Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021

Ngày không thấy trước - Chu An


Ngày giống như vết cắt lên cánh tay dài và sâu không bao giờ mất dấu; chỉ cần nói bấy nhiêu là người trong cuộc biết ngay bạn muốn nói ngày nào. Cái ngày mà trọn đời sống của Nhi sẽ không thể nào quên. Hôm ấy, mười một giờ trưa trời đang nắng bỗng cơn mưa đột ngột ập xuống sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh; vị tổng thống mới nhậm chức được hai ngày đã chấp nhận đầu hàng Cộng sản Bắc Việt vô điều kiện! Ngẫu nhiên hay trùng hợp Thượng Đế khóc cho Miền Nam Việt Nam! Khóc cho chính thể Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử.
<!>

Mọi người bàng hoàng tưởng đây là cơn ác mộng, nhưng không; trời vẫn đang mưa, sấm chớp vẫn gầm thét oán hờn, tivi, radio vẫn đang loan tin không ngớt. Cảnh hỗn loạn ngoài đường phố với những gương mặt hớt hãi, với từng tốp người chạy tới chạy lui kêu gọi nhau ơi ới, thất thanh chưa từng thấy bao giờ.

Riêng khu Cư xá Thương Phế Binh nơi gia đình Nhi ở, lại vắng lặng khác thường, mọi người đều trốn trong nhà, cửa đóng then cài. Ba má Nhi thay nhau nhìn ra đường qua khe cửa,

“Cộng sản cai trị biết chạy đi đâu đây mình,” má nhìn ba muốn khóc.

“Ai sao mình vậy từ từ tính chứ biết chạy đâu,” ba nhìn lảng vô góc nhà giọng thật nhỏ.

“Tôi chỉ sợ nó trả thù vì mình là lính mà,” má lo lắng.

“Không đâu, dầu sao cũng cùng máu đỏ da vàng mà,” ba nói lên chính kiến của mình.

“Năm 1954 bà con miền Bắc muốn trốn Cộng sản thì bỏ chạy vào Nam, mình bây giờ…,” má bỏ lửng câu nói nhìn ba.

Ba lại lắc đầu rồi lại dán mắt vào khe cửa.

Má gom mấy con lại thầm thì,

“Sắp khổ tới nơi rồi mấy con ơi,” nhưng bọn trẻ nào hiểu gì chỉ lấy làm lạ vì sao lại không được ra ngoài.

Nhi rủ chị Hai ra cửa sau đi qua hông nhà nhìn hai đầu đường. Mọi ngày giờ này là bọn trẻ đi học về nhà nào cũng ồn ào, ơi ới tiếng gọi ăn cơm, tiếng kêu trẻ ngủ trưa lẫn tiếng rao của những gánh hàng quà: xương xâm, tàu hủ, bắp nấu, khoai lang khoai mì ngân vang, nhộn nhịp khắp khu phố nay sao vắng lặng lạ thường.

Khu này, nghe ba kể, do tiền Mỹ viện trợ cho chính phủ cất tặng gia đình thương phế binh để bù đắp mất mát tinh thần và thân thể mà họ đã hy sinh trong những trận chiến chống bọn Cộng sản Bắc Việt xâm chiếm miền Nam.

Nhà tường gạch sơn xanh lá mạ, sạch sẽ, khang trang nằm trên khoảng đất rộng thoáng với mười lăm dãy ngang dọc, mỗi dãy mười căn. Phía ngoài cùng là văn phòng diện tích hai phần ba căn nhà, gồm hai phòng ngủ cho khách vãng lai và một phòng làm việc. Ba Nhi làm trưởng khu lo về giấy tờ và quản trị khu này nên được cấp căn nhà đầu dãy cạnh văn phòng.

Hai chị em nhìn quanh một chút không thấy ai nên trở về.

Nhi rầu rĩ ngồi chống cằm hết nhìn qua khung bếp đến nhà tắm; cố nghĩ đến ngày mai sẽ như thế nào mà không thể hình dung ra được. Chẳng biết còn đi học được không? Chẳng biết gia đình bà hiệu trưởng thế nào rồi? Chồng bà là Trưởng ty Cảnh sát chắc sẽ bị liệt vào tội phản quốc hay tiếp tay cho giặc? Chẳng biết các thầy cô từ Sài Gòn còn được lên Tây Ninh dạy nữa hay không? Chẳng biết gia đình bạn Xuân, ba là Phó tỉnh trưởng có an ổn không? Chẳng biết… bao nhiêu câu hỏi “chẳng biết” xoay vòng trong trí khiến Nhi mệt nhoài.

Sau hai mươi ngày sống trong cảnh hồi hộp với những lá cờ mới, với những con người lạ hoắc, tiếng nói lạ hoắc, cách ăn mặc cũng lạ hoắc. Nghe ba nói họ là bộ đội và cán bộ của bác Hồ. Họ làm việc với ba để nắm danh sách những người trong cư xá.

Ngày hai mươi tháng năm, cả khu Cư xá Thương Phế Binh bị triệu tập để nghe ban quân quản ra huấn thị.

“Thương phế binh là thành phần có nợ máu với đất nước, với nhân dân nên cần phải cải tạo tư tưởng trong một tháng. Nhà này xây dựng trên xương máu nhân dân phải trả lại cho nhân dân. Chính quyền cách mạng lâm thời khoan hồng cho thời gian hai tuần để dọn nhà. Ra đi trong thời hạn thì được mang theo tài sản nếu ngoan cố sẽ bị cưỡng chế lên vùng kinh tế mới không được mang theo gì, tài sản sẽ xung vào công quỹ.” Giọng Bắc vùng quê sang sảng với những từ địa phương lạ lẫm nghe đanh và sắc như dao cứa vào tim.

Những trái tim bị thương giờ đây thêm một lần rỉ máu.


Stanislav Rozhkov/Unsplash
Mọi người ra về trong tiếng thút thít của những người vợ chưa biết rồi đây mình phải làm gì? Trong tiếng thở dài thườn thượt của những thương phế binh chỉ còn một tay, một chân, một mắt, người chống nạn, kẻ ngồi xe lăn; có cả những người mắt không còn tròng chỉ là hai hố sâu hoắm. Họ là những hiệp sĩ bất đắc dĩ độc cước, độc nhãn, độc thủ, và hiệp sĩ mù. Họ im lìm, lặng lẽ ai về nhà nấy. Lúc này, những ánh mắt thương cảm được trao cho nhau thật kín đáo, thật chân tình.

Sau đêm thức trắng thì thào bàn bạc, ba má Nhi quyết định xin về nhà ngoại nương náu.

Má thẫn thờ nhìn hết góc này tới kẹt nọ, nghe tiếng chắc lưỡi nhè nhẹ của ba rồi đến tiếng xịt mũi của má.

“Tôi tiếc nhất cái nhà tắm và khung bếp mình đã cực khổ tráng từng viên gạch men xài mới được mấy năm đã phải bỏ đi,” má thì thầm trong nghẹn ngào.

“Thôi đừng buồn mình à, tình thế chung của đất nước chứ đâu phải riêng gia đình mình. Sau cơn mưa trời lại sáng mà,” giọng ba nhỏ lại như tự an ủi mình.

Nhi đến tủ sách tìm những quyển mình ưa thích để mang theo, còn bao nhiêu trong tủ chị Hai có trách nhiệm đóng vô thùng.

Quyển MỸ XÂM LĂNG? mà ba đã đưa mấy chị em đọc và gỉải thích cho hiểu tỏ tường về chế độ Cộng sản cùng cuộc nội chiến do bè lũ khát máu Cộng sản Bắc Việt chủ trương đánh chiếm miền Nam ra sao. Quyển sách này đã giúp Nhi cùng anh chị hiểu rõ hơn về quân đội đồng minh đến từ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Hiểu rõ chính sách xuyên tạc từ phía Cộng sản Bắc Việt, chúng hô hào, kêu gào, lên án MỸ XÂM LĂNG miền Nam Việt nam nên anh em cùng giòng máu đỏ da vàng miền Bắc vào để giải phóng miền Nam dẹp đế quốc Mỹ cướp nước.

Nhi lấy ny lon bọc cẩn thận quyển sách cất vào túi quần áo như một báu vật.

Hai tuần gia hạn đã sắp đến, những ngày qua chị em Nhi thay phiên nhau lựa chọn và vứt bỏ những thứ không thể mang theo dù đó là kỷ niệm đẹp vì nhà ngoại không đủ chỗ chứa hết vật dụng nhà Nhi. Đến ngày thứ mười hai, ba mượn chiếc xe Dahsu của bác Tư chở hết gia tài gồm đồ đạc và vợ con về nhà ngoại. Má khóc sưng bụp hai mắt, chuyến cuối má và Nhi cứ tần ngần mãi không chịu lên xe. Ba hiểu nên im lặng ngồi chờ hai mẹ con chứ không thúc dục có lẽ chính ba cũng không nỡ rời đi. Má khóc tu tu cho đến nhà ngoại. Ông ngoại lớn tiếng:

“Tao chưa chết mà mầy khóc tang tao sao? Phải ráng mà sống còn nuôi đàn con nữa, thời thế chưa biết sẽ ra sao? Sau này khóc còn chưa muộn đâu con.” Ngoại nghiến răng nhả từng chữ trong cay đắng: “Sau này khóc còn chưa muộn đâu con” khiến má càng khóc lớn hơn, tức tưởi như trẻ con bị giật cây kẹo trên tay.

Rồi từ hôm ấy má không khóc nữa, hay khóc thầm mà Nhi không thấy? Ngay cả hôm ba đi “cải tạo tư tưởng” má cũng không khóc, không tiễn. Chỉ có anh Ba của Nhi đạp xe chở ba và năm ký gạo ra huyện để tập trung.

“Con thấy mấy chú thương phế binh mà tội, thiếu tay, thiếu chân, mù loà mà không có gia đình thì ai lo cho họ. Ba vậy mà không lo nhiều.” Anh về ngồi rù rì với má giọng buồn thiu.

“Như ba con vậy không chừng lại tốt vì ai nói gì cũng đâu nghe rõ thì cũng đỡ tức tối. Ái dà…” Má vừa nói vừa đứng lên bước ra sau hè như không muốn nghe anh nói nữa.

Tai của ba bị lủng một bên màng nhĩ vì bom nổ trên miệng hầm trú ẩn. Ba rời quân ngũ với giấy chứng thương “điếc cấp độ bảy”; nói chuyện với ba giống như hét ba mới nghe. Do đó má nghĩ vậy.

Ba bị cải tạo hai mươi ngày trong khu lán trại bộ đội đóng quân ở huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh. Học tập chủ trương, chính sách Đảng và nhà nước cũng như đường lối tới đây để xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Rồi ba về nhà với bao nhiêu thay đổi trong cuộc sống phải đối diện. Ba không ghi danh đi kinh tế mới nhưng lên đất nhà của người chị chia cho được hơn nửa mẫu đã khai khẩn rồi.

“Mình ở nhà lo cho ba má và mấy đứa nhỏ. Còn thằng ba và thằng năm theo tôi lên làm rẫy. Chị hai sẽ chỉ dạy và giúp giống cho trồng mì, trồng lang lấy ngắn nuôi dài.”


Anh Ba và em kế tôi thứ năm là hai trai lớn trong nhà phải theo giúp ba làm rẫy. Anh đang học dở dang năm thứ hai trường Sư Phạm tiểu học của tỉnh. Thế là mộng “gõ đầu trẻ” của anh không thành, Nhi biết anh buồn lắm nhưng thanh niên thì phải gồng gánh gia đình trong lúc khó khăn này. Em trai học lớp mười với mơ ước làm sinh viên trường Luật giờ đã tan theo mây, bay theo gió hết nghêu ngao: “Trả lại em yêu khung trời đại học… Con đường Duy Tân cây dài bóng mát…”. Thương em quá.


Pablo Rebolledo/Unsplash

Hôm hai chị em chở nhau về thăm trường lần cuối trước khi em đi làm rẫy. Trường Nam Trung học của em vắng tanh đến lạnh lùng. Đi vòng quanh không biết em nghĩ gì nhưng Nhi đau lòng quá. Nhi biết em là trai khó thể nói ra lời.

“Em định học tiếp không?” Nhi ngồi xuống bên cạnh em nghẹn giọng.

“Việt cộng dạy có gì hay mà học; em nhất định không học với Cộng sản,” giọng em cương quyết.

Em đứng lên dùng hết sức ném viên sỏi thật xa như ném tương lai mình vào nơi vô định.

Sang trường Nữ Trung học, Nhi đến lớp ngồi vào chỗ ngồi hàng ngày; ngôi trường này Nhi bắt đầu học từ năm lớp sáu đến nay. Sáu năm với những mùa hè vui nhộn, với những kỳ trại hè rộn vang tiếng cười; với những tiết mục văn nghệ, và từng tràng pháo tay dậy sóng. Năm nay không có hè mà cũng không còn cơ hội đến lớp nữa vì về nhà ngoại xa không thể đạp xe đi học mỗi ngày ở đây. Phải học trường mới nếu còn có thể???

Đến bên cây phượng mà chính tay Nhi trồng sáu năm trước đứng tần ngần một lúc rồi ngồi bệt xuống ôm lấy gốc cây thật chặt như ôm vào lòng vùng trời của thời trung học. Thế là hết.

“Chị thì định sao? Học tiếp chứ?”. Em nhìn chị, chị nhìn em…

“Chị chưa biết, tới đâu hay tới đó,” Nhi cố ngăn giọt nước mắt chực trào ra vì nghĩ đến những ngày tháng không tương lai phía trước.

Nhưng rồi chiếc khăn tay của Nhi cũng ướt đẫm; hai chữ “tương lai” nhập nhoè và nhảy múa trong màn lệ tuôn trào không dứt, che khuất những tháng ngày phía trước chừng như không thấy được.

Quận Cam, mùa vào Thu 10/2021

Chu An
22 tháng 10, 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét