Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

Chỉ 2 ngày, 'thung lũng tử thần' Panjshir đã 'nuốt chửng' 500 tay súng Taliban - Việt Hùng


Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan (FANR) đang cho thấy họ có thể là lực lượng tiếp tục ngáng đường việc Taliban nắm toàn bộ quyền lực. Sau 2 ngày giao tranh ác liệt tại thung lũng Panjshir, FANR đã loại khỏi vòng chiến khoảng 500 tay súng Taliban. Sau giây phút huy hoàng vì chiến thắng trước quân đội Afghanistan đến quá nhanh, giờ đây Taliban đã bắt đầu nếm trải thất bại đầu tiên khi tấn công vào thung lũng Panjshir, vùng đất cuối cùng chưa nằm trong tầm kiểm soát của họ.
<!>


Chỉ trong 2 ngày (25 và 26/8), đã có khoảng 500 tay súng Taliban thiệt mạng tại hẻm núi dẫn vào thung lũng Panjshir. Đây là một con số tổn thất lớn, thậm chí ngang bằng với tổn thất cả một năm trước khi họ khi giao tranh với quân đội Afghanistan.


Sự thất bại trong chiến dịch giải phóng Panjshir của Taliban đến từ ba nguyên nhân chính. Thứ nhất họ không tận dụng thời cơ vàng để tấn công thung lũng này ngay sau khi chiếm trọn Kabul hôm 15/8.


Thời gian một tuần Taliban dừng lại không tấn công đã đủ để cho tàn binh quân đội Afghanistan tụ lại để thành lập Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan (FANR), đồng thời lập tuyến phòng thủ tại Panjshir.


Có lẽ do chìm trong cảm giác chiến thắng bất ngờ nên Taliban không vội để thu hồi thung lũng Panjshir. Lực lượng này nghĩ rằng trước sau với thế lực hùng mạnh hiện tại, họ sẽ thu hồi được mọi vùng đất của Afghanistan.


Mặt khác Taliban nghĩ rằng, tương quan lực lượng của Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan (FANR) so với Liên minh Phương Bắc trước đây tại thung lũng Panjshir, thì FANR thua kém về mọi mặt, vì thế họ không vội đánh chiếm.


Khi quyết định tấn công thung lũng Panjshir, Taliban chỉ điều khoảng 1.500 tay súng thay vì một lực lượng hùng hậu và điều này khiến cho lực lượng Hồi giáo cực đoan phải trả một giá rất đắt.


Nguyên nhân thứ hai khiến cho Taliban bị tổn thất nặng khi tấn công thung lũng Panjshir, chính là vì địa thế hiểm trở của nơi này.


Lối vào thung lũng là " đường độc đạo", nhiều chỗ chỉ rộng 6m, vì thế khi đoàn xe quân sự tiến vào sẽ phải đi hàng một, đây là điều cực kỳ bất lợi khi gặp phục kích.


Ngay cả quân đội hùng mạnh như Liên Xô ngày trước cũng chịu tổn thất lớn khi tiến vào thung lũng Panjshir để đánh các tay súng Mujahideen (1979-1989). Thung lũng này dưới thời Liên minh Phương Bắc (1996-2001) cũng từng khiến cho Taliban kinh hoàng bạt vía.


Cuối cùng lý do khiến cho Taliban chịu tổn thất lớn tại Panjshir chính là "tinh thần chiến đấu" của những người lính tại đây.


Nếu "tinh thần chiến đấu" là thứ khiến cho đội quân 300.000 người được vũ trang hiện đại của Afghanistan sụp đổ, thì cũng chính thứ này lại giúp cho FANR chiến thắng ban đầu tại Panjshir.


Những tàn binh chạy về đầu quân cho FANR là những chiến binh can trường không chịu đầu hàng, họ phần lớn là những thành viên của đội đặc nhiệm Afghanistan, lực lượng này từng gây tổn thất lớn cho Taliban.


Những người lính đặc nhiệm luôn là đối tượng số 1 cho việc truy tìm và trả thù từ các tay súng Taliban. Khi bắt được những người lính này, Taliban thường hành quyết ngay cả khi họ đã đầu hàng.


Một mặt ý thức được số phận đen tối khi rơi vào tay Taliban, mặt khác do quân đội Afghanistan đã sụp đổ, những người lính đặc nhiệm này không còn đường lùi, họ chỉ còn đường sống duy nhất là tử chiến với Taliban tới cùng.


Tuy giành được chiến thắng ấn tượng ban đầu khi gây tổn thất lớn cho Taliban, nhưng về lâu dài rõ ràng thung lũng Panjshir hiện tại sẽ khó trụ vững như giai đoạn trước đây (1996-2001) nếu lãnh đạo FANR không có hướng đi tích cực.


Hiện Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan mới chỉ được Tajikistan công khai ủng hộ, như thế là chưa đủ so với Liên minh Phương Bắc vốn được hàng chục quốc gia ủng hộ và tiếp tế.


FANR cũng chưa nắm được vùng đất Afghanistan tiếp giáp với biên giới các nước giống như Liên minh Phương Bắc trước đây, vì thế nguồn tiếp tế lương thực đạn dược sẽ không vào được thung lũng Panjshir.


Chưa kể, kinh nghiệm trận mạc cũng như ngoại giao của thủ lĩnh FARN Ahmad Massoud thua hẳn cha anh, là thủ lĩnh Ahmad Shah Massoud của Liên minh Phương Bắc.


Chính vì thế, nếu không có sự hậu thuẫn từ bên ngoài, sự sụp đổ của FANR tại thung lũng Panjshir chỉ là điều sớm muộn mà thôi.


Ý thức được điều này, thủ lĩnh Ahmad Massoud một mặt cam kết sẽ không bao giờ đầu hàng Taliban, nhưng nói rằng sẽ sẵn sàng đàm phán với nhà cầm quyền mới của Afghanistan.


Ahmad Massoud cũng kêu gọi hỗ trợ từ quốc tế và nói thêm: "Cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ đạo đức giúp đỡ chúng tôi". Giới phân tích cho rằng, tương lai của FANR sẽ phụ thuộc nhiều vào những biến động mới đây của Afghanistan, trong đó có vụ đánh bom tại sân bay Kabul làm hơn 70 người thiệt mạng.

Việt Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét