Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

Chính là em - Chu An


Minhhoạ: Everton Vila/Unsplash
Tình nhân lại gặp tình nhân,
Hoa xưa ong cũ mấy phân chung tình (Kiều)
Người đàn ông tuổi độ lục tuần, nét phong trần lộ qua đuôi mắt hình chân chim, nhích ghế rời khỏi bàn tiệc VIP bước ra ngoài đi tới đi lui chờ đợi. Anh đã nhận ra ngay từ lúc Nga bước chân lên sân khấu khi nói lời khai mạc chương trình. Nancy Nguyễn chính là Nga. Anh đã chọn vé VIP vừa để ủng hộ cho chương trình vừa để tiếp cận gần nhất có thể những người trên sân khấu, quan trọng là cô. Ánh mắt tươi vui rực sáng như hai vì sao lung linh. Mái tóc “bob” thích hợp ôm gọn gương mặt thanh tú càng tăng thêm phần duyên dáng. Tiếng nói trầm ấm đặc biệt của cô qua microphone rất hiếm có, không thể là ai khác. “Chính là em”.
<!>
Anh len lén dõi mắt theo Nga từ đầu đến chân khi cô bước ra cửa. Nga vô tình hết chào người này đến người kia không biết có người đang chăm chú dõi theo cô từng bước. Cô đi về hướng xe đậu, anh rảo theo phía sau; Nga miên man suy nghĩ về buổi tiệc gây quỹ thành công ngoài dự đoán của mình.
Chương trình gây quỹ cho việc mở nhà nuôi dạy trẻ mồ côi Việt Nam bên Campuchia do Nga khởi xướng và lên kế hoạch, quảng cáo năm tháng qua. Đêm nay ra mắt lần đầu đã được sự ủng hộ nhiệt tình của đồng hương nói chung và bạn bè nói riêng. Đồng bào mình rất dễ thương, nghe nói đến những trẻ em Việt Nam mồ côi cần giúp là họ đóng góp hết mình. Khu nhà khang trang trên khu đất cao với tiếng chơi đùa của trẻ thơ như đang hiện ra trước mắt.

Nga say sưa trong niềm vui ngập tràn, một luồng gió mạnh thổi qua, xấp giấy quảng cáo còn lại cho tuần sau vuột khỏi tay cô bay tung toé. Thôi chết, Nga vừa kêu thầm vừa lùi lại nhặt những tờ gần mình, từ xa có một người đàn ông cũng đang nhặt giúp cô và hai người tiến lại gần hơn. Đúng là em rồi, cô giáo Nga duyên dáng của anh đây mà – giọng anh run run đầy xúc động.

Anh đưa cho Nga xấp giấy, mặt tận mặt, anh dang rộng vòng tay miệng lẩm bẩm như nói cho riêng mình “Chính là em đây mà”.
Nga nhận ngay ra anh khi nghe anh nói, Tuân đây sao? Ba bé Mơ đây sao? Mắt cô xoe tròn, đứng tròng nhìn người đàn ông không chớp. Tim như ngừng đập, nhói trong lồng ngực rồi vỡ oà, cô nhào vào vòng tay đang dang rộng đợi chờ.
Anh Tuân – tiếng kêu tắc nghẽn trong nghẹn ngào.

Vòng tay này đã xa lìa Nga từ năm 1989 và đã hiện diện trong những giấc mộng suốt bao năm dài biền biệt tăm hơi. Anh dìu Nga, hai người bước tùng bước loạng choạng như đang say rượu tiến về phía xe. Anh mở cửa cho Nga ngồi vào tay lái,
Anh phone cho bạn anh khỏi đến rước vì anh cần thời gian với em. Em đi một mình đúng không? – Anh hỏi dồn dập. Dạ – Nga vẫn chưa hết bàng hoàng gật đầu trong vô thức. Anh ngồi vào xe nắm tay Nga xiết chặt. Mình cùng đến nơi nào yên tĩnh để nói chuyện được không em? – Anh khẩn khoản. Được chứ anh, em chờ đợi ngày này mấy mươi năm rồi – giọng Nga nhẹ như gió thoảng làm hồn anh dịu mát.

Cô đề máy, quay nhìn anh như muốn hỏi đi đâu.
Đến khách sạn anh thì sợ em ngại, tùy em – Anh ngập ngừng.
Anh ở khách sạn ư? Anh đến từ tiểu bang nào? – Nga tròn xoe mắt.
Từ Úc. Anh đến hai hôm rồi chỉ để chờ đợi đêm nay – ánh mắt màu nâu nhạt của anh reo vui.
Thôi thì anh là khách, em mời anh về chỗ em cho biết, sau đó em sẽ đưa anh về khách sạn – Nga quyết định sau khi suy nghĩ.
Cô cho xe ra đường, chỉ mười lăm phút trên xa lộ đã đến khu chung cư cô đang ở. Mười lăm phút không đủ trả lời cho những suy tư mấy mươi năm, liếc nhìn gương mặt hớn hở của Tuân cô mỉm cười sung sướng. Cuối cùng rồi hai người cũng gặp lại nhau ở một nơi mà không bao giờ cô dám mơ, nước Mỹ thật rộng lớn với năm mươi tiểu bang sao anh lại đến tiểu bang này? Anh đã có vợ chưa? Bé Mơ nay ra sao? Năm ấy bé hai tuổi tròn bây giờ cũng đã hơn ba mươi rồi.

Hai người bước vào căn hộ một phòng ngủ xinh xắn của Nga với bao nhiêu câu hỏi đang chờ cả hai trả lời. Nga chọn bộ đầm nền đen hoa vàng rơi li ti kín đáo nhưng không kém phần quyến rũ, bởi dây thắt eo tôn bộ ngực vẫn còn đầy ắp sức sống và làn da trắng hồng của một phụ nữ vừa tròn năm mươi tuổi. Tuổi năm mươi nhưng mọi người đều lầm cô khoảng bốn mươi vì vóc người thon gọn khoẻ mạnh năng động và nhất là gương mặt tươi tắn với nụ cười luôn nở trên môi. Tuân đón ly nước lọc từ tay người con gái mà mình đã từng thề non hẹn biển mấy mươi năm trước. Nàng vẫn duyên dáng như xưa nhưng mặn mà hơn, đằm thắm hơn lúc tuổi thanh xuân. Nàng hấp dẫn hơn thời gian đó có lẽ vì nàng ở Mỹ với mọi thứ quá đủ đầy trong đời sống.

Năm mười tám tuổi, Nga được chuyển về dạy ở trường trung cấp của nông trường mía Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Nhà tập thể giáo viên cùng chung với dãy nhà tập thể công nhân viên của khu nông trường. Gia đình Tuân ở gần nhà Nga và hai cô bạn. Tuân mới lấy vợ trước khi lên làm việc ở đây, năm sau chị sinh được bé gái kháu khỉnh, bé Mơ. Vợ Tuân người Bắc di cư năm 1954. Chị xinh đẹp dịu hiền, nói năng nhún nhường khuôn phép nên các cô giáo đều yêu quý gia đình anh chị. Chị thường gửi bé Mơ cho các cô khi cần đi ra chợ hoặc đi công việc hay đi giao đồ may. Bé Mơ được các cô cưng như con gái mình, bé giống mẹ nhiều hơn cha từ gương mặt cho đến làn da, chỉ giống cha ở cặp mắt màu nâu nhạt như lai Tây nhưng anh bao lần lắc đầu cười hề hề bảo: “Tôi người Giao Chỉ chính tông”. Anh là kỹ sư cơ khí của nông trường, lương và phụ cấp đủ để nuôi vợ con nhưng chị là thợ may nên cũng nhận thêm hàng may tại nhà do đó gia đình họ rất ổn định trong cuộc sống.

Ngày qua ngày, bé Mơ lớn lên tập đi, rồi bi bô tập nói, chừng như không gì có thể làm chia cách gia đình nhỏ ấy, nhưng… chữ nhưng thật vô tình làm thay đổi gia đình anh từ đang êm ấm bỗng anh thành “gà trống nuôi con”.
Em sống một mình? – Anh kéo Nga về thực tại.
Dạ, em sống một mình bao lâu nay. Còn anh? – Nga nóng lòng hơn cả anh.
Anh cũng chỉ sống với ba và Mơ. Hai năm nay có thêm chồng Mơ nữa – Anh chậm rãi trả lời như muốn Nga nghe thật rõ.
Mơ có chồng rồi sao? Có con không? – Nga đưa tay lên ngực hỏi dồn như để che giấu nỗi vui mừng vừa gõ cửa trái tim .
Chưa, cháu lấy chồng trễ nhưng vì chưa học xong chương trình M.D nên chưa muốn có con Anh vừa nói vừa nhìn Nga không chớp mắt.

Lại im lặng, ông trời như hiểu được lòng của đôi bạn cố tri và hiểu được họ đang nghĩ gì. Nga tựa đầu vào thành ghế. Cô nhắm mắt, khúc phim dĩ vãng đang quay chậm trước mắt cô. Hôm ấy chị gửi bé Mơ cho mấy cô để đi giao đồ, trên đường bị tai nạn giao thông. Nga đi dạy về ngang. Cô chen vào xem có phải phụ huynh học sinh của lớp mình không. Trước mắt Nga, hình ảnh Tuân đang ôm xác vợ với vũng máu dầm dề trên mặt đường. Anh nhìn chằm chằm mặt vợ với ánh mắt vô hồn, miệng lẩm bẩm “Máu của vợ tôi đây sao?”.

Nga thảng thốt chạy nhanh về nhà tập thể vì chợt nghĩ tới bé Mơ. Các bạn chưa ai hay biết gì đang nô đùa với Mơ. Nga nhào vào ôm Mơ, khóc rấm rứt báo tin “Mẹ Mơ bị xe tông chết rồi”. Các bạn chưng hửng một phút rồi cũng òa khóc theo lời kể của Nga. Các cô chuyền tay nhau bế Mơ ôm chặt vào lòng, tưởng như Mơ biết mẹ mình đã không còn. Bấy giờ Mơ mới hơn một tuổi đầu đã hiểu gì. Tội nghiệp cho Mơ.
Từ đó cả ba cô giáo đều là mẹ của Mơ. Anh Tuân cũng chấp nhận cái ơn của ba cô, vì không mang Mơ gửi đâu được. Bé khóc ghê lắm khi ở với người lạ. Ban ngày anh đi làm hết giờ anh nhận Mơ về ngủ với anh. Ba cô mẹ nuôi không đòi hỏi anh trả công vì ai cũng muốn chia sẻ tình thương cho Mơ.
Thường khi cuối tuần hai bạn về gia đình ở Sài Gòn nhưng Nga thì ít khi về vì cô được mời làm xướng ngôn viên cho đội văn nghệ xung kích của nông trường. Cuối tuần thường lưu diễn văn nghệ cho từng khu vực giải trí. Về nhà cũng buồn vì dòng máu nghệ sĩ của ba lưu trong huyết quản Nga, dầu không thích chế độ nhưng Nga vẫn làm bởi vì đam mê. Cô nghĩ mình mang niềm vui đến cho anh em công nhân là hạnh phúc rồi. Đội văn nghệ gọi cô bằng danh xưng thân thương “Cô M.C duyên dáng”; còn phụ huynh thì gọi “Cô giáo duyên dáng”.

Một chiều Thứ Bảy, Nga đang trang điểm để chuẩn bị ra đội, Tuân hớt hải bế Mơ đến báo tin anh phải đưa bé đi bệnh viện vì cháu sốt từ sáng đến giờ không giảm, không ăn, không bú. Nga hối anh đi gấp, sau chương trình văn nghệ cô sẽ đến bệnh viện ngay.
“Cảm ơn Nga, anh biết hơn bao giờ cháu cần các cô chăm sóc vì anh là đàn ông…” – Tuân chưa dứt lời, Nga xua tay nói anh không cần khách sáo. Nga quấn thêm khăn cho Mơ, bọc theo chai nước uống đưa Tuân cùng cái ly và dặn:
Anh nhớ đến nơi phải mở bớt khăn ra, cho cháu uống nước thường xuyên để hạ nhiệt, vô đó có y tá, bác sĩ yên tâm hơn – Nga giục anh đi nhanh.

Nhờ được người làm M.C thay mình, cô chạy nhanh đến bệnh viện, tất tả vào phòng cấp cứu. Cô thấy anh đang lau mát cho Mơ. Cơn sốt đã hạ, bác sĩ đang theo dõi chưa biết cháu bị gì. Cuối cùng giữa khuya thì cũng phát hiện bé mọc răng hàm dưới. Nga và Tuân cùng thở phào nhẹ nhõm. Nga không nỡ ra về nên cùng ở lại chăm sóc Mơ với Tuân. Tình cảm hai người nảy sinh từ đêm đó.
Còn em thì sao? Kể anh nghe chuyện của em đi, anh nôn nóng lắm – Tuân nhìn Nga nài nỉ.
Nga chớp mắt nhớ lại. Khi ấy gia đình Nga đã có hồ sơ đi Mỹ diện HO, trong khi chờ đợi ngày phỏng vấn dù không biết khi nào, nhưng ba cấm không cho đứa nào lập gia đình nếu cãi lời ba sẽ từ luôn.
Năm đứa con, ba sẽ coi như còn bốn, nếu con muốn lấy thằng Tuân – ba dứt khoát phán.
Hai người chỉ còn biết ôm nhau khóc. Một đêm cuối tuần, anh mang bé Mơ lên từ giã ba cô giáo để đưa cháu về ở với nội. Trong lúc Mơ chơi đùa với hai bạn, anh rủ Nga đi dạo ngoài bờ đê vì có chuyện cần nói. Anh ôm Nga vào lòng, đưa tay vuốt nhẹ mái tóc mềm mại người yêu, anh hít từng hơi dài mùi bồ kết trên mái tóc ấy lần cuối trước khi chia tay.

Anh đi lần này không biết sống chết thế nào, ba má cùng anh và Mơ sẽ lên tàu vượt biên vào ngày mốt. Gia đình bạn anh đóng tàu và họ cần anh vì anh là kỹ sư cơ khí, họ cho gia đình anh trả năm mươi phần trăm trước qua đó trả thêm sau – Anh thì thầm giọng ngắt quãng vì xúc động.
Nga vuột khỏi tay anh ngồi bệt xuống bờ đê, nước mắt từ trái tim yếu đuối tuôn thành dòng. Một đám mây đen vừa che khuất ánh trăng nên cả hai không nhìn được nỗi đau của nhau. Một lúc không nghe Nga nói gì chỉ có tiếng tức tưởi. Tuân ngồi xuống ôm bờ vai Nga xoay về mình, hai mặt cận nhau, ánh trăng vừa sáng lại, anh đỡ cằm cô, nhìn sâu vào ánh mắt đã nhòa lệ.
Anh yêu em suốt cuộc đời này, nếu quả đất thực sự tròn và chúng ta còn có ngày gặp lại. Lúc ấy anh sẽ cưới em nếu em vẫn đơn thân. Anh thề có ánh trăng làm chứng – Anh vừa nói vừa đưa bàn tay lên trời xác tín cho lời thề của mình. Nga gật gật đầu trong tiếng nấc.
Em cũng sẽ chờ đợi anh – giọng Nga sũng ướt.

Từ đó họ chia tay. Tháng sau, gia đình Nga cũng đậu phỏng vấn đi Mỹ, biệt vô âm tín cho đến hôm nay. Thật bất ngờ, bây giờ Tuân ngồi trước mặt. Cô không thể ngăn dòng lệ cứ thi nhau tuôn trào. Tuân lấy miếng khăn giấy bước sang ngồi cạnh Nga, âu yếm lau những giọt lệ nóng hổi, anh muốn được uống hết những giọt nước mắt của người yêu.
Em vẫn chờ đợi anh dù không hề có tin tức gì – Nga nghẹn ngào xác nhận.
Tuân mừng rỡ, anh nắm tay Nga đặt lên đùi bóp nhè nhẹ bày tỏ niềm hạnh phúc. Anh mạnh dạn hôn khẽ lên mái tóc Nga rồi ôn tồn kể:
“Tàu anh đi thuận buồm xuôi gió nên đến thẳng Úc. Vừa tạm ổn định, mẹ anh tái phát bệnh bao tử, lần này phát hiện mẹ bị ung thư bao tử thời kỳ cuối, không lâu sau đó mẹ qua đời. Mình anh vất vả gà trống nuôi con, vừa học, vừa làm, vừa lo cho bé Mơ. May là có ông nội, hai ông cháu hủ hỉ với nhau anh cũng yên lòng. Mơ năm nay đã ba mươi hai tuổi rồi, nhưng nó giống anh ham học lắm nên lấy chồng muộn. Còn anh, vẫn nhớ lời hứa với em nên chờ đợi em cho đến bây giờ” – Tuân hạ thấp giọng ở câu cuối nhìn vào mắt Nga như một lời cầu hôn gián tiếp.
Nga tựa đầu vào vai anh, im lặng một lúc để tận hưởng nỗi vui mừng đang ùa về. Cảm ơn Thượng đế nhân từ “Trời còn để có hôm nay, tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” (Kiều).

“Em cũng vẫn chờ đợi anh dù không bao giờ nghĩ mình sẽ có ngày này. Nhưng vì sao anh ở Úc lại qua Mỹ? Và vì sao biết chương trình gây quỹ của em mà đến dự?” – Cô nũng nịu xoay người nhìn vào mắt anh tìm câu lý giải.
Anh bóp nhẹ bờ vai Nga, hớp một ngụm nước ánh mắt bừng lên niềm vui khôn tả, anh bước đến vén màn cửa sổ ánh trăng trung tuần Tháng Tám sáng vằng vặc như ánh trăng năm xưa ở quê nhà.
“Tháng trước anh có người bạn học chung từ Mỹ qua Úc thăm anh. Nó quăng cho anh mấy tờ tuần báo nói: “Biết mày thích đọc báo, sẵn có mấy tờ này mới ra, tao cho vào va ly mang qua tặng mày”. Anh nói nó khá bày vẽ vì thời nay người ta đọc báo online chứ ai mà nê nê tờ báo đọc. Nó cãi, nói đọc online nhức mắt mà bất tiện, bala… Anh cười và cũng cầm lấy một tờ lật lật cho nó vui. Đến trang quảng cáo về chương trình gây quỹ của em, anh như rớt tim ra ngoài, chăm chú đọc từng chữ, từng dòng, nhất là nhìn hình em mãi. Tuy không phải tên em nhưng họ Nguyễn của em. Anh tự nhủ chắc em đổi tên khi vô quốc tịch vì hình em vẫn với nụ cười y như xưa, không ai có thể có nụ cười ấy. Và một điều quan trọng khiến anh xác quyết là ‘chỉ có em mới có trái tim nhân hậu với trẻ thơ’. Anh lẩm bẩm mãi tên Nancy Nguyễn và đoán chín mươi phần trăm là em”. Anh đưa ngón tay dí yêu lên vầng trán cao rộng của Nga.

Nga nhoẻn cười. Cô tin anh nói thật vì những bạn cũ gặp lại nhau đều nói “Chỉ cần nhìn nụ cười là nhận ra ngay, Nga có thay đổi chút nhưng nụ cười không hề thay đổi.” Anh không nịnh khi nói nhận ra Nga bởi nụ cười. Nga nép vào anh.
Anh qua Mỹ sao không ở nhà bạn mà ở khách sạn?- Nga thắc mắc.
Bạn anh mời về nhà ở nhưng anh không thích, với lại anh định nếu đêm nay Nancy Nguyễn không phải là em hoặc là em mà em đã có gia đình thì ngày mốt anh trở về Úc ngay – anh kéo Nga vào lòng xiết chặt.
Anh nhận ra em ngay trong buổi tiệc không? – Nga nhìn anh âu yếm.
Em vừa lên sân khấu, anh nhận ra chín mươi chín phần trăm là em vì phong cách trên sân khấu của em, giống như em đang giới thiệu chương trình văn nghệ năm xưa, giọng nói khàn đục nhưng ăn microphone của em là giọng đặc biệt hiếm có, nhất là… em vẫn duyên dáng với nụ cười luôn nở trên môi, hệt như bóng hình đã theo anh mấy mươi năm qua, chỉ có mái tóc không còn là tóc thề nữa – Tuân nói nhanh như sợ bị Nga ngắt lời.
Nga xúc động bước lại cửa sổ cố giấu niềm hạnh phúc đang tràn ngập hồn.

Sao anh không đến với em ngay trong bữa tiệc? – cô từ từ quay lại nhìn anh với ánh mắt nhòe lệ trách móc. Anh không dám đường đột vì nhỡ có chồng con em thì sao? Anh không muốn em bị gia đình và cộng đồng hiểu lầm. Anh rời bàn ra ngoài chờ em về xem đi với ai, cuối cùng thấy em chia tay mọi người, đi lại xe một mình anh mới dám rảo nhanh theo. Vừa lúc cần nhặt giấy giúp em...” – Anh phân trần và bước lại bên Nga, vòng tay qua cái eo nhỏ nhắn ấy kéo nhẹ cô vào lòng. Uống từng giọt mằn mặn đang lăn dài xuống má cô.

Cả hai cùng sánh vai, cùng nhìn lên ánh trăng nửa khuya đang tỏa sáng, hai bờ môi giá lạnh bấy lâu đang hừng hực lửa. Anh xoay người lại, mặt hơi cúi xuống tay nhẹ nâng cằm cô lên trán chạm trán, mũi chạm mũi.
Anh thì thầm “Chính là em đây mà”, trước khi áp chặt bờ môi nóng bỏng của anh vào bờ môi mềm mại của người yêu. Ánh trăng rực sáng hơn đang mỉm cười minh chứng.
Garden Grove, California

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét