Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

BUỔI RA MẮT SÁCH: KIỀU CHINH, NGHỆ SĨ LƯU VONG TẠI MENLO PARK, NOV 20, 2021. - Phạm Phú Nam


KIỀU CHINH, Nghệ Sĩ Lưu Vong.
Một Buổi Ra Mắt Sách Chưa Từng Có Trước Đây.
Hôm thứ Bẩy ngày 20 tháng 11 năm 2021 vừa qua, lần đầu tiên tôi được tham dự một buổi ra mắt sách thật đáng nhớ và rất nên kể lại. Đó là buổi ra mắt cuốn hồi ký của Kiều Chinh, dưới tựa đề Nghệ Sĩ Lưu Vong. Ai cũng biết Kiều Chinh, nếu không nói là trăm triệu thì cũng hàng chục triệu người Việt Nam trong và ngoài nước biết đến nữ tài tử điện ảnh quốc tế này, một diễn viên Việt Nam duy nhất được Hollywood biết mặt, biết tên, và có ít nhiều trọng vọng mãi từ thời Việt Nam mới lập lại quốc gia độc lập từ thập niên 60s, từ thời Việt Nam chưa được thế giới biết rõ là ở đâu, và thường có câu hỏi người Việt trông giống ai, Tàu hay Ấn?
<!>
Vì ai cũng biết Kiều Chinh nên cuốn hồi ký của Bà mới xuất bản, ngay lập tức đã được thân hữu ở khắp nơi xung phong và tình nguyện tổ chức những buổi ra mắt sách cho Bà. Sách đã được ra mắt ở Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, ờ Texas, ở Quận Cam, ở Canada, và đặc biệt được ra mắt ấn bản Anh Ngữ tại Đại Hội Điện Ảnh Á Châu, đâu đâu cũng có độc giả ái mộ xếp hàng dài mua sách và xin chữ ký. Mỗi nơi tổ chức một kiểu nhưng tựu trung là thành công mỹ mãn. Nữ tài tử Kiều Chinh trong chỗ riêng tư đã tỏ lộ một sự cảm động khó tả.

Vào ngày Thứ Bẩy 20/11 vừa qua, đến phiên người Việt ở vùng Silicon Valley thủ đô điện tử thế giới được dịp chào đón Kiều Chinh. Lẽ dĩ nhiên ở thời điểm đại dịch còn đang lảng vảng chực chờ lây lan cho nên ban tổ chức vẫn phải hạn chế không thể tổ chức một buổi ra mắt sách thật lớn như tên tuổi của Bà, nhưng trong buổi ra mắt sách ngày Thứ Bẩy đó ở Menlo Park, ban tổ chức đã thực hiện được một buổi ra mắt sách “chưa từng có” với bất kỳ một cuốn sách Việt Ngữ nào.

Số khách tham dự chỉ có trên dưới 100 vì khu vườn nghệ thuật Allied Art Guilt – Sunset Mall của thành phố Menlo Park giàu có nhất nhì khu vực chỉ cho có bấy nhiêu chỗ, nhưng ban tổ chức đã mang lại một hình ảnh một đại hội điện ảnh nho nhỏ “Mini Film Festival” với sự hiện diện của các nhà đạo diễn, sản xuất phim ảnh, tài tử Hollywood, đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc, cùng các vị công chúa & hoàng tử Âu, Á.


Ban tổ chức đã giới thiệu những “celebrities” hiện diện gồm có: Hoàng Tử Bác Sĩ Mario Max Schaumburg Lippe của Đức Quốc, Công Nương Antonia Schaumburg Lippe của Đan Mạch, Công Chúa Norodom Arunrasmy- thứ nữ của Hoàng Thân Shihanouk, Công Nương Olari Yim- cháu gái Hoàng Thân Shihanouk, tài tử điện ảnh Rebecca Holden, ông Goeorge N. Chamchoum, Executive Director of Asian World Film Festival, nhà văn Lệ Lý Hayslip, Nhiếp Ảnh Gia Pulitzer Photographer Nick Ut, Naja Lockwood- Film Producer, Don Young- Director of CAAM’s National Productions and National PBS Strategies, Thomas Đặng Vũ Thuấn, Producer of Journey From The Fall và Hà Khánh Phi giám đốc điều hành Mỹ Vân Film.

Quan khách Việt Nam rất thích thú khi tham dự buổi ra mắt sách mang màu sắc quốc tế như thế và rất hãnh diện khi thấy nữ tài tử Kiều Chinh của chúng ta đã được hai khuôn mặt tên tuổi của Hollywood bay đến ôm chầm, ngợi ca, và tuyên dương, lại được công chúa xứ Chùa Tháp thuộc Hoàng Tộc Norodom thân hành bay từ Kampuchia sang chung vui và tỏ lộ niềm hãnh diện, cũng như được công nương Hoàng Tộc Đức Quốc trong dáng kiêu sa vương quyền bước lên sân khấu nói lời ca tụng.

Ở giây phút đó, qua sự hiện diện của những danh nhân thế giới trong một buổi ra mắt sách, tôi chợt nhận ra, không phải bây giờ mà từ 50 năm trước đây, nữ tài tử Kiều Chinh của chúng ta đã từng làm cho Hollywood biết đến Việt Nam, từng làm cho Singapore, Hong Kong, Nhật Bản và cả nhiều nước Âu Châu thắc mắc tìm lại bản đồ xem Việt Nam là nước nào mà có một tài tử xinh đẹp đến thế. Cứ nhớ lại xem, Việt Nam Cộng Hòa của chúng ta ngày đó có khoảng 17 triệu dân, bao nhiêu dân tộc trên thế giới biết Việt Nam nằm ở ngõ ngách nào? Và dân tộc đó giống ai? Người dân Việt có “đẹp” không?


Ở giây phút đó, tuy năm nay tài tử Kiều Chinh của chúng ta đã ở tuổi 80, tôi chợt nhìn ngắm lại Kiều Chinh trong chiếc áo dài truyền thống của dân tộc Việt, chợt ngắm lại khuôn mặt thanh tú của Bà, rồi nhìn lại cuộc hành trình mà Kiều Chinh đã mang những hình ảnh tuyệt vời đó của người Việt qua phim ảnh đến các quốc gia khác, tôi chợt dâng lên niềm tự hào với nét đẹp cô gái Việt thanh lịch của Bà, Bà đã làm cả thế giới nhìn thấy người Việt Nam thật đẹp.

Ở giây phút đó, khi hai vị công chúa từ trời Âu đến trời Á cất tiếng ca ngợi Kiều Chinh, tôi chợt thấy niềm vui trong lòng dâng trào, đồng ý rằng cả hai vương quốc đó không còn nữa, nhưng họ vẫn là những tiếng nói còn ảnh hưởng đến người dân nước họ, họ ca ngợi Kiều Chinh có khác nào họ đang ca ngợi dân tộc Việt Nam không?.

Ở giây phút đó, tôi cảm nhận và rất muốn được chia sẻ một ý tưởng đến với mọi người và tin rằng quý vị sẽ đồng thuận với tôi, nữ tài tử Kiều Chinh, qua nghề nghiệp tài tử điện ảnh, Bà chính là một sứ giả văn hóa và là một vị đại sứ không chính thức của Việt Nam Cộng Hòa, cả khi đất nước còn tồn tại, hay bây giờ đã bị xóa tên.

Nữ tài tử Kiều Chinh xuất hiện ở đâu, dù là ở Hollywood khuynh tả, người ta vẫn chỉ có thể giới thiệu Kiều Chinh là một danh nhân của Việt Nam Cộng Hòa mà thôi. Và chính Bà, ngay trong buổi ra mắt sách đó, Bà đã đọc những lời thơ “Người Tình Không Chân Dung” hòa giọng với nữ danh ca Ý Lan, cất tiếng ngợi ca “hỡi người chiến sĩ đã ở lại bên bờ lau sậy này, bây giờ anh ở đâu” để xác định thêm một lần, Bà đến từ tổ quốc Việt Nam Cộng Hòa mà thôi.

Hiện nay tôi đã có cuốn Hồi Ký trong tay và có ý định viết giới thiệu cuốn hồi ký này đến quý vị. Tôi rất hãnh diện được Cô Kiều Chinh gửi tặng cuốn hồi ký. Giữa tôi và Cô có nhiều cơ duyên nên tôi được gặp Cô nhiều lần, từng mời Cô lên San Jose tham dự 2 buổi Kỷ Niệm 30 Năm và sau đó 35 Năm Nhìn Lại một hành trình đến Hoa Kỳ của người Việt, và nhất là được phỏng vấn thu hình chủ đề cuộc đời của Kiều Chinh tại căn nhà của Cô ở Westminster, một căn nhà có biệt hiệu “Tuyệt Tình Cốc” do nhà văn Mai Thảo đặt cho Cô, vì nó rất nên thơ như cảnh trong các bộ phim Trung Hoa. Trong chỗ thân tình đó, tôi xin được gọi là Cô Kiều Chinh, cô ưng thuận ngay.

Trong mối thân tình đó mà tôi ca ngợi cuốn hồi ký của Cô Kiều Chinh thì dễ bị “hàm oan” là “gà nhà khen nhau”. Thật sự trong suốt 30 năm làm truyền thông, tôi chưa hề dám “điểm sách” của bất cứ ai, kể cả sách của nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc, ông “bác” quý mến của tôi. Điểm sách không dễ, tôi biết như vậy, vì khi nói sai cũng có nghĩa là tiết lộ trình độ “kém” của mình, tôi không dại dột gì cho lắm.
Tuy nhiên, cũng vì tình thân với Cô Kiều Chinh, khi nhận được sách, tôi đã “phải” đọc ngay kẻo lỡ Cô Kiều Chinh hỏi thăm “đọc chưa” mà chưa đọc thì kỳ lắm. Và, tôi tưởng rằng chỉ cần đọc loáng thoáng nhằm mau chóng nắm biết câu chuyện của Cô là đủ, ai dè, càng đọc tôi càng đọc chậm lại, đọc thật kỹ, và càng đọc càng thấy hay.

Hôm nay, tôi đã đọc xong rồi, lời điểm sách của tôi là xin mời quý thân hữu hãy tìm đọc đi, tôi tin rằng quý vị sẽ tìm thấy sự thú vị mà tôi đã vừa trải qua, càng đọc, càng đọc chậm lại, và càng thấy hay mà thôi. Tôi hy vọng, trong số quý độc giả khắp nơi, sẽ có những nhà điểm sách đủ sức tìm thấy và nói ra được những lý do mà những độc giả thường tình như tôi, thấy hay mà không nói được tại sao hay.

Hôm nay, để kết luận cảm nhận về buổi ra mắt sách Kiều Chinh, Nghệ Sĩ Lưu Vong, một buổi ra mắt sách mang lại những hình ảnh Việt Nam thật đẹp qua một nghệ sĩ tiêu biểu cho cả một thế hệ Việt Nam Cộng Hòa thời chiến tranh, tôi xin được ngợi khen và cảm ơn ban tổ chức: Jenny Trịnh, Alan Ford, và Thái Hà, với sáng kiến và khả năng đặc biệt, đã tổ chức được một buổi ra mắt sách nho nhỏ “mini film festival” rất lộng lẫy Hollywood, rất quốc tế, rất trang trọng đáng ngợi khen và nên kể lại cho mọi người khác cùng biết.

Phạm Phú Nam.
Dân Sinh Media. Nov 27, 2021
Hình ảnh của Nhiếp Ảnh Gia Trương Xuân Mẫn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét