Con trâu chết là con TRÂU CÁI nhà ông Phương ở đội 5, thôn Quyết Thắng, hợp tác xã Tứ Cường. Tứ Cường có 2 thôn là Quyết Chiến và Quyết Thắng, có 8 đội sản xuất. Quyết Chiến có 4 đội, từ đội 1 đến đội 4. 4 đội còn lại là của Quyết Thắng. Đội sản xuất số 5 có hơn chục con trâu được giao cho các hộ nuôi, thì con trâu nhà ông Phương là to nhất, già nhất. Gần một tháng nay nó đã rất yếu, đi cứ xiêu vẹo, ăn uống không được nên bốn chân nó trông như bốn mảnh ván, bụng hóp lại, giơ ra đủ bộ xương sườn còn xương sống thì gồ hẳn lên, hai mắt lúc nào cũng rỉ nước ướt nhoèn. Nghe cán bộ thú y báo cáo rằng con trâu chết vì già yếu và vì thời tiết quá lạnh, ông chủ nhiệm hợp tác xã quyết định không phải chôn, cho thôn được mổ thịt chia cho xã viên.
Hội hè bây giờ cũng chẳng là cái đinh rỉ gì so với sự kiện con trâu chết mà không phải chôn hồi đó. Cả làng đổ ra sân kho, tưng bừng, tíu ta tíu tít như én mùa xuân, cặp mắt ai cũng sáng lên. Thịt. Thịt ơi là thịt. Nửa năm nay không nhìn thấy bóng mày rồi. Nay con trâu dẫu chỉ còn da với xương, nhưng chắc chắn mỗi nhà cũng được dăm lạng. 10 anh lực điền chia làm hai bên, cứ hai anh một đòn tre luồn qua bụng con trâu, khiêng nó ra sân kho, trẻ con xúm quanh đám rước còn đông vui hơn là rước kiệu thánh ngày hội bây giờ.
Rơm rạ được phủ quanh mình con trâu, rồi lửa nổi tưng bừng. Bốn anh đứng dạng chân, mỗi anh một cái quạt lúa ra sức quạt. Mùi lông trâu cháy, mùi da trâu cháy sao mà thơm thế.
Chỉ khoảng 2 tiếng đồng hồ sau, con trâu đã thịt ra thịt, xương ra xương. Ông Huy, trưởng thôn Quyết Thắng, cầm dao, đích thân chia thịt, chia lòng cho các đội. Đội trưởng đội nào nhận phần thịt của đội ấy, đem về chia cho từng hộ xã viên của đội mình. Bọn trẻ con xúm xít vào, mở to mắt xem chia thịt. Trong đó có cả tôi, lúc đó mới hơn 10 tuổi.
Đang chăm chú xem, chợt có người bấm vào người. Tôi quay lại, thì ra là Huấn, con bà Phòng đội trưởng đội 5. Huấn ghé vào tai tôi, thì thầm:
- Nhà mày có ai ở nhà không?
- Không.
- Vậy thì về nhà mày đi.
Đến nhà tôi, Huấn lôi từ trong áo ra một miếng thịt :
- Tao ngồi sát cạnh bu tao xem chia thịt. Nhân lúc bu tao sơ ý, tao thó được. Mày đem niêu ra đây luộc lên, rồi chúng ta chén.
Tôi vội mang cái niêu đất ra. Nhìn miếng thịt đen sì, to bằng góc bàn tay người lớn, lại có mấy cái lông chưa cháy hết, vẫn còn gốc, tôi ngần ngại:
- Phải thui cho cháy hết mấy cái lông đi rồi hẵng luộc.
- Cần quái gì, luộc chín lên rồi nhổ đi cũng được.
Nửa tiếng sau, miếng thịt chín, chúng tôi vớt ra, lấy dao thớt thái thành mấy miếng nhỏ rồi thi nhau bốc cho vào mồm nhai. Ngon. Nhưng mà dai quá. Huấn bảo:
- Cần quái gì, cứ nuốt vào bụng là nó thành chất bổ hết.
Vừa nhai xong miếng thịt thì nghe tiếng ầm ầm ở nhà Huấn. Chúng tôi vội phóng đến. Rổ thịt bà đội trưởng mang về đã được chia xong thành hơn ba chục phần cho hơn ba chục hộ. Phần nào cũng có thịt, có da, có lòng. Hơn ba chục chủ hộ có mặt ở nhà Huấn không thiếu một ai, người nào cũng hau háu chờ lấy phần của mình. Có ông chủ hộ còn cầm sẵn trên tay một mớ rau cần. Nhưng việc chia vẫn chưa thể kết thúc, vì lão Thứ đang hùng hổ, to tiếng:
- Lúc chia cái L..., ông Huy ông ấy để nó lên thớt, cầm dao rạch dọc một cái, rồi lại rạch ngang một cái, cắt cái L... thành 4 phần bằng nhau. Xong, ông ấy để vào phần của mỗi đội một miếng L.... Tay để, miệng ông ấy đếm : Một miếng L..., hai miếng L..., ba miếng L..., bốn miếng L..., làm mọi người cười ầm lên, ai cũng nhìn thấy. Thế giờ miếng L... của đội ta đâu ? Chả nhà chị dấu thì còn ai ?
- Tôi thề với bà con là tôi không dấu. Xưa nay tôi sống thế nào thì bà con biết rõ rồi còn gì. Nhận phần thịt của đội mình xong, tôi cùng anh Thành, anh Dụ khiêng về rồi cùng nhau chia chứ có phải một mình tôi đâu. Có thể ông Huy ông ấy quên đội mình hoặc để nhầm phần đội mình vào đội khác cũng nên.
Trưởng thôn Nguyễn Văn Huy được mời đến. Nghe thủng chuyện, ông nổi giận:
- Mẹ nhà chúng mày chứ. Ông mà lại thèm ăn bớt cái miếng L... trâu của chúng mày à ?
Mỗi người một câu khiến đám chia thịt ầm ầm như chợ vỡ. Nhìn sang Huấn, thấy mặt hắn tái mét, tôi chợt hiểu. Trời ơi, thì ra cái miếng thịt mà Huấn thó được, đem đãi tôi ấy chính là một góc của cái L... trâu. Thảo nào mà nó dai thế, lại có mùi khai. Và lạ nữa là càng nhai thì miếng thịt càng nở ra chứ không bé lại. Nhưng lúc ấy vì thèm quá, tôi chẳng để ý.
Nghi án miếng L... trâu mất tích không bị mọi người truy cứu nữa, khi bà Phòng tuyên bố:
- Trăm dâu đổ đầu tằm. Không biết ai lấy nhưng tôi là đội trưởng, mất thì tôi phải chịu. Vậy tôi xin bỏ ra một miếng thịt tương đương để đền, chia đều cho mọi người.
Miếng thịt bà Phòng bỏ ra đền được chia thành hơn ba chục miếng nhỏ như đốt ngón tay trẻ con, khiến ai nấy đều hể hả. Nhưng từ đấy, bà Phòng được người ta gán cho cái tên là “bà đội trưởng mất...L...”.
Huấn kém tôi một tuổi. Học xong lớp 10 phổ thông, hắn vào học trường đại học mỏ-địa chất, trở thành kỹ sư địa chất rồi làm một chức rất lớn ở một tỉnh, nay cũng đã về hưu. Thời còn công tác, mỗi lần tôi về tỉnh đó viết bài, hai thằng lại gặp nhau. Lần nào gặp, Huấn cũng nhắc đến mẹ mình (bà Phòng mất đã lâu). Và lần nào nhắc đến mẹ, mắt hắn cũng đỏ hoe. Có lần hắn bảo tôi :
- Thế nào mày cũng phải viết lại cái chuyện ấy, để mọi người thấy miếng thịt thời bao cấp, nó ghê gớm đến thế nào.
Tôi nhận lời Huấn, nhưng nay mới có dịp.
Trần Ninh Thụy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét