Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 27 tháng 7, 2021

Tin tức thế giới ngày Thứ ba 27 tháng 7 năm 2021 – Võ Thái Hà tổng hợp

Xe của sứ quán Mỹ đợi trước Khách sạn số 1 Tân Hải Thiên Tân, nơi diễn ra cuộc đàm phán ngoại giao Mỹ-Trung, Thiên Tân Trung Quốc, ngày 25/07/2021. AP – Ng Han GuanThứ trưởng ngoại giao Mỹ Wendy Sherman hôm 26/07/2021 đã hội đàm với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở Thiên Tân. Trong cuộc gặp lần này, cả hai bên đều tỏ cứng rắn và lần đầu tiên, Bắc Kinh tỏ thái độ ngạo mạn, tuyên bố sẽ hướng dẫn cho Washington trong cách hành xử để hàn gắn và cải thiện quan hệ giữa hai nước.
<!>
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã hứa hẹn vào cuối tuần sẽ đưa ra « hướng dẫn » cho người Mỹ để dạy cho họ cách « đối xử bình đẳng với các nước khác », và ông ta đã thực hiện.

Trong số những thông tin ít ỏi lọt ra được từ cuộc họp cấp cao không cho báo chí tham dự, có hai danh sách về những điều cần làm và nhất là những gì không nên làm, được phía Trung Quốc trao cho phái đoàn Mỹ. Danh sách thứ nhất liên quan đến các hành động mang tính cưỡng bức chống lại Trung Quốc cần phải dỡ bỏ, và danh sách thứ hai gồm những điểm mà chế độ cộng sản Bắc Kinh quan ngại.

Thứ trưởng ngoại giao Tạ Phong (Xie Feng) chủ yếu nêu ra việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và mức thuế áp đặt lên doanh nghiệp trong khuôn khổ cuộc chiến tranh thương mại, cũng như việc bỏ yêu cầu dẫn độ người con của nhà sáng lập Hoa Vi (Huawei) đang bị quản thúc tại gia ở Canada. Trừng phạt nhắm vào các nhà lãnh đạo Trung Quốc và gia đình họ cũng phải dỡ bỏ, và chấm dứt tình trạng được cho là « quấy nhiễu » các đại diện ngoại giao và truyền thông Trung Quốc tại Hoa Kỳ.

Liên quan đến cụm từ « vô cùng bất mãn », Bắc Kinh không còn muốn nghe các đại diện Mỹ nói về việc điều tra xuất xứ của Covid-19, về Đài Loan, Hồng Kông hay Tân Cương nữa !

Sau cuộc họp, thứ trưởng ngoại giao Mỹ Wendy Sherman viết trên Twitter : « Trong cuộc gặp với ngoại trưởng Vương Nghị hôm nay, tôi đã nói về những cam kết của Hoa Kỳ về sự cạnh tranh lành mạnh, việc bảo vệ nhân quyền và các giá trị dân chủ, tăng cường trật tự quốc tế dựa trên luật pháp trong đó tất cả đều có lợi ».

Phó tổng thống Mỹ có thể thăm Việt Nam

VOA Tiếng Việt


Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris có thể tới thăm Việt Nam trong chuyến công du tới Đông Nam Á vào tháng 8.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris có thể tới thăm Việt Nam và Singapore vào tháng 8 mặc dù chưa có quyết định cuối cùng về chi tiết của chuyến công du, theo một nguồn tin biết về vấn đề này của Reuters cho biết hôm 26/7.

Nguồn tin này nói rằng đại dịch virus corona có thể nằm trong chương trình nghị sự của bà Harris.

Nhà Trắng không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của VOA về thông tin chuyến thăm sắp tới của phó tổng thống Mỹ.

Chính quyền Biden-Harris trong tháng này đã hai lần công bố hỗ trợ nguồn vaccine cho Việt Nam, nơi đang phải chống đỡ với đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, Mỹ đã gửi cho Việt Nam 5 triệu liều Moderna, trong đó 3 triệu liều trong đợt gửi lần hai đã về đến Việt Nam cuối tuần qua. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc hôm 25/7 nói rằng phía Hoa Kỳ đang xem xét viện trợ thêm vaccine cho Việt Nam trong thời gian tới.

Nếu thành hiện thực, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của Phó tổng thống Harris tới Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam và Singapore cũng đang là đích đến của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong tuần này khi người đứng đầu Lầu Năm Góc có chuyến thăm đầu tiên tới 3 quốc gia Đông Nam Á, gồm cả Philippines.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby hôm 19/7 cho biết rằng chuyến thăm của Bộ trưởng Austin “sẽ cho thấy tầm quan trọng mà chính quyền Biden-Harris dành cho khu vực Đông Nam Á và ASEAN với vị thế là một phần trọng yếu trong cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Mỹ xem Việt Nam là một nhà lãnh đạo chủ chốt trong khu vực và là một đối tác quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh Washington muốn kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực. Việt Nam được nêu tên cụ thể như là một đối tác được Mỹ nhắm tới để làm sâu sắc hơn trong hợp tác an ninh khu vực trong Hướng dẫn Tạm thời về Chiến lược An ninh Quốc gia mà chính quyền Biden-Harris công bố hồi tháng 3 năm nay.

Dự kiến, Bộ trưởng Austin sẽ tới Việt Nam hôm 28/7 cho chuyến công du 2 ngày. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho báo chí trong nước biết tại một cuộc họp báo thường kỳ hôm 22/7, nội dung thảo luận giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và các lãnh đạo Việt Nam sẽ nhằm hướng tới mục đích tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước, triển khai thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, góp phần tăng cường hợp tác trong khuôn khổ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ, theo Tuổi Trẻ.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cam kết theo đuổi mối quan hệ ổn định, mang tính xây dựng với Trung Quốc

Reuters


Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin phát biểu tại Singapore hôm 27/7.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin hôm 27/7 cho biết ông cam kết theo đuổi mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc và giải quyết những thách thức chung khi đưa ra tầm nhìn về mối quan hệ với Bắc Kinh, vốn đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Hoa Kỳ đã đặt đối trọng với Trung Quốc trong trọng tâm chính sách an ninh quốc gia của mình trong nhiều năm và chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã coi sự cạnh tranh với Bắc Kinh là “phép thử địa chính trị lớn nhất” trong thế kỷ này.

Trong khi bài phát biểu của ông Austin tại Singapore sẽ đề cập đến danh sách các hành vi mà Washington thường mô tả là gây bất ổn, từ Đài Loan đến Biển Đông, bình luận của ông về việc mưu tìm một mối quan hệ ổn định có thể tạo cơ hội cho hai nước bắt đầu giảm căng thẳng.

“Chúng tôi sẽ không nao núng khi lợi ích của chúng tôi bị đe dọa. Tuy nhiên, chúng tôi không tìm kiếm sự đối đầu”, ông Austin nói, theo trích đoạn bài phát biểu của ông.

“Tôi cam kết theo đuổi mối quan hệ mang tính xây dựng, ổn định với Trung Quốc, bao gồm cả việc liên lạc [xử lý] khủng hoảng mạnh mẽ hơn với Quân đội Giải phóng Nhân dân”.

Ông Austin đã không thể nói chuyện với bất kỳ quan chức cấp cao nào của Trung Quốc mặc dù đã nhiều lần nỗ lực kể từ khi bắt đầu làm Bộ trưởng Quốc phòng vào tháng 1.

Một nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc hôm 26/7 đã có giọng điệu mang tính đối đầu trong cuộc đàm phán cấp cao hiếm hoi với Hoa Kỳ, cáo buộc nước này tạo ra “kẻ thù tưởng tượng” để chuyển hướng chú ý khỏi các vấn đề trong nước và trấn áp Trung Quốc.

Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman, nhà ngoại giao cấp cao thứ hai của Hoa Kỳ, hôm 25/7 đã đến để tham dự các cuộc gặp mặt trực tiếp tại thành phố Thiên Tân, phía bắc Trung Quốc.

Bài phát biểu của ông Austin, vốn bị trì hoãn một tháng vì sự bùng phát COVID-19 ở Singapore, đang được theo dõi chặt chẽ bởi các quốc gia trong khu vực, vốn lo ngại về hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc nhưng phụ thuộc nhiều vào việc tiếp cận các thị trường rộng lớn của nước này.

Ông sẽ đến thăm Việt Nam và Philippines vào cuối tuần này để nhấn mạnh tầm quan trọng của các liên minh.

Malaysia ghi nhận ngày chết chóc chưa từng có vì COVID-19


Ảnh: Youtube/ABC News (Australia).

Bộ Y tế Malaysia ngày 26/7 báo cáo thêm 207 ca tử vong vì COVID-19, cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số người chết vì đại dịch ở nước này lên 8.201 ca, trang CNA cho hay.

Ngoài ra, Malaysia cũng ghi nhận 14.516 ca nhiễm mới, hiện tổng số ca nhiễm ở quốc gia này đã vượt mốc 1 triệu người, trong đó gần 166.000 ca đang điều trị. Số ca bệnh nặng phải điều trị tích cực hiện là 1.009 trường hợp, trong đó 524 ca phải dùng máy thở.

Malaysia đang phải trải qua đợt bùng phát virus corona nghiêm trọng nhất từ trước đến nay do sự lây lan của biến chủng Delta. Hôm 26/7, quốc hội Malaysia đã nhóm họp trực tiếp lần đầu tiên kể từ khi ban bố tình trạng khẩn cấp hồi tháng 1 nhằm ngăn đà lây lan của dịch.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Malaysia, ông Takiyuddin Hassan, cho biết Malaysia sẽ không gia hạn tình trạng khẩn cấp khi lệnh này dự kiến kết thúc vào ngày 1/8 tới.

Tại phiên họp, Thủ tướng Muhyiddin Yassin cũng cho biết, Malaysia dự kiến sẽ mở cửa kinh tế trở lại và dỡ bỏ các lệnh hạn chế đi lại ở hầu hết các bang vào đầu tháng 10 tới sau khi tăng cường chương trình tiêm chủng toàn dân.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, chính phủ Malaysia sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình ở từng bang và sẽ có các biện pháp can thiệp nếu cần thiết để ngăn dịch bùng phát.

Dân thường Hồng Kông đầu tiên bị kết tội theo luật an ninh quốc gia mới

Tòa án Cấp cao của Hồng Kông hôm nay ra phán quyết về vụ kiện của Tong Ying-kit, một bồi bàn 24 tuổi. Tong, người đã đâm chiếc xe máy mang theo cờ có khẩu hiệu “Giải phóng Hồng Kông, Cách mạng của Thời đại chúng ta” vào một số sĩ quan cảnh sát vào tháng 7 năm 2020, là người đầu tiên bị buộc tội theo luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc áp đặt trên lãnh thổ này từ năm ngoái. Anh ta đối mặt ba tội danh khủng bố, kích động người dân ly khai, và lái xe nguy hiểm gây tổn hại thân thể người khác.

Vụ việc tập trung vào việc liệu khẩu hiệu trên cờ có hàm ý đòi hỏi độc lập cho Hồng Kông hay không. Đảng Cộng sản Trung Quốc thường coi những lời kêu gọi như vậy là mối đe dọa đối với chủ quyền. Tong đã bị từ chối cả bảo lãnh và xét xử bằng bồi thẩm đoàn, hai khía cạnh cơ bản của hệ thống thông luật Hồng Kông. Ba thẩm phán —được chọn bởi trưởng đặc khu (người cũng do ĐCSTQ lựa chọn)— sẽ quyết định số phận của anh ta. Và phán quyết này sẽ tạo ra tiền lệ cho nhiều phiên tòa xét xử theo luật an ninh quốc gia về sau.

IMF sắp công bố dự báo kinh tế

Hôm nay IMF công bố các dự báo kinh tế toàn cầu của họ. Các dự đoán này đến trong bối cảnh các nhà kinh tế và thị trường tài chính bắt đầu thắc mắc liệu thế giới có thể giữ nguyên tốc độ phục hồi như hiện tại. Đỉnh phục hồi— phần nào nhờ so sánh với đáy của đợt suy thoái năm ngoái — có lẽ đã qua. Người tiêu dùng ở các nước giàu đang ngồi trên đống tiền mặt tích trữ, song chưa rõ họ sẽ vung tiền đến đâu. Các chương trình hỗ trợ khẩn cấp, chẳng hạn như trợ cấp thu nhập và miễn giảm tiền thuê nhà, đang bắt đầu chấm dứt.

Đáng lo ngại hơn là biến thể Delta có thể làm giảm hoạt động kinh tế và chi tiêu. Điều này rất có thể xảy ra ở những nơi như Đông Nam Á với phần lớn dân số chưa được tiêm chủng. Nhưng liệu nó có thể xảy ra ở các nước như Mỹ và Anh với tỷ lệ tiêm chủng cao hơn? Đó chỉ là một trong số rất nhiều những câu hỏi mà các nhân viên của quỹ đang đi tìm lời giải.

Hạ viện Mỹ gặp khó khi thành lập ủy ban điều tra vụ bạo loạn 6 tháng 1

Hơn sáu tháng sau khi những người ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump xông vào Điện Capitol của Mỹ, người ta vẫn còn bất đồng xoay quanh chuyện gì đã xảy ra. Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi đã triệu tập một ủy ban để điều tra vụ việc. Họ tổ chức phiên điều trần đầu tiên vào hôm nay, nhưng có lẽ khó đi đến đồng thuận. Hai bên thậm chí còn không thể đồng ý về cơ cấu thành viên của ủy ban.

Tuần trước bà Pelosi đã từ chối hai đảng viên Cộng hòa chuyên truyền bá những tuyên bố sai trái của ông Trump về gian lận bầu cử. Để đáp lại, thủ lĩnh phe thiểu số Kevin McCarthy đã rút tất cả các ứng viên Cộng hòa đề cử cho ủy ban. Giờ đây chỉ còn Liz Cheney, người từ lâu bị đảng của bà xa lánh vì bác bỏ các thuyết âm mưu bầu cử, là đảng viên Cộng hòa duy nhất trong ủy ban. Hôm Chủ nhật bà Pelosi gửi lời mời cho Adam Kinzinger – một đảng viên Cộng hòa phủ nhận gian lận khác. Song cả hai nghị sĩ này đều không đủ quyền lực trong đảng để khiến phe Cộng hòa chấp nhận bản tường trình của ủy ban về vụ nổi loạn. Hiện trong đảng đã bắt đầu kêu gọi tẩy chay ông Kinzinger và bà Cheney.

Trung Quốc mạnh tay với các công ty giáo dục trực tuyến

Hầu như không một tuần nào trôi qua mà không có một số cú sốc pháp lý làm rung chuyển cổ phiếu Trung Quốc. Lần này, Quốc vụ Viện Trung Quốc ban hành các quy tắc có thể phá hủy ngành công nghiệp dạy kèm trực tuyến đang phát triển mạnh của đất nước. Những quy định này cấm thành lập các doanh nghiệp dạy thêm mới và yêu cầu tất cả các doanh nghiệp hiện tại trở thành tổ chức phi lợi nhuận. Họ không được phép niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ tuyên bố các công ty như vậy đã lợi dụng học từ xa trong thời kỳ đại dịch và khiến các bậc cha mẹ tốn kém quá nhiều tiền.

Một số công ty giáo dục lớn đã niêm yết có thể buộc phải thay đổi hoàn toàn hoạt động. Một số thậm chí có thể bị ngừng kinh doanh. Tính đến ngày hôm qua, ít nhất 19 tỷ đô la vốn hóa thị trường chứng khoán của Gaotu Techedu, New Oriental Education và TAL Education đã bị xóa sổ kể từ hôm 23 tháng 7 khi xuất hiện rò rỉ thông tin về các quy tắc mới. Và sẽ có những đợt giảm sâu hơn nữa. Những quy định khắt khe tương tự đang dần trở nên phổ biến. Đầu tháng này, chính phủ Trung Quốc đã thẳng tay nhắm vào hãng dịch vụ gọi xe Didi ngay sau khi công ty này niêm yết ở New York.

Tokyo Olympics: Thạch Kim Tuấn thi đấu không thành công


Nguồn hình ảnh, FRANCK FIFE/AFP via Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

VĐVJudo Amandine Buchard của Pháp (mặc đồ trắng) tranh tài với Uta Abe của Nhật trong nội dung 52 kg.

Ngày thứ ba thi đấu của Tokyo Olympics đã có một số kết quả bất ngờ.

Vận động viên bơi lội người Tunisia 18 tuổi Ahmed Hafnaoui đã giành huy chương vàng ở nội dung 400m tự do nam vào Chủ nhật.

Kết quả gây sốc bởi chính anh qua được vòng loại nhưng với thành tích bơi chậm nhất trong số các vận động viên lọt vào vòng chung kết và được sắp xếp bơi làn ngoài cùng.

Nhưng Hafnaoui đã thi đấu với tốc độ tuyệt vời để đánh bại Jack McLoughlin của Australia với thời gian ba phút 43,36 giây.

“Tôi không thể tin được. Đó là một giấc mơ và nó đã trở thành sự thật. Thật tuyệt vời, đó là cuộc đua tốt nhất của tôi từ trước đến nay,” Hafnaoui nói.

Một thành tích đáng chú ý khác là của hai anh em ruột nhà Abe của Nhật Bản.

Sau khi em gái Abe Uta giành huy chương vàng ở môn Judo nữ hạng 52 kg, anh trai Abe Hifumi đã giành huy chương vàng ở môn Judo cho nam hạng 66 kg cho đoàn vận động viên nước chủ nhà.

Ở môn Judo hạng 52 kg cho nữ, Chelsie Giles của Anh Quốc giành huy chương đồng sau khi hạ gục Fabieanne Kocher của Thụy Sĩ. Odette Giuffrida của Italy cũng giành huy chương đồng ở hạng mục này.

Tay golf Bryson DeChambeau của Hoa Kỳ và Jon Rahm của Tây Ban Nha bị loại khỏi Thế vận hội sau khi xét nghiệm dương tính với Covid-19.


Nguồn hình ảnh, VINCENZO PINTO/AFP via Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Thạch Kim Tuấn đi đấu ở nội dung cử tạ nam hạng 61 kg.

Trong khi đó đô cử Việt Nam Thạch Kim Tuấn hỏng cả ba lần cử đẩy, và chỉ thành công mức tạ 126 kg cử giật.

Kim Tuấn được kỳ vọng có thể giúp Việt Nam giành huy chương đầu tiên tại Olympic năm nay.

Dù điều chỉnh mức đăng ký xuống 126kg thay vì 128kg ban đầu, phải tới lần cử thứ hai Kim Tuấn mới thành công. Ở lần cử thứ ba, anh nâng lên 130kg nhưng thất bại.

Bước vào phần thử giật, Kim Tuấn đăng ký 150kg nhưng hai lần đầu đều thất bại. Ở lần cử cuối cùng, anh nâng lên 153kg. Đô cử Việt Nam đã đưa được tạ lên cao nhưng cả ba trọng tài đều không chấp nhận. Nguyên nhân là Kim Tuấn đã loạng choạng và tay giữ tạ không thẳng đủ thời gian.

Như vậy, kết quả cuối cùng của Thạch Kim Tuấn ở nội dung cử giật là 126kg và không có thành tích ở nội dung cử đẩy sau khi thất bại ở cả 3 lần. Điều này khiến Tuấn không được xếp hạng.

Đô cử Li Fabin của Trung Quốc giành huy chương vàng nội dung 61 kg, xác lập 2 kỷ lục Olympics là cử đẩy 172 kh, tổng cử (giật và đẩy) là 313 kg.

Ở môn quyền Anh vận động viên Nguyên Thị Tâm dừng bước ở nội dung 48-51 kg.

VĐV đoàn Việt Nam dừng bước trước Krasteva Stoyka Zhelyazkova của Bulgaria với tỷ số 2-3 ở vòng 32.

Mỹ xem xét viện trợ thêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho Việt Nam

RFA


Ảnh minh họa

AFP

Hoa Kỳ đang xem xét cung cấp thêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho Việt Nam vào khi biến thể Delta đang lây lan mạnh tại các quốc gia Đông Nam Á. Reuters đưa tin hôm 25 tháng 7.

Tính đến hôm nay, Việt Nam đã nhận năm triệu liều vắc-xin Moderna từ Hoa Kỳ thông qua Chương trình COVAX (ngày 25 tháng 7 nhận ba triệu liều; ngày 10 tháng 7 nhận hai triệu liều). Phía Mỹ cũng cho biết đang xem xét viện trợ thêm nữa cho Việt Nam thời gian tới.

Trả lời với truyền thông Nhà nước, ông Hà Kim Ngọc, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nói rằng, các công ty dược phẩm chuyên sản xuất và cung cấp vắc-xin của Mỹ như Pfizer, Moderna, Johnson and Johnson, cũng như các công ty đang thử nghiệm vắc-xin giai đoạn II – III khác, đều có quy định rất chặt chẽ là chỉ ký hợp đồng cung cấp vắc-xin thông qua kênh chính phủ các nước hoặc qua cơ chế COVAX, tuyệt đối không làm việc với các công ty tư nhân hoặc các công ty môi giới tại thời điểm hiện nay.

Cũng tin liên quan, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hợp đồng với Mỹ chuyển giao công nghệ vắc-xin với công nghệ cao nhất sẽ tiến hành thử nghiệm vào tháng 8. Nhà máy sản xuất với quy mô đạt tới hơn 100 triệu liều đã được triển khai xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động trong vòng sáu tháng đầu năm 2022. Ông Long cũng cho hay, hiện nay có ba hợp đồng chuyển giao công nghệ với Nga, Mỹ, Nhật đã được ký kết.

Trong đó, hợp đồng với Nga đã xong giai đoạn một là gia công, đóng ống hoàn thành và đang được kiểm định chất lượng tại Nga. Trong tháng 8 sẽ được đóng ống tại Việt Nam để chuyển sang giai đoạn hai, chuyển giao công nghệ vào cuối năm nay.

Việt Nam được cho là đã ngăn chặn được dịch COVID-19 vào năm ngoái nhưng lại bùng phát mạnh vào tháng 4 năm nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét