Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975 đã có nhiều mảnh đời tang thương. Trong số đó có cô bạn thân của tôi. Thu Nguyệt là một cô gái có khiếu thơ văn. 13 tuổi đã có nhiều bài đăng trên Nguyệt san Thiếu Nhi với bút hiệu Tê Hát Nguyệt Thi. Bạn khiến cả lớp chúng tôi ngưỡng mộ. Ngày đất nước im tiếng súng, gia đình bạn từ Trại gia binh ở phi trường Đà Nẵng phải dọn ra ngoài; sống vất vưởng nhờ cậy nhà người quen. Vì không có địa chỉ cố định, ba mẹ bạn cùng đàn con 7 đứa bị xếp vào gia đình phải đi Kinh Tế Mới đợt đầu tiên của thành phố Đà Nẵng. Năm đó tôi đang học lớp 12.
Sau ngày tôi may mắn đi định cư theo diện HO, thư về thăm bạn, trong lá thư hồi âm Thu Nguyệt đã viết: “Nhận được thư Trinh trong đêm nay như một điều thật kỳ diệu. Giống như Trinh từ Mỹ đã trở về với gia đình mình tận trên cao của miền rừng núi, nơi chưa có đèn điện, phải chong đèn dầu viết thư khi người ta đã lên đến Sao Hỏa rồi.”
Và qua nhiều lần thư đi thư về, bạn đã trút cạn nỗi niềm.
Xin ghi lại đây câu chuyện của bạn tôi với bao cay đắng của một người đã giã biệt thành phố khi tuổi đời đang chớm mộng mơ.
***
Buổi sáng ở vùng cao, khí hậu lành lạnh, cơn mưa đêm qua còn đọng lại những giọt nước lóng lánh trên cành lá. Những tia nắng sớm yếu ớt đang trải dài trong vườn cây. Nhìn xa, vườn cà phê thật đẹp, trông như một bức tranh được tỉ mỉ cẩn bằng những hạt trai óng ả.
Thời tiết mùa này là thế, sáng mát lạnh, đến trưa thì nóng ghê người. Tuy vậy, chỉ có cái nóng của vùng cao nguyên cấu tạo bằng loại đất đỏ bazan này mới có thể làm cho những chùm cà phê màu xanh lục đang bám đầy cành, chuyển sang màu đỏ gạch, đó là thời kỳ trái cà phê đã chín tới. Từ lâu rồi, năm tháng đời tôi chỉ tính bằng những mùa café, những cơn mưa sáng, những bóng nắng chiều.
Rời phố phường, cái thành phố ven biển của một thời tôi mộng mơ, cũng là vùng đất tôi vừa ươm những hạt mầm mơ ước. Lúc chuyến xe chuyển bánh rời thành phố đưa chúng tôi, đoàn người đầu tiên trong chương trình xây dựng khu kinh tế mới lên đến nơi này, nước mắt tôi nhạt nhòa, tâm tư khép kín, tôi cố tình lấp lại thật nhanh và chôn thật sâu khoảng đời đã qua.
Những tưởng mình sẽ quên đi đoạn đời tạm gọi là vàng son đó, những tưởng ước mơ đã chết lịm từ bao giờ, nhưng thật ra nó chỉ yên ngủ, bởi có khi trong đống tro tàn nguội ngặm đó, vẫn có lúc tôi nhìn thấy lại hình ảnh của chính tôi giữa cái nắng với bụi đỏ mịt mờ, giữa những thiếu hụt triền miên, giữa những ngày mưa lầy lội, giữa những đêm đông sương mờ giăng giăng nơi triền núi, tiếng chim lạc bầy gọi nhau nghe ai oán đến đoạn trường.
Không bao lâu sau đó, tôi liên lạc được với nhỏ bạn thân, con nhỏ còn may mắn hơn tôi là vẫn còn hồn nhiên cắp sách đến trường, con bạn an ủi và khuyên tôi nên vui với những gì đang có. Con bạn không biết và chắc không hình dung ra được cái đêm đầu tiên ngủ trong căn nhà mà gia đình tôi được cấp trên vùng kinh tế mới, chỉ là bốn cây cột trơ trụi và một mái tranh dột nát nằm giữa cánh đồng chỉ toàn cỏ tranh và đá tổ ong. Có gì đâu mà bạn bày đặt khuyên với nhủ?
Tôi hoàn toàn không biết đời mình rồi sẽ trôi về đâu … con bạn chắc chắn không biết rằng, muốn có nước sạch để nấu cơm chị em tôi phải lội bộ hơn hai cây số đường núi để ra suối vì ngày ấy hoàn toàn không có một giếng nước nào nơi đây. Con bạn cũng không thể nào biết tôi rời Đà Nẵng, lên đây, để rồi cuộc đời phải làm bạn với những người thiểu số chưa thạo tiếng nói người Kinh nhưng rất thạo cách so đo công trạng bởi chính họ là những người đã góp công, góp sức, góp xương máu đem hòa bình trở về cho đất nước. So với dân tộc thiểu số, chúng tôi bỗng nhiên trở thành những kẻ đi giành giật đất đai của dân bản làng, vì thế mọi ưu tiên chỉ dành cho họ.
Khai khẩn được một vùng đất mới, tưởng sẽ được bình yên lạc nghiệp? Không, bao nhiêu chủ trương của “quy hoạch” hay của chương trình xây dựng Khu Nông Trường cho tập thể đều để nhường lại cho những người anh em dân tộc thiểu số, chúng tôi phải đi vào vùng sâu hơn, cao hơn. Biết bao gian nan hiểm trở, bao nhọc nhằn và thiếu thốn nơi rừng thiêng nước độc dường như đã vượt quá sức chịu đựng, bên cạnh đó là những chèn ép của thành phần quan chức địa phương … có nhiều gia đình đã trốn về thành phố, buôn bán lặt vặt tạm bợ cho qua ngày đoạn tháng.
Gia đình tôi thì chẳng còn nơi nào để bám ở thành phố nên cả nhà đành phải học khai hoang, học trồng trọt. Mồ hôi và nước mắt ướt đẩm những luống đậu, luống khoai mì. Rồi những vuông đất trồng café đầu tiên cũng được hình thành. Từ khi vùng này còn là một vùng rừng núi hoang sơ, hàng xóm hầu hết là dân tộc miền núi, tiếng Kinh mới bập bẹ, còn lại số ít là những người từ thành phố, thuộc thành phần thất cơ lở vận trôi dạt lên đây, số phận như nhau. Dần dà các khu công nghiệp, các nông trường cà phê hợp tác Việt Đức được ra đời, dân từ những vùng Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh cũng di dân vào. Người Kinh càng lúc càng đông hơn người bản xứ, họ trở lại là đám thiểu số nên càng có nhiều quyền lợi, ưu tiên hơn chúng tôi.
Có những năm mưa thuận gió hòa, đời sống dần dần được cải tiến, chồng tôi vào làm bảo vệ cho khu nông trường Café. Khu đất gần đó được chia ra thành từng vuông để làm khu nhà ở cho gia đình công nhân nông trường. Những hàng chè tàu xanh mướt mới được trồng lên để làm hàng rào ngăn nhà nọ với nhà kia. Chúng tôi cuối cùng cũng có được một mảnh đất nhỏ để làm nhà, gọi là … “an cư” sau nhiều năm “lạc nghiệp” một cách bắt buộc với công việc trồng trọt chăn nuôi.
Mỗi khi có dịp về Đà Nẵng, nhìn cảnh xô bồ của phố phường tôi đâm ra ngán ngẩm. Ở đây tuy buồn nhưng đôi khi tôi cũng cảm thấy tâm hồn thơ thới. Sáng sáng thức dậy, hít thở mùi hương hoa đồng nội, mùi cỏ cây dịu dàng, chiều về lắng nghe tiếng suối nước róc rách, tiếng lá cây xào xạc vọng về từ rừng già; nếu chợt quên đi những cơ cực đang vây bám gia đình một cách khó gở, có khi tâm hồn tôi cũng hòa mình với thiên nhiên một cách nhẹ nhàng. Tôi đã nhận ra cái đẹp đến mê mẩn của khu vườn café không phải từ những lợi nhuận mà nó mang cho đời sống cơm áo hàng ngày mà từ mùi hương của hoa tinh khiết nồng nàn, của trái café chin đỏ đầy cành, đẹp như những viên ngọc bích trong mắt tôi.
Khi các con tôi đã lớn, chúng tôi cố gắng lo cho con ăn học, giấc mơ đời tôi không thực hiện nổi, tôi chắp cánh vào đời con mình. Đã bao mùa café được vươn chồi nấy lộc, bao mùa tiêu lá xanh lá vàng, bao mùa rẩy, bao mùa ruộng khô ruộng nước, bao công trình cải tiến kỹ thuật được hô hào dựng xây nơi này? Những tưởng đã qua rồi một thế hệ đời tôi phải ngậm ngải tìm trầm, qua rồi sự phân biệt về nguồn gốc gia đình để đưa đến một thế hệ mới, lớp con cháu tôi sẽ có được sự cảm thông của “thế giới đại đồng”…
Nhưng …
....Con tôi ra trường, thằng bé đang phơi phới với mảnh bằng Đại Học đành gục đầu trước thực tế chua xót … không có nhiệm sở để thực hiện hoài bảo. Giấc mơ tuy nhỏ bé của vợ chồng, con cái tôi vỡ tan tành khi lò mò tìm hiểu phải có mấy chục triệu đồng lót tay mới được về làm việc ở đây. Vùng khỉ ho cò gáy này là đất của dân tộc thiểu số nên công trình cống hiến cho vùng đất này chỉ ưu tiên dành riêng cho người thiểu số. Con tôi tuy sanh ra ở đây, giấy khai sinh ghi rõ sinh quán, trú quán là vùng đất núi non này, vậy mà thằng nhỏ đành ngậm ngùi như tôi năm xưa, trước những thực tế chua xót.
Người ta nói, đất đai của người miền núi, của bản làng, chúng tôi là dân thành phố kéo nhau lên đây khai khẩn là đã giành giật miếng cơm manh áo của họ nên bây giờ những công việc hành chính nhẹ nhàng cũng phải ưu tiên cho họ. Nếu muốn, chúng tôi phải mua lại những ưu đải ấy bằng tiền.
Ngày xưa … dân miền núi sống thành bộ tộc hiền hòa chân chất lắm, họ không biết xài tiền. Mọi mua bán đổi chác chỉ bằng hiện vật, họ không tin tưởng vào tờ giấy in xanh, đỏ màu mè lại có giá trị lớn lao như thế, có thể mua đất bán nhà và cả mua quan bán chức. Có phải đó cũng là lỗi của chúng tôi, những người dân thành phố vì thất cơ lỡ vận an phận lên đây, mang theo bao thói hư tật xấu đã làm hư hao khung cảnh thiên nhiên và cả con người nơi rừng núi heo hút này?
Tôi cố gắng nhưng vẫn không nhớ được tác giả hai câu thơ:
“Mai bỏ phố phường đi xa lăng lắc
Anh cũng dần quên cổ tích đời mình”
Xin hãy đọc những dòng tâm sự buồn vui này của tôi như là chuyện cổ tích, bởi tôi đã xa rồi, đã bỏ phố phường mà đi.
Xin hãy đọc, rồi … quên như tôi đã từng cố quên.
Nguyen Đieu Anh Trinh
Thân tặng bạn thân Thu Nguyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét