Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2021

Cao ủy LHQ giục quốc tế nỗ lực hơn về Myanmar 'trước khi quá muộn' - VOa

Hình ảnh hôm 10/9/2021 cho thấy nhà cửa bị cháy do xung đột ở làng Namg Kar, thị trấn Gangaw, vùng Magwe.

 Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm thứ Năm 23/9 cảnh báo về thảm họa nhân quyền dưới sự cai trị của quân đội ở Myanmar và kêu gọi cộng đồng quốc tế làm nhiều hơn nữa để ngăn không cho xung đột trở nên tồi tệ hơn.Bà Michelle Bachelet nói trong một tuyên bố: "Hậu quả ở tầm quốc gia thật khủng khiếp và bi thảm - hậu quả ở tầm khu vực cũng có thể rất nặng nề".

<!>

"Cộng đồng quốc tế phải tăng gấp đôi nỗ lực để khôi phục nền dân chủ và ngăn không cho xung đột lan rộng hơn trước khi quá muộn", vẫn lời bà Bachelet.

Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội tiếm quyền vào ngày 1/2, chấm dứt một thập kỷ được xem là dân chủ và gây ra sự phẫn nộ trong và ngoài nước về việc quân đội quay lại nắm quyền.

Hơn 1.120 người đã thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính, theo LHQ, nhiều người đã chết khi các lực lượng an ninh đàn áp các cuộc đình công và biểu tình ủng hộ dân chủ trên toàn quốc, hàng nghìn người khác đã bị bắt giữ.

Các lực lượng kháng chiến có vũ trang đã hình thành ở nhiều khu vực khác nhau, họ đã giao tranh với quân đội, khiến hàng nghìn người phải di tản, bao gồm cả đi sang nước láng giềng Ấn Độ trong những ngày gần đây.

Bà Bachelet cho biết quân đội Myanmar đã sử dụng vũ khí chống lại dân thường mà đáng lẽ ra chỉ được dùng trong xung đột quân sự, và quân đội đã "không kích và pháo kích bừa bãi".

Truyền thông địa phương ở Myanmar đưa tin về tình trạng bạo lực chết người ở ít nhất 5 khu vực và tiểu bang khác nhau hôm 23/9, bao gồm cả các vụ đánh bom tự chế của dân quân liên minh với một chính phủ ngầm. Chính phủ này hồi đầu tháng đã kêu gọi tiến hành "chiến tranh phòng ngự toàn dân" chống lại quân đội.

Quân đội gọi đó là "những kẻ khủng bố" và cho rằng chiến dịch của bọn họ sẽ thất bại.

Các nước phương Tây thời gian qua đã lên án chính quyền và áp đặt các biện pháp trừng phạt có mục tiêu, nhưng những người chỉ trích cho rằng cần phải có lập trường cứng rắn hơn, bao gồm cả việc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí.

Bà Bachelet cho biết Myanmar đã không thực hiện được thỏa thuận với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về việc ngừng bạo lực và bắt đầu đối thoại.

Bà nói: "Điều này nhấn mạnh rằng phải gấp rút có các biện pháp mạnh mẽ đỏi hỏi trách nhiệm giải trình ".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét