Chích khuyển phệ Nghiêu (con chó của thằng đạo chích sủa vua Nghiêu.) Tương truyền, năm 1905, cuộc thi thơ Tổng vịnh Truyện Kiều ở Hưng Yên có mời cụ Tam Nguyên Yên Đỗ tức Nguyễn Khuyến làm Giám khảo. Chu Mạnh Trinh là nhà thơ yêu Truyện Kiều và yêu cả nàng Kiều đã gửi bài tới dự thi và đoạt giải nhất. Nguyễn Khuyến khen thơ Chu Mạnh Trinh là khá; tuy nhiên khi đọc hai câu vịnh Sở Khanh:
“Làng Nho người cũng coi ra vẻ
Bợm xỏ ai ngờ mắc phải tay”
Liền phê:
“Rằng hay thì thực là hay
Đem “nho” đối “xỏ” lão này không ưa”.
<!>
Khi làm Án sát Hưng Yên, nhân ngày Tết, Chu Mạnh Trinh có gửi tặng cụ Nguyễn Khuyến một chậu hoa trà, ngụ ý chê cụ Nguyễn Khuyến lúc ấy mắt đã lòa.
Cụ Nguyễn Khuyến đã làm bài thơ “Sơn Trà” – Tạ Lại Người cho Trà” như sau:
“Xuân lai khách tặng ngã sơn trà
Túy lúy mông lung bất biện hoa
Bạch phát thương nhan ngô lão hĩ
Hồng bào kim đái tử chân da?
Tầm thường tế vũ kinh xuyên diệp
Tiêu sát thần phong oán lạc dà
Cận nhật tương khan duy kĩ tị
Liễu vô lương khí nhất kha kha.
Và cụ tự dịch ra như sau:
Tết đến người cho một chậu trà
Đương say ta chẳng biết rằng hoa
Da mồi tóc bạc ta già nhỉ
Áo tía đai vàng bác đó a
Mưa bụi những kinh phường xỏ lá
Gió to luống sợ lúc rơi già
Xem hoa ta chỉ xem bằng mũi
Đếch có mùi hương một tiếng khà
Tương truyền, Chu Mạnh Trinh đọc được bài thơ vừa thán phục vừa ân hận.
Tháng 5 năm 2020 tức 115 năm sau câu chuyện thơ văn của hai kể sĩ Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh ở Hưng Yên, Việt Nam, tại Quận Cam, miền Nam tiểu bang California đã xảy ra chuyện ông kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa trong một youtube do ông ta thực hiện đã “chê” danh sư Chu Văn An cũng “cà chớn” và “thường thôi”, nếu không muốn nói là “rất tệ”.
Lập tức, những âm thanh cuồng nộ của dư luận đã nổi lên trước những lời tuyên bố làm nổ đôm đốm con mắt về danh sư Chu Văn An của “kinh tế gia” Nguyễn Xuân Nghĩa.
Hàng mấy chục thông báo của các Hội Chu Văn An khắp nơi đã lên tiếng đòi kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa phải công khai xin lỗi vì đã buông lời xúc phạm đến danh sư Chu Văn An là biểu tượng văn hóa của Việt Nam từ mấy trăm năm nay.
Có người là sử gia, có người là bác sĩ, luật sư đã công khai viết bài mắng chửi Nguyễn Xuân Nghĩa là “thằng khốn nạn” và những ngôn từ nặng nề khác không tiện kể ra đây.
Có cả một ông bác sĩ đòi đánh lộn với Nguyễn Xuân Nghĩa chỉ bằng… hai chân.
Chuyện có vẻ oái oăm là có ông nhà văn Huy Phương ở Quận Cam lại “khen” “kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa là người phong lưu, hào khí…”
Theo tôi, bài viết “Ít điều cần biết vê nhà giáo dục Chu Văn An” của tác giả Từ Mai Trần Huy Bích là phản ứng “trên cả tuyệt vời” của một kẻ sĩ. Theo dư luận thì ông này là Giáo sư, Tiến sĩ và đã từng giao thiệp với “kinh tế gia” Nguyễn Xuân Nghĩa.
Xin mời đọc giả đọc đoạn cuối của bài viết của Giáo sư, Tiến sĩ Từ Mai Trần Huy Bích, như sau:
“…Trở lại với YouTube trong đó Chu Văn An bị miệt thị, ta có thể thấy ngay người thực hiện YouTube ấy đã có một ngộ nhận quan trọng. Tưởng rằng Chu Văn An quyền chức cao, trong khi ông chỉ là một học quan ở Ngũ phẩm. Chê ông không biết bày mưu lập kế chia rẽ bọn gian thần, trong khi ông là một nhà giáo dục thẳng tính với tâm hồn cao khiết. Lầm lẫn ấy đưa tới một hậu quả đáng tiếc. Với phẩm cách cao quý, Chu Văn An rất được kính ngưỡng, đã trở thành một biểu tượng về văn hóa của dân tộc từ bao đời. Buông lời hỗn xược đối với ông trong khi không nêu được lý do là một hành động dại dột, rất khó được dư luận tha thứ.
Phân tích nguyên động lực khiến người thực hiện YouTube có hành động như thế, một số người cho rằng đây là chỉ là “một phần trong một kế hoạch lớn, nhằm soi mòn, triệt hạ những giá trị tinh thần của dân tộc Việt.” Đánh tan uy tín của vị “vạn thế sư” sẽ khiến dân Việt bị hoang mang, tan rã hết niềm tin, hầu “dễ bị đồng hóa.” Có người cho rằng Chu Văn An tiêu biểu tinh phần sĩ phu khảng khái của dân tộc Việt Nam. Đập tan uy tín của Chu Văn An là ý hướng của một nhóm cầm quyền độc tài, muốn dân Việt không ai là người khí khái nữa, sẽ dễ chịu khuất phục. Người viết những dòng này chưa thấy vấn đề trầm trọng đến mức ấy. Cách hành xử của nhà giáo dục Chu Văn An quang minh chính đại, sáng rực rỡ như ánh mặt trời, khó ai có thể xuyên tạc. Dân tộc Trung Hoa có thành ngữ, “chó Đạo Chích sủa vua Nghiêu.” Uy tín của vua Nghiêu không thể tổn hại khi bị chó [của] Đạo Chích sủa.
Có người cho rằng đây là hành động của một người cao ngạo, kiêu căng, luôn luôn nghĩ rằng mình hơn đời, vậy cần phải “độc sáng,” khác đời. Nếu đúng thế, đây là một việc làm quá táo bạo, dựa trên một nhận thức thiếu chính xác. Việc làm ấy sẽ khiến mức tín nhiệm còn lại bị sụp đổ. Danh vọng, uy tín của một vĩ nhân như Chu Văn An bền vững đã trên 600 năm nay. Một người ở thời chúng ta, dù thông minh tới cỡ nào, làm sao lay đổ được?”
Tưởng không còn nhận xét nào thấu lý, đạt tình và vô cùng chính xác về “kinh tế gia” Nguyễn Xuân Nghĩa bằng nhận xét trên của giáo sư, tiến sĩ Từ Mai Trần Huy Bích.
Theo Lão Móc, câu “ Uy tín của Vua Nghiêu không thể tổn hại khi bị chó (của) Đạo Chích sủa” là câu có thể làm kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa phải “thổ huyết lương tri”; nếu anh ta còn có lương tri.
LÃO MÓC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét