Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

Chứng khoán tuột dốc vì biến thể COVID mới, chỉ số Dow mất 905 điểm


Bảng tên đường bên ngoài thị trường chứng khoán New York.
Chứng khoán ngày 26/11 tuột dốc, chỉ số Công nghiệp Trung bình Dow Jones trong một thời gian ngắn mất hơn 1.000 điểm vì biến thể virus corona mới được phát hiện đầu tiên tại Nam Phi dường như đang lây lan trên toàn thế giới. Các nhà đầu tư không chắc chắn là liệu biến thể này có thể có khả năng đảo ngược những tiến bộ trong nhiều tháng kìm chế được đại dịch hay không. Chỉ số S&P 500 giảm 106,84 điểm, hay 2,3% ở mức 4.594,62 vào lúc đóng cửa phiên giao dịch. Đây là ngày tệ hại nhất cho chỉ số cột mốc của Wall Street kể từ tháng Hai.
<!>

Chỉ số bị kéo xuống bằng mọi chuyện từ các ngân hàng, các công ty lữ hành và các công ty năng lượng khi các nhà đầu tư nỗ lực tái phối trí để tự bảo vệ về phương diện tài chánh từ biến thể mới. Tổ chức Y tế Thế giới gọi biến thể là “lây nhiễm cao.”

Giá dầu giảm khoảng 13%, giảm lớn nhất kể từ đầu đại dịch, giữa những lo ngại về một sụt giảm nữa của kinh tế toàn cầu. Việc này sẽ kéo chứng khoán năng lượng sụt giảm. Chứng khoán của Exxon giảm 3,5% trong khi chứng khoán của Chevron giảm 2,3%.

Chứng khoán của những công ty lớn giảm 905,4 điểm chấm dứt phiên giao dịch ở mức 34.899,34. Trong khi chỉ số Nasdaq Composit mất 353,57 điểm, hay 2,2% còn ở mức 15.491,66.

“Các nhà đầu tư hành động trước và hỏi những câu hỏi sau cho tới khi biết thêm nhiều chuyện,” ông Jeffrey Halley của công ty Oanda nói trong một phúc trình. Đó là bằng chứng từ hành động trên thị trường trái phiếu, nơi tiền lời trái phiếu 10 năm của Bộ Tài chánh giảm còn 1,48% từ 1,64% ngày 24/11. Hậu quả là các ngân hàng thiệt hại nhiểu nhất. JPMorgan Chase giảm 3%.

Có nhiều biến thể khác của virus--biến thể Delta tác hại tại nhiều nơi trên nước Mỹ trong suốt mùa hè—và các nhà đầu tư, các giới chức công và quần chúng đang hoảng sợ về bất cứ biến thể nào lây lan.

Đã gần hai năm kể từ khi COVID-19 xuất hiện, cho tới nay đã giết chết hơn 5 triệu người trên toàn cầu.

Các ca biến thể mới được phát hiện tại Hong Kong, Bỉ và Tel Aviv cũng như tại các thành phố lớn ở Nam Phi như Johannesburg.

Ảnh hưởng đối với nền kinh tế của biến thể này đã được cảm nhận. Các chuyến bay giữa Nam Phi và châu Âu là đối tượng của cách ly hay bị đóng. Chứng khoán của các hãng máy bay được nhanh chóng chuyển nhượng, với United Airlines giảm 9,6% và American Airlines giảm 8,8%.

“COVID dường như đã được các thị trường tài chánh đặt vào quá khứ cho tới mới đây,” ông Douglas Poter, kinh tế gia trưởng tại BMO Capital Markets nói. “Ít nhất virus có thể tiếp tục tung hỏa mù vào nền kinh tế trong năm 2022, kìm chế phục hồi và giữ cho chuỗi cung cấp lệch lạc.”

Ngay cả Bitcoin cũng dính líu đến việc bán cổ phiếu. Loại tiền kỹ thuật số này giảm 8,4% còn ở mức 54.179 đô la, theo CoinDesh.

Một dấu hiệu lo âu của Wall Street là VIX, một biện pháp đo lường về tính dao động của thị trường mà đôi khi được gọi là “máy đo sợ hãi.” VIX tăng 53,6% từ mức 28,54, cao nhất kể từ tháng Giêng trước khi vaccine được phân phối rộng rãi.

Lo sợ phong tỏa thêm nữa và cấm du hành, các nhà đầu tư chuyển tiền vào những công ty hưởng lợi nhiều nhất từ các đợt trước, như công ty truyền thông Zoom cho các cuộc họp hay Peloton về trang cụ thể dục tại nhà. Cổ phiếu của cả hai công ty tăng gần 6%.

Các công ty sản xuất vaccine nằm trong số các công ty hưởng lợi nhiều nhất do sự xuất hiện của biến thể mới này và phản ứng của các nhà đầu tư. Cổ phần của Pfizer tăng hơn 6% trong khi cổ phần của Moderna tăng hơn 20%. Tuy nhiên cổ phần của Merck giảm 3,8%. Trong khi các giới chức Mỹ nói thuốc chữa trị COVID-19 thử nghiệm của Merck hiệu nghiệm, dữ liệu cho thấy thuốc viên này không hữu hiệu trong việc giữ cho bệnh nhân khỏi nhập viện như đã nghĩ lúc ban đầu.

Các nhà đầu tư lo ngại là vấn đề chuỗi cung cấp đã ảnh hưởng thị trường toàn cầu trong nhiều tháng sẽ tệ hại hơn. Các cảng và các kho bãi chứa hàng hóa dễ bị tổn thương và có thể bị phong tỏa vì những vụ bùng phát mới.

“Chuỗi cung cấp đã căng thẳng,” ông Neil Shearing, một kinh tế gia với tổ chức Capital Economic tại London nói. “Một đợt virus mới, nguy hiểm hơn có thể làm cho các công nhân tạm thời rời khỏi lực lượng lao động, và cản trở những người khác trở lại, làm cho tình trạng thiếu lao cộng hiện nay tệ hại hơn.”

Biến thể cũng tạo thêm áp lực lên các ngân hàng hiện đang đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan: Liệu có nên và khi nào nâng lãi suất để chống lại lạm phát gia tăng.

“Mối đe dọa của biến thể virus mới, trầm trọng hơn có thể là một lý do khiến các ngân hàng trung ương hoãn kế hoạch nâng lãi suất để chống lạm phát gia tăng cho đến khi nào tình hình sáng sủa hơn,” ông Shearer nói,

Mua bán chứng khoán vào ngày thứ Sáu sau lễ Tạ Ơn thường là một ngày chậm nhất trong năm, với thị trường đóng cửa vào một giờ chiều. Tuy nhiên khối lượng ngày thứ Sáu cao hơn nhiều so với một ngày lễ ngắn hơn. Gần 3,4 tỉ cổ phiếu được trao tay tại thị trường chứng khoán New York, hiện dưới mức khiêm nhường dưới 4 tỉ cổ phần trao đổi trong một ngày trung bình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét