Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

Hình ảnh đắt giá từ cuộc chiến dài nhất lịch sử của Mỹ - Andy Van

Khi máy bay B-52 bắt đầu ném bom rải thảm các vị trí của Taliban tháng 10/2001, không nhiều người lường trước cuộc chiến Afghanistan sẽ kéo dài 20 năm mà vẫn chưa tới hồi kết.
Andy Van
<!>

New York Times. Chủ nhật, 4/7/2021



Chẳng bao lâu sau vụ khủng bố 11/9/2001, ưu tiên quân sự hàng đầu của Mỹ tập trung vào Afghanistan, nơi trú ẩn của các thủ lĩnh tổ chức khủng bố Al Qaeda. Ai cũng hiểu một cuộc chiến sẽ sớm nổ ra. Nhưng khi đó, ít người có thể lường trước Afghanistan sẽ trở thành cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, trải qua hơn 20 năm và 4 đời tổng thống.


Các cuộc không kích đầu tiên mở màn cho chiến dịch quân sự của Mỹ và các đồng minh ở Afghanistan diễn ra ngày 7/10/2001. Trên mặt đất, Mỹ phối hợp với các nhóm dân quân chống Taliban, đáng chú ý nhất là Liên minh Phương Bắc ở miền Bắc Afghanistan. Tới giữa tháng 11, thủ đô Kabul và thành trì của Taliban tại Kandahar lần lượt rơi vào tay liên quân quốc tế.


Tháng 12/2001, Osama Bin Laden - thủ lĩnh Al Qaeda - tẩu thoát sang Pakistan thông qua hệ thống đường hầm xuyên núi ở Tora Bora. Cũng trong tháng này, chính phủ lâm thời Afghanistan được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Hamid Karzai. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sau đó thông qua nghị quyết thành lập Lượng lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) nhằm duy trì hòa bình ở Afghanistan.

Từ tháng 5/2003, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld tuyên bố kết thúc các chiến dịch quân sự lớn ở Afghanistan, chuyển sang giai đoạn tái thiết. Chính quyền Tổng thống George W. Bush bắt đầu chuyển hướng các nguồn tài nguyên chiến tranh sang phục vụ cuộc chiến ở Iraq, Mỹ chỉ còn duy trì 8.000 binh sĩ ở Afghanistan.

Phụ nữ ở Kabul đợi để bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10/2004.


Từ năm 2006, các chiến dịch nổi dậy của Taliban ngày càng quyết liệt hơn, với hàng loạt vụ phục kích và đánh bom khủng bố.


Bất chấp viện trợ khổng lồ và huấn luyện tác chiến từ Mỹ và ISAF, lực lượng an ninh chính phủ Afghanistan cho thấy không đủ năng lực kiềm chế hoạt động của Taliban cũng như các chiến binh nước ngoài xâm nhập qua biên giới Pakistan. Mỹ buộc phải tăng quân trở lại. Tới năm 2007, Mỹ duy trì 25.000 binh sĩ ở Afghanistan.


Tháng 2/2009, tân Tổng thống Mỹ Barack Obama tái khẳng định cam kết của Mỹ với cuộc chiến ở Afghanistan. Washington triển khai bổ sung 17.000 binh sĩ tới quốc gia Trung Á, nâng tổng số binh lực của Mỹ ở Afghanistan lên 53.000 quân.

Các binh sĩ Mỹ bị thương trong một cuộc phục kích ở thung lũng Korengal, phía tây Afghanistan.


Tháng 12/2009, Tổng thống Obama tuyên bố Washington sẽ xây dựng và huấn luyện một lực lượng an ninh Afghanistan đủ mạnh để tiếp quản trách nhiệm chiến đấu chống nổi dậy. Kế hoạch của ông Obama bao gồm triển khai thêm 30.000 binh sĩ tới Afghanistan, nâng tổng số quân nhân Mỹ tại đây lên 100.000 vào giữa năm 2010. Trong ảnh, binh sĩ Đức đốt pháo sáng giữa sa mạc ở tỉnh Kunduz tháng 10/2009.

Một vụ tấn công khủng bố bằng xe tải ở thủ đô Kabul tháng 12/2009, làm ít nhất 8 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.


Tháng 5/2011, biệt kích SEAL của Hải quân Mỹ tiêu diệt thành công Osama Bin Laden tại nơi trùm khủng bố lẩn trốn ở Abbottabad, Pakistan. Tới tháng 6/2011, Tổng thống Obama tuyên bố sẽ cắt giảm 33.000 binh sĩ khỏi Afghanistan từ giữa năm 2012. Trong ảnh, binh sĩ Mỹ bị thương trong cuộc giao tranh ở tỉnh Kunar tháng 3/2010.


Tới năm 2012, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai bất ngờ chỉ trích Mỹ và liên quân quốc tế vì gây ra quá nhiều thương vong cho dân thường. Quan hệ giữa Kabul và giới lãnh đạo Washington ngày càng xấu đi.


Từ năm 2013, lực lượng Afghanistan chủ nhà bắt đầu tiếp quản phần lớn nhiệm vụ duy trì an ninh. Trong khi đó, liên quân quốc tế do Mỹ lãnh đạo tập trung vào huấn luyện và các hoạt động chống khủng bố.

Trong ảnh, các binh sĩ tiểu đoàn số 1, sư đoàn bộ binh 87 quân đội Mỹ bị phục kích ở Kunduz tháng 9/2010.

Bé Samiullah 8 tháng tuổi - bị suy dinh dưỡng - trong vòng tay mẹ Islam Bibi, 15 tuổi, tại một bệnh viện ở Lashgar Gar, tỉnh Helmand Province, vào tháng 9/2013.


Ngày 31/12/2014, nhiệm vụ chiến đấu của Mỹ ở Afghanistan chính thức kết thúc. Tuy nhiên, binh sĩ Mỹ vẫn tiếp tục hiện diện ở nước này. Tổng thống Obama công bố một thời gian biểu rút phần lớn lực lượng khỏi Afghanistan vào cuối năm 2016, năm cuối trong nhiệm kỳ của ông.


Trên chiến trường, lực lượng an ninh Afghanistan ngày càng vấp phải nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống Taliban mở rộng ảnh hưởng. Thương vong của quân đội chính phủ gia tăng, trong khi lãnh thổ mất dần về tay Taliban.


Ngày 20/1/2017, ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống, đánh dấu bước ngoặt của cuộc chiến ở Afghanistan. Tháng 8/2017, Tổng thống Trump tuyên bố ông muốn rút toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan, tuy nhiên cuộc chiến vẫn sẽ tiếp tục, và rằng quá trình rút quân sẽ được tiến hành dựa trên điều kiện tác chiến thực tế, không phải một thời gian biểu được định sẵn.


Một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết 2018 là năm chết chóc nhất của cuộc chiến Afghanistan, với gần 4.000 thường dân thiệt mạng, trong đó 63% do các cuộc tấn công của Taliban. Lực lượng Mỹ và đồng minh chịu trách nhiệm cho 4% thiệt hại sinh mạng của dân thường Afghanistan.


Từ cuối năm 2018, Mỹ và Taliban bắt đầu khởi động các cuộc thương lượng hòa bình. Quá trình đàm phán kéo dài trong các năm 2019 và 2020 ở Doha, Qatar. Đại diện chính phủ Afghanistan không tham gia tiến trình đàm phán bởi Taliban kiên quyết từ chối thảo luận với chính quyền Kabul.


Ngày 29/2/2020, Mỹ và Taliban chính thức ký kết thỏa thuận hòa bình, mở ra cánh cửa cho Mỹ rút toàn bộ quân đội khỏi Afghanistan, cũng như khởi động tiến trình đàm phán trực tiếp giữa lực lượng Taliban với chính quyền Kabul về tương lai đất nước. Tới tháng 2/2020, Mỹ vẫn duy trì khoảng 12.000 binh sĩ ở Afghanistan.


Đàm phán giữa Taliban và chính phủ Afghanistan khởi động từ tháng 9/2020 nhưng rơi vào bế tắc từ đầu năm nay. Lực lượng chính phủ đang ở thế phòng thủ, với hỗ trợ hỏa lực hạn chế từ phía Mỹ, hy vọng ngăn chặn đà tấn công của Taliban. Thời gian qua, Taliban liên tiếp ám sát nhiều quan chức chính phủ, nhà báo, nhà hoạt động xã hội, và các cựu thành viên lực lượng an ninh Afghanistan.


Sau khi xem xét thỏa thuận với Taliban đạt được năm 2020, Tổng thống Joe Biden quyết định sẽ hoàn thành rút toàn bộ lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan vào 11/9/2021, tròn 20 năm vụ khủng bố 11/9, sự kiện đã đẩy Mỹ vào cuộc chiến chưa có hồi kết.


Cuộc chiến Afghanistan đã tiêu tốn hơn 2.000 tỷ USD của Mỹ. Hơn 2.400 binh sĩ Mỹ và 700 binh sĩ các nước đồng minh thiệt mạng trên chiến trường. 40.000 dân thường và 60.000 binh sĩ lực lượng an ninh Afghanistan đã thiệt mạng kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Không ai biết bao nhiêu tay súng Taliban và Al Qaeda đã bị tiêu diệt.


Tương lai cuộc chiến tại Afghanistan là điều hiện chưa thể biết trước. Chính quyền Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đang ở thế bấp bênh trước sức tấn công vũ bão của Taliban, trong khi hỗ trợ quốc tế đang ngày càng suy giảm. Kabul có hai lựa chọn, hoặc đầu hàng và để Taliban giành lại quyền lực, hoặc chiến đấu chống Taliban và kéo dài cuộc nội chiến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét