Nguyễn Ngọc Duy Hân
Halloween một lần nữa đang tới, dù còn đang mùa dịch bệnh Covid nhưng tại Canada và nhiều nơi trên thế giới, tình hình dù sao cũng khá hơn, người ta bớt chết vì dịch hơn và nỗi sợ hãi cũng bớt đi, việc trẻ em ra đường mừng ngày Halloween cũng có vẻ khả quan hơn, không đóng cửa im lìm như năm ngoái. Đặc biệt thời gian này cũng có lễ mừng các Thánh trong đạo Công giáo, cũng như cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời vào ngày 2 tháng 11 hằng năm. Nói chung, Halloween bắt nguồn và xoay quanh việc đối đầu với cái chết, mục đích để làm người ta bớt sợ chứ không phải để hù dọa thêm.
Sinh hoạt chính trong lễ Halloween là “trick-or-treat”, tạm dịch “cho kẹo hay bị ghẹo”, khi đó trẻ nhỏ mặc quần áo hóa trang, đi gõ cửa các nhà để xin bánh kẹo. Một vài hoạt động khác cho ngày này là đi dự tiệc hóa trang, ca hát, đốt lửa, khắc bí rợ thành jack-o'-lantern, hoặc chơi trò cắn táo, xem phim kinh dị…
Hồi xưa, một số Kitô giáo kiêng thịt vào đêm vọng lễ Các Thánh, từ đó người ta có thói quen chỉ ăn táo, bánh khoai tây và bánh bí rợ trong ngày này. Halloween xảy ra vào giữa mùa thu là mùa của hoa cúc và bí rợ. Màu vàng của cúc và màu cam của trái pumpkin làm không gian trở nên ấm áp hơn. Mùa này các chợ ở Mỹ, Canada đều bán những trái bí đủ kiểu, đủ màu với giá rất rẻ. Có những trái bí vỏ màu trắng tinh tuyền trơn láng, có những trái vỏ sần sùi, có trái tròn, có trái dẹp, trái thì cong cong với đủ màu xanh, đỏ, nhìn rất vui mắt. Loại bí pumpkin rất to thường được mua về để khắc hình, chưng chơi chứ không ăn, vì có ăn vị cũng không ngon, không dẻo và ngọt như bên Việt Nam. Nhiều nông trại mùa này mở cửa cho trẻ em vào chơi, người lớn có thể chọn để tự tay hái trái bí mình thích, dĩ nhiên là phải trả tiền vào cửa. Các nhà thương mại cũng có sáng kiến dùng hàng triệu ngọn đèn đủ màu, kết thành đủ hình đủ dạng liên quan tới Halloween để làm thành “light show” cho người ta lái xe vào xem.
Các biểu tượng liên quan đến Halloween được hình thành và thay đổi theo thời gian. Mới đầu là củ cải được khoét rỗng thành những chiếc đèn lồng mặt quỷ, bên trong cắm cây nến để tưởng nhớ các linh hồn đang chịu tội. Củ cải được sử dụng nhiều ở Ireland và Scotland. Người Bắc Mỹ sau đó sử dụng bí ngô, trái lớn hơn để việc cắt gọt trở nên dễ dàng hơn. Người ta cũng thường tổ chức thi khéo tay, xem ai sáng kiến khắc được những trái bí rợ đẹp nhất.
Các hình ảnh về Halloween xuất phát từ nhiều phong tục khác nhau trên thế giới. Có khi dựa theo văn học hư cấu Gothic, có khi lấy ý từ chuyện kinh dị, chẳng hạn như các tiểu thuyết về ma hút máu Frankenstein, Dracula hay The Mummy … Hình cái đầu lâu là sự nhắc nhở về cái chết, để thấy cuộc sống không bền vững chút nào. Có đẹp đẽ bao nhiêu thì khi chết cũng trở thành cái đầu lâu ghê rợn. Vào dịp này, người ta thường trang trí quanh nhà bằng hình các ông bù nhìn, các trái bắp khô, bộ xương, khuôn mặt quỷ dữ, quái vật thần thoại, mạng nhện, mèo đen, con dơi hoặc đèn trái bí rợ đốt nến bên trong... Chủ nhà cũng thường để kẹo trong chậu trước cổng vườn hoặc trực tiếp trao tặng cho trẻ em. Ngay tại tòa Bạch Ốc, Tổng thống Mỹ và phu nhân cũng thường đứng ra phát kẹo cho các thiếu nhi theo truyền thống.
Người xưa tin rằng thần thánh cho phép những linh hồn người chết được trở về thăm nhà trên trần gian vào đêm hôm đó. Cũng có truyền thuyết về anh chàng tên Jack, chết nhưng linh hồn không được lên Thiên Đàng vì lúc sống, Jack là người tham lam, keo kiệt không hề bố thí giúp đỡ ai. Thế nhưng Jack cũng không thể vào Địa Ngục vì lúc còn sống anh ta đã từng chơi đùa với ma quỷ, nên quỷ không thể bắt anh. Vì thế vong hồn anh vất vưởng, câu chuyện này đưa tới bài học là phải sống tốt khi còn ở trần gian và tránh đùa chơi với quỷ dữ.
Một trong những trò chơi truyền thống dịp Halloween là dunking, hay còn gọi là apple bobbing. Khi chơi, người ta thả những quả táo cho nổi trong chậu nước lớn, người tham gia phải lấy răng để cắn cho được quả táo đang bơi trong chậu nước. Trò chơi dunking cũng có thể là quỳ trên một chiếc ghế, cắn cái nĩa giữa hai hàm răng và phải khéo léo để nĩa của mình cắm vào được quả táo trong chậu. Một trò vui khác là treo bánh nướng được phủ mật mía hoặc si-rô lên cành cây, người dự phải ăn mà không được sử dụng tay, như thế chắc chắn khuôn mặt sẽ bị dính đầy nước đường.
Tại Scotland dịp này người ta họp lại chơi trò bói toán để tìm vợ hoặc chồng tương lai. Trước tiên họ gọt vỏ táo thành một sợi dài, sau đó quăng vỏ qua vai cho rơi xuống đất. Vỏ táo rớt xuống nếu có hình dạng của chữ cái, chẳng hạn chữ C, thì vợ hoặc chồng tương lai sẽ là người có tên là Charles, hay Christine chẳng hạn. Nếu vỏ táo chẳng xếp ra hình chữ gì, thì mình sẽ tiếp tục …ế! Ngoài ra các cô gái chưa lập gia đình cũng có thể vào phòng tối nhìn chằm chằm vào gương, cho tới khi thấy khuôn mặt người chồng tương lai xuất hiện qua tấm gương đó.
Tại Bồ Đào Nha, thay vì tưởng nhớ tổ tiên trên bàn thờ tại nhà, họ lại mở tiệc rượu với hạt dẻ cùng các loại bánh ngọt đặc biệt làm từ cây quế để ăn mừng ngay tại nghĩa địa. Họ quá can cảm phải không, bạn có dám ban đêm ra nghĩa trang ngồi ăn không?
Phong tục Halloween ở Mexico tương đối khác vì họ tổ chức vào ngày 1 và 2 của tháng 11, gọi là lễ hội Día de los Muertos (tức Ngày của sự chết chóc). Vào những ngày cuối tháng 10, những con bướm thường bay về làm tổ trên cây linh sam khiến người dân tin rằng bướm là những người quá cố trở về đoàn tụ với gia đình. Vì vậy, người Mexico sẽ để trên bàn thờ nến, hoa quả, đậu phộng, gà tây, soda, kẹo, thuốc lá hoặc rượu, đặc biệt món bánh mì Pan de Muerto - món ăn Halloween đặc trưng để người cõi âm về thưởng thức.
Ở Ireland và Scotland, để đối đầu với quyền lực của người chết thì người dân ở đây sẽ bỏ đồng xu, khuy áo vào bánh Barmbrack – một loại bánh hoa quả truyền thống - để cầu mong sự may mắn. Trò chơi một thời được hưởng ứng nồng nhiệt là game có liên quan đến quả óc chó (walnut). Khi đó người ta dùng sữa để viết các ký hiệu trên giấy trắng, xong rồi xếp giấy lại đặt vào trong vỏ quả óc chó. Khi vỏ walnut được làm nóng, sữa sẽ chuyển sang màu nâu, các ký hiệu sẽ hiện rõ trên giấy. Chẳng hạn ký hiệu đồng đô la sẽ tượng trưng cho sự giàu có, cái kẹp áo là dấu hiệu đói nghèo, dấu hiệu hạt gạo thì sẽ có đám cưới, hình lá clover có 4 cánh sẽ tượng trưng cho sự may mắn và nổi tiếng.
Người Đức lại có phong tục ném dao giả ra đường vào đêm Halloween, với niềm tin sẽ ngăn chặn được sự phá phách của các linh hồn khi trở về. Người Đức cũng kiêng kỵ không dùng dao vào đêm Halloween, vì sợ làm tổn thương linh hồn người đã khuất khi họ trở lại trái đất.
Nhiều người cũng tin rằng việc đốt lửa sẽ giúp ánh sáng kéo dài lâu hơn, như vậy mùa màng sẽ thu được nhiều thành quả hơn.
Một số người khác tin rằng mèo đen là thuộc hạ của phù thủy, nên trong ngày lễ Halloween nhiều gia đình không dám cho mèo đen xuất hiện trong nhà.
Tại Nhật Bản, Halloween khá gần với lễ hội Obon truyền thống. Họ sẽ cùng nhau đi viếng mộ, tu sửa nghĩa trang, mời các linh hồn về đoàn tụ với gia đình. Sau đó, người Nhật đem lồng đèn thả ở các sông, bờ biển để tiễn đưa linh hồn người quá cố về lại với thế giới bên kia.
Tại công ty tôi làm việc, để gây quỹ từ thiện United Way, năm nào họ cũng tổ chức thi mặc quần áo hóa trang, thi cắt bí rợ khéo, thi đua trang trí hình ảnh Halloween giữa các Department với nhau rất vui. Cũng xin mở ngoặc là năm ngoái tôi hóa trang làm thiên thần, đã được trúng giải thưởng của công ty. Xứ thanh bình giàu có nên luôn có lễ hội, có dịp để vui chơi, xài tiền.
Riêng ở Việt Nam, việc chơi vào ngày này cũng còn khá mới mẻ, nhưng lại có người nói quê nhà ngày nào cũng là Halloween, vì ngày nào cũng có bọn ma quỷ Cộng Sản hiện diện, vừa cai trị hà khắc, vừa ngu dốt làm người dân khốn khổ. Bạn nghe có lý không?
Nãy giờ các bạn đã đi dạo qua các nơi trên thế giới để biết về phong tục mừng Halloween của họ. Bây giờ mời bạn cùng tôi xem phim, tham dự vào một hiện tượng mới qua “Trò Chơi Con Mực - Squid Game”, cũng rất ghê rợn khi xem, sau đó tìm hiểu về hậu quả của bộ phim này.
Đây là bộ phim xuất phát từ Đại Hàn, đang nhanh chóng trở thành hiện tượng toàn cầu. Phim kể về một nhóm gồm 456 người mạo hiểm trong 6 trò chơi để nhận được tổng số tiền 45,6 tỷ won, tức là gần 40 triệu đô Mỹ. Phim được Netflix phát hành trực tuyến vào ngày 17 tháng 9 năm 2021. Các trò chơi của trẻ em đã bị bóp méo theo hướng bạo lực, làm mất đi tính cách dễ thương của những trò chơi dân gian này.
Sau một tháng ra mắt, Squid Game (Trò chơi con mực) đã trở thành ăn khách nhất Netflix, thu hút hơn 130 triệu người xem trên rất nhiều quốc gia khác nhau từ Á sang Âu. Theo tờ New York Times, hơn 14 tỷ video với hashtag #SquidGame đã xuất hiện trên Tiktok. Các từ khóa về phim, diễn viên đã trở thành chủ đề thịnh hành trên Twitter, Instagram… Hai nam và nữ tài tử chính trong phim trong một ngày đã có mấy triệu người vào theo dõi. Cơn sốt còn lan đến cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc, khi một số ứng cử viên chế ra poster để vận động bầu cử theo kiểu thách đấu giống như trong phim.
Được biết, Netflix bỏ ra hơn 21 triệu đô Mỹ cho 9 tập phim của Squid Game, nhưng sau đó kiếm được gần 900 triệu - gấp 40 lần chi phí của phim.
Bộ phim Trò chơi con mực đã phác họa thực trạng xã hội của Đại Hàn và nhiều quốc gia hiện nay, khi sự giàu nghèo phân chia rõ rệt, khi tình trạng tham nhũng, bất công tràn lan. Số lượng học sinh, sinh viên bỏ học gia tăng, mọi người chạy đua tìm việc làm, tranh dành mua bất động sản, phải sống trong một vòng tròn mà giá trị chỉ dựa trên tiền bạc.
Dù bộ phim dành cho tuổi trên 18, nhưng nó vẫn bị lên án là quá bạo lực. Từ đó, nhiều em nhỏ đã bắt chước những trò chơi trong phim một cách nguy hiểm.
Cách tóm lược, bộ phim xoay quanh câu chuyện những người cùng đường muốn đoạt tiền thưởng. Họ là những người tiêu biểu cho các tầng lớp nghèo khổ, mang nợ nần chồng chất trong xã hội Đại Hàn, người thì mẹ bị bệnh ung thư, vì không có tiền mua bảo hiểm sức khoẻ nên phải đối diện với món nợ bệnh viện thật lớn, người thì vướng vào bài bạc thua ngập đầu, người thì đến từ Bắc Hàn…tất cả đều sa cơ thất thế, gây lòng trắc ẩn cho người xem. Họ phải thi đấu theo nhiều quy tắc khắc nghiệt, với lời khuyến dụ muốn thoát cảnh nghèo khổ thì hãy tham gia một “trò chơi”, bắt đầu là gọi số điện thoại trên tấm thiệp, từ đó bị lôi cuốn vào cuộc tranh giành để sinh tồn.
Vấn đề là họ có quyền rút lui, xin ngưng cuộc chơi, nhưng nếu trở về với đời thường thì cũng là về lại một trong những tầng của địa ngục, như vậy chẳng thà liều chơi, liều chết mà còn có chút hy vọng cho tương lai. Điểm đặc biệt trong phim là mỗi cuộc thử thách đều là những trò chơi quen thuộc đối với trẻ em Hàn Quốc như trò chơi con mực; trò chơi đèn xanh - đèn đỏ; kéo co; vượt cầu, chơi bi, dít hình, tách miếng kẹo đường sao cho không bể … Thế nhưng không đơn thuần là trò chơi trẻ con bình thường giải trí, chơi chung để học cách thân thiện, liên kết với nhau. Trong phim, nếu chiến thắng người chơi giành được số tiền rất lớn, ngược lại họ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Vì những trò chơi trong phim rất gần gũi, hầu như ai cũng từng chơi qua lúc thơ ấu, nên trẻ dễ có xu hướng bắt chước theo nó hơn. Chẳng hạn hồi bé mình đã chơi qua trò bịt mắt bắt dê, chơi u, chơi lò cò... bây giờ phải chơi với nhóm và nếu thua sẽ phải chết cách ghê rợn. Trò chơi kéo co gây ám ảnh khi những người thua cuộc bị thả rơi từ trên cao hàng chục mét, rồi bị lưỡi dao khổng lồ đoạt mạng. Trong trò đèn xanh, đèn đỏ, nếu bị con búp bê quản trò bắt gặp còn nhúc nhích khi hiệu lệnh đèn đỏ đã bật, thì các cây súng máy tự động trên tường sẽ bắn vào mình xối xả. Nội dung phim đã cho thấy khả năng sinh tồn của con người, khi bị dồn vào đường cùng, con người sẵn sàng giết hại lẫn nhau, không khác gì các loài thú trong thiên nhiên. Cuốn phim cũng có chi tiết về vấn nạn mổ lấy nội tạng con người, mà Trung Cộng đang bị khét tiếng về việc này.
Dĩ nhiên là phim hồi hộp đầy sáng kiến, âm thanh hình ảnh đẹp, tài tử diễn xuất hay, không gian giữa thực và ảo, sự sống và chết hòa lẫn vào nhau cách tuyệt vời, nhưng phim cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều em dù không trực tiếp xem phim, nhưng vẫn biết đến các trò chơi và hình phạt bạo lực trong phim qua các hình ảnh, video trên Youtube và TikTok.
Nhận ra mức ảnh hưởng tai hại, hội đồng phụ huynh về truyền thông và truyền hình PTC của Hoa Kỳ phải lên tiếng cảnh báo các cha mẹ cần tăng cường kiểm soát con cái trên mạng xã hội, đặc biệt với Squid Game.
Mới đây trong tháng 10, 2021, một trường học tại Bỉ cũng xảy ra việc học sinh tiểu học cùng chơi chung trong lúc giải lao, nhưng khi kết thúc, các em thắng cuộc xông vào đánh các em thua cuộc, coi đó như một hình phạt theo kiểu "Trò chơi con mực" và cảm thấy thích thú.
Thủ tướng Úc, ông Scott Morrison cho biết đây là một bộ phim mới lạ, giúp mọi người giải trí, cảm thấy bớt nhàm chán trong khoảng thời gian phải ở nhà vì Covid, nhưng ông sẽ không cho con gái xem phim này, do nội dung có nhiều kích động.
Cùng thời gian, chương trình "Squid Victory" (Chiến thắng của con mực) ở Trung Cộng cũng bị nhiều chỉ trích, lý do chương trình có nhiều điểm tương đồng với bộ phim Squid Game của Hàn Quốc. Trên tấm poster giới thiệu, từ phông chữ đến các hình vuông, tròn, tam giác khiến nhiều người nghĩ ngay đến bộ phim xứ Hàn. Đây là cách copy, nhái hàng trắng trợn. Trước phản ứng của công chúng, chương trình phải đổi tên thành Game Victory (Trò chơi chiến thắng), bỏ bớt chữ squid – con mực - rồi đưa ra thông báo đó là "lỗi kỹ thuật". Việc hàng giả, hàng nhái của Trung Cộng lan tràn khắp nơi, từ sản phẩm dùng hằng ngày như son phấn, quần áo, bóp hiệu, tới phim ảnh, âm nhạc, trò chơi cũng có việc ăn cắp bản quyền, thật đáng trách.
Trung Cộng vẫn đang cấm không cho chiếu bộ phim Squid Game này, nhưng số người lén xem chui cũng khá nhiều. Họ dự định cho dân xem nhưng phải cắt bớt những khúc bạo lực đi, nếu vậy thì cuốn phim sẽ còn lại ngắn ngủn! Tuy nhiên Trung Cộng lại kiếm được khá nhiều lợi nhuận, làm giàu qua diện “ăn theo”. Họ đã mau chóng sản xuất được quần áo giống như trong phim, đặc biệt costume của con búp-bê, bộ quần áo đỏ của người quản trò để bán trong dịp Halloween. Các đồ chơi cho trẻ em liên hệ tới bộ phim này cũng tràn lan trên thị trường.
“Trò chơi con mực” còn ảnh hưởng đến các bộ trang phục hay các món ăn nhẹ trong phim. Nhờ nó, số bán của giày Vans - một hiệu nổi tiếng của Mỹ - đã tăng nhiều do các nhân vật trong phim đều mang loại giày này. Doanh nghiệp những bộ quần áo thể thao màu xanh lá cây cũng tăng cao, trở thành trang phục được săn lùng cho Halloween. Gần đây, nhà sản xuất kẹo Dalgona – loại kẹo được chiếu trong phim - cũng đã nhận lượng đơn đặt hàng rất lớn.
Ngay cả ngành làm móng tay cũng tưng bừng màu sắc dựa trên gam màu chính của phim gồm đỏ và xanh lá tươi. Các mẫu vẽ trên móng tay được sáng tạo dựa trên nhân vật chính như Lee Jung Jae, Jung Ho Yeon, móng cũng được sơn bằng các mẫu ký tự hình tam giác, hình tròn giống trong phim. Một chủ tiệm Nail ở ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia cho biết khách gần đây rất thích làm móng theo mẫu này. Khuôn mặt con búp bê trong trò "Đèn xanh, đèn đỏ" cũng được tái hiện.
Tại Indonesia, đã có nhiều quán cà-phê trang trí theo kiểu "Squid Game", với nhân viên phục vụ mặc áo đỏ, đeo mặt nạ đen có vẽ hình vuông, tam giác như trong phim, người vào uống được phát súng giả để tham gia trò chơi. Giới trẻ hết sức thích thú đi uống cà-phê nơi đây.
Bộ phim Squid Game quả thật đã tạo nên cơn sốt, góp phần đưa văn hóa xứ Kim Chi đến gần hơn với khán giả khắp nơi. Người dân ở nhiều quốc gia cho biết đây là lần đầu họ quan tâm đến văn hóa của Đại Hàn, thậm chí họ còn muốn học tiếng Hàn để hiểu hơn về đất nước này. Người ta sẽ tò mò, thích đi du lịch Hàn Quốc hơn, ngành du lịch sẽ kiếm thêm được tiền. “Trò chơi con mực” thực sự tạo nên hiệu ứng khổng lồ ảnh hưởng cả thế giới.
Tuy nhiên, các nhà giáo dục đã lên tiếng kêu gọi cấm trẻ nhỏ không cho xem những hình ảnh của squid game này. Với lứa tuổi lớn hơn, cha mẹ nên giải thích cho con em hiểu các nội dung ấy sẽ làm tác hại như thế nào. Các em cần được dạy thêm về cách sử dụng mạng xã hội và cách ứng xử với những thông tin không phù hợp. Phụ huynh không nên cấm cản, vì sẽ gây thêm tò mò cho giới trẻ, mà phải khéo léo đối thoại, giải thích.
Mới đây, tin tức cho biết một cô bé 8 tuổi ở Quebec, Canada luôn trong trạng thái bất an, sợ hãi rồi không muốn đến trường. Sau khi gặng hỏi, người cha mới biết ở trường, các bạn đã tổ chức chơi trò “đèn xanh, đèn đỏ” giống như trong phim. Một người đóng vai búp bê sẽ phát hiện ra người thua, bắt phải nằm úp mặt xuống đất để trừng trị, làm các em sợ hãi.
Tại Việt Nam, đã có cô giáo ra đề bài vật lý với câu hỏi dựa theo phim chuyện nóng hổi này. Đây không phải là lần đầu phim ảnh, văn nghệ làm ảnh hưởng đến việc giáo dục. Trong cuộc sống, các em rất dễ bắt bắt chước phim ảnh, thần tượng, mà cũng có thể bắt chước cha mẹ, thầy cô giáo, bạn bè, hàng xóm.... Do đó gương lành việc tốt cần phát triển hơn để hướng dẫn các em. Các sách báo, truyện tranh, lời nhạc trao đổi với nhau sẽ làm ảnh hưởng tới tinh thần, sự trưởng thành của các em rất nhiều. Vì thế khi các em chưa đủ khôn, bậc phụ huynh cần hướng dẫn để các em biết đúng sai, cái nào nên bắt chước, cái nào không.
Vì muốn thu hút người xem, vì tiền mà nhiều bộ phim, sách báo quá bạo lực và máu me. Các cảnh chém giết hung bạo, hành động điên rồ được lập đi lập lại khiến người xem từ từ trở nên chai lì, vô cảm. Phụ huynh cần phải quan tâm đến những nội dung mà trẻ xem hàng ngày, không chỉ riêng phim này mà còn là các thể loại liên hệ. Các em không thể vô tư xem cảnh máu me, bắn giết để từ đó quen dần với bạo lực, thích cảm giác mạnh, chê những trò chơi dễ thương, câu chuyện cổ tích cổ điển là “xưa rồi Diễm!”. Ngày ngày, các em thường xuyên thách thức nhau để “câu like” trên các trang mạng xã hội, gây ra nhiều tai nạn cho giới trẻ. Nhiều trường hợp dù không nguy hại lắm, nhưng cách ăn nói, dùng chữ, cách trang phục quái lạ khó chấp nhận vẫn luôn xảy ra, làm suy tư, hành xử của giới trẻ chịu ảnh hưởng xấu. Đã đến lúc mỗi người chúng ta có trách nhiệm, cùng làm cái gì đó để giảm bớt mặt xấu, giúp giới trẻ phát triển lành mạnh, khôn ngoan.
Cũng may đạo diễn đã sắp xếp vào đoạn kết phim, 2 người cuối cùng còn lại là hai anh em, họ không thể giết nhau để lấy tiền, vì tình gia đình với nhau vẫn còn. Người em sau đó đã hy sinh tự chọn cái chết để người anh - nhân vật chính - lấy được tiền thưởng về lo cho mẹ, cho con gái của anh ta. Nhân vật cuối cùng sống sót đã không sử dụng tiền thưởng cho bản thân mình, vì tiền đó có liên quan tới máu và mạng người. Đoạn cuối phim cũng hé lộ ra, trong khi chơi các trò sát phạt, nhân vật trong phim luôn lo lắng muốn biết trước trò sắp tới mà họ phải chơi là gì để chuẩn bị, thì ra tên của "games" đã được ghi ngay trên tường nơi họ ngủ, chỉ vì lúc ấy đông người, và khi đó họ chú tâm về nhiều chuyện khác, nên không thấy dù nó đã phơi bày khá rõ ràng. Điều này cũng rất giống trong cuộc sống chúng ta, biết bao lời khuyên, sách vở, kinh nghiệm, nhưng chúng ta không thấy hoặc quá bận rộn để thực hành cho đến khi quá muộn, khi thấy quan tài mới đổ lệ!
Theo chuyện phim, lý do mà người chủ cuộc thi phải tốn tiền, tốn sức tính toán chi tiết bày ra cuộc chơi vì ông có quá nhiều tiền, ăn mặc quá thừa thãi nên thấy chán, thấy "bore", muốn có cảm giác mạnh. Vậy ra người giàu cũng không thấy vui, không biết hạnh phúc đang ở đâu. Câu hỏi đặt ra là tại sao mình không bằng lòng với cuộc sống hiện tại, tại sao không tìm vui khi chia sẻ, giúp đỡ người kém may mắn hơn? Điều này cũng làm chúng ta suy nghĩ lại.
Trong thực tế, nhiều vụ bắn giết hằng loạt, nhất là giới trẻ phạm pháp cũng vì họ quá quen với tiện nghi, muốn tìm cảm giác khác lạ với đời sống thường ngày - dù đó là niềm vui băng hoại, tàn phá sức khoẻ về sau. Thí dụ muốn hút ma túy, muốn say sưa, muốn dùng súng bắn chết người, muốn đua xe thật nhanh...
Người viết kịch bản bộ phim đã tốn 10 năm để xây dựng cốt chuyện, đã từng nghèo đến độ phải bán cả máy điện toán laptop để có tiền sinh sống. Dù sao cũng mừng cho sự thành công của ông, để thấy bài học của sự cố gắng, kiên trì. Nhiều người xem phim xong đã chia sẻ bài học là phải tránh bài bạc, nếu không sẽ thành “bác thằng Bần” và rơi vào hoàn cảnh khốn cùng, phải bán cả mạng. Về thị trường chứng khoán, thì phim cũng gián tiếp nói không nên đầu tư tất cả tiền vào một loại stock, mà phải rải đều ra nhiều loại khác nhau, tức là không để tất cả trứng vào một cái rổ, kẻo bể tất cả. Nhưng nói thì dễ mà làm thì không dễ chút nào. Tâm lý con người thường mong mau giàu, không thích chờ đợi, luôn tin rằng mình đã chọn lựa đúng, không tin rằng điều xấu sẽ xảy ra.
Xã hội ngày nay giàu nghèo rõ rệt, người thiếu nợ rất nhiều mà tiền lời thì cắt cổ. Ông chủ điều khiển trò chơi trong phim giàu tột bực chính nhờ ông là chủ nợ, cho vay ăn lời. Cuộc sống ngày càng đắt đỏ, khó khăn, con người phải lệ thuộc vào máy móc, chính trị. Giới lãnh đạo đất nước cần tìm biện pháp hữu hiệu để giúp dân nghèo, nâng cao giá trị tinh thần, đạo đức - nhất là giáo dục giới trẻ để chúng trở thành người ích nước lợi dân sau này.
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, việc phổ biến các phim ảnh giải trí trở nên dễ dàng hơn, dẫn đến việc trẻ em có thể tiếp cận với các nội dung không phù hợp lứa tuổi, việc tiêu cực này cần được hạn chế. Ngược lại, các em cần biết nhiều hơn đến nghệ thuật, văn học với những tác phẩm có nội dung truyền cảm hứng, tác động tới cảm xúc lành mạnh, xây dựng được niềm tin, khơi gợi tính nhân văn, lòng yêu nước, tình yêu thương với tha nhân. Cần phổ biến nhiều hơn cái đẹp của sự chính trực, lòng chân thành, tình yêu thiên nhiên, biết trân trọng cuộc sống và nhất là không làm phương hại đến người khác. Văn hóa, giáo dục rất cần để phát triển tính cao thượng, tình gia đình, sự hy sinh đẹp đẽ bên trong mỗi con người. Cái thiện trong mỗi người đều có, “nhân chi sơ, tính bổn thiện”, các nhà làm phim, bộ giáo dục nên tìm hiểu những khát khao, ước mơ đẹp đẽ, cũng như những ẩn ức tuổi thơ, những niềm đau chôn giấu của kiếp làm người, từ đó đưa vào phim, vào sách giáo khoa, giúp giáo dục cách sống cho người trẻ. Tất cả là nghệ thuật và bổn phận, đừng để tiền bạc, thị hiếu làm sai lạc.
Một chi tiết đáng nói trong phim là gần 500 người đã ăn mặc giống hệt nhau, nên phải đeo số trước ngực để phân biệt. Hồi xưa chỉ những người trong tù mặc đồ sọc đen giống nhau mới phải đeo số. Liệu rồi con người với đà phát triển hiện tại, có sẽ trở thành những người máy robot, không cần đối thoại, biểu hiện cảm xúc. Người ta sẽ nhận diện nhau bằng số, bằng QR code, đối xử với nhau một cách máy móc, lệ thuộc vào những thảo chương, kế hoạch đã được vạch sẵn. Có người nói sau đại dịch Cô-Vi, con người sẽ trở nên cô-đơn vì đã quen sống ảo, không thấy cần thiết phải gặp gỡ, giao tiếp với nhau nữa. Thiên nhiên đang bị tàn phá, quyền lợi con người đặt ra một cách sai lạc, chủ nghĩa mạnh được, yếu thua, cá lớn nuốt cá bé đang phát triển không kềm hãm được. Hình ảnh thanh bình ngày xưa như cảnh đồng lúa xanh rờn, có người ngồi câu cá dưới dòng sông không ô nhiễm hóa chất có lẽ chỉ còn trong sách vở. Có cần nhìn lại cái tự do quá đáng của Âu Mỹ ngày nay không? Có cần đặt quyền lợi dân tộc trên quyền lực của đảng phái chính trị không? Trách nhiệm để có một thế giới tốt đẹp là thuộc về ai? Hay ít nhất để tránh những hậu quả sai lầm do cuộc sống máy móc hiện tại đem đến, mỗi người chúng ta phải làm gì? Bạn giúp tôi trả lời nhé.
Nguyễn Ngọc Duy Hân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét