Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 1 tháng 7, 2021

. Những Ngày Nắng Hiếm Phan - Thái Yên

 Phần 1- Tôi thường bị khó ngủ lúc nửa đêm về sáng. Nằm mãi cũng không thành mộng nên tôi thường mò xuống bếp nói chuyện Sài Gòn với Quân trong lúc bạn tù cải tạo vẫn còn đắm chìm trong giấc ngủ mệt nhọc. Bếp lửa với tôi luôn luôn là một niềm vui. Sáng nay thì khác, trong bóng tối tôi lặng lẽ sắp xếp áo quần tấm đắp, tấm trải vào ba lô sửa soạn cho chuyến đi lao động xa trại với một nhóm bạn tù. Từ trên chòi canh ở sườn đồi phía bên kia đầm nước ngăn chia khu nhà cán bộ và trại tù tiếng kẻng báo tập thể dục vang lên phiền toái

<!>

Màng hơi nước trắng đục che kín mặt đầm làm chiếc cầu tre bắc ngang qua trở nên mỏng manh và xa xôi hơn. Trên cầu bóng gã vệ binh lầm lũi bước theo vệt sáng của chiếc đèn bấm lắt lay như một bóng ma. Ngoài sân chỉ lèo tèo một nhóm nhỏ thật sự sắp hàng nhảy những động tác thể dục, số còn lại vẫn nằm trên chõng tre miệng hô to một, hai, ba, bốn rất ăn nhịp. Tiếng quát tháo của gã vệ binh từ phía đầu dãy trại khiến chúng tôi đành phải tiếc rẻ bỏ cơn ngủ nướng.
Mọi người lục tục xuống nhà ăn để lãnh nước sôi và phần ăn trưa chuẩn bị cho ngày lao động dài. Sau khi tập trung điểm danh ở hội trường, vệ binh dẫn chúng tôi ra vùng lao động. Họ canh gác, ngủ gà ngủ vịt ở đó rồi dẫn chúng tôi về lúc chiều tối. Những ngày này nhiệm vụ của trại là dọn c? trăm mẫu rẩy để chuẩn bị trồng khoai mì. Chỉ tiêu của nhóm bốn người chúng tôi là ra vùng Phước Bình, cách trại hơn hai mươi cây số, mỗi ngày tìm chặt và chất đầy hai chuỷn xe GMC cây khoai mì để làm giống. Hai mươi xe. Công việc sẽ rất vất vả nhưng niềm vui được đi xa trại đã làm tôi không ngủ được tối qua.

Trong bếp ba người bạn tù Bình, Việt, và Lập đang đấu láo với ?anh nuơỉ Quân chờ lãnh gạo.
Việt xòe tay nhanh nhảu.
- Mười ngày lao động cọng với hai ngày đường là mười hai. Với tiêu chuẩn mười lăm ký gạo một tháng, như vậy mỗi đứa tao sẽ được lãnh sáu ký. Chịu chưa!? Ðong đi!
Hắn hả miệng cười, dang rộng miệng bao cát trước mặt Quân như người ăn xin. Quân cự nự.
- Thằng này khôn tổ mẹ! Tiêu chuẩn trại là mười lăm ký lương thực chớ không phải mười lăm ký gạo. Mầy có nhớ là bao nhiêu lần bắp nấu, khoai mì, bột mì, bo bo tụi mình phải nhai một tháng không?
Tôi giảng hòa.
- Thôi, ăn gian không được thì bỏ! Ðong cho tụi tao mỗi đứa ba ký được rồi. Ðào mót khoai mì ngoài rẫy của dân cũng dư sức mưu sinh.
Chờ cho nhóm xách gạo ra khỏi bếp, Quân khều tôi lại đưa cho khúc xôi nấu ống lồ ô. Quân nháy mắt cười đểu.
- Vậy là tao phải đi rẩy thăm người đẹp miền cao một mình rồi phải không!?
- Mầy liệu hồn. Vệ binh bắt được là mút chỉ, hết ra trại luôn.

Thỉnh thoảng tôi và Quân lén lội suối qua khu rẩy Thượng tìm nấm mèo và chặt cây xá xị về nấu. Có lần bóng dáng người đàn bà Thượng còn trẻ đang làm rẫy đã làm chùng chân hai gã đàn ông gần ba năm xa phố xa nhà. Hai đứa ngồi lại dưới bóng cái chòi nhỏ giữa rẫy lúa gợi chuyện với người người đàn ông Thượng đứng tuổi đang chẻ lồ ô đan thúng. Không dám nhìn lâu cặp vú nâu bóng cong lửng của người đàn bà Thượng, tôi quay lưng lại hỏi thăm chuyện nuong rẫy.
Câu chuyện trở nên đậm đà khi người đàn ông Thượng cho biết đã đi lính g?n hai mươi năm ở tiểu khu Phước Long. Mấy năm sau này người lính Thượng về gác nhà ông Ðại Tá ở đường Trần hoàng Quân, Sài Gòn. Sau bảy lăm, sống ở thị xã Phước Bình, bộ đội lui tới rầy rà quá nên dẫn gia đình về đây từ mùa rẫy năm ngoái. Người cha gọi cô con gái vào bắt lửa lên nấu xôi. Dồn nếp vào ống lồ ô tươi chèn kín bằng lá chuối, người đàn bà đặt ống tre bốn mươi lăm độ trên bếp lửa, thỉnh thoảng xoay ống cho lửa nướng đều. Xôi nấu ống lồ ô ăn rất dẻo và để dành được lâu. Tôi và Quân phải nài nỉ mãi hai cha con mới chịu lấy tiền xôi. Từ đó người lính Thượng già đã trở thành bạn vong niên.
Quân đứng nhìn bếp lửa bập bùng, nói như phân bua.
- Mầy có đồng ý với tao là nếu không có Sài Gòn để về thì cái nhà sàn ngoài rẫy kia với cô gái Thượng vú sừng trâu đó cũng ngon lành gấp mấy lần sống lây lất trong cái trại cải tạo nầy không?
Quân còn độc thân. Không Quân, phi công phản lực F5. Người yêu theo gia đình đi Mỹ năm bảy lăm.
- Dĩ nhiên là tụi mình ai cũng còn Sài Gòn để về. Tạm thời ăn bo bo, trồng khoai mì cho nhân dân, dòm lén vú con gái Thượng, tối nằm mơ Sài Gòn chờ ngày về. Thế nào ngày đó cũng tới.
Quân đưa thêm mấy cục đường tán nhắc tôi nhớ ghé bệnh xá gặp bác sĩ Lãng để hắn đưa mấy tên thuốc cần mua cho anh Minh.

Lúc chúng tôi tới hội trường cạnh khu nhà cán bộ thì một người vệ binh cầm súng đang đứng chờ. Dáng hắn lơ đãng, ba lô trên nền đất. Bình nói nhỏ.
- May quá thằng Chanh đi theo mình chớ không phải thằng Hùng.
Hùng là tên bộ đội người Hải Phòng vẫn thường ba hoa không giấu giếm cái quá khứ du đãng trộm cắp hàng hóa từ các tàu buôn Ba Lan, Tiệp Khắc ở bến cảng Hải Phòng những năm cuối cuộc chiến. Lúc mới về trại, hắn vẫn thường hống hách kiếm chuyện trói cải tạo viên vào gốc cây hoặc để nằm trên nền đất không cựa quậy được hằng nửa ngày trời. Sau lần bị bộ đội gốc miền Nam chận đánh phải đi nằm bệnh xá cả tháng, hắn đã bỏ bớt thói du đãng nhưng vẫn không được ai ưa.
Dừng lại ở đầu con dốc dẫn vào tỉnh lộ 10, người vệ binh vắn tắt về kỷ luật chúng tôi phải tuân theo trong thời gian lao động xa trại. Phía dưới chân đồi từ mấy dãy trại, cải tạo viên với cuốc xẻng trên vai, áo lính bạc màu, lục tục bước qua cầu đi về phía hội trường. Ðoàn người lê bước ngoằn ngoèo như con rắn bò buồn bã. Một ngày nữa. Một ngày dài lao động nữa trong đời người cải tạo đang bắt đầu. Sức mạnh nào đã giúp bạn thức dậy sáng nay? Cơn mơ nào sẽ giúp anh mớm sức cho ngày sắp tới? Những cơn mơ có khác nhau nhưng tôi biết chắc tất cả chúng ta ai cũng đã mơ giấc mơ đẹp đêm qua. Mơ trở về nhà. Bếp lửa. Con thơ. Vợ hiền. Gối chăn. Cơn mơ rất người đã làm bạn thức giấc nửa đêm, tiếc rẻ nỗi giật động bơ vơ mệt nhoài. Xin tạ ơn trời chúng ta vẫn còn một giấc mơ để sống. Từng ngày.

Gần hai năm trước, vùng đồi rẫy gần tám cây số dọc theo tỉnh lộ 10 này đã bao phủ bởi một màu xanh đặc của từng cánh rừng lồ ô bạt ngàn nối tiếp nhau. Ðoàn xe motolova cũ kỹ bít bùng chật như nêm, chở chúng tôi chuyển trại từ Long Khánh lên. Trời mới nửa chiều mà đã nhá nhem tối bởi tàng lá rừng đan đặc che kín trên đầu. Sức người đã làm con đường mòn trở thành đường cái quan. Dọc theo phía triền cao của con đường nối tiếp nhau những cánh rẫy đã gặt xong mùa đầu. Vài tháng tới đây sẽ tràn một màu xanh non của bắp sắn. Bên triền thấp những dãy trại dựa sâu vào lưng đồi tìm kiếm sự chở che của đất. Màu mái tranh chen lẫn với màu đỏ của mái lá trung quân khiến tôi trong một giây ngắn ngủi tưởng mình đang đi trong rừng thu miền Ðông Bắc nước Mỹ. Ðôi má cô sinh viên trường đại học Providence đỏ thơm như trái mận chín.
Chúng tôi đã dựng nhà cho mình, cho cán bộ vệ binh, dựng hội trường, nhà khách, nhà bếp, nhà kho. Chúng tôi đã gắng sức gầy dựng cho mình những tiện nghi tối thiểu để sống còn với bất ổn, với thường trực tai ương đến từ người từ trời. Lúa bắp rau đậu tỉa trồng chăm bón thâu hoạch về phải cân đong cho nhà nước, đổi lại là mười lăm ký lương thực một tháng và một năm vài lần có được chút thịt nhân mấy ngày lễ tết.
Khu bệnh xá trung đoàn là hai dãy nhà tranh nằm không xa ngã ba trên đường đi Phước Bình phía tay phải và Bù Gia Mập phía trái. Vệ binh Chanh đồng ý cho chúng tôi ghé lại bệnh xá. Hắn chỉ tay về phía dãy nhà dành cho cán bộ.
- Mấy anh thăm bạn xong thì qua tìm tôi ở bên đó. Ðừng ở lâu quá, còn phải đi gần hai chục cây số nữa mới tới chợ Phước Bình.
Bác sĩ Lãng đã thức dậy từ sớm đang sửa soạn món ăn nổi tiếng của hắn, bánh mì khô hấp hơi ăn với nước mắm mỡ hành. Với anh chàng bác sĩ tốt nghiệp trường Y Khoa Huế này, cái gì cũng phải từ tốn nghệ thuật.
- Bánh mì Hàng Xanh đó, món này phải ăn nóng mới ngon. Hấp mỗi lần một hai miếng thôi, ăn xong miếng này rồi chờ hấp miếng mới chớ không...
Bình cười cướp lời.
- ... bánh mì trở lại nguyên bổn của nó là bánh mì phơi khô 100 ngày!
Lập cự nự.
- Cái thằng này! Ðã cho ăn rồi còn chê, không nhớ ơn ?cách mạng? gì cả!
Việt nhìn quanh.
- Ðốc Tiến đâu rồi đốc Lãng?
Anh Minh từ trong phòng vừa ho xụ xụ vừa nói.
- Hai thằng suốt ngày cãi nhau chuyện trường Huế, trường Sài Gòn. Tao bực quá, đuổi hết một đứa rồi.
Lãng móc trong túi áo anh Minh tiền và miếng giấy có tên mấy thứ thuốc trụ sinh đưa cho tôi.
- Bệnh chớ cái mỏ còn nhọn lắm. Thằng Tiến nó dọt đi quán Ba Cô từ hồi sớm rồi. Ði kiếm mua cà phê thiệt cho thằng chả đó, chê không chịu uống cà phê gạo rang.
Tôi vỗ vai anh Minh.
- Ráng thuốc men vô cho ngon lành vài bữa vợ lên thăm, thằng Lãng nó cho mượn phòng ở bệnh xá tha hồ mà làm ăn.
Lãng nhắc tôi.
- Mầy ráng kiếm cho ra mấy thứ thuốc trong toa đồng thời kiếm cho được một ống tiêm cỡ lớn và kim dài để tao hút nước trong phổi ra cho ảnh.
Nhìn ánh mắt của Lãng tôi biết là bằng mọi cách tôi phải tìm cho ra thuốc và ống tiêm càng sớm càng tốt.
- Chiều mai mầy nhớ canh chuyến xe chở mì, mua được thuốc tao sẽ gởi theo xe.

Vừa ra khỏi bệnh xá Lập, vì làm ở lò rèn không đi lao động ngoài, tò mò hỏi ngay quán Ba Cô ở đâu.
Mới hơn tháng nay trên khoảng đường gần hai cây số về phía Bù Gia Mập, ba người đàn bà trẻ từ Sài Gòn lên mở quán bán cho mấy toán thợ lâm nghiệp để kiếm sống. Khám phá ra địa điểm và ai là chủ quán đã là tin sốt dẻo và vui cho tất cả chúng tôi. Cách đây vài tuần, tôi và hai bạn tù đánh liều làm việc thật nhanh xong chỉ tiêu sớm xách rựa băng rừng đi tìm quán Ba Cô. Vừa kịp nhận ra ba cô chủ quán chỉ có cái nhan sắc rất bình thường lũ chúng tôi đã choáng ngợp bởi nỗi rung động của một tình cảm rất thân thuộc đậm đà - quán cà phê và nhạc tình. Bài hát không quen những năm về trước, buổi chiều hôm đó sao nghe như tiếng lòng mình. Thành phố buồn nhớ không em. Ngày chúa nhật ngày của đôi mình. Thành phố nào vừa đi đã mỏi...

Trên đường đi Phước Bình cách bệnh xá chỉ vài cây số là làng Phước Thành, căn cứ tiếp liệu của dân cải tạo. Hầu hết dân trong làng gốc người Quảng Nam. Những người dân nghèo cùng cực vùng Thăng Bình, Chợ Ðược đã theo kế hoạch dinh điền của Tổng Thống Diệm khăn gói lên đây lập nghiệp mấy chục năm trước. Ði ngang qua một bộng dầu, Việt xin người vệ binh vào mua bánh đậu. Dân trong làng đem đậu phụng tới đây để ép lấy dầu phụng. Bã đậu sau đó được ép lại thành bánh để nuôi heo. Ðối với dân cải tạo chúng tôi bánh đậu là nguồn dinh dưỡng rẻ tiền mà hữu hiệu. Bỏ vào chút muối kho với nước thế là có ngay món ăn bổ dưỡng. Hai cô gái nhỏ khoảng mười hai mười ba nói chuyện với nhau, giọng rặc tiếng Quãng.
- Bán rẻ rẻ cho mấy chú tù binh.
Trong hoàn cảnh của mình tôi thà chấp nhận hai tiếng tù binh hơn cải tạo. Những người cọng sản cùn mòn đó đã chẳng cải được gì trong đầu óc chúng tôi. Việt vẫn giấu kỷ cuốn All Quiet On The Western Front để học lén tiếng Anh. Giúp Việt đọc, tôi xạo để hắn học cho nhanh.
- Gần tới đoạn hấp dẫn rồi đó. Ráng đi. Tới đoạn tụi nó đem bánh mì lội qua sông để kiếm chị em ta là mầy hết biết luôn.
Con người trong cùng cực có thể làm nhiều chuyện khó ngờ để sống còn. Trên vùng rừng núi miền Ðông này và biết bao nhiêu vùng rừng núi khác trong Nam ngoài Bắc, sự cùng cực thua nhục đã là cái giá chúng tôi phải trả làm người lính thất trận. Cái giá quá đắt cho chuyện được thua giữa anh em trong nhà.
Gồng gánh ra tới chợ Phước Bình thì trời đã quá trưa. Chia nhau khúc xôi nấu ống lồ ô. Tôi ăn vội cho đỡ đói rồi xin phép đi tìm mua thuốc trụ sinh cho anh Minh. Người vệ binh tốt bụng chỉ tay về phía nhà lồng chợ.
- Tôi thường mua ký ninh ở trong đó. Thuốc hiếm có lẽ phải theo người ta đi vào nhà mới có. Ði cho lẹ lên, cịn mấy cây số nữa mới tới khu trồng mì.
Thuốc trụ sinh kiếm ra dễ hơn tôi nghĩ nhưng cái ống tiêm lớn thì quá hiếm hoi. Người đàn bà buôn thuốc tây dẫn tôi đi gần hết khu phố chợ mà vẫn chưa tìm ra được.
Chị ta vừa đi vừa càu nhàu.
- Hồi đó quăng không ai thèm lượm giờ thì quý như vàng, thắp đuốc kiếm không ra. Cái thời gì đâu.
Cuối cùng chị dẫn tôi vào nhà một người đang hành nghề y tá.
- Ông này hồi xưa là Trung sĩ Quân y. Ổng mà không có là tôi chịu thua luôn.
Sau khi nghe tôi kể chuyện bác sĩ Lãng điều trị cho Minh, người Trung sĩ Quân y Ng?y im lặng vào nhà sau đem ra hai ống tiêm lớn và gần một tá kim chích dài.
- Tôi có giữ cũng không biết sử dụng, nhờ anh đưa cho bác sĩ để ổng cứu người.
Anh từ chối nhận tiền còn ân cần đưa cho tôi gói thuốc Sài Gòn Giải Phóng và nhờ đem về cho bác sĩ Lãng một gói. Bắt tay từ giã người lính quân y Ngụy mà tôi nghe tiếng mình khản lạc vì nỗi xúc động trào dâng. Nỗi vui nhen ấm lòng như một ngày nắng hiếm hoi giữa đông dài.
Ở đầu dốc, người vệ binh và ba bạn tù đang kiên nhẫn ngồi chờ. Chanh cầm súng chỉ về phía con lộ đất đỏ cắt ngang khu rừng cao su.
- Ráng đi hết con đường này khoảng bốn cây số nữa là tới khu lấy gốc mì.

Nơi chúng tôi tạm trú trong mười ngày tới là khu xóm nhỏ ở bìa một khu làng yên tĩnh. Màu ngói cũ kỹ của mái nhà ẩn hiện sau hàng xoài xanh là chứng tích cuối cùng của sự trù phú mà giờ đây chỉ còn là âm vang trong chắc lưỡi, trong câu nói ngậm ngùi bắt đầu bằng hai tiếng... hồi đó..

Phan Thái Yên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét