Hai chiếc đũa cùng nhau chung một ý,
Bữa ăn nào cũng phải có mặt cả đôi.( VMT)
« Văn hóa thoát ra từ cách ăn, cách mặc, cách làm, cách nghĩ, cách sống của Việt Nam » (BS Trần Ngọc Ninh). Từ quan niệm đó mà ta thấy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt tỏa ra trong phong cách ăn với đôi đũa, mặc với áo dài truyền thống. Tại sao nói văn hóa với đôi đũa? Ba cái tách đặt trên bàn thờ Thiên trước căn nhà là biểu hiệu của văn minh; nhưng khi chủ nhà rót nước vào 3 tách, đốt nhang, chắp tay khấn vái Trời Đất. Lúc đó 3 tách nước biểu tượng cho Tam Tài (Thiên, Địa, Nhân) trở thành vật thể văn hóa cho nên khấn xong thì hất một tách nước lên mái nhà (Thiên), một tách đổ xuống đất (Địa) và môt tách uống vào bụng (Nhơn). Đôi đũa cũng như 3 tách nước trở thành vật thể văn hóa khi biểu hiệu phong tục, tín ngưỡng trong phong cách ẩm thực của người Việt…
Trong cung cách ẩm thực khi ngồi ăn, xử dụng đôi đũa là một « ẩn ngữ vô ngôn » nhưng lại sâu đậm hơn ngôn ngữ vì cách xử dụng đôi đũa diễn tả đậm đà cung cách ẩm thực tức văn hóa của người Việt.
Đôi đũa sanh ra ở đâu?
Về nguồn gốc đôi đũa, người ta chỉ nêu ra giả thuyết hoặc đặt ra truyền thuyết để giải thích nguồn gốc thí dụ như truyền thuyết hoàng đế Hạ Vũ, Khương Tử Nha, Đát Kỷ[1]….Nếu khảo sát các vùng văn hóa thì đôi đũa chỉ hiện diện trong vùng văn hóa Viễn Đông (Trung Hoa, Nhật, Triều Tiên, Việt Nam) có nghĩa đôi đũa được phát minh tại đây và có lẽ trên vùng văn minh nông nghiệp của Bách Việt miền Hoa Hạ vào thời Hùng Vương, tại sao?
- Vì dân Việt gốc nông nghiệp, trâu bò dùng để cày bừa, thức ăn chính là ngũ cốc, rau cá. Miếng thịt rất hiếm quí nên nếu có thì phải cắt nhỏ xào nấu cho cả nhà ăn vì vậy phải dùng đôi dũa để gắp.
- Trái lại, cách ăn bốc vẫn còn tồn tại trong văn minh Ấn Độ và để lại dấu tích tại Trung Hoa trước thời Tần Thủy Hoàng, trong dân du mục chăn nuôi phía bắc Hoa Hạ có ẩm thực chính là bột mì và thịt nên chú trọng đến ăn bốc và dao để cắt xén.
Loại đũa
Ngày xưa, thông dụng nhất là đũa tre, đũa gỗ vì Việt Nam rất nhiều tre trúc, gỗ. Thường người nông dân tự vót đũa lấy bằng chẻ tre thành thanh vuông rồi vót tròn một phần và phần kia thì giữ hình vuông theo như ca dao dạy.
Đời cha cho chí đời con,
Muốn vót cho tròn thì hãy đẽo vuông.
Hình dáng đôi dũa trong tiếng hò đò suôi trên sông Mã.
Đôi ta như đũa tre non
Khen ai khéo vuốt đũa tròn nên đôi
Đôi ta như đũa tre già
Khen ái khéo tiện đũa đà bằng đôi.
Đặc biệt là chỉ ở Việt Nam mới có đũa cả dùng để xới cơm từ nồi ra bát. Đũa cả lớn và dẹp làm bằng tre hay gỗ. Đũa cả to và dẹp phải nhúng vào nước trước khi xới cơm cho khỏi dính. Xới xong dùng chiếc nọ gạt cơm khỏi chiếc kia chứ không được gõ vào nhau thành tiếng động. Âm thanh này gọi ma đến nhà.
Đôi đũa cả Đũa gỗ kỹ nghệ bằng gỗ kim giao
Đũa của vua
Đũa của vua làm bằng tre già khẳm lá vót xong thì dùng dăm tre chuốt cho bóng láng, bỏ vào nồi hấp rồi phơi khô trước khi nhập kho. Đũa vua dùng phải thay đổi hằng ngày, loại đũa ngà không tiện dụng vì hơi nặng đối với tay nhà vua. Ngày xưa, vua thường dùng đũa gỗ “Kim giao” [2] (Podocarpus macrophyllus) để phát hiện các độc tố. Cây kim giao có thân cây cỡ nhỏ mọc nhiều trên núi vùng Lạng Sơn, Cao bằng. Gỗ màu trắng ngà, nhẹ và dai có đặc tính ngả san màu đen nếu gặp chất độc vì vậy mà gọi là « đũa đổi màu hay đũa tiến vua ».
Hiện nay
Kỹ nghệ Việt Nam sản xuất rất nhiều loại đũa gỗ quí như đũa gỗ kim giao, gỗ mun, trắc đỏ, gỗ dừa, đàn hương, căm xe…
Cách cầm đũa
Văn hóa ẩm thực phải bắt đầu từ giáo dục gia đình, từ những chi tiết nhỏ nhoi như cách cầm và xử dụng đôi đũa. Phong cách của người cầm đôi đũa trong bữa cơm gia đình cũng như ngồi ở bữa tiệc biểu hiện trình độ văn hóa giáo dục của người đó.
Khi ngồi vào mâm cơm gia đình, người nhỏ tuổi sẽ so đũa và so trước tiên cho người lớn nhất nhà hoặc khách quí. Người vai vế lớn nhất cầm đũa trước nhất và gắp ăn đầu tiên, con cháu gắp theo những món nào người lớn đã gắp có nghĩa con cháu không được gắp trước ông bà một món ăn.
Đôi đũa gắp thức ăn từ đĩa để vào bát rồi mới ăn, trong bát vẫn còn đồ ăn không nên gắp thêm vào,
Thiếu phong cách văn hóa khi dùng đũa bới đĩa tìm miếng ngon, chọc đũa vào bát canh, vừa cầm đôi đũa vừa chan canh hay chỉ chỏ.
Tránh lấy đũa gẩy gón đĩa thức ăn chọn miếng ngon để gắp, miếng khác đẩy sang bên, không được chọn bằng kiểu gà bới mà phải chọn bằng mắt trước khi gắp, gắp miếng nào ăn miếng đó.
Mỗi mâm có một chén nước mắm chấm chung, nhưng chấm miếng thịt, miếng cá thì phải chấm bên cạnh bát nước mắm, đã cắn ăn rồi thì không được chấm trở lại;
Không được dùng đũa vẽ bét nhát cá ra mà phải chờ người lớn vẽ gọn gàng trước.
Ý nghĩa văn hóa
Đôi đũa mang ý nghĩa văn hóa là vì cầm đũa cho đẹp, cho quý phái, cho ra dòng ra giống:
- Cách cầm đũa theo triết lý,
- Có kiêng kỵ trong phong cách cầm đũa,
- Đũa biểu tượng linh hồn
Cầm đũa theo triết lý của vùng Viễn Đông
Chiếc đũa có phần vuông ở trên tượng trưng cho âm và phần tròn ở dưới tượng trưng cho dương.
Cầm đũa theo vị trí âm dương
Khi cầm đôi đũa để gắp thức ăn, chiếc đũa nằm dưới ở thể tĩnh (âm), chiếc đũa nằm trên thì động để kẹp chặt miếng gắp (dương). Vì vậy mà đôi đũa được ví như cặp khí âm dương, như cặp vợ chồng (âm dương) gắn bó keo sơn :« vợ chồng như đũa có đôi ».
Đôi ta làm bạn thong dong,
Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng,
Cầm đũa theo ý nghĩa tam tài : Thiên, Địa, Nhân
Đôi đũa đặt trên ngón trỏ và ngón cái ở trên (Trời), ngón út và ngòn đeo nhẫn ở dưới cùng (Đất), ngón giữa nằm giữa hai chiếc đũa (Người)
Cầm đũa theo vị trí âm dương và Tam Tài
Kiêng kỵ theo tập tục, tín ngưỡng
Kiêng kỵ vì phong cách
Khi so đũa thì đôi đũa phải ngay thẳng, dài bằng nhau[3], không đặt đũa chéo, ngậm đũa, đánh rơi đũa khi ăn.
Mối tình đầu cũng như lúc trẻ tập cầm đũa :
Tình mới lớn, phải không em, rất mỏng ?
Cách tập tành nào cũng dễ hư hao
Thuở đầu đời cầm đũa thấp cao
Và nâng chén, dĩ nhiên, đổ vỡ.
Nguyễn Tất Nhiên
Yêu nhau miễn là trông cho sao vừa con mắt như đôi đũa:
Ðôi ta như đũa trong kho
Không tề, không tiện, không so cũng bằng.
Vợ chồng phải xứng hợp với nhau như đôi đũa.
Ðôi ta là bạn thong dong
Như đôi đũa ngọc nằm trên mâm vàng.
“Đũa vàng dộng xuống mâm son
Thấy ai có ngãi, anh thương mặn nồng”.
Bởi chưng thày mẹ nói ngang
Cho nên đũa ngọc, mâm vàng xa nhau.
Tối kỵ là so đôi đũa lệch[4] hay vênh đã không đẹp mắt còn mang lại xui xẻo như câu ca dao dưới đây.
Về đôi đũa vênh thì có câu nói « Vợ dại không hại bằng đũa vênh ».
Đôi đũa lệch dài ngắn khác nhau dùng để chỉ vợ chồng không xứng đôi về kích thước hay tuổi tác.
Ví dầu chồng thấp vợ cao,
Như đôi đũa lệch so sao cho vừa (ca dao)
Khi đôi đũa kia, không bằng mà lệch,
Chắc chắn đau lòng người dự tiệc khi ăn.
Vô duyên lấy phải chồng già,
Ra đường người hỏi rằng cha hay chồng?
Mẹ em tham thúng xôi rền[5],
Tham con lợn béo tham tiền Cảnh Hưng[6].
Em đã bảo mẹ rằng đừng,
Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào.
Bây giờ chồng thấp vợ cao,
Như đôi đũa lệch so sao cho vừa (ca dao)
Tiền Cảnh Hưng
Còn vợ chồng không xứng đôi về địa vị xã hội thì lấy đôi đũa mốc mà ví von : Đũa mốc mà chòi mâm son.
Trong mỗi bữa ăn, cách so đũa ngay ngắn trở thành tiêu chuẩn cho cách làm việc thường nhật : « Làm việc ra đầu ra đũa », « Đến đầu đến đũa », « Giúp lời chứ không ai giúp của, giúp đũa chứ không ai giúp cơm ».
Kiêng kỵ vì tín ngưỡng
Theo Lê Triều Hình Luật và ký sự du ngoạn của thương buôn, giáo sĩ ngoại quốc đến nước ta thế kỷ XVIII, thủ tục ly dị của đôi vợ chồng trước cửa quan là bẻ đũa. Tục ly dị (bẻ đũa, bẻ đồng tiền cũng được A. De Rhode ghi trong từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La)[7]. Vì vậy mà có kiêng kỵ : Tránh gẫy đũa nhất là trong tiệc cưới, đũa gãy là điều xui xẻo báo hiệu cho sự đổ vỡ.
Còn tục lệ « trả đũa » là xưa kia đi hỏi vợ thì đem đôi đũa và cái bát để làm tin, nếu không thuận ý thì nhà gái trả lại nên gọi là « trả đũa ».
Kiêng kỵ cầm đũa theo phép phong thủy
Tránh những đồ nhọn như đầu đũa, đầu tăm đâm vào người giống như đòn dông nhà khác hay góc ao, đao đình đâm vào mặt tiền nhà mình thì phải kiêng. Vì vậy nên tránh cách cầm đũa để ngón trỏ chìa ra như chỉ vào mặt người khác (tiên nhân chỉ lộ người tiên chỉ lối). Ngồi vào mâm cơm, đũa và tăm đặt ngay ngắn xuống bàn hay mâm cơm vì tránh không được đưa đũa đưa tăm cho người khác là vì : « Đưa đũa ghét năm, đưa tăm ghét mười ».
Còn bát ăn cơm đi đôi với đũa cũng có những kiêng kỵ có tính cách phong thủy coi bát là biểu tượng của công ăn việc làm. Vì vậy trừ bát mẻ, bát cũ không được vất bỏ mà nên cho người khác.
Liên quan đến sự chết chóc
Cấm dùng đũa xiên miếng ăn, cắm vào bát cơm giống cúng cơm cho người mới chết.
Xếp đôi đũa ngắn dài mang lại xui xẻo vì theo quan niệm của người Trung Hoa « Tam trường lưỡng đoạn (3 dài, 2 ngắn) » là hình ảnh giống quan tài chưa đậy nắp có 3 ván dài, 2 tấm ngắn.
Đụng đến âm hồn
Cấm dùng đũa gây tiếng động vì âm thanh này gọi ma đói đến nhà. Vì vậy mà kiêng không gõ đũa vào bát cơm, không gõ đũa cả vào nhau nhau thành tiếng động nên xới xong dùng chiếc nọ gạt cơm khỏi chiếc kia.
Ngón tay chỏ cắm đũa, gõ đũa vào bát cơm
Linh hồn đôi đũa
Trong tín ngưỡng dân gian, «đôi đũa bông» biểu tượng cho :
- linh hồn bà Mụ hình thành bé sơ sinh,
- linh hồn người mới chết.
Linh hồn bà Mụ : «đôi đũa bông»
Đôi đũa bông là đôi đũa có gắn thêm một bông hoa trên đầu đũa. Cúng Mụ hay lễ đầy tháng đứa trẻ để tạ ơn vị tiên đã hình thành đứa bé cho họ. Mâm cỗ cúng Mụ phải có một đôi đũa hoa (đũa bông) mà bà Chúa hay dùng tạo hình một đứa nhỏ. Theo truyền thống tín ngưỡng, vị Đại Tiên (Bà Chúa Đầu Thai) và Tiên Mụ mà trực tiếp là 12 bộ Tiên Nương (12 bà Mụ) nặn ra đứa bé nên mâm cúng có : 12 chén chè nhỏ, 12 đĩa xôi… và một đôi đũa bông.
Đôi đũa bông và mâm cỗ cúng mụ
Linh hồn người mới chết
Trên nắp quan tài, thắp 7 ngọn nến (đàn ông 7 vía) hoặc 9 ngọn (đàn bà 9 vía), một đôi đũa bông vót sơ ra như gai nhọn cắm vào bát cơm úp, cài quả trứng luộc vào giữa đôi đũa bông làm bữa ăn cho người mới chết.
Đôi đũa bông kẹp quả trứng cắm vào bát cơm đặt trên quan tài
Tại sao đôi đũa bông? Có nhiều giải thích về đôi đũa bông như sau :
1) Đôi đũa bông tượng trưng cho người mới chết còn ở giữa cõi âm và cõi dương nên một đầu trên chẻ chõe ra (bông) biểu tượng dương và đầu âm thì cắm vào bát cơm, làm như vậy để tránh thập đại chúng sanh tranh ăn với người mới mất,
2) Đũa bông gai nhọn tượng trưng cho người lính đi bắt và đâm giặc cướp được dùng làm bùa trừ ma quỉ (cái gai nhọn chữ hán việt là thứ bộ đao có nghĩa đâm chết),
3) Cũng trong chiều hướng sợ ma cũ tranh ăn với ma mới, tại Long An (Tiền Giang), trên linh cữu để 3 chén cơm : chén cơm giữa dành cho người mới mất có một đôi đũa để ăn được nhanh, 2 chén cơm hai bên mỗi chén chỉ có một chiếc đũa (nên ăn chậm) dành cho ma cũ,
Ba chén cơm trước quan tài : Chén cơm giữa có một đôi đũa, mỗi chén cơm hai bên chỉ có một chiếc đũa
4) Tục này còn được giải thích theo Lão Giáo : Đầu đũa bông chẻ ra như bùi nhùi để biểu tượng thời hỗn mang, trong hỗn mang đã tàng ẩn thái cực (bát cơm), từ thái cực sinh lưỡng nghi âm dương (đôi đũa), tác động âm dương mà sanh ra sự sống (quả trứng).
Ẩm thực không những mang vẻ đẹp vật chất (các món ngon) mà còn mang vẻ đẹp văn hóa về tinh thần (cung cách, kiêng kỵ…). Qua ẩm thực người ta có thể hiểu được nét đẹp văn hóa thể hiện phẩm giá con người, trình độ văn hóa của dân tộc với những đạo lý, phép tắc phong tục trong cách ăn uống. Vì vậy mà bản sắc Việt thể hiện trong cách tổ chức bữa ăn với các đặc trưng trên.
Như vậy văn hóa đôi đũa có nhiều điểm thú vị làm cho món ăn thêm ngon. Tuy nhiên, ngày nay ở hải ngoại, khi ăn tiệc cưới hoặc đến cộng đồng hay hội đoàn dùng bữa ăn chung với nhau, nét văn hóa đôi đũa cũng cần được cải thiện là trên bàn tiệc thì dùng đôi đũa chung hoặc trở đầu đũa[8] để gắp thức ăn trên đĩa để chung cho hợp vệ sinh.
Còn nói chuyện đôi đũa với con cháu ở hải ngoại thì việc đầu tiên thì dạy các cháu là biết cầm đũa như đôi khi chúng ta chỉ cho người bạn ngoại quốc theo hình vẽ dưới đây.
Nói chuyện đôi đũa với mấy ông già còn hoài niệm đôi chút những kỷ niêm xa xôi về tổ tiên thì để mấy ông già hỏi nhau xem văn hóa ẩm thực của Bách Việt trồng lúa nước thời Hùng Vương còn truyền lại cho chúng ta cái gì? Chắc chắn là đôi đũa như câu nói: « La culture est ce qui reste, quand on a tout oublié » (văn hóa là cái gì còn sót lại khi người ta quên hết).
Hai chiếc cạnh nhau, luôn là thông điệp,
Gánh vác hết mình cho đến lúc tàn canh.
Lạp Chúc Nguyễn Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét