cho báo Lao Động, lúc đó là ông Tống Văn Công (3) làm Tổng biên tập và nhà thơ Hoàng Hưng phụ trách trang văn nghệ. Chỉ non một tuần sau, bài báo của tôi được in trang trọng ở trang Văn nghệ của báo Lao Động (tất nhiên có lược đi những câu rườm rà, tôi viết chưa hay), còn nội dung chính tôi bảo vệ cho việc làm của mình, nhà thơ Hoàng Hưng vẫn để nguyên. (Tôi rất phục và đến bây giờ vẫn biết ơn việc làm này của nhà thơ Hoàng Hưng, cả ông Tống Văn Công, vì nhà thơ Hoàng Hưng và ông Tống Văn Công lúc đó hoàn toàn không biết tôi là ai).

Bài báo đó đã gây ra một tiếng vang, liên tục trong thời gian đó, trên báo Lao Động có rất nhiều bài báo của những nhà thơ, nhà báo, nhà văn nổi tiếng viết (rất tiếc đến bây giờ tôi không nhớ nhiều, chỉ nhớ rõ nhất là bài của nhà thơ Trinh Đường viết rất hay) phân tích những yếu tố tích cực của cuốn tiểu thuyết Miền Hoang Tưởng mang lại, không nên chụp mũ, suy diễn, kết luận một chiều… Rồi báo Văn Nghệ tổ chức tọa đàm cuốn tiểu thuyết này trong không khí dân chủ, có tính học thuật cao, chỉ ra những mặt được và chưa được của cuốn tiểu thuyết. (4) Tất nhiên trong cuộc tọa đàm đó bao gồm nhiều nhà nghiên cứu văn học, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng, không có một ý kiến nào cho rằng Miền Hoang Tưởng là chống chế độ, chống chủ nghĩa xã hội” như báo Công an Quảng Nam – Đà Nẵng đã đưa ra. Tôi viết thư cho chị Phương Quỳnh báo việc này, nhờ nhà văn Trần Huy Quang đưa hộ. Lúc này tôi cũng sợ công an theo dõi chị Phương Quỳnh (rất may, như thư chị Phương Quỳnh gửi vào cho tôi kèm theo một gói trà, thông báo, mọi việc ngoài này vẫn yên ổn, không có vấn đề gì. Chị dặn đi, dặn lại trong thư: Nếu “nguy khốn” quá, bí mật ra Hà Nội, để chị lo). Nhà văn Trần Huy Quang nhận được thư tôi, anh nhiệt tình chuyển ngay đến cho chị Phương Quỳnh. Rõ ràng sự quan tâm, động viên chăm sóc của các anh, các chị ngoài Bắc, thật sự là chỗ dựa tinh thần rất lớn cho tôi.

Cũng có lẽ vì thế, khi anh công an Hà (nếu tôi nhớ tên không lầm, từ Hà Nội vào) làm công tác thẩm vấn, điều tra tôi về việc tổ chức, biên tập cuốn Miền Hoang Tưởng, không khí không căng như tôi nghĩ.

Công an Hà, trông trẻ tuổi hơn tôi, vui tính, có kiến thức, đó là nhận xét ban đầu của tôi khi gặp anh ấy. Hà nói:

- Anh đừng coi việc này là hỏi cung, vì anh không có tội gì cả, mà coi đây là một cuộc trò chuyện thân mật cho rõ mọi vấn đề. Tôi cũng muốn hiểu thêm công tác biên tập sách, cũng qua anh, hiểu thêm nội dung một số cuốn sách mà tôi chưa đọc.

Tôi hỏi:

- Thế cuốn tiểu thuyết Miền Hoang Tưởng anh đã đọc chưa?

Hà có vẻ hơi lúng túng:

- Tôi có …đọc… nhưng cũng có một số vấn đề muốn hỏi anh.

Tôi gật đầu:

- Anh cứ hỏi, nếu biết điều gì rõ ràng, tôi sẽ trả lời anh.

Điều đầu tiên Hà hỏi tôi về quy trình tổ chức bản thảo, xin giấy phép, biên tập cuốn tiểu thuyết này. Tôi trình bày cặn kẽ, quyển tiểu thuyết xuất bản rất đúng thủ tục. Từ việc có bản thảo, xin ý kiến, có chữ ký của anh Trưởng chi nhánh. Tiếp theo đề đạt ý kiến với Ban Giám đốc, Ban Giám đốc đồng ý mới viết kế hoạch bổ sung để Giám đốc duyệt. Sau khi kế hoạch bổ sung được Cục Xuất bản đồng ý ký, đóng dấu cấp giấy phép tôi mới biên tập, thuê họa sĩ vẽ bìa. Vẽ bìa cũng phải có chữ ký Giám đốc, còn quyết định xuất bản, ông Đ, thừa lệnh Giám đốc ký, đóng dấu. Tôi nói hơi dài dòng một tý, để các bạn thấy rằng, quy trình xuất bản cuốn tiểu thuyết này là hoàn toàn hợp lệ, đúng pháp luật.

Nghe tôi trình bày xong điều này, Hà nhìn tôi với ánh mắt thiện cảm:

- Quy trình xuất bản, nếu đúng như anh nói, chúng tôi sẽ kiểm tra lại, thì có thể kết luận, anh chẳng có một khuyết điểm nào trong việc này. Nếu có kiểm điểm, kỷ luật, thì phải gọi anh Trưởng chi nhánh, Ban Giám đốc NXB Đà Nẵng, thậm chí cả người đã ký quyết định cấp giấy phép trên Cục xuất bản vì mọi thủ tục xuất bản anh làm rất nghiêm túc.

Ừ nhỉ! Đến lúc này tôi mới giật mình vì tính ngây thơ thật thà của mình mà không hề để ý đến nguyên tắc xuất bản sách. Đâu có phải một mình tôi “quyết định” ra cuốn tiểu thuyết Miền Hoang Tưởng!!! Thế mà, suốt cả hơn một tháng, chỉ có mỗi một mình tôi bị kiểm điểm, quả thực là quá vô lý. Hôm sau anh công an Hà triệu tập thêm anh Nguyễn Văn Giai, Giám đốc NXB, anh Trưởng chi nhánh và cả ông Đ. Vì ông Đ, Phó giám đốc, Bí thư Đảng Ủy, người ký quyết định xuất bản cuốn tiểu thuyết Miền Hoang Tưởng, để hỏi thêm một số vấn đề cho rõ. Buồn cười nhất, trước đây, chính ông Đ đã yêu cầu tôi viết bản kiểm điểm ”thành khẩn, nghiêm túc nhận rõ khuyết điểm để sửa chữa”, bây giờ ông lại bị Công an hỏi chuyện vì sao ký quyết định xuất bản? Chuyện như tiếu lâm”. Vì thế liên tục mấy ngày hôm sau, cuộc “thẩm vấn” giữa công an Hà và tôi, thực sự là một cuộc trao đổi học thuật. Thậm chí, mỗi buổi chiều khi tiễn tôi về nhà, Hà còn nói:

- Anh nên trao đổi trước với anh Trưởng chi nhánh cho có ý kiến thống nhất. Chứ khi tôi hỏi, mỗi người trả lời một phách, khổ các anh và khổ cho chúng tôi.

Tôi nghĩ, anh công an Hà, là một người tốt, ít nhất trong cuộc trò chuyện với tôi, anh xử sự rất đúng mực, có văn hóa, biết tôn trọng người mình tiếp chuyện. Vì thế mấy ngày sau chỉ là những cuộc nói chuyện nhẹ nhàng giữa hai người về thời cuộc. Anh công an Hà hỏi tôi vì sao lại đổi tên sách, tên tác giả? Tôi cũng nói y như ý định ban đầu mà tôi tiếp xúc với chị Phương Quỳnh, khi chị Phương Quỳnh đưa bản thảo. Tôi có nói :

- Tôi không làm như thế làm sao bạn đọc có thể đọc được một cuốn tiểu thuyết hay đến như thế?

- Hay như thế nào? – Công an Hà đề nghị tôi phân tích.

Tôi lại ngồi phân tích nội dung cuốn sách, Hà chăm chú lắng nghe, ghi chép. Cuối cùng Hà phải thừa nhận:

- Đúng là hiểu một cuốn sách viết gì, nói gì, không hề đơn giản.

Tôi nói với anh công an Hà:

- Nghề văn, nghề báo, tôi làm biên tập, tôi biết chứ. Sống giả dối, sống không trung thực, cơ hội thì dù có viết hằng trăm cuốn sách, viết hàng ngàn bài thơ ca ngợi Đảng, ca ngợi đất nước… người đọc sẽ không nhớ, dù người đó có được tâng bốc lên bằng giời. Còn sống ngay thẳng, thật thà với chính mình, với người dân, có trách nhiệm với xã hội, phê phán thực sự cái xấu, không sợ bạo quyền… những bài báo, quyển sách của những tác giả đó sẽ được người đọc đón nhận.

Hà nói:

- Anh nói với tôi điều đó, tôi không phản bác. Ta quay lại quyển Miền Hoang Tưởng, anh có thừa nhận, việc đổi tên tác giả, tên tác phẩm để xuất bản sách… là “sai” không?

Tôi gật đầu, nhưng cũng phải nói:

- Cũng vì sự truy chụp, suy diễn không phải lối, cũng như có chuyện “thế lực này”, “ thế lực kia” lợi dụng. Khổ cho chúng tôi lắm mà chúng tôi chỉ có một ước muốn duy nhất, được tự do sáng tác, để có những quyển sách hay đến tay bạn đọc. Còn nói “thế lực thù địch, phản động”, các anh chỉ cụ thể ra chúng tôi xem, chúng tôi thấy đúng, sẽ đấu tranh đến cùng, để bảo vệ đất nước này chứ!

Công an Hà cười:

- Nhưng xin các ông… cứ cảnh giác, đề phòng chẳng bao giờ thừa cả. Cũng như, nhà ở phải có ổ khóa tốt, cửa ra vào chắc chắn mới không sợ mất trộm, chứ để thông thống, không đề phòng, chẳng mất trước cũng mất sau.

Nói thế thì tôi chịu, nhưng vẫn suy nghĩ. Hai sự việc, hai bản chất khác nhau. Đồ trong nhà khóa cửa kín, không mất. Nhưng sách vở, tinh thần, có khóa mấy, bao vây thật chặt nó vẫn “ bung” ra ngoài, nhất là chuyện ấy lại là “món ăn tinh thần” rất cần cho mọi người.

Sau này tôi không gặp Hà nữa. Không biết những người như anh ấy, còn làm trong ngành Công an không?

Thế là cuộc “khởi tố” với tôi kết thúc, cũng chẳng thấy Công an đưa ra kết luận gì! Nhưng khốn nỗi, tưởng mọi chuyện đã xong, nhưng bên Đảng Ủy Dân Chính Đảng chưa chịu. Dù tôi không nhận khuyết điểm, họ vẫn yêu cầu Đảng Ủy NXB Đà Nẵng có hình thức kỷ luật tôi. Lúc ấy anh Hoàng Văn Cung, bí thư chi bộ, hiện là Phó Giám đốc, tổng biên tập NXB Đà Nẵng(5) là người hiền lành tử tế, nói riêng với tôi: “Thôi, ông đừng cố chấp, chẳng lợi một chút nào cả. Ngày mai họ gọi tôi với ông lên, với ý định, nếu ông không nhận khuyết điểm, thì sẽ có hình thức kỷ luật nặng. Còn ông thừa nhận mình có sai sót, sẽ để ông ở lại tiếp tục làm công tác biên tập, mức kỷ luật sẽ cảnh cáo trong chi bộ. Ông phải ở lại làm biên tập với chúng tôi, chúng tôi mới vui”. Tôi thấy, vì việc này cũng làm khổ nhiều người, khổ cơ quan rồi đi đi lại lại quá vất vả, vợ mới sinh, hơn nữa cũng không muốn cho mẹ của tôi buồn. Tôi lại nghĩ đến hình ảnh của nhà thiên văn học Galilée, trước sự truy bức của nhà thờ, ông đành phải nói “Mặt trời quay xung quanh trái đất”, để rồi sau này ông lại nói: “Dù sao trái đất vẫn quay!”. Sự so sánh nào cũng khập khiễng, chuyện của tôi chưa thể giống như thế nhưng phương pháp… có thể bắt chước. Tôi gật đầu, đồng ý với ý kiến của anh Cung.

Hôm sau, tôi với anh Cung lên gặp các vị trong Đảng Ủy Dân Chính Đảng. Các vị ấy nhìn tôi nét mặt lạnh lùng, chờ đợi. Sau cái bắt tay, được phép nói trước, tôi nói ngay:

- Tôi thừa nhận có sai sót trong công tác biên tập, làm hơi vội vàng, biên tập chưa kỹ. Những ý kiến đóng góp của các đồng chí tôi tiếp thu, sẽ sửa chữa để làm công tác biên tập tốt hơn, tránh những sai sót như vừa rồi.

Hơi bất ngờ, nét mặt của mấy người ngồi xung quanh tôi dãn ra, thỏa mái hẳn. Cuộc họp kết thúc rất nhanh chóng, anh Cung không phải đá nhẹ chân tôi như mọi lần khi tôi phản bác lại những ý kiến không đúng về quyển tiểu thuyết Miền Hoang Tưởng. Tôi bị kỷ luật, mức kỷ luật này không biết có ghi trong điều lệ Đảng không? “Mức cảnh cáo có thời hạn một năm trong chi bộ. Nếu sửa chữa khuyết điểm tốt, sẽ xóa mức kỷ luật này”.

Bây giờ ngồi viết lại chuyện này, nhiều lúc tôi nghĩ, quyển Miền Hoang Tưởng, hôm nay tôi nhắc lại, có người nhớ chứ mấy ông ở tòa soạn báo Công an Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) có khi cũng quên rồi! Thế mà cái hiện tượng ấu trĩ này vẫn tiếp tục “xuất hiện” như ở Phú Yên, mấy ông làm văn hóa “chẻ tóc làm tư” lục tìm mấy bài thơ để phê phán tính “hai mặt”. Còn ở Bình Định có lệnh thu hồi trong phạm vi tỉnh một quyển sách viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vì cho rằng “… nhận định lệch lạc cuộc chiến tranh Việt Nam”. Tít tận Cà Mau lại có đận lên án Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vì “bôi đen hiện thực”. Tiếp đến ở Quảng Bình mấy bài báo “đánh” một bài thơ tặng chị Lâm Thị Mỹ Dạ của một nhà thơ nguyên Phó Tổng biên tập một tờ báo vì tội bài thơ này có ý “nói xấu địa phương, ca ngợi không đúng chỗ”… Các vị làm những việc ấy, chắc cũng biết rằng, thời đại bây giờ không phải anh nói điều gì người ta cũng nghe, mà chắc gì việc làm đó được mấy ông Trung ương khen!!! Dư luận và thực tế sẽ kiểm chứng ai đúng, ai sai? Nhưng cũng phải thừa nhận “văn hóa cát cứ” còn sống dai dẳng lắm.

Sau sự kiện này, nói thật tôi cũng chán công tác biên tập, hết cả nhiệt huyết. Tôi xin chuyển sang công tác biên tập sách khoa học xã hội, chẳng nhận mà cũng không được phân công thêm một chức vụ gì. Tôi làm biên tập viên đến lúc nghỉ hưu. Tôi dành nhiều thời gian cho sáng tác. Điều tôi mừng nhất làg thời bây giờ không giống thời Nhân văn Giai phẩm. Hồi đó, cứ nghe đến nhà văn, nhà thơ “có vấn đề” là mọi người ngại tiếp xúc, không dám đến thăm hoặc có gặp cũng lén lút. Còn bây giờ, nếu nhà văn, nhà thơ nào mà “bị nạn” thì ngược lại, những bạn bè chân chính vẫn cưu mang, che chở, thậm chí tìm mọi cách phổ biến tác phẩm đó đến tay bạn đọc.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, người mà Mai Lĩnh cho là đã viết tác phẩm bôi đen chế độ, chống chủ nghĩa xã hội” còn viết tiếp mấy cuốn tiểu thuyết “lừng lẫy” hơn nhiều như Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn… Đặc biệt cả hai cuốn này liên tục tái bản. Riêng cuốn Hồ Quý Ly được giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam. Cuốn Miền Hoang Tưởng, tôi biết, có một NXB ngoài Hà Nội định tái bản lại.

Chỉ tội cho anh Nguyễn Văn Giai, giám đốc NXB Đà Nẵng, vì sự vụ này, phải về hưu sớm, nhưng anh không buồn. Anh nói với tôi:

- Anh không viết được văn, nhưng anh giúp ra được một quyển sách tốt đến tay bạn đọc. Bạn đọc hiểu xã hội mình đang sống hơn, phấn đấu cho xã hội này đẹp lên. Thế là anh mừng, em ạ!

Trần Kỳ Trung
(Hội An)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét