Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

PHÍ PHẠM LÀ TỘI ÁC - Trần Xuân

 

Người xưa mắng nhau “miếng ăn là miếng tồi tàn” nhưng lại dạy con phải biết quý hạt gạo vì là “của ngọc thực”, thứ ngọc nuôi sống người. Ý thức tốt đẹp ấy đã ngấm sâu vào nếp sống xã hội bao đời nay, dẫu là đứa trẻ cũng biết giẫm lên cơm rơi vãi phải tội. Lệ cũ, chó chỉ được ăn đồ thừa, cơm nguội, cơm hớt; no chó mới đến lợn gà, không lợn gà thì vãi ao cá, đổ nước gạo hàng xóm, không ai đang tâm đổ đi. Những bậc thánh hiền như Jésus, Thích Ca, Khổng Tử, Mặc Tử… cũng luôn nêu gương sáng về tính kiệm ước trong ăn uống. Ông Triệu Công Minh nhờ thu gom cơm thừa nhà giầu phát cho kẻ nghèo nên khi chết được tôn là Tài Thần-Chính Nhất Huyền Đàn tức vị Thần Tài nhiều nhà đang thờ.
<!>

Ngày nay một bộ phận dân chúng đã có cuộc sống no đủ; nhưng nhìn rộng ra nhiều nơi còn thiếu ăn, nhất là vùng cao và vùng thường gặp thiên tai. Vậy mà có những hạng người (đông nhất là cơ quan công sở) quen sống phè phỡn nên không biết quý miếng ăn. Trớ trêu thay, những liền anh liền chị gốc gác nông thôn vừa bén mùi phồn hoa cũng vội quay lưng khinh rẻ miếng ăn!

Người Hà Nội, kể cả những người định cư trong vòng hai thế hệ rất tinh khôn, giỏi tính toán chi tiêu cho một bữa ăn; Nếu có việc kéo con cháu đi ăn hiệu bao giờ cũng kén chỗ ngon và rẻ, cuối bữa không ăn hết thì vét đồ thừa vào túi vào hộp đem về… Hà Nội có hàng trăm khách sạn sang trọng, nơi tập trung đủ loại sơn hào hải vị quý hiếm, mỗi đĩa đồ ăn có giá chục triệu, hai ba mươi triệu chai rượu là bình thường. Tây du lịch rất khôn bảo nhau tránh xa những nơi ấy, thế nhưng những địa chỉ ăn chơi xa hoa này lại hấp dẫn bọn đầu trộm đuôi cướp mang danh cán bộ mà toàn cán bộ cỡ. Chúng đến bằng xe công, cặp kè toàn cánh hẩu, chủ yếu gặp mặt bày mưu tính kế phù phép dự án, chia chác tiền tham nhũng; để tỏ ra tay chơi thời thượng bao giờ chúng cũng đem theo vài con điếm cao cấp, qua đêm không dưới vài nghìn đô la. Những lần ăn ngủ như thế thường tiêu tốn hàng trăm triệu, số tiền mà một gia đình trung lưu đông người dư sức sống ung dung cả năm.

Không ai biết chính xác ở Hà Nội có bao nhiêu cơ quan, công sở; Công ty, tập đoàn sân sau, và bao nhiêu hiệp hội đoàn thể đang sống nhởn nhơ bằng kinh phí bao cấp. Và cũng không ai tính được những chi phí khổng lồ mà họ vung vãi trong những lần tiệc tùng mừng danh hiệu thi đua, đón nhận huân chương, kỷ niệm ngày thành lập đơn vị, bế mạc hội nghị tổng kết, tiệc tất niên, tiệc quốc khánh; thậm chí mừng người đứng đầu cơ quan được phong hàm, thăng chức cũng mở tiệc.

Trước đây, với chức năng nhà báo, tôi nhiều lần được mời dự tiệc nên không lạ gì thói phí phạm của họ. Tiệc ở đâu, lần nào cũng đông hàng trăm thực khách; trên bàn la liệt toàn đồ ăn chế biến từ nhiều loại thịt và đồ biển đắt tiền, ai cũng ăn khỏe nhưng vãn cuộc thức ăn vẫn thừa mứa. Khi khách buông đũa đứng lên, những đĩa xào rán, những bát hầm nấu chỉ hơi khuyết góc; những phạng cơm tám trắng nuốt thơm phức hầu như còn nguyên, tất cả đều được nhà hàng trút lẫn vào thùng to xuất cho cơ sở chăn nuôi! Những lúc ấy tôi thường nhớ đến hình ảnh những đứa bé gày guộc rét mướt vùng cao trong một trường bán trú chen chúc vây quanh nồi cơm độn sắn, xúc bằng thìa, ăn với muối trắng. Và làm sao quên được hình ảnh thương tâm người dân vùng lũ thò đầu qua mái nhà đón gói mì sợi, bóc ngay nhét mồm, nuốt không kịp nhai vì đói quá!

Tôi nghiệm ra một điều, những người có học và người giầu chân chính rất có ý thức tôn trọng vật chất, còn những kẻ coi thường khinh rẻ miếng ăn thì hầu hết chúng lại xuất thân từ tầng lớp hèn hạ. Thế nhưng thời thế đã thay đổi, phần lớn những kẻ hèn hạ ấy lại đang nắm giữ những cương vị quyền lực quan trọng và thừa quyền hạn thao túng các nguồn tiền tệ, và chính hoàn cảnh điều kiện thuận lợi ấy đã cuốn hút chúng lao vào con đường ăn chơi sa đọa.

Nhà văn Pháp Balzac từng nói: “Mỗi miếng ăn, ăn khi không đáng ăn là mỗi miếng giật cướp từ cửa miệng những kẻ đói khổ”. Từ đó suy ra thì phí phạm không chỉ là thói xấu mà còn là tội ác.

Trần Xuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét