Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 26 tháng 7, 2021

Người dân Vĩnh Long gói bánh tét gửi tặng người Sài Gòn ấm lòng mùa dịch - Ánh Trinh


(PLO)- Hơn một tuần qua, đều đặn mỗi ngày, hàng trăm đòn bánh tét ra lò nóng hổi chờ trao đến những người gặp khó ở Sài Gòn. Mỗi đòn bánh là tấm lòng thơm thảo của bà con Vĩnh Long gửi gắm đến người Sài Gòn với mong muốn tiếp thêm sức mạnh cùng nhau vượt qua đại dịch.
“Người có điều kiện thì góp kinh phí, nguyên liệu, còn người khó khăn hơn sẽ góp công sức của mình. Ai nấy đều vui và hạnh phúc khi làm được việc có ý nghĩa” - Bạn Nguyễn Trí Ngân (23 tuổi) quê Vĩnh Long chia sẻ.
<!>

Thay phiên đảm nhiệm các khâu làm bánh

Nhận thấy bà con ở Sài Gòn gặp không ít khó khăn do dịch bệnh, chàng trai trẻ Nguyễn Trí Ngân đã đứng ra kêu gọi quyên góp tổ chức hoạt động nấu bánh tét tại quê nhà Vĩnh Long.

“Mình thấy nhiều bà con trên thành phố không nấu nướng được gì nhiều, thậm chí người vô gia cư cũng không có điều kiện để nấu. Quê mình tuy còn khó khăn nhưng vẫn có nguồn nguyên liệu có thể nấu được nên mình nghĩ ra cách này để giúp bà con bớt đi phần nào khó khăn trong giai đoạn dịch căng thẳng ” - Trí Ngân cho hay.

Những đòn bánh tét được gửi cho các nhóm tình nguyện và một số đơn vị ở TP.HCM để phân phát cho bà con

Theo Trí Ngân, thường sẽ thấy cảnh bà con tụ họp lại một nhà để gói bánh. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, các hộ gia đình phải thay phiên nhau đảm nhiệm các khâu làm bánh.

Hiện nay, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, hoạt động gói bánh tét sẽ được chia theo từng hộ gia đình. Mỗi hộ sẽ đảm nhiệm một khâu công việc cụ thể. Theo đó, một hộ sẽ chuyên mua nguyên vật liệu và sau đó sơ chế lại. Sau khi sơ chế xong, nguyên liệu sẽ được chuyển qua cho hộ khác để sơ chế lại một lần nữa và gói bánh. Bánh được gói xong thì sẽ tiếp tục chuyển qua cho một hộ khác để tiến hành nấu bánh.

“Vì không được tập trung đông nên mình phải chia ra 2 đội hình gói bánh. Mỗi ngày gói khoảng tầm 50 kg nếp, cho ra gần 300 đòn bánh tét. Tuy nhiên, không phải ngày nào cũng gói đều 50 kg, bởi vì gói xong phải nấu nên phải tốn hết một ngày. Ngày hôm sau bánh được ép chân không, như vậy ngày thứ 3 mới bắt đầu gửi đi” - Trí Ngân chia sẻ.

Trí Ngân kể, tuy có vất vả nhưng bà con rất nhiệt tình và làm hăng hái. Những ngày đầu, gói 50 kg nếp chưa quen nên than mệt, nhưng càng về sau thì càng hăng hái, “gói một ngày mà nghỉ thấy buồn”.

Thấy hoạt động ý nghĩa nhiều người đã chủ động nhận hỗ trợ gói bánh

Nguyên liệu làm bánh mỗi người đóng góp một ít, nếu thiếu lại mua thêm. Khó khăn nhất là nguồn lá chuối, phải đi đến từng nhà để gom lá. Có điểm nấu trong nhà cũng có điểm nấu ngoài trời, đang nấu trời lại đổ mưa. Mặc dù gặp trở ngại, khó khăn nhưng bà con Vĩnh Long đặt nhiều tình cảm của mình vào từng đòn bánh tét.

“Mình nghĩ cái gì xuất phát từ trái tim thì nó sẽ chạm được trái tim thôi. Những đòn bánh được tạo ra trong giai đoạn này là tình cảm giữa con người trao cho nhau. Khi làm được hoạt động này mình cảm thấy rất hạnh phúc. Hi vọng, hoạt động này có thể lan tỏa những giá trị tốt đẹp, từ đó truyền động lực cho bà con vững tin trước đại dịch còn nhiều khó khăn” - Trí Ngân tâm sự.

Mong mọi người có sức chống lại đại dịch

Biết Trí Ngân có ý định gói bánh hỗ trợ bà con ở Sài Gòn, anh Long (31 tuổi) quê Vĩnh Long ngỏ lời hỗ trợ. Anh muốn tiếp thêm sức lực cho Trí Ngân vì sợ một cậu bé nhỏ nhắn người không thể làm hết mọi việc.

Anh Long quán xuyến tất cả các khâu làm bánh của từng hộ gia đình. Thiếu nguyên liệu gì, anh sẽ là người đi mua bổ sung thêm. Ở Vĩnh Long, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên người dân không được ra ngoài, anh phải đăng lên Facebook tìm những nguồn hàng rồi trực tiếp chạy đến đó lấy.

“Trước hết, tôi cảm thấy người dân dưới mình còn khổ quá, mình giúp được cái gì thì mình giúp. Mình không có nhiều kinh phí thì bỏ bằng sức của mình để có thể hỗ trợ thêm. Nếu không làm gì thật sự tôi hơi tiếc bởi bỏ phí sức trẻ của mình. Tôi cũng mong mọi người có sức chống lại đại dịch COVID-19 này” - Anh Long bộc bạch.

Bánh tét sau khi nấu xong để ráo nước thì cho hút chân không để bảo quản được lâu khi chuyển lên Sài Gòn

Hiện tại, anh Long là một nhân viên văn phòng. Anh vừa làm việc tại ngân hàng vừa hỗ trợ cho Trí Ngân quản lý nguồn thu vào (nguyên liệu làm bánh) và kết quả đạt được. Thời gian rảnh ở nhà, anh làm việc bằng tay chân nhiều hơn. Nếu bận làm việc ở ngân hàng thì anh sẽ làm việc trực tiếp qua điện thoại với các hộ gia đình. Các hộ có thể liên lạc trực tiếp với anh khi cần hỗ trợ. Còn chị Nguyễn Vũ Tâm (35 tuổi) quê Vĩnh Long, dù có con nhỏ nhưng chị Tâm chủ động sắp xếp ổn thoải công việc nhà để phụ mọi người làm bánh tét.

“Lúc tham gia hoạt động này, tôi nhờ người chăm coi giùm con nhỏ. Sáng ra, tôi đem quần áo, cháo, sữa đến để mấy dì chăm. Đến chiều, sau khi hoàn thành việc làm bánh tét thì tôi tập trung lo cho gia đình. Nói chung, cả nhà ai cũng đồng ý, hỗ trợ tôi làm công việc gói bánh tét giúp bà con gặp khó trong mùa dịch này” - chị Tâm nói.

Ai cũng thấy vui khi được góp một phần công sức của mình vào hoạt động gói
bánh tét ý nghĩa này

Hoạt động gói bánh tét nhiều ngày qua đã đem lại cho chị Tâm cũng như bà con trong xóm nhiều niềm vui. Chị kể, bà con ai cũng thích hoạt động này, “Mình không có gì để phụ với Trí Ngân thì bây giờ mình bỏ công sức ra để giúp, mỗi người một tay cùng nhau vượt qua đại dịch này”. Những ngày đầu còn hơi lúng túng thì chỉ gói được 25 kg nếp, rồi quen dần, có ngày bà con gói đến 50 đến 75 kg nếp.

Bản thân chị Tâm không biết gói bánh, nhưng chị cũng hăng hái đi hỏi thăm bà con trong xóm ai biết gói bánh và chịu nhận gói thì chị sẽ nhận về cho họ làm. Công việc thường ngày của chị là chở nếp, mua các nguyên liệu làm bánh. “Tôi đem nếp lại cho người ta xào, rồi qua nhà khác mượn người gói bánh. Sau khi bánh được gói xong tôi đem qua nhà tiếp theo nhờ buộc dây. Bánh được buộc dây xong, tôi lại chở lên chùa nhờ thầy nấu giùm” - chị Tâm nói.

Chị Tâm tham gia đều đặn các hoạt động do Trí Ngân tổ chức, hầu như không bỏ ngày nào. Chị cười: “Khi nào Trí Ngân nói hết dịch, không cần hỗ trợ nữa thì lúc đó tôi sẽ nghỉ. Trí Ngân còn làm thì tôi sẽ theo dài dài”.

Bánh tét đã thành phẩm

Những đòn bánh tét nghĩ tình đã được gửi về Quận Đoàn quận 5, khu dân cư Thạch Mỹ Lợi, phường 17 quận Bình Thạnh...và một số hội nhóm từ thiện để tiến hành phân phát cho bà con.

ÁNH TRINH

Không có nhận xét nào: