Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2021

Phía sau mệnh lệnh "thép" của Tổng thống Biden khiến Trung Quốc "nóng mặt" - Dân Trí

 

Tổng thống Joe Biden ngày 26/5 chỉ đạo các cơ quan tình báo Mỹ điều tra thêm về nguồn gốc của virus gây đại dịch Covid-19, bao gồm việc xác định virus xuất hiện ở Trung Quốc là do con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh hay do rò rỉ từ một phòng thí nghiệm.Theo Reuters, ông chủ Nhà Trắng yêu cầu các cơ quan tình báo Mỹ "tăng gấp đôi nỗ lực" để điều tra nguồn gốc Covid-19 và báo cáo chính phủ trong vòng 90 ngày. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết hiện vẫn chưa có kết luận cụ thể nào được đưa ra và cộng đồng tình báo vẫn chia rẽ giữa hai giả thuyết về nguồn gốc virus.
<!>

Giải thích cho việc kêu gọi điều tra thêm, chính quyền Biden nói rằng việc tìm hiểu tận cùng nguồn gốc của đại dịch Covid-19 sẽ giúp Mỹ và thế giới biết cách chuẩn bị ứng phó cho đại dịch có thể xảy ra trong tương lai.

Các câu hỏi về nguồn gốc của Covid-19 tập trung vào việc liệu virus bắt nguồn từ tự nhiên hay liệu có khả năng virus bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm - cụ thể là Viện Virus học Vũ Hán ở Trung Quốc hay không.

Tuyên bố của Tổng thống Biden gây chú ý vì không loại trừ khả năng virus có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm, bất chấp việc Bắc Kinh giận dữ bác bỏ giả thuyết này và gọi đây là nỗ lực của Washington nhằm phát tán thông tin sai lệch.

Tìm câu trả lời cho nguồn gốc virus

Điều gì phía sau động lực ngày càng tăng của Washington trong việc sẵn sàng xem xét lại giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm? Theo các nhà phân tích, một trong những yếu tố lý giải cho điều này là vì cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục để chứng minh virus thực sự bắt nguồn từ đâu.

"Hiện vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục để khẳng định virus bắt nguồn từ đâu. Thực tế là chúng ta vẫn chưa có đủ bằng chứng để khẳng định chuyện gì đã xảy ra trong phòng thí nghiệm", Giám đốc điều hành của Eurasia Group tại Mỹ, Jon Lieber, nói với Straits Times.

Động lực tìm hiểu về nguồn gốc đại dịch càng được thúc đẩy khi gần đây xuất hiện các báo cáo với bằng chứng cho thấy, giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm vẫn tồn tại.

Báo cáo chung do các nhà khoa học Trung Quốc và các chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố hồi tháng 3 sau chuyến đi tới Vũ Hán đã nhận định, giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm "cực kỳ khó xảy ra", trong khi giả thuyết virus lây truyền từ động vật sang người "rất có thể xảy ra".

Tuy nhiên, báo cáo này đã vấp phải sự chỉ trích - bao gồm từ Mỹ - vì cho rằng cuộc điều tra tại Vũ Hán không đủ độc lập và các chuyên gia của WHO bị hạn chế trong việc tiếp cận dữ liệu.

Ngày 14/5, tạp chí danh tiếng Science đã công bố bức thư của 18 nhà khoa học, chỉ trích cuộc điều tra chung giữa WHO và Trung Quốc vì không xem xét cân bằng cả hai giả thuyết, đồng thời kêu gọi một cuộc điều tra minh bạch và chặt chẽ hơn.

"Vẫn cần phải điều tra thêm để xác định nguồn gốc của đại dịch. Các giả thuyết về sự rò rỉ ngẫu nhiên từ phòng thí nghiệm và lây lan từ động vật đều tồn tại", bức thư nêu rõ.

Ngày 24/5, Wall Street Journal dẫn một báo cáo của tình báo Mỹ nói rằng, một số nhà nghiên cứu của Viện Virus học Vũ Hán đã phải nhập viện vào tháng 11/2019, không lâu trước khi Trung Quốc công bố các ca bệnh Covid-19 đầu tiên tại tâm dịch Vũ Hán.

"Đã có sự chú ý mới nhắm vào giả thuyết virus rò rỉ phòng thí nghiệm", Jeremy Youde, trưởng khoa nghệ thuật tự do tại Đại học Minnesota Duluth ở Mỹ, trích dẫn bức thư trên tạp chí Science cho biết.

Theo ông Youde, nhà nghiên cứu về chính trị y tế toàn cầu, mặc dù các bằng chứng để khẳng định virus bắt nguồn từ phòng thí nghiệm vẫn chưa rõ ràng, nhưng "việc bỏ qua giả thuyết này có thể sẽ khiến các đối thủ của chính quyền Mỹ cáo buộc rằng Tổng thống Biden và WHO đang cố gắng che giấu điều gì đó".

Tình hình nội bộ của Mỹ

Phía sau mệnh lệnh thép của Tổng thống Biden khiến Trung Quốc nóng mặt - 2

Nhấn để phóng to ảnh

An ninh được siết chặt tại Viện Virus học Vũ Hán khi nhóm chuyên gia của WHO tới thăm hồi tháng 2 (Ảnh: AFP).

Tình hình chính trị nội bộ tại Mỹ cũng tác động đến việc xem xét giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm, khi giả thuyết này bắt đầu xuất hiện trong nhiệm kỳ cuối của cựu Tổng thống Donald Trump. Khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát hồi đầu năm 2020, ông Trump đang trên đà chạy đua cho chiến dịch tái tranh cử vào Nhà Trắng.

Vào thời điểm đó, chính quyền Trump bị nghi ngờ dùng giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm để đánh lạc hướng dư luận khỏi những chỉ trích về việc xử lý dịch bệnh yếu kém, khiến Mỹ trở thành tâm dịch toàn cầu. Điều này khiến nhiều người không coi giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là vấn đề nghiêm trọng, thậm chí không tin vào giả thuyết này.

"Vấn đề (nguồn gốc virus) từng bị chính trị hóa mạnh mẽ. Chính quyền Trump đã sử dụng nó để tấn công Trung Quốc, do vậy những người phản đối chính quyền Trump, bao gồm cả nhiều người trong giới truyền thông, đương nhiên bác bỏ giả thuyết này", chuyên gia Lieber nhận định.

Nhưng bây giờ, theo ông Lieber, vấn đề này ít bị chính trị hóa hơn, khi các thành viên của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã "đoàn kết" hơn trong việc đối đầu với Trung Quốc.

"Ông Biden có thể "điểm mặt" Trung Quốc một cách tự tin hơn và tuyên bố rằng ít nhất nên có một cuộc điều tra về giả thuyết này", ông Lieber nói thêm.

Việc chính quyền Biden kêu gọi điều tra thêm về nguồn gốc Covid-19 cũng là một cách để kêu gọi chính phủ Trung Quốc phải "giải trình", trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn đang diễn ra.

"Nếu Trung Quốc không sẵn sàng thể hiện sự minh bạch hoặc cung cấp thông tin cho WHO, điều đó càng củng cố vị thế địa chính trị của Mỹ - cho thấy rằng Mỹ ủng hộ sự cởi mở và sẵn sàng tìm hiểu về gốc rễ đại dịch trong khi Trung Quốc vẫn mờ ám", ông Youde nhận định.

Theo ông Youde, việc Tổng thống Biden kêu gọi điều tra thêm về nguồn gốc Covid-19 cũng giúp khẳng định lại vai trò lãnh đạo của Mỹ đối với hệ thống y tế toàn cầu. Chính quyền Biden đã xác định rằng, việc tìm hiểu tận cùng về nguồn gốc đại dịch Covid-19 là một cách để chuẩn bị ứng phó cho đại dịch tiếp theo.

"Sau khi chính quyền Trump từ chối tham gia vào cộng đồng y tế toàn cầu, chính quyền Biden đã tìm cách đóng vai trò lãnh đạo tích cực hơn. Đây có thể là cách để chứng minh rằng lời nói của Mỹ đi đôi với hành động", ông Youde cho biết. Tháng 5/2020, ông Trump từng tuyên bố rút Mỹ khỏi WHO sau khi cáo buộc tổ chức này "thiên vị" Trung Quốc và chậm trễ đối phó đại dịch Covid-19. 

Chuyên gia Lieber cho rằng, việc chính quyền Biden thúc đẩy cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19 phần nào đó "giúp ích" cho lập trường chính trị của Mỹ nhằm chống lại Trung Quốc, nhưng quan trọng hơn, "Mỹ và thế giới cần biết câu trả lời" cho nguồn gốc đại dịch.

Theo giáo sư Lawrence Gostin tại Đại học Georgetown, Tổng thống Biden không khẳng định trước kết quả của cuộc điều tra, mà chỉ đơn giản kêu gọi một cuộc điều tra nghiêm ngặt với sự phối hợp cùng WHO. Điều này khác hoàn toàn với cựu Tổng thống Trump - người đã đưa ra kết luận về nguồn gốc của virus chủ yếu vì lý do chính trị.

"Chắc chắn vẫn có khía cạnh chính trị khi Tổng thống Biden khăng khăng yêu cầu xem xét chặt chẽ hơn phòng thí nghiệm Vũ Hán. Tuy nhiên, tôi xem tuyên bố của ông Biden như một lời kêu gọi rõ ràng và thuyết phục đối với cộng đồng quốc tế để điều tra nguồn gốc của Sars-CoV-2", Giáo sư Gostin cho biết.

Thành Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét