Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

ẨN MÌNH MÙA COVID - SGCN

SGCN
Cuối tháng 5, Saigon lại giãn cách xã hội. Đầu tháng 7 những biện pháp kiểm soát ngày càng chặt chẽ, cứng rắn hơn. Hiện nay, người dân không được ra đường từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau. Những ngày trước, các cuộc xét nghiệm nhanh được tổ chức toàn thành phố trong vòng 5 ngày cũng như các xét nghiệm nhanh ngẫu nhiên trên đường phố để tìm các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Quyết định này có gia đình chấp hành nghiêm chỉnh nhưng nhà khác thì không với lý do mỗi nhà chỉ cần một người đi là đủ. Mấy mẫu test gom vào một hũ. Nếu dương tính thì ai nằm trong hũ chung đó lại test sàng lọc từ từ.
<!>

Hoạt động này mau chóng lộ ra nhiều bất cập. Nơi thì chen chúc nhau tới khuya, nơi thì trống vắng không một bóng người. Tổ dân phố đi từng nhà thông báo hết giấy test rồi nên chỉ ưu tiên trẻ đi thi tốt nghiệp phổ thông. Việc lấy mẫu rộng rãi này không cần thiết vì lượng mẫu nhiều nhưng năng lực xét nghiệm không tương ứng. Không kể người được xét nghiệm âm tính nhưng chỉ lát sau đã có thể bị lây thành dương tính rồi.

Học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào hai ngày 7 và 8/ tháng 7 nhưng từ trước đó nhiều người đã rỉ tai nhau tin sau mốc kỳ thi quan trọng đầy vội vã này sẽ có phong tỏa. Thế là nhà nhà tấp nập phân công người đi mua gạo, nước mắm, mì gói; người đặt mua tã, sữa, khăn giấy…; kẻ điện thoại về quê nhờ gửi thực phẩm lên…

Buổi chiều trước trước phong tỏa, toàn thành phố náo loạn. Ngày mai các hàng quán ăn uống kể cả chỉ bán mang đi cũng đều phải đóng cửa. Các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tiệm tạp hóa… đông nghẹt người mua vét. Chỗ nào vắng khách nghĩa là đã hết hàng. Ngay quán ăn cũng xổ hàng dự trữ ra bán rẻ. Mọi người đóng cửa ở yên trong nhà, từ ổ bánh mì điểm tâm đến bữa cơm ngày hai lần, ly trà sữa… ký thịt, bó rau… đa số đều phải nhờ đến các cửa hàng online.

Công nhân, bán hàng rong… nằm nhà xem TV, chơi game giết thời gian trống. Nhân viên văn phòng nghỉ việc khá nhiều. Ở nhà rảnh rỗi học ngoại ngữ, nấu ăn, mấy bà nội trợ đua nhau làm bánh, tập thể dục, coi phim…Sống chậm là từ thường nghe nhắc nhiều bây giờ để quên đi thực tại đang căng thẳng.

Một số công, tư chức đi làm một tuần hai, ba ngày hoặc làm việc online. Anh Đức, nhân viên một công ty Hàn quốc đóng ở Sóng Thần, hàng ngày chạy xe gắn máy tới đầu xa lộ rồi chuyển qua xe đưa rước của công ty. Nay anh ở nhà lãnh 3/4 lương, vợ là nhân viên ngân hàng cũng ở nhà tránh dịch, vất vả trông lũ con nghỉ học hiếu động trong gian nhà nhỏ hẹp. Mọi chi tiêu siết lại tối đa. Gia đình sáu người tới bữa cơm được chia mỗi người một cánh gà nhỏ và nửa chén canh.

Mỗi ngày, con số ca nhiễm Covid-19 của Sài Gòn đều gia tăng và chiếm đa số so với các tỉnh trong toàn quốc.

Thế nhưng vẫn còn vô số lý do cần phải ra đường và rất dễ bị phạt do có phường đưa chỉ tiêu cho cán bộ. Trong văn bản do Chủ tịch phường 6 ban hành ngày 12/7 để phân công cán bộ làm việc trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 phong tỏa thành phố có đoạn: “Hàng ngày tổ chức một chốt xử phạt trước cổng cơ quan UBND phường. “Mỗi ca phải phạt 20 trường hợp”. Đồng thời, phường cũng chia tổ tuần tra, giám sát trên địa bàn theo 6 ca, “mỗi ca phải phạt 5 trường hợp”.

Những nơi làm việc văn phòng hay gián tiếp sản xuất… đều phân công nhân viên làm việc online hoặc làm việc cách nhật, cách buổi. Đồng thời được cấp giấy xác nhận đi đường ghi rõ làm việc từ ngày nào đến ngày nào, từ giờ nào đến giờ nào.

Ở Tiền Giang, dù chưa từng đi lấy mẫu nhưng công nhân của một công ty trong khu công nghiệp vẫn được phát tờ phiếu xét nghiệm nhanh COVID-19 với kết quả âm tính và đây là phiếu thông hành đi qua các nơi kiểm soát!

Chịu phạt mấy triệu hoặc bắt xe quay lạ khiến tờ giấy thông hành này nhanh chóng trở thành bùa hộ mạng để ai nấy thoát trót lọt khỏi chốt kiểm soát

Chốt kiểm soát cố định hay lưu động đầy đường, nhất là ranh giới giữa hai quận. Nhiều người bị cảnh cáo hay bị phạt vì không có lý do chính đáng như: chở con đi chơi vòng vòng, đi thăm cha mẹ già, đưa bạn gái (không phải vợ) đi khám thai, đi giao trái cây online, khám bệnh cho thú cảnh… Rồi từ những lý do không chính đáng này lại bị phạt thêm vì lòi ra những lỗi khác: không đeo khẩu trang, không có bằng lái, xe hết hạn kiểm định, không mang giấy tờ tùy thân, giấy đăng ký xe… Còn lý do đi mua bia về để hai vợ chồng nướng mực nhậu xem chung kết Euro thì rõ ràng chẳng oan tý nào!

Ra đường mua thức ăn không được tính là lý do chính đáng! Một chị – nhà đông người- mua rau rẻ từ vườn Đồng Nai về nhà dù có giấy đi đường, giấy xét nghiệm âm tính có giá trị ba ngày vẫn bị phạt vì tội ra đường không cần thiết. Một anh đi từ nhà đến nhà xe để nhận thực phẩm từ quê gửi lên bị lập biên bản phạt 2 triệu vì lỗi ra đường không có lý do chính đáng. Một cô có 2 căn nhà bị phạt vì tội hộ khẩu căn nhà thứ nhất ở Thủ Đức lại đi về hướng căn nhà thứ hai ở Phú Nhuận. Đi mua bỉm, sữa cho người già, em bé; mua bình ga, mua bóng đèn… Em chở thực phẩm cho chị, shipper giao cục sạc điện thoại cho khách, người bán giao hàng qua các quận đều không nên ra ngoài.


Sau 15 ngày giãn cách, Saigon có thêm mấy chục ngàn ca nhiễm mới. Lệnh giãn cách gia tăng thêm 8 ngày với các giải pháp mạnh. Giờ thì chặt chẽ hơn rất nhiều. Không phải cứ chở lương thực là cho qua mà phải có QR code được phép di chuyển trong quãng thời gian do sở Giao thông Vận tải cấp. Một tài xế xe tải cùng 2 sinh viên đi xin gạo từ thiện về ký túc xá cũng bị phạt vì không có QR code. Tờ giấy thông hành kể trên từng được xử dụng qua các chốt kiểm soát không còn hiệu lực.

Nhiều con hẻm không có hoặc không còn người nhiễm dịch, người ta lập hàng rào chắn gọi hạn chế người ngoài, nhất là shipper thuộc nhóm người dễ lây nhiễm bệnh. Kèm thêm bảng phụ chú: “Shipper vui lòng đứng ngoài hẻm. Điện thoại liên hệ người ra lấy”.

Ngoài đường vắng hẳn bóng xe, chỉ lác đác lưng áo màu xanh, đỏ, vàng của xe máy công nghệ đi giao hàng.

Vì dịch bệnh dễ xâm nhập vào nơi đông công nhân nên các khu công nghiệp, khu chế xuất điêu đứng. Các hãng xưởng phải đóng cửa nếu không đáp ửng đủ điều kiện sản xuất, ăn, ở tại chỗ hoặc chỉ vận chuyển công nhân từ nhà máy đến nơi ở tập trung như khách sạn, ký túc xá… chứ xe máy đã cấm lưu thông từ lâu. Vì thế một số hãng, để cầm cự, phải phát lều cho công nhân ngủ lại tại chỗ.

Ông thợ bơm vá xe ở đầu đường thở dài mệt mỏi vì nằm nhà lâu quá. Ông sợ phạt lắm nhưng lo chết đói trước khi chết dịch. Ông ráng đẩy cái máy cũ mèm ra chỗ cũ, lấy giá gấp đôi nhưng khách cũng thông cảm vì giờ kiếm thợ bơm xe không ra. Cẩn thận tối đa tránh bị phạt thì ông bắc cái ghế sang bên kia đường xa xa ngồi canh chừng chờ khách dừng xe ngó quanh quất tìm chủ, chứ không dám ngồi ngay cạnh cái máy. Dù sao nhà gần nên ông còn có thể ra ngồi cầu may hơn vô số người lao động bình dân khác đành bó tay.

Việc di chuyển trong thành phố bị thắt chặt hơn nữa. Ai nấy rút vào nhà. Không còn hàng quán, không hàng rong, Nhiều doanh nghiệp đóng cửa. Công nhân thất nghiệp. Sinh sống hàng ngày, điện nước, nhà trọ… vẫn phải chi không còn biết trông cậy vào đâu trong khi trợ cấp xã hội ít ỏi kẻ có, người không.

Tới nước này nhà nước cũng không kham xuể số dân nhập cư khổng lồ về cả lương thực, thực phẩm, nhất là y tế

Vì thế ai nấy tìm đủ cách lên đường. Người ta về quê bằng đủ mọi cách:

Bốn mẹ con bà cháu ở quận Chín bán điện thoại mua hai xe đạp để đèo nhau về Nghệ An. Hai thanh niên vốn làm tạp vụ ở quán ăn bị mất việc mấy tháng nay, đã cùng nhau đi bộ từ Thủ Đức về Huế. Hai trường hợp này có cái kết hậu. Họ được những người tốt bụng giúp mua vé tàu hỏa.
Hơn 25.000 người Thanh Hóa mong được trở về quê. Phú Yên dự định đón 4.000 người. Trước mắt Quảng Ngãi đón 200 dân, Quảng Trị 400 dân… Từng đoàn người đi ô tô, xe máy, đi bộ lũ lượt trên quốc lộ. May mà có hội đồng hương giúp đỡ rất nhiều.


Để tránh dịch và tìm cách ổn định cuộc sống, làn sóng về quê lan rộng khắp nơi. Ở những tỉnh khác, người dân cũng rủ nhau kéo về quê từng đoàn khi thành phố mà họ nhập cư mưu sinh bấy nhiêu năm, không còn sức dung nữa.

Hàng trăm lao động nghèo của huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đang làm thuê ở các tỉnh như Khánh Hòa, Bình Định… quyết định đi bộ về quê. Một số được chính quyền các địa phương phát hiện, giúp đỡ đưa về quê. Số khác phải đi bộ xuyên đêm, vượt hàng chục km về nhà…

Người dân các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Thừa Thiên… liên lạc với hội đồng hương tìm cách bao chuyến xe đò, xe lửa, máy bay để về quê cả đoàn hoặc tự đi xe máy vượt hơn ngàn cây số. Một người đàn ông đi bộ từ Buôn Ma Thuột 16 ngày chưa về tới nhà người thân ở Bình Phước…

Thất nghiệp dài ngày, tình hình công ăn việc làm tương lai ảm đạm, tiền bạc cạn kiệt nên mọi người đành rủ nhau rời thành phố, tìm nơi ẩn mình chống dịch ở quê nhà.

Chặng đường hồi hương khó khăn lẫn tốn kém khi phải có xét nghiệp âm tính mới được đi ngang qua các tỉnh dọc đường. Đến quê nhà rồi may mắn được cách ly tập trung 14 hay 21 ngày miễn phí, nếu không “bị” đưa vào khách sạn cộng chi phí test phải tốn mấy chục triệu đồng.

Lại quay về quê nơi trước kia đã phải rời bỏ với những khó khăn chưa biết sẽ ra sao…

SGCN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét