Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

Trôi theo dòng luân lạc - Tôn Nữ Thu Dung


Những ngày cuối năm đầy gió, gió từ triền sông thổi mãi xô dạt những bờ lau trắng xóa, nhưng những cơn gió Santa Ana có xô dạt nỗi những hồi ức xa xăm! Hằng đêm, chị bị những tiếng khóc than ai oán đánh thức. Dưới tay chị, những ngôi mộ bị dời đi hoặc san bằng để có một khu đất đẹp nhân danh mỹ quan thành phố. (Hình: Enrique Meseguer/Pixabay) Cũng chỉ là những chiều muộn như những chiều khác trên vùng bình nguyên châu thổ, nơi tụ hội của những dòng sông tìm đường ra biển lớn, tôi nghe như mùi khói đốt đồng vương đầy căn phòng nhỏ, mùi cỏ khô và rơm rạ ngày xưa, mùi gỗ ngo nồng nàn của tuổi thơ xa lắc. 
<!>
Người đàn bà mở to đôi mắt nhìn tôi, những đôi mắt phụ nữ đặc trưng của dòng họ, khi cúi xuống thì thùy mị khiêm cung, khi ngước lên thì tràn ngập một nỗi buồn u uất.
Chị thầm thì: “Ông nội chị là con trưởng, ông cam phận ở nhà nuôi mẹ để cha và các em trai rộng đường quan lộ. Khi ông cố chết, vua ban cho bao nhiêu là vàng bạc để lo việc thọ tang, nhưng ông nội chị đã mang hết vào chiếu bạc, trắng tay bỏ trốn! Ông bị bắt về quỳ bên quan tài mấy ngày đêm trước khi công bố nhục hình. Ông tức giận thù hằn vì cho rằng ông nội em đã giành cái quyền huynh thế phụ để truất quyền thừa kế của ông, ông đốt nhà ông nội em xong đem cả gia đình ra Bắc…”

Chị đã đưa tôi về lại một quê nhà xa lắc, một ký ức mù mờ mà tôi quên bẵng từ lâu. Câu chuyện chị kể tôi đã từng được nghe trong những ngày thơ dại, đêm đêm rúc vào lòng bà nội để chìm vào giấc ngủ.

Chị sống trong nursing home này khá lâu và là một bệnh nhân im lặng mà tôi không hay biết, vô tình khi trực thay cho một nhân viên khác tôi ngỡ ngàng nhìn thấy tên chị trên hồ sơ bệnh án: Thiên Kiều Tôn Nữ, một cái tên đài các và rất Huế! Tôi đã hỏi hàng trăm lần và câu trả lời chỉ là thinh lặng. Nhưng dần dà, những trạng thái biểu hiện trong đôi mắt cúi xuống, đôi mắt nhìn lên của chị cho tôi một chút hy vọng mong manh.

Công việc của tôi đơn giản là an ủi và xoa dịu những tổn thương âm thầm của những bệnh nhân trầm cảm, có người chỉ cần ai đó kề bên là đủ, có người chìm vào một cõi vô thanh, vô ngôn, có người như chỉ chờ ai gỡ một nút thắt là hồi ức cuồn cuộn tuôn về… Một nhân viên xã hội quèn như tôi, không cần thiết phải gỡ những nút thắt, việc đó dành cho những bác sĩ chuyên khoa, lương cao chót vót.

Dân trong nghề đều biết một bệnh nhân nằm ở dưỡng đường này mỗi tháng tiền phí đủ trả cho ba nhân viên xã hội cỡ tôi thì hà cớ gì tôi phải ôm thêm công việc!
Nhưng người đó là chị…


Ba chị cay đắng nhìn tên ông nội chị trong gia phả với cái ngoặc đơn bị trướt tịch. (Hình: Michal Jarmoluk/Pixabay)

Chị kể, em biết không, ông nội và ba chị sống ngoài Bắc chẳng dễ dàng gì với cái họ con dòng cháu giống, phải thay tên đổi họ để không bị ảnh hưởng đến việc học hành thăng tiến, rồi đời chị phải học giỏi gấp 5 gấp 10 bọn nó mới có đường tiến thân. Năm 1975 về tới Huế chị mới lấy lại cái họ mà ba chị đã đau đớn khước từ!

Về Huế, các chú các bác phần lớn đều đi “cải tạo,” những người còn lại đều mang mặc cảm con vua cháu chúa nên chỉ muốn yên thân! Lúc ấy ba chị mở cuốn gia phả, cay đắng nhìn tên ông nội chị với cái ngoặc đơn bị trướt tịch. Ba chị làm mọi cách để lấy lại những gì đã mất. Những gì đã mất đó, nhân danh bên thắng cuộc đã vào lại tay ba chị. Nhà thờ họ, nhà từ đường, đất xây lăng, đất thừa tự… cộng với những chức vụ các anh chị nắm vững trong thành phố đã được hợp thức hóa dần dần – trừ đất của ông nội em – nơi ông nội chị đã từng đốt cháy để trút xuống hận thù không hiểu vì sao lại làm ba chị chùn tay.

Rồi thành phố quy hoạch, vùng đó trở thành đất vàng, đất bạc, đất kim cương tùy theo những công trình chị ký, một phó chủ tịch địa chính tỉnh cứ xuống tay là tiền chảy vào tài khoản! Rồi các anh chị khoác lên thân phận mình một vỏ bọc cao sang, vừa con dòng cháu giống vừa quan chức đại gia. Con cái gởi đi ăn học ở các nước tư bản từ ngày còn nhỏ xíu! Các anh chị quên dần cái dấu ấn nhục nhã ngày xưa, hoặc có nhớ thì lập tức phủi đi như phủi một vết nhơ cần che giấu!
Cho đến một ngày, những cơn ác mộng hằng đêm trở về, cứ nhắm mắt là chị thấy một người đàn bà đài các đến bên giường, nhìn chị với đôi mắt đầy u uẩn, đôi mắt của những dòng đời luân lạc. Cái chết đột ngột của người thư ký riêng thân tín, căn bệnh ung thư bất ngờ phát hiện đã vào giai đoạn cuối của chồng, tai nạn xe làm con trai chấn thương cột sống nằm liệt… đã làm chị kinh hoàng và xôn xao dư luận của một thành phố vốn trầm mặc linh thiêng.

Sau khi xem gia phả, ba chị làm mọi cách để lấy lại những gì đã mất. (Hình: ArtTower/Pixabay)
Hằng đêm, chị bị những tiếng khóc than ai oán đánh thức. Dưới tay chị, những ngôi mộ bị dời đi hoặc san bằng để có một khu đất đẹp nhân danh mỹ quan thành phố, một cứu cánh biện minh cho lòng tham không đáy. Tự thâm tâm, đôi khi chị cũng áy náy xót xa, đôi khi tiền bạc cũng chỉ là phù du vô nghĩa, nhưng chị đang ở trong một guồng máy quay đều, chị chỉ là một thứ phụ tùng nhỏ bé.

Chị không muốn cái mác tiểu tư sản trí thức một lần nữa lại vùi dập con đường công danh đang trên đà thăng tiến. Chị nhắm mắt ký khi những công văn để trên bàn có sự gởi gắm từ trên mà không còn quan tâm đến những con số phần trăm chia chác! Đã qua rồi cái thời kỳ đói khát cầm từng tờ bạc phân vân đo đếm, đã qua rồi cái thời tấp tểnh bước vào đường hoạn lộ với mặc cảm tự ti!

Trong giấc mơ, ba chị về, nói: “Con, lúc nào con cũng có thể dừng lại khi cần.”

Trong giấc mơ, chị trả lời đầy nước mắt: “Ba, con không thể dừng lại khi mọi người đang đi tới.”

Trong giấc mơ, bà phi tần đài các xinh đẹp trong ngôi mộ bị đào xới nửa chừng được tấm bạt màu xanh che phủ mà nhiều người trong dòng họ đang ra sức đấu tranh để giành lại cho bà một chốn yên nghỉ ngàn thu nhìn chị với một đôi mắt tràn ngập u buồn!

Tôi không còn những buổi chiều muộn ngồi nghe chị kể.

Tôi không có gì để trách cứ hay minh oan cho chị.
Tôi không biết gì về những điều đã và sẽ xảy ra


Chị thẳng tay ký để san phẳng những ngôi nhà cũ, cả những ngôi mộ để gọi là “quy hoạch” và biến vùng đó trở thành đất vàng, đất bạc, đất kim cương. (Hình: Christian_Birkholz/Pixabay)

Đôi mắt chị hé mở, đó là đôi mắt của những người ngủ đang mơ, một giấc mơ êm ả! Ngủ ngon nghe chị.

Khung cửa rực sáng những tia nắng rực rỡ đầu ngày, Cầm Uyên thầm thì trong nước mắt: “Con không hề biết về những điều này dì ơi!”

Tôi đặt tay lên vai nó, muốn ôm nó vào lòng, nhưng nó đã là một người trưởng thành từ lâu và xưa nay tôi vẫn xem nó như một người xa lạ: “Không sao đâu con, cái gì qua thì để nó qua đi, như đời sống đã bắt đầu thì sẽ có giờ kết thúc…”

Tôi biết, một điều đã xảy ra rồi sao có thể nói là không! Chúng sẽ tồn tại vĩnh viễn trong trang lịch sử mà mai sau mở ra có thể chúng ta không tin dù đó là sự thật.
Dù chiếc thập giá chị đã mang đó quá nặng đối với một kiếp người, nhưng ai có thể nói được lời tha thứ lãng quên?

Tôn-Nữ Thu-Dung [qd]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét