ANAHEIM, California (NV) – Nhà xuất bản Bạn Văn Nghệ sau nhiều tháng phải ngưng hoạt động vì đại dịch COVID-19 và những trở ngại khác, nên đến nay tuyển tập thơ văn “Hồi Sinh” của nhà thơ Trần Văn Sơn mới thực sự trình làng và gởi đến tay các thân hữu cũng như độc giả xa gần.Tuyển tập thơ văn “Hồi Sinh” của nhà thơ Trần Văn Sơn. (Hình: Thiện Lê/Người Việt) Nhà biên khảo Ngô Nguyên Nghiễm giới thiệu Trần Văn Sơn như sau: “Những tháng giữa năm 1972, tôi mới trực tiếp diện kiến với Trần Văn Sơn, khoảng hai lần, do các nhà thơ Thụy Miên, Nguyễn Lê La Sơn, và sau đó là Phạm Nhã Dự, Trần Phù Thế, tháp tùng đến, giới thiệu và bàn chuyện văn chương, in ấn.
Cuối Tháng Bảy, 1972, nhà thơ Thụy Miên khốc liệt với tai nạn ở Sóc Trăng, bằng hữu còn quá đau lòng và hoang mang cực độ, nên tôi quên lãng chuyện Trần Văn Sơn và những bàn tính của thi tập đầu tay ‘Vườn Dĩ Vãng’ ra đời.”
“Cuối năm 1972, tình cờ tản bộ qua cầu chữ Y sang đường Cao Đạt, chỉ cách tệ xá một khoảng ngắn, chợt thấy Lưu Nhữ Thụy đang mày mò in typo bìa cho thi tập ‘Vườn Dĩ Vãng’ của Trần Văn Sơn. Thì ra, Trần Văn Sơn giao Lưu Nhữ Thụy ấn hành tập thơ. Nhà in Cao Đạt, chỉ có một máy dập typo, ngoài ra là in lụa, nên tôi lấy tập bản thảo ‘Vườn Dĩ Vãng’ đọc lại, thơ thật hay, và bay sang nhà in Chính Nguyên nhờ nhà thơ Nghiễm Vy ấn hành. Lúc này, thi phẩm ‘Vườn Dĩ Vãng’ là tác phẩm thứ 6 của nhà xuất bản Khai Phá đã được giới thiệu với độc giả, sau tác phẩm của Lâm Chương, Nguyễn Thành Xuân, Hà Thúc Sinh và tôi. Với tài hoa và kỹ thuật điêu luyện, Trần Văn Sơn thành công nhiều ở tập thơ đầu tay,” nhà biên khảo Ngô Nguyên Nghiễm viết trong sách.
Đọc toàn tập tuyển tập thơ-văn của Trần Văn Sơn tôi thấy rất tâm đắc, thơ hay, ngôn ngữ dùng mới.
Tác giả đã qua một thời chiến tranh khốc liệt, từng là sĩ quan tác chiến, từng chiến đấu cùng với binh sĩ dưới quyền để giữ từng mảnh đất quê hương miền Nam Việt Nam yêu dấu. Nhưng đến những ngày trước 30 Tháng Tư, 1975, đơn vị của Trần Văn Sơn có lệnh lui binh, đó là một lệnh xé lòng đến với một sĩ quan tác chiến, phải lui binh.
Bài thơ “Lui Binh Hành” của Trần Văn Sơn rất cảm động:
“Lui binh lui binh hề lui binh
Tướng giỏi nghiến răng nén bất bình
Chiến trận bao năm chưa chiến bại
Một ngày buông súng quỷ thần kinh!
…La Ngà, Gia Huynh địch vây khổn
Tánh Linh tràn ngập bầy kên kên
Quan nghinh đầu súng lính đoạn hậu
Sống chết trời cho súng nổ rền
…Tiểu đoàn ba trăm còn ba mươi
Mất tích thương vong lính tả tơi
Tận nhân lực anh hùng mạt vận
Xuôi đời theo vận nước nổi trôi!
Lui binh lui binh hề lui binh
Tướng giỏi nghiến răng nén bất bình
Trăm trận ra quân trăm trận thắng
Tháng tư bẽ súng đất trời kinh!”
(“Lui Binh Hành” – trang 56, 56, 58)
Thế rồi, ngày 30 Tháng Tư, 1975 đến, Trần Văn Sơn đi tù, bỏ lại vợ con thơ nheo nhóc không chỗ nương tựa, bị chính quyền địa phương cưỡng ép phải đi kinh tế mới. Vì sống quá cực khổ ở kinh tế mới, vợ con anh sống không nổi phải về thành phố nên bị bắt vào tù.
Cuối cùng, người vợ phải mang hai con theo.
Bài thơ “Tự Truyện,” Trần Văn Sơn kể lể như sau, như một đoạn phim, về những ngày đau thương của gia đình một sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa:
“…Con chào đời tháng tư bảy mươi lăm
Anh hai con chưa đầy hai tuổi rưỡi
Ba mẹ con bị ném lên vùng kinh tế mới
Ngôi nhà từ đường đảng xẻ thịt phanh thây
…Mẹ gánh hai con mỗi đứa một đầu
Thất thểu đêm ngày trốn về thành phố
Chiếu đất màn trời đầu đường xó chợ
Mưa nắng che thân ống cống gầm cầu
Ba-mẹ-con bị bắt nhốt vào tù
Tội duy nhất đảng cướp nhà bịt miệng
Con khát sữa khóc la khản tiếng
Bầu vú khô mẹ vắt kiệt tia máu cuối cùng
Bạn tù thương pha nước lã muối đường
Đứa con lớn gặm khoai sùng ngộ độc
Mẹ thoi thóp ôm hai con khóc ngất
Cấp cứu rền vang tiếng vọng hư vô…
…Ba ra tù tháng mười một tám mươi ba
Chín năm khổ sai ba miền Nam-Trung-Bắc
Gia đình ta sống tiếp đời khổ nhục
Hành khất trời, hành khất đất Phương Nam
Hành khất dung thân ở cuối đường hầm
Tia nắng rọi nhắc ba mặt trời vẫn mọc…”
(“Tự Truyện” – trang 135, 136, 137)
Khi Trần Văn Sơn ra tù, trở về quê quán với hình ảnh bi thương:
“Cõng con dắt vợ leo đồi
Phá rừng làm rẫy cất chòi tịnh tâm
Vợ con tắm vũng trâu nằm
Lưng gùi tay rựa quanh năm cuốc cày
Đầu trần chân đất hôm nay
Mai sau rồi cũng bóng mây lưng đèo”
(“Lên Rừng Làm Rẫy” – trang 213)
Qua bao thăng trầm, đắng cay của cuộc sống, gia đình Trần Văn Sơn đã được qua Mỹ. Đời sống dần dần sáng sủa, hai con học hành thành đạt, có công ăn việc làm. Anh đã thấy bình yên và bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Anh nhìn lại đời mình, và tự mình tìm đến Phật Giáo, như một hướng đi mới của tâm linh.
Đọc “Ru Giấc Ngủ Say” (trang 104) của Trần Văn Sơn để thấy:
“Sư cụ ơi, cho con xin đốm lửa
Soi tờ kinh lần tràng hạt nam mô
Rừng u tịch lũng sâu vang tiêng mõ
Chỗ con nằm phiến đá mọc bên hồ
Sư cụ ơi, cho con xin nắm đất
Trước sân chùa con gieo hạt nhân sinh
Chuông vọng nguyệt nuôi mầm hoa bất tử
Chim chóc họp đàn tĩnh lặng nghe kinh
Sư cụ dạy con chữ Nhẫn vỡ lòng
Khắc trên đá cùng chữ Tâm cứu rỗi
Gốc bồ đề ngàn năm rễ tủa hình rồng
Bầy thỏ bạch dựa lưng chắp tay sám hối
Sư cụ dạy con quên cái nhớ trong đầu
Nhớ cái có vầng trăng soi bóng nước
Mỗi buổi sáng con nhìn con lần cuối
Ngày qua ngày tịnh cốc khuất chân mây
Con học thuộc lòng trang kinh Phổ Độ
Hiểu chưa thông một chữ Ngã vô thường
Sư cụ dạy con mỗi tối niệm hương
Khêu ngọn bấc lung linh ngôi tam bảo
Con thiền định lòng vẫn còn phiền não
Tụng Phổ Môn chưa thanh tẩy nợ đời
Quẩy nước lên đồi mơ ngày xuống núi
Tưới luống rau thương sĩ khí một thời
Sư cụ dạy con nhặt lá vàng rơi
Gom một chỗ ủ phân nuôi cây lá
Trên sườn non có một bầy tượng đá
Tướng cướp buông đao kinh động núi rừng
Con u mê cõng nghiệp chướng trên lưng
Vất bỏ nó sợ thành hình nhân rỗng
Sư cụ dạy con đong đưa nhịp võng
Ru giấc ngàn năm dưới gốc bồ đề.”
Đọc đến cuối những bài thơ của Trần Văn Sơn, tôi mới hiểu ra chữ “Hồi Sinh” mà tác giả dùng làm tựa đề tuyển tập thơ-văn này.
Đó là sự “Sống Lại,” cả về vật chất lẫn tinh thần của tác giả khi gia đình bỏ nước ra đi và được đến Mỹ. Một nơi có đủ mọi thứ tự do, mà con người sinh ra trên đời cần được hưởng.
Đó là sự “Hồi Sinh.”
Về thơ, đúng như nhà thơ Viên Linh đã ghi nhận ở bìa sau sách: “Thơ Trần Văn Sơn, dù ở thể loại nào vẫn có một nhịp điệu du dương riêng anh chọn vần, lựa điệu như một nhạc sĩ, và chữ trong thơ dồi dào hình ảnh, tạo ra hình ảnh, khiến bài thơ – hay câu thơ của anh – là một bức tranh hay một góc của bức tranh đầy màu sắc…”
Ở Mỹ, Trần Văn Sơn đã gặp lại những bạn văn cùng thời như Viên Linh, Phạm Nhã Dự, Trần Phù Thế, Hà Thúc Sinh, Vũ Uyên Giang, Trần Kiêu Bạt, Lê Phi Ô… Các bạn văn hay bạn lính, đều được Trần Văn Sơn ghi lại trong những hồi ức, kỷ niệm, rất trân trọng, trong phần cuối sách.
Dù tác giả tâm sự ở trang đầu, đây là tác phẩm cuối đời, nhưng tôi vẫn nghĩ, với sức khỏe tốt, sức viết mạnh và lòng đam mê chữ nghĩa, nhà thơ Trần Văn Sơn sẽ còn có thể tiếp tục cho ra đời những tác phẩm mới, hay, nữa.
Rất mong như vậy. [qd]
Nhà thơ Trần Văn Sơn sinh dưới chân Lầu Ông Hoàng, Phú Hải, Phan Thiết, Bình Thuận. Hội viên Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Cộng tác với báo chí: Văn, Nghệ Thuật, Khởi Hành, Phổ Thông, Khai Phá, Thế Đứng…
Bìa tuyển tập thơ văn “Hồi Sinh” của nhà thơ Trần Văn Sơn là tranh của họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, do Bạn Văn Nghệ xuất bản năm 2020, tại Hoa Kỳ.
Ảnh chân dung: Phạm Nhã Dự, Ngô Xuân Thành.
Ký họa chân dung: Rừng, Tạ Tỵ, Vũ Uyên Giang, Lưu Nhữ Thụy.
Tranh ký họa: Bé Ký.
Phụ bản: Họa sĩ Lương Trường Thọ, nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh.
Vào trong sách, tác giả ghi: “Chân thành cảm tạ tấm thâm tình của những người bạn đã hết lòng, khuyến khích, giúp đỡ tác giả hoàn thành tác phẩm cuối đời này: Hà Thúc Sinh, Phạm Nhã Dự, Vũ Uyên Giang, Trần Phù Thế, Thiết Trượng, Lê Hùng, Lê Phi Ô.”
Sách dày 340 trang, in trên giấy vàng dày, tốt. Trình bày trang nhã, đẹp mắt.
Địa chỉ liên lạc: Email: tvson1945@gmail.com; điện thoại: (657) 944-8309.
Tác phẩm đã xuất bản: “Vườn Dĩ Vãng,” nhà xuất bản Khai Phá, 1972, Việt Nam; “Thấp Thoáng Vài Nụ Hoa,” nhà xuất bản Little Sài Gòn, 2008, Mỹ; “Hồi Sinh,” nhà xuất bản Bạn Văn Nghệ, 2020, Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét