Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2021

Lương Tri Đạo Đức Làm Thay Đổi Vận Mệnh Quốc Gia

 Cuộc đời của các vị thánh không làm thay đổi vận mệnh của một quốc gia, trừ phi những vị đó bắt tay làm hành động cụ thể. Năm 1953, một nhà vật lý trẻ tuổi tên là Andrei Sakharov đang làm  công tác nghiên cứu bí mật ở một nơi hẻo lánh thuộc lãnh thổ nước Kazakhstan. Cơ sở làm việc này ở cạnh một trại tù cưỡng bách lao động. Đây là một trong vô số trại tù ở vùng xa xôi giống như Quần Đảo Ngục Tù Gulag. Mỗi sáng chàng kỹ sư Sakharov trông thấy hàng đoàn tù nhân lũ lượt nối đuôi nhau đi trong bụi mù, theo sau là đoàn chó dữ sủa vang lừng để canh chừng tù nhân. Vậy mà lúc đó vào khoảng tháng Ba, khi tin Joseph Stalin qua đời được loan đi, chàng kỹ sư trẻ đó vẫn chưa nhận ra mối quan hệ giữa nhà độc tài vừa mất với những lầm than khổ ải của các tù nhân đang diễn ra gần nơi anh làm việc. 

<!>

Anh còn viết thư về cho vợ những dòng chữ sau: “Anh đang quay cuồng trong những suy nghĩ về cái chết của một vĩ nhân. Anh đang suy nghĩ về tấm lòng nhân đạo của ông ta.”.

Năm tháng sau, nhà vật lý Sakharov đeo vào mắt cặp kính để bảo vệ đôi mắt khi nhìn ánh sáng lóa mắt. Ông đứng quan sát thành tích sáng tạo kinh hoàng của ông, đó là vụ nổ vũ khí hạch tâm đầu tiên của Liên Bang Xô Viết. Ông miêu tả như sau: “Chúng tôi trông thấy một tia lửa lóe lên, sau đó là cả một trái banh lửa sáng rực ở cuối chân trời.”. Do sự đóng góp của ông vào việc bảo vệ tổ quốc, ông Sakharov được trao Huân Chương Anh Hùng Lao Động Xã Hội Chủ Nghĩa, và ông được hưởng một cuộc sống sung túc dành riêng cho các nhà khoa học xuất chúng. Nhưng rồi, sau một thời gian, giống như nhà khoa học chế ra bom nguyên tử của Mỹ, ông J. Robert Oppenheimer- cả hai vị không đành lòng sống trong dằn vặt vì những gì hai ông đã chế tạo ra. Ông trở nên chống đối, nổi loạn, phản kháng, trước hết là đối với loại vũ khí hủy diệt loài người, sau đó,ông chống lại hệ thống cai trị độc tài toàn trị. Đến năm 1968, ông trở thành trung tâm đạo đức, lương tri của một nhóm nhỏ những người Xô Viết bất đồng chính kiến, họ sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro để trực diện chống lại chế độ độc tài.

 

Ông Sakharov sinh ra ở Mạc Tư Khoa cách đây 100 năm. Có lẽ ông cũng là người phải chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, giống như ông vị Tổng Bí Thư sau cùng của chủ nghĩa Cộng Sản Mikhail Gorbachev. Ảnh hưởng về lương tri của ông Sakharov đối với ông Gorbachev có lẽ không rõ ràng, cụ thể như ảnh hưởng của Mục Sư Martin Luther King Jr đối với Tổng thống Lyndon Johnson. Năm 1989, khi ông Gorbachev ban hành lệnh trừng phạt việc bàn cãi công khai không lường trước được tại diễn đàn của tân quốc hội, lúc đó, trong cương vị Phó chủ tịch Quốc Hội Nhân Dân, ông Sakharov lên đăng đàn và lớn tiếng yêu cầu phải chấm dứt sự lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng Sản. Ông Gorbachev bị tiếng nói của lương tâm thối thúc, và quá chán nản với cái đám quần thần mê tín theo cộng sản vây quanh ông, ông đã cho phép ông Sakharov tiếp tục phát biểu ý kiến, không cúp máy vi âm, cắt ngang lời phát biểu của ông Sakharov. Đó là giây phút đáng ghi nhớ nhất, khi mà lương tri đạo đức của con người đóng vai trò thay đổi vận mệnh quốc gia. Lời nói của ông Sakharov vang vang xuyên thấu lục địa Xô Viết đang ở tình trạng lung lay. 

Tháng 12 năm 1989, ông Sakharov qua đời trong căn hộ của ông ở Mạc Tư Khoa. Ông Gorbachev đến dự tang lễ. Một ký giả với nét mặt buồn rầu, đến nhắc khéo vị lãnh tụ Xô Viết rằng hồi năm 1975 khi ông Sakharov được trao giải Nobel Hòa Bình, tại sao ông không cho ông Sakharov rời nước Nga đi lãnh giải thưởng này. Ông Gorbachev trả lời: “Bây giờ thì rõ ràng là ông ấy xứng đáng được nhận giải thưởng đó.”.

Nhiều năm sau cái chết của ông Sakharov, giới lãnh đạo Nga thời hậu Xô Viết, mặc dù ngày càng trở nên độc tài hơn trước, không bao giờ thấy cần phải tranh luận về uy tín đạo đức của những nhân vật bất đồng chính kiến. Cái thời đó đã hết rồi, không còn nữa. Truyền thông do nhà nước kiểm soát nói rất ít về vấn đề này nhân dịp kỷ niệm sinh nhật 100 năm của ông Sakharov, họ chỉ chú trọng vào những đóng góp của ông về khoa học và quốc phòng. Khi Trung Tâm Sakharov định mở một cuộc triển lãm bằng hình ảnh để vinh danh ông trong  lãnh vực nhân quyền, thì quan chức thành phố đến nhắc nhở người tổ chức triển lãm rằng: “nội dung này không được cho phép làm.”.

Một nhà báo tranh đấu cho dân chủ, ông Vladimir Kara-Murza viết trên nhật báo Washington Post  rằng quyết định không cho trưng bày hình ảnh tranh đấu cho nhân quyền của ông Sakharov là “rất thích hợp” trong tình hình chính trị lúc này. Chính sách của Tổng thống Vladimir Putin đối với những nhân vật đối lập chính trị ngày nay không khác gì nhiều với chính sách dưới thời Leonid Brezhnev thập niên 1970’s. Ông Putin muốn đảm bảo rằng chuyện đối lập ở quốc hội là điều không thể chấp nhận được, và ông muốn đàn áp thẳng tay bất cứ một nhân vật đối lập nổi tiếng nào. Thái độ của ông đối với những cuộc tranh luận về dân chủ được thể hiện bằng việc ông cho sát hại những nhà lãnh tụ tranh đấu, như ông Alexei Navalny vì lập trường đối lập, chống tham nhũng. Ông Navalny đang bị giam để chết mòn mỏi trong nhà tù.  Nhà báo Kara-Murza không phải chỉ là một người viết báo tầm thường, nhằm để báo động về chính sách của Putin, ông ta trước đây từng là cố vấn cho ông Boris Nemtsov, cựu Phó Thủ Tướng, và là đối thủ của Putin. Ông Nemtsov đã bị sát hại ở gần điện Cẩm Linh cách đây sáu năm. Riêng bản thân ông Kara-Murza đã thoát chết sau hai lần bị đầu độc. 

Tuần trước trong lần họp thượng đỉnh với Tổng thống Biden ở Geneva, ông Putin nói thẳng ra là  ông ta không giống ông Gorbachev về một điểm nào cả. Trước đây, ông Gorbachev được lên làm Tổng Bí thư do tầm nhìn chính trị bao quát, rộng lớn. Ông sẵn sàng tham vấn khía cạnh lương tâm từ những nhân vật uy tín như ông Andrei Sakharov vào những thời điểm quan trọng cho đất nước Nga. Riêng ông Putin thì khác hẳn, hoàn toàn ngược lại. Putin là một kẻ vô luân, ngay cả từ dáng điệu đi đứng ngang tàng của ông ta. Mỗi khi bị quay vặn, chất vấn trong các cuộc họp báo, ông ta thường trở mặt bằng cách đánh trống lảng, hay đổi đề tài trong nháy mắt. Khi nhà báo hỏi ông về cách đối xử của chính phủ Nga đối với ông Navalny, ông ta bèn xoay qua nói về tình trạng bất công kinh hoàng khi truy tố những người làm loạn tấn công tòa nhà Capitol, trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ hôm 6 tháng Giêng. Với sự thoải mái đến độ lạnh lùng, trong lúc nói chuyện riêng tư, cũng như khi nói trước công chúng, ông ta có thể thay đổi đề tài, từ chuyện Nga xâm lăng vùng Crimea, hay việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống ở Hoa Kỳ  năm 2016 chuyển sang tình trạng kỳ thị ở Mỹ, những vụ nổ súng giết người hàng loạt, hay hành hạ tù nhân thô bạo ở Guantanamo. Putin rõ rệt là một nhà độc tài khéo léo, chuyên nghiệp, và giỏi hơn Donald Trump nhiều. Ông ta là một kẻ không biết xấu hổ là gì. 

Trong suốt tuần lễ đi họp thượng đỉnh, ông Biden đã làm tốt trong khả năng của mình để kêu gọi các nước đồng minh trong khối NATO hãy cùng với Hoa Kỳ phát huy chính sách ngoại giao đặt nền tảng trên giá trị đạo lý, cũng như quyền lợi thực của mỗi nước. Ông Biden nói với ông Putin như sau: “ Vấn đề nhân quyền sẽ luôn luôn được đặt ra, bởi vì đó là bản chất của con người chúng ta.”. Thật là một điều an ủi khi nghe Tổng thống Mỹ một lần nữa nhấn mạnh về vấn đề nhân quyền, nhưng sẽ còn phải mất rất lâu mới có thể đưa vấn đề đạo đức, lương tâm đến với nước Nga hay nước khác. Lịch sử Hoa Kỳ không mang tính chất thần thánh, song nó mang sứ mạng của một “thành phố rực sáng trên ngọn đồi.”. Trong nhiều năm qua, khi nói người Mỹ là một dân tộc có những ngoại lệ, làm được nhiều điều bất thường, đối với Putin đó chỉ là lời nói đãi bôi, không đáng để ý. Cách đây hai năm, ông nói nói báo Financial Times rằn đó chỉ là những lời nói giả dối, lý tưởng cao đẹp của chủ trương cấp tiến không giống như mục đích thực tế của chúng. 

Ông Biden đi Geneva với mục đích là làm thay đổi hẳn hình ảnh của ông Trump trong cuộc họp báo ở Helsinki hồi năm 2018. Hồi đó, ông Trump đã xuất hiện bên cạnh ông Putin, hùa theo chủ nghĩa Putin, đặt nó lên trên chính sách của chính phủ của ông. Mặc dù ông Trump đã rời khỏi Bạch Cung, song những hệ lụy do ông để lại vẫn còn. Giới lãnh đạo đảng Cộng Hòa ủng hộ việc đàn áp bầu cử, hùa theo những thuyết âm mưu xấu xa, sẵn sàng bêu xấu, lăng nhục những người bất đồng chính kiến với họ, xem nhẹ tầm mức nguy hiểm của thay đổi khí hậu, và từ chối không cho điều tra vụ nổi loạn do một Tổng thống đang tại chức xúi dục. 

Năm 1968, là năm điện Cẩm Linh phái xe tăng tiến vào thủ đô Prague của Tiệp Khắc để đàn áp kẻ bất đồng chính kiến, ông Sakharov đã viết như sau: “Sự tự do tư tưởng là cách duy nhất để bảo vệ cho con người chống lại sự đầu độc, lây nhiễm của những tín điều ảnh hưởng đến đám đông. Nhất là khi những tín điều đó lại rơi vào tay  những kẻ dối trá, nhiều âm mưu nguy hiểm, và có thể dễ dàng chuyển sang chế độ độc tài nhuộm máu.”

Chỉ nó người Nga, không phải người nước ngoài, mới có thể làm cho nước Nga được hưởng tự do nhiều hơn sau khi Putin bước ra khỏi sân khấu chính trị. Song cách duy nhất mà Hoa Kỳ có thể làm được là hãy đứng ra làm gương, bằng cách tự mình làm đúng, làm tốt trước đã.


Bài phân tích của David Remnick  trên THE NEW YORKER 28/6/2021 

Nguyễn Minh Tâm  dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét