Nhiều người lo ngại Hà Nội có trở thành tâm dịch tiếp theo TP HCM và vùng phụ cận. Các bài học từ Sài Gòn sẽ giúp gì cho Hà Nội và các địa phương khác trong chính sách phòng chống dịch, RFI đặt câu hỏi với Bác sĩ, Tiến sĩ Trần Tuấn, thành viên Liên minh Vận động Phát triển Chính sách Y tế dựa trên Bằng chứng Khoa học, từ Hà Nội. Theo Bác sĩ Trần Tuấn, phát triển « hệ thống Giám Sát Dịch Tễ » là điều kiện căn bản để có thể nhận diện sát và dự báo sát diễn biến dịch bệnh. Và để làm được điều này, theo Bác sĩ Trần Tuấn, cái căn bản cốt yếu là « trả lại cho người dân quyền chủ động phòng chống dịch », và chính quyền, ngành y tế cần chủ động hướng đến xây dựng chính sách với « sự dẫn đường của khoa học ». - RFI
RFI : Xin ông cho biết ông nhận định chung thế nào về tình hình dịch bệnh tại Hà Nội hiện nay, và cách thức chính quyền thủ đô Hà Nội đối phó với dịch ?
BS Trần Tuấn : Trước hết, chúng ta cần thấy là qua các dữ liệu của Hà Nội, có thể đánh giá là dịch đã ở trong tình trạng nội sinh. Trong số nhiều trường hợp dương tính phát hiện được ở cả bốn phường, « bốn điểm nóng », thì một số không phát hiện được nguồn gốc. Như thế có thể thấy các trường hợp nhiễm trong cộng đồng đã lan tràn trong thời gian qua. Điểm thứ hai là nhìn vào con số báo cáo thông qua việc phát hiện theo các « chỉ điểm - ổ dịch », tức là các trường hợp phát hiện triệu chứng, rồi đi đến trạm y tế hoặc khai báo, thì lúc đó mới phát hiện được, rồi truy vết các trường hợp tiếp xúc… Trong thời gian những ngày vừa qua, trung bình một ngày có đến cả trăm ca. Như thế có thể tạm kết luận là dịch không chỉ là nội sinh, mà còn đang phát triển.
Hiện tại, Hà Nội vẫn trung thành với cách làm tìm ổ dịch, xét nghiệm, truy vết, cách ly các trường hợp tiếp xúc, đồng thời thực hiện việc cách ly hết các trường hợp mang mầm bệnh trong cộng đồng và kết hợp với « phong tỏa ở mức độ nhẹ », như hiện nay. Vấn đề hiện nay của Hà Nội là liệu trong thời gian tới có tiếp tục việc xét nghiệm trên diện rộng nhằm tìm cho hết F0, và có áp dụng chính sách phong tỏa triệt để như TP HCM (từ ngày 23/08) hay không ? Việc này, chúng tôi sẽ trả lời trong vấn đề : Hà Nội nên suy xét thế nào trên cơ sở các bài học rút ra từ kinh nghiệm TP HCM.
RFI : Diễn biến dịch ở Sài Gòn cho phép rút ra một số bài học cơ bản nào trong việc lập chính sách để nhận diện và dự báo dịch, cho Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung ?
BS Trần Tuấn : Thành phố HCM trong thời gian vừa qua đã có thay đổi về tốc độ thực hiện, mức độ của phong tỏa và tính triệt để của phong tỏa, nâng cấp lên, như phong tỏa toàn thành phố, sau đó cũng có những điều chỉnh liên quan đến « các nhóm chịu ảnh hưởng », các vấn đề chăm sóc tôi sẽ nói sau…Bài học thứ nhất, đó là không được cứng nhắc, phải điều chỉnh theo thực tế. Nhìn chung, càng gần về sau này, các chính sách càng được định hướng theo các khuyến cáo khoa học, điều này trở nên rõ rệt hơn.
Về theo dõi dịch bệnh, đánh giá nguy cơ của dịch bệnh. Phần này, TP HCM làm chưa tốt. Điểm thứ nhất là việc xét nghiệm để xác định mức độ diễn biến của dịch. Mức độ lây lan ra sao, tình hình nhiễm lan rộng thế nào ? Mức độ lây nhiễm như thế gần hay xa so với mức « lây nhiễm cộng đồng » (cần phải có), thì phần đó, TP HCM mới dựa vào một nguồn là xét nghiệm tìm tình trạng người đang mang virus bằng xét nghiệm kháng nguyên. Những xét nghiệm này được làm trên cơ sở những « điểm chỉ báo » trường hợp bệnh, rồi chúng ta thực hiện truy vết các trường hợp tiếp xúc, phát hiện dấu vết nơi dịch bùng phát, và tìm kiếm các trường hợp trong khu vực dịch bùng phát.
Sau đó là xét nghiệm thêm diện rộng, với số lượng mẫu lớn, với mục tiêu tìm cho hết F0 để cách ly toàn bộ. Phần mảng này, chúng ta thấy là trên thực tế không cho được số liệu như chúng ta mong muốn, tức không đánh giá được « tỉ lệ lây nhiễm trong cộng đồng », « tỉ lệ miễn dịch đạt được trong cộng đồng », từ đó mới nhận định cho đúng chỉ số Rt, tức « chỉ số lây nhiễm ». Rồi nhận định cho đúng cái gánh nặng bệnh tật, hay « khối cảm nhiễm còn lại », cũng như « khối cảm nhiễm đang mang » và có khả năng phát hiện bệnh, từ đó dự báo gánh nặng đè lên hệ thống y tế. Phần này chúng tôi đánh giá là Sài Gòn nhìn chung không thành công. Điều này đưa lại bài học cho các tỉnh khác về vấn đề theo dõi dịch bệnh và tiên liệu dịch bệnh cần phải được thiết lập lại.
Trong đó Bài Học Gốc ở đây là hệ thống Giám Sát Dịch Bệnh chưa được khởi động đúng theo khoa học đòi hỏi : mới chỉ dựa vào các trường hợp người dân ốm đến khám, rồi từ đó phát hiện ra dương tính để truy vết, và xét nghiệm diện rộng để tìm người nhiễm, khi dịch đã lan tỏa mạnh. Nhiều việc như vậy đã gây ra sự quá sức đối với ngành y tế.
Trên đây là các bài học lớn từ Sài Gòn, chúng ta có thể xem xét cho từng tỉnh, thành khác rút kinh nghiệm, trên cơ sở đặc thù của mỗi bên.
RFI : Hà Nội có rút được các bài học từ Sài Gòn về nhận diện và dự báo dịch không ?
BS Trần Tuấn : Hà Nội hiện nay có nhiều điểm thuận lợi hơn. Hà Nội có nhiều điểm giống với TP HCM. Hà Nội hiện nay đang bước vào giai đoạn, mà tôi cho rằng là vào quãng đầu của đợt dịch mới tại TP HCM hồi cuối tháng 5. Để rút ra được các bài học từ TP HCM, cần phải có các điều chỉnh. Để đánh giá tiên lượng, không nên đi theo TP HCM, chỉ dừng ở xét nghiệm kháng nguyên. Để đánh giá, theo dõi diễn biến, tiên lượng dịch, nên đi theo hệ thống « Kiềng Ba Chân ».
Chân thứ nhất là thúc đẩy trở lại hệ thống giám sát từ y tế cơ sở. Hà Nội vốn có hệ thống y tế cơ sở xã, phường hoạt động tốt. Cần phải thiết kế hệ thống Giám Sát Dịch Tễ Học ở đây, bằng cách dùng ngay mẫu phiếu, với phần mềm công nghệ 4.0 đẩy lên internet, để các gia đình, các cá nhân quản được việc khai báo hàng ngày càng triệu chứng nghi ngờ, liên quan đến dịch bệnh. Đây là biện pháp hiệu quả, rẻ tiền, sai số từ việc theo dõi dịch bệnh thậm chí còn thấp hơn so với điều tra bằng xét nghiệm kháng nguyên, và lại đơn giản hơn, theo hướng hợp tác với dân hơn.
Chân kiềng thứ hai là Hà Nội có khả năng thực hiện cái hướng mà chúng tôi đề xuất, đó là « giám sát điểm » (sentinel site), theo thời gian, để nhìn ra tốc độ của sự lây truyền, diễn biến, trong sự kết nối với các chỉ số khác như hành vi của người dân, các yếu tố có nguy cơ..., giám sát các yếu tố xã hội khác. Các sentinel site này sẽ áp dụng cả các xét nghiệm kháng thể, để đo lường mức độ miễn dịch (bao gồm miễn dịch tự nhiên và miễn dịch với vac-xin) chính xác hơn. Hà Nội có thể rút được kinh nghiệm và làm được việc ấy. Bên cạnh đó, việc điều tra truy vết, nhận biết các trường hợp lây nhiễm cũng sẽ tiếp tục làm (tức chân kiềng thứ ba).
RFI : Ông nghĩ sao về việc Hà Nội sẽ quyết định phương án phong tỏa dựa trên kết quả điều tra như trên ?
BS Trần Tuấn : Khi đánh giá có nâng cấp phong tỏa hay không, nếu như hiện nay Hà Nội chỉ dùng có một chỉ số tỉ lệ 1% số ca nhiễm trên tổng số 200 nghìn ca xét nghiệm mẫu PCR (theo thông báo trên báo chí), thì chưa bảo đảm yêu cầu khoa học của việc ra yêu cầu. Yêu cầu khoa học là gì ? Cần phải có 6 tiêu chí. Sáu tiêu chí được sử dụng để cân nhắc mức độ giãn cách, phong tỏa ở cấp độ nào, 1, 2 hay 3…
Yếu tố thứ nhất là trường hợp nhiễm, tỷ lệ nhiễm. Mức độ miễn dịch đạt được, được đánh giá bằng xét nghiệm kháng thể. Thứ ba là tỉ lệ tiêm chủng đạt được. Yếu tố thứ tư là việc tuân thủ của người dân đối với các biện pháp đeo khẩu trang, giãn cách xã hội. Yếu tố thứ năm là việc phong tỏa có để xảy ra các tình huống tập trung đông người hay không, dù là do chính quyền tạo ra, hay là do trong xã hội tạo ra. Nếu các biện pháp trong hiện tại, mà người dân và chính quyền không tuân thủ thì phải nâng cấp. Yếu tố thứ sáu là khả năng không để cho « khủng hoảng nhân đạo ».
Khủng hoảng nhân đạo là gì ? Ví dụ như phong tỏa có khiến bị đứt bữa, không bảo đảm cho người dân có được lương thực, thực phẩm thiết yếu. Hoặc những trường hợp bệnh nhưng không tiếp cận được với dịch vụ y tế. Tình trạng hiện nay, ví dụ như khi người dân bị đứt gẫy hết các chuỗi cung cấp nhu yếu phẩm, mà quyết định phong tỏa, thì hoàn toàn trái ngược với đạo đức, hay chuyện chống dịch. Phong tỏa là biện pháp ngăn ngừa, giảm mức độ lây nhiễm, trong khi đợi vac-xin, chứ không phải phong tỏa là để đẩy người dân vào các khủng hoảng nhân đạo khác. Khủng hoảng ở đây liên quan đến vấn đề nhu yếu phẩm của người dân, bao gồm vấn đề ăn uống, chữa bệnh, kể cả đi lại. Ăn uống, đi lại, quan hệ xã hội liên quan đến sức khỏe tâm trí, đến cái vốn xã hội (như nhu cầu chăm sóc người cô đơn, đau ốm, hay hỗ trợ nhau trong vấn đề ăn uống…). Phải đảm bảo được cho người dân những tiếp xúc cơ bản, thiếu yếu.
Nếu căn cứ vào sự lựa chọn một trong 2 phương án được giới thiệu trên truyền thông, căn cứ vào 200 nghìn mẫu, thì tôi cho ra chưa phù hợp, với nguyên tắc dẫn đường bởi khoa học. Xác định mức độ phong tỏa phải đi theo góc nhìn tổng thể về dịch bệnh, xã hội, đời sống người dân. Ít nhất là cần phải căn cứ vào 6 yếu tố nêu trên.
RFI : Ông nhấn mạnh đến « Bài Học Gốc » là « hệ thống Giám Sát Dịch Bệnh », cho phép có cơ sở để hoạch định các chính sách phù hợp hơn đối với dịch bệnh. Theo ông, để làm được việc này cần chú ý đến những gì ?
BS Trần Tuấn : Vừa rồi « hệ thống giám sát dịch bệnh » không hoạt động là vì sao ? Điểm thứ nhất là chính những người lãnh đạo phòng chống dịch không có niềm tin vào đặt vào giá trị của hệ thống giám sát dịch tễ học. Bản thân họ không có niềm tin đặt vào. Họ có tổ chức việc khai báo đi lại, khai báo y tế, nhưng sau đó không dùng. Vì sao ? Bởi vì muốn đặt ra Giám Sát Dịch Tễ, thì không chỉ là vấn đề thu thập số liệu, mà đi kèm với nó là hệ thống phân tích số liệu và vận dụng ngay vào thực tế, để giải quyết các vấn đề cụ thể. Hệ thống không phải là để thu thập số liệu rồi để đấy. Tình trạng từ nhiều năm nay là hệ thống giám sát chỉ lập ra để thu thập số liệu rồi để đấy. Cho nên, chính bản thân họ thiếu niềm tin khoa học vào hệ thống Giám Sát Dịch Tễ Học.
Điểm thứ hai là chính các biện pháp gọi là truy vết, xét nghiệm F0 rồi truy vết FI, rồi đưa đi cách ly tập trung - thậm chí một gia đình còn bị tách ra mỗi người một nơi -, đã tạo ra tâm lý hoảng sợ thực sự đối với người dân. Và người ta thấy rằng, virus chưa thấy đâu, nhiễm chưa thấy đâu, nhưng tất cả làm đảo lộn cuộc sống của người dân như vậy…
Chúng tôi đề nghị là đừng quan tâm đến « F0 » một cách thái quá ! Đừng làm người dân khiếp sợ, khi mà các « F0 » và cả « F1 » đều bị đưa vào các trại tập trung. Cái đó sẽ làm cho người dân thu mình lại, như thế chúng ta sẽ không nhận biết được diễn biến thực sự của dịch.
Cho nên, hệ thống giám sát này, như tôi nói, cần đi kèm đồng bộ với các biện pháp để bảo đảm là, như chúng tôi đã viết trong thư gửi các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, là cần phải điều chỉnh lại mối quan hệ giữa các chủ thể xã hội tham gia vào việc phòng chống dịch bệnh. Trong đó, xác định lại vai trò của Nhà nước, vai trò của Y tế, trả lại quyền cho người dân trong việc chủ động phòng chống dịch, tham gia vào việc ngăn ngừa lây nhiễm cho chính bản thân họ, cho sức khỏe bản thân họ, và thực hiện trách nhiệm cộng đồng đối với người khác. Trong bức thư này của chúng tôi gửi các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trong số 8 nhóm biện pháp cần điều chỉnh, đó là nhóm đầu tiên. Nhiều người đọc qua không thấy, nhưng khi đi sâu thảo luận với chúng tôi về bức thư này, thì mới thấy là : Hóa ra việc chẩn đoán về dịch này, diễn biến hiện nay không đánh giá đúng được, bởi vì chúng ta không đứng trên cơ sở hệ thống Giám Sát Dịch Tễ Học đầy đủ. Mà hệ thống Giám Sát Dịch Tễ Học như thế này phải có niềm tin của chính chính quyền vào biện pháp này, và người dân cần tham gia vào chuyện này. Mà muốn người dân tham gia vào thì họ phải thấy rằng việc khai báo mang lại ích lợi cho họ, cho cộng đồng.
Ích lợi cụ thể là gì ? Là nếu anh khai báo tốt, sẽ hỗ trợ anh chăm sóc tại nhà. Giả sử nếu cần xét nghiệm, sẽ cung cấp phương tiện cho anh tại nhà, hoặc bên y tế đến làm tại nhà. Và cần nói với người dân là, nếu dương tính, thì 80% là bình thường, cứ yên tâm ở nhà. 20% có biểu hiện lâm sàng, thì khi có biểu hiện lâm sàng, hợp tác với chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng cung cấp thêm dụng cụ đo lường lượng oxy bão hòa trong máu, sẵn sàng có thuốc, không cần tích trữ. Khi nào bệnh nặng lên, sẽ hợp tác để đưa đi. Như thế thì làm sao người dân lại không hợp tác ?
Chúng tôi đã nói rồi : Dịch đã thành nội sinh rồi. Đừng đặt vấn đề đi tìm F0 nữa. Vì một loạt biện pháp từ trước đến nay anh làm như thế, khiến người dân phát khiếp đi cả. Chưa kể đến việc phong tỏa, anh đẩy người dân vào chỗ ốm đau, khóng có phương tiện đi lại. Rất nhiều vấn đề. Bây giờ Nhà nước muốn nhìn được, Hà Nội muốn nhìn được, đánh giá tình hình ra sao, thì phải bắt tay vào làm từ gốc như thế. Có khó không ? Không khó, nhưng phải có niềm tin rằng đây là biện pháp khoa học. Còn từ trước đến nay, không phải là Khoa học Dẫn đường, mà là Duy ý chí, và chỉ là xử lý vụ việc. Còn để Khoa học dẫn đường phải có một kế hoạch tổng thể. Nên nếu hỏi : Bây giờ Hà Nội nên làm thế nào ? Việc đầu tiên là phải làm một cái khung phòng chống dịch dựa trên Khoa học Dẫn đường, với kiềng ba chân. Chân thứ nhất là Giám Sát Dịch Tễ học (cùng gồm ba chân hay ba vế, như đã giải thích trong câu trả lời thứ ba), chân thứ hai là hệ thống bệnh viện, và thứ ba là đảm bảo đời sống thiết yếu của người dân ra sao.
RFI : Ông cùng các đồng nghiệp đang đóng góp như thế nào cho việc xây dựng chính sách phòng chống dịch của Hà Nội, hay các địa phương khác ?
BS Trần Tuấn : Các tổ chức khoa học độc lập hiện nay sẵn sàng làm việc với chính quyền Hà Nội, với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Dịch CDC Hà Nội, để đứng ra đảm nhận các phường xã, kể cả phường xã có nguy cơ cao, để làm sao giám sát dịch tễ học cho tốt, để làm cơ sở bổ sung cho vấn đề nhận định về dịch. Điểm thứ hai là Hà Nội có khả năng sẽ thực hiện việc chúng tôi đã đề xuất, đó là « giám sát điểm » theo thời gian, để nhìn cái tốc độ lây truyền, nhìn cái diễn biến của dịch, và nhìn cả trong sự kết nối với các chỉ số khác. Để nhìn nhận dịch một cách tổng thể hệ thống, thì các điểm « sentinel site » (điểm giám sát) này bao gồm các xét nghiệm kháng thể, để đo lường mức độ miễn dịch đang đạt được, bao gồm cả vac-xin cho đến thời điểm này, để dự báo dịch cho chính xác hơn.
RFI : Xin cảm ơn Bác sĩ Trần Tuấn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét