Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 4 tháng 10, 2021

Ảnh: 7 Hiền - Di tích lịch sử Đình thờ Nguyễn Trung Trực


Đình thờ Nguyễn Trung Trực tại Tp.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia theo Quyết định số 191 ngày 22/3/1988. Là một ngôi đình khang trang ở phía Tây của trung tâm thành phố Rạch Giá cách cửa biển khoảng 100m.Tuy ngắn ngủi nhưng cuộc đời Nguyễn Trung Trực đã hóa thành những trang sử chói lọi trong lịch sử dân tộc cũng như trong truyền thuyết Việt Nam. Những truyền thuyết ấy nảy sinh từ những địa phương mà Nguyễn Trung Trực đã từng đánh giặc và từng sống như Long An, Kiên Giang. Ông đã để lại cho hậu thế với hai chiến công oai hùng nhất:
<!>
- Ngày 10/12/1861 đốt tàu Espérance trên sông Nhật Tảo.
- 4h sáng ngày 16/6/1868, Nguyễn Trung Trực chỉ huy nghĩa quân kết hợp với nội ứng tấn công đồn Kiên Giang, triệt hạ đồn hoàn toàn, tên Pháp đầu tỉnh cùng đồng bọn phải đền tội.

Sau những chiến công vang dội, giặc Pháp điên cuồng truy sát Ông cùng nghĩa quân. Nguyễn Trung Trực đã cùng nghĩa quân rút ra đảo Phú Quốc lập căn cứ kháng chiến lâu dài.


Sau nhiều trận chiến đấu ác liệt, ngày 19/9/1868 Ông đã bị giặc bắt. Dù bị tù đày, tra tấn, Ông vẫn hiên ngang với khí phách của người Anh hùng. Ngày 27/10/1868, thực dân Pháp đưa Ông ra pháp trường Rạch Giá (nay là bưu điện Rạch Giá). Đồng bào Tà Niên đã dệt và trải chiếu bông kín con đường Ông ra pháp trường. Người dân hết sức đau đớn, yêu thương, kính trọng tiễn đưa Ông. Dù mất đi nhưng danh thơm của Nguyễn Trung Trực mãi mãi trường tồn cùng lịch sử với câu nói được coi là chân lý: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”.

Để mãi tưởng nhớ đến công lao của vị AHDT, nhân dân Kiên Giang đã lập đình thờ Ông. Ngôi đền được xây dựng năm 1964 khánh thành năm 1970, tọa lạc tại số 08 Nguyễn Công Trứ, phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá. Đình hình chữ Tam, có cổng dạng tam quan, trước cửa chánh điện có một lư hương bằng đá, ngày 15/9/2000 nhân dân đã thỉnh tượng “Cụ” về thờ trước cửa chánh điện. Trên nóc mái đình được trang trí cảnh lưỡng long tranh trân châu, các góc mái đắp hình lá cúc tần cách điệu và hình rồng. Tất cả các mảng phù điêu trên được làm bằng xi măng cẩn những mảnh gốm nhiều màu. Cửa đình có hai cột đắp nổi hình rồng uốn lượn từ dưới lên quấn quanh cột biểu tượng cho quyền uy và sức mạnh.

Đình có rất nhiều bài vị thờ, phía trong có 3 ngai thờ chính. Chính giữa là ngai thờ Nguyễn Trung Trực, bên trái là ngai thờ Phó cơ Nguyễn Hiền Điều, Phó lãnh binh Lâm Quang Ky, bên phải thờ Thần Nam Hải Tướng Quân. Đình Nguyễn Trung Trực chưa phải là ngôi đình cổ nhất, song đình thật sự là trung tâm sinh hoạt văn hóa của nhân dân bởi hình ảnh Ông đã ăn sâu vào tâm thức và tâm linh người dân nơi đây. Vì thế, hàng trăm năm nay, nhân dân quen gọi ông bằng Cụ và xem như chỗ dựa tin cậy khi đau ốm, đi xa, làm ăn…Có rất nhiều gia đình thờ Cụ trong nhà như ông bà.

Hàng năm, vào ngày 26-28/8 âm lịch, hàng trăm ngàn đồng bào các nơi về Kiên Giang dự lễ giỗ của Ông. Một nét đẹp dễ nhận thấy ở lễ hội truyền thống Nguyễn Trung Trực là sự đa sắc tộc, đa tín ngưỡng và đa tôn giáo, đến tham gia Lễ hội Nguyễn Trung Trực, người dân ai cũng cảm thấy hồ hỡi, rạo rực như quên hết những âu lo, cực nhọc thường ngày, hòa nhập vào không khí thiêng liêng của Lễ, náo nhiệt của Hội…qua đó thể hiện lòng biết ơn của mình với tiền nhân, những người có công với làng xã, quê hương, đất nước và thể hiện tinh thần gắn bó cộng đồng, hướng đến những ước mơ tốt đẹp. Người dự Hội cảm nhận được sự ấm áp, hòa quyện vào không gian thiêng liêng của Lễ hội, xem vụ Nguyễn Trung Trực như là người cha tinh thần, thành tâm như con cháu cúng giỗ ông bà của mình, mọi người cùng sửa sang, lau chùi lại Đình thờ, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, người về dự giỗ cụ đều tự nguyện nhiệt tình tham gia các công việc phục vụ lễ giỗ như: nấu cơm, chế biến thức ăn, pha nước uống, dọn dẹp, lau rửa, thậm chí sơ cấp cứu cho những trường hợp bị bệnh tật bất ngờ, v.v… đây là một mô hình Lễ hội độc đáo của khu vực mang tính cộng đồng rấy cao, người đi Hội cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng hưởng thụ những thành quả lao động mà mình đã góp phần trong Lễ hội.


Người đi Hội từ khắp nơi mang về cùng Đình những gì họ có thể để thể hiện tấm lòng sùng kính: tài vật, rau củ, hoa quả, gạo, bột ngọt (mì chính), đường, nước đá v.v.. trong số những người dự Lễ còn có những người là hậu duệ của cụ Nguyễn đến từ các địa phương như Long An, Tiền Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Tp. Hồ Chí Minh, thậm chí từ Bình Định ở miền Trung, v.v.. cũng về dự lễ giỗ của cụ. Theo lệ, sau lễ giỗ, những đồ vật dân cúng của nhân dân đều được sử dụng để cứu tế cho dân nghèo, đồng bào bị thiên tai, viện dưỡng lão, tổ chức các bữa ăn từ thiện trong Bệnh viện, Hội bảo trợ trẻ em nghèo, cứu trợ dân nghèo ở vùng ven, ưu tiên cho đồng bào dân tộc v.v…Đặc biệt trong thời gian diễn ra Lễ hội người dân đi Hội đều được ăn uống miễn phí. Các dịch vụ ăn theo Lễ hội như nhà hàng, khách sạn đều giảm giá, tệ ăn xin, cờ bạc hầu như không có, kinh phí cho việc tổ chức Lễ hội hoàn toàn được xã hội hóa.

Ngoài Lễ hội, Đình còn thường xuyên tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân, trung bình hiện mỗi ngày có khoảng 200 người đến khám bệnh, hốt thuốc điều trị. Tất cả mọi người ai cũng có thể vào khám bệnh và chữa bệnh tại đây. Vào chữa bệnh ở phòng thuốc nam này là không mất tiền. Có người lấy thuốc chữa bệnh ở đây kéo dài tới hơn 1 năm. Có người chữa khỏi bệnh ở đây rồi ngày ngày đến làm công quả phục vụ cho phòng thuốc. Có những bệnh nhân trước khi vào khám bệnh, họ vào chính điện làm lễ khấn nguyện với sự tín ngưỡng, cầu mong anh linh cụ Nguyễn Trung Trực phù hộ, độ trì cho mau lành bệnh.

Thuốc dùng để chữa bệnh tại Đình là các loại cây, cỏ sẵn có trong khu vực và được nhân dân đi lấy về theo hướng dẫn của những thầy thuốc của Đình. Tất cả thầy thuốc và người phục vụ ở đây làm việc không nhận tiền thù lao. Năm 2005 Đình Nguyễn Trung Trực được Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến thăm và gửi thư khen ngợi. Có thể nói rằng hoạt động Lễ hội và khám, chữa bệnh miễn phí tại Đình Nguyễn Trung Trực có tính chất tâm linh và mang tính cộng đồng rất mạnh mẽ, xuất phát từ sự biết ơn và lòng tôn kính vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực cùng những giá trị đạo đức, nhân văn của ông để lại, chính yếu đó là sợi dây vô hình tập hợp, gắn kết tạo nên một Lễ hội độc đáo, ấm áp tình người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét