Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

Thêm nạn nhân buôn người được giải cứu ở Ả Rập Xê Út-Đã có Bàn tay của Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Sản tiếp tay... - Mạch Sống

Thêm nạn nhân buôn người được giải cứu ở Ả Rập Xê Út Những thành tựu về giải cứu nạn nhân buôn người trong 6 ngày qua - Mạch Sống, ngày 19 tháng 9, 2021
http://machsongmedia.org - Chiều ngày 19 tháng 9 của Ả Rập Xê Út, cảnh sát giải cứu 3 nạn nhân người Việt và 1 nạn nhân người Philippines và đưa họ vào khách sạn ở tạm trước khi chuyển về trung tâm bảo trợ xã hội ở thủ đô Riyadh. Trước đó, một nạn nhân bị chủ sử dụng lao động bắt gặp khi đang cung cấp thông tin định vị cho cảnh sát. Lập tức chủ đánh đập nạn nhân này và tịch thu điện thoại. May mắn, một nạn nhân khác đã giấu được điện thoại để tiếp tục liên lạc với cảnh sát vòng các chặng trung chuyển ở Việt Nam, Hoa Kỳ, và Quatar.
<!>
Bị áp lực của cảnh sát, cuối cùng nhà chủ đã chở 2 nạn nhân người Việt và 1 nạn nhân người Philippines ra đồn cảnh sát. Tuy nhiên, chủ đã giấu một nạn nhân tại một địa điểm khác và báo với cảnh sát rằng người này muốn tiếp tục làm việc, không muốn được giải cứu. Qua đường dây trung chuyển kể trên, cảnh sát đã nhận được thông tin định vị và ý muốn được giải cứu của nạn nhân. Cuối cùng, nhà chủ phải chở nốt người này ra đồn cảnh sát.


HÌnh 1. Một lao động bị đánh bầm dập mặt mày vì không ký hợp đồng lao động 2 năm
Cả 3 nữ lao động người Việt này trước đây đang ở trung tâm bảo trợ Khadimat chờ hồi hương. Ngày 21 tháng 1 năm 2021, một nhân viên Đại Sứ Quán Việt Nam bảo họ và 2 nữ lao động nữa thu xếp hành lý gấp để hồi hương. Nhưng thay vì ra phi trường, họ bị đưa đến nhà của một người Việt. Sau 3 ngày, họ bị chuyển đến thành phố Najran ở miền Nam, sát biên giới với Yemen.

Nhà chủ “mua” họ đã phải tốn 30 nghìn Riyal, tương đương 8 nghìn Mỹ kim. Người tài xế chở họ từ Riyadh đến Najran được cấp giấy thông hành của Toà Đại Sứ Việt Nam để phòng khi bị cảnh sát Ả Rập xét xe.

Khi đến Najran, 3 nữ lao động này bị đánh đập cho đến khi phải ký hợp đồng 2 năm. Đã 4 lần họ đình công đòi về lại trung tâm bảo trợ xã hội để chờ hồi hương. Mỗi lần họ đều bị đánh đập dã man. Một số lần họ đã chạy ra đồn cảnh sát gần đó để cầu cứu; lần nào bà chủ cũng ra đồn cảnh sát, đóng 500 Rials để lãnh họ về. Đâu lại vào đó.


Hình 2. Một trong số 3 lao động vừa được giải cứu
Cuộc giải cứu ngày hôm nay đã diễn ra do có sự can thiệp của một cơ quan quốc tế và Hội Đồng Nhân Quyền Ả Rập Xê Út, lại có sự theo dõi và đôn đốc của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ. Khi cảnh sát ở Najran nhận được hồ sơ của 3 nạn nhân từ cảnh sát quốc gia, họ phải theo đó mà thực hiện cuộc giải cứu. Ngoài 3 nạn nhân người Việt, một phụ nữ người Philippines cũng được giải cứu trong đợt này.

Qua hồ sơ của 3 nạn nhân này, giới chức Ả Rập có thể điều tra tông tích của 2 nạn nhân bị đưa ra khỏi trung tâm bảo trợ cùng ngày nhưng giờ đây biệt tăm. Từ ngày 15 tháng 10, 2020 đến ngày 20 tháng 1, 2021, gần 20 nữ lao động Việt Nam bị cùng giới chức Toà Đại Sứ Việt Nam kể trên đưa ra khỏi trung tâm bảo trợ. Không ai rõ các người lao động này đã bị bán đi đâu.

Đây là cuộc giải cứu thứ hai trong vòng 6 ngày. Ngày 13 tháng 9 vừa qua, một nạn nhân khác được giải cứu chỉ vài tiếng sau khi BPSOS cung cấp thông tin định vị cho cảnh sát Ả Rập. Người này đã được đưa thẳng vào trung tâm bảo trợ xã hội SAKAN. Đồng thời, nhờ sự can thiệp của cảnh sát, nhà chủ đã trả 20 trong tổng số 30 tháng lương, tổng cộng là 8 nghìn Mỹ kim, còn nợ của nạn nhân này.

“Chúng tôi tiếp tục theo đuổi việc đòi lại tiền lương cho nạn nhân,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, cho biết.

Cũng trong ngày 13 tháng 9, một nạn nhân khác được chủ trả hơn 5 nghìn Mỹ kim tiền lương cho 28 tháng làm việc. Xuất thân ở Huế, nạn nhân này đến Ả Rập Xê Út gần cuối năm 2018. Khi hết hợp đồng vào tháng 11 năm 2020, nhà chủ tiếp tục giữ nạn nhân làm việc mà vẫn không trả lương. Ngày 13 tháng 2, 2021, khi nạn nhân đòi tự tử, nhà chủ giao cô cho cảnh sát để đưa vào trại SAKAN. Nhà chủ hứa chuyển tiền lương về cho thân nhân của cô ở Việt Nam, nhưng việc này đã không xảy ra cho đến khi BPSOS lên tiếng yêu cầu cơ quan hữu trách của quốc gia sở tại vào cuộc.


Hình 3. Em Siu H Xuân 2 hôm trước khi tử vong

Cùng ngày 13 tháng 9, cảnh sát tìm ra nơi giữ xác của em Siu H Xuân, một trẻ vị thành niên bị khai tăng 7 tuổi để xuất khẩu lao động ở Ả Rập Xê Út. Em đã qua đời ngày 17 tháng 7, 2021 chỉ 2 hôm sau khi gửi lời cầu cứu đến một người bạn trên Facebook. Qua đó, em cho biết là bị đánh đập đến ngất xỉu và sẽ khó sống sót nếu không được cấp cứu.

Gia đình của em Xuân đã nhiều lần yêu cầu công ty xuất khẩu lao động và toà đại sứ Việt Nam ở Ả Rập giúp đưa xác của em về nước, nhưng vô ích. Nhiều lần người của công ty xuất khẩu lao động áp lực gia đình của em chấp nhận hoả táng. Gia đình quyết liệt cưỡng lại vì xác của em Xuân có thể là chứng cứ quan trọng nhất về hành vi tội phạm, bao gồm bán trẻ em vị thành niên và đánh chết người.

Với thông tin của BPSOS, cảnh sát Ả Rập cuối cùng đã truy tìm được xác của em Xuân dù không có sự hợp tác của công ty xuất khẩu lao động hay toà đại sứ Việt Nam.

Một diễn tiến đáng kể là hôm qua phần lớn trong số 240 chị em hồi hương ngày 3 tháng 9 đã hoàn tất 14 ngày cách ly và lục tục trở về quê quán. Nhiều người không có tiền để tra chi phí cách ly cũng như chi phí vận chuyển và phải mượn nợ.

“Chúng tôi giữ liên lạc với một số nạn nhân mà chúng tôi biết và đang kêu gọi một tổ chức quốc tế giúp họ đối phó nhu cầu tài chính, dịch vụ y tế, vấn đề hội nhập,” Ts. Thắng nói.

Trong số bị cách ly, có 4 người bị dương tính COVID-19. Những người này và một số người tiếp cận họ đang phải tiếp tục cách ly.

Bài liên quan:

Lao động Việt và nạn nhân buôn người từ Ả Rập Xê Út đã về đến Việt Nam

Nữ lao động Việt bị bạo hành ở Ả-Rập Saudi được giải cứu về nước

Nạn nhân buôn người và lao động Việt hồi hương từ Ả Rập bằng chuyên cơ của đội tuyển bóng đá

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét