Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2021

Lại Ba Mươi Tháng Tư - Thiên Hương

Sáng nay trời lành lạnh âm u.

30 tháng 4 rồi. 46 năm đã trôi qua, có những ký ức buồn đã cố quên, đã tưởng quên nhưng lại vẫn ào ạt ùa về. Nhất là vào những ngày lạnh và âm u.
Cuối tháng 4 1975, tôi đang ở Sài gòn. Sài gòn những ngày cuối tháng tư rất căng thẳng. Một vài nhà trong xóm đã đóng cửa đi ra nước ngoài. Tiếng đạn pháo kích cả đêm. Dân thành phố, dân các tỉnh kéo về. Ai cũng nháo nhác. Thành phố bao trùm trong hơi thở bất an và lo sợ.

<!> 

Gia đình chị dâu tôi cũng chạy về từ Đà nẵng, bố mẹ tôi và hai ông anh, gia đình bà chị cũng vào từ Đà lạt và Nha trang. Sáng 30, trời cũng lành lạnh và âm u thế này, gia đình chị dâu tôi quyết định đi ra bến tàu ngoài Khánh hội. Cả gia đình chị chất lên chiếc traction. Anh em tôi cũng chạy ra ngoài cổng cư xá Đô thành để kiếm xe chạy ra bến tàu.
*
Dù đang thiết quân luật đường phố vẫn còn xe chạy. Không có bóng một chiếc xích lô, một chiếc taxi nào. Có một cậu bé chạy xe ba gác đi ngang, chúng tôi kéo lại. Hỏi cậu có chở ra bến tàu được không. Cậu bé gật đầu, mặt mũi ngơ ngác, không cười không nói. Ra đến bến tàu, còn bao nhiêu tiền mặt trút hết ra đưa cậu, khoảng 4, 5 chục ngàn gì đó. Cậu cũng vẫn một khuôn mặt thẫn thờ, không nói câu nào, lạnh tanh quay xe đi.
*
Bến tàu lúc đó cửa mở toang, không người gác, người ra đó cũng thưa thớt. Sát bến đậu 2 chiếc xà lan. Lần đầu tôi thấy tận mắt chiếc xà lan, chỉ như một chiếc sân khá rộng, có một khoang cho lái tàu chắc chỉ để vài người ngồi bên trong, nhưng lúc ấy trong khoang lái chẳng có một ai. Mặt xà lan phẳng bằng thép, không có mui, hoàn toàn hở, hai bên là hàng lan can thấp. Rất trống trải, rất lạnh lẽo. Trên xà lan đã có độ vài ba gia đình, thanh niên có, trẻ nhỏ có, người lớn tuổi cũng có, có cả những bà cụ rất già, ngồi co ro, che tấm ni lông trên đầu. Họ ngồi lặng lẽ, cam chịu. Tôi loay hoay với đôi dép gót cao, quần ống voi lòe xòe, đẩy chiếc valise và thật không biết ngồi thế nào, ngồi ra sao và ở đâu cả.
*
Trời bắt đầu mưa lất phất, gió sông bắt đầu mạnh và lành lạnh. Lơ ngơ đứng, tự dưng sợ và ngại ngần. Tàu không người lái thì sao đi, mà biết họ có đi không hay chỉ cứ nằm đấy. Người vào bến đã bớt thưa thớt còn rất trật tự. Lúc ấy trên trạm gác cách đó chừng vài mươi mét, người lính gác có lẽ thấy người vào nhiều, cầm chiếc súng bắn chỉ thiên một phát. Chỉ một phát thôi, nhưng ba vợ ông anh tôi kéo cả nhà ông rời tàu trở lên bến ... "về thôi các con, về nhà không chết chứ ở đây họ pháo vào là chết. Phi trường và bến cảng là điểm nhắm của đạn pháo lúc này đó. Đi về". Cả nhà bác ấy kéo về, ông anh tôi cũng đi theo gia đình vợ. Còn lại mấy anh em, thôi cũng đi về nốt.
*
Lúc đi ra, chiếc xe của anh tôi đậu lúc xuống tàu đã biến mất. Anh đứng ngẩn ngơ ngó quanh tìm, vừa lúc một thanh niên chạy chiếc xe của anh đi ngang qua, anh tôi vẫy lại..."Xe này của tôi", cậu ấy ngừng xe lại : "Ủa anh không đi hở, vậy trả cho anh, tôi lấy xe khác". Thế là cậu ấy buông xe lấy ngay chiếc xe gắn máy của một người vừa đậu xuống. Chúng tôi ra cổng, số người vào cảng bắt đầu đông. Vài người vừa đi vừa choàng áo lạnh, tay còn cầm chiếc radio nhỏ.
*
Tất cả mười mấy người dồn lên chiếc traction chạy về nhà. Về bật máy và nghe tin Tướng Dương Văn Minh đã đầu hàng. Mấy anh em muốn trở lại bến tàu nhưng ba vợ của ông anh tôi can lại. Trời bắt đầu đổ mưa, mưa mỗi lúc lại lớn dần, hơn mười giờ sáng mà bầu trời tối sầm. Tất cả nhìn nhau, không ai nói gì, chỉ có những nỗi lo sợ đang dâng đầy trên mắt. Khoảng ba giờ chiều, mấy ông anh tôi trở ra cảng xem tình hình thế nào, hai chiếc xà lan đã kéo đi. Bến cảng vắng lạnh người, mưa chiều lạnh và hiu hắt.
*
Bây giờ nghĩ lại nếu ngày ấy, cứ ngồi lì trên xà lan thì cuộc đời đã khác đi nhiều. Ở lại, sống qua thời bao cấp, thấy những thay đổi đến rợn người, thấy vòng quay của số mệnh, thấy sự nổi trôi của biết bao con người. Ở lại, để một thời gian tìm cách vượt biên hoài không lọt. Ngày 30 tháng tư 1975 ngồi tàu lớn không chịu lại còn sợ mưa, sợ lạnh. Hơn chục năm kế tiếp, chạy tới chạy lui, chịu bao lo sợ, vất vả cốt leo lên một chiếc thuyền con, còn chưa thấy để leo. Sau mấy năm chạy lui chạy tới, đến lúc mất hết cả tiền bạc mới còm cõi làm thân cò lặn lội ra chợ trời bán thuốc, đợi giấy tờ ông anh tôi gửi về bảo lãnh.
*
Cuộc sống không ai đoán trước được điều gì, có những cơ hội đã đi qua là qua luôn. Cũng có những cơ may, có cơ duyên, có phúc từ cha mẹ, được trời thương ban tặng. Hơn mười năm ở lại thời bao cấp cũng là thời gian luyện thép, nếu không qua mười mấy năm đó chắc tôi và nhiều người khác sẽ không có được như bây giờ.
*
Ngày 30 tháng tư năm ấy, chỉ vài hạt mưa, vài cơn gió đã xìu như cọng bún mà buông trôi cơ hội. Sau mười mấy năm đã tôi luyện thành thép, qua Úc bắt đầu từ con số 0, cứ hướng lên đỉnh núi mà leo, mà bò, mà cắm đầu học, mà cắm đầu làm. Mưa gió bão bùng, vừa đi học, vừa đi làm, vừa chăm con cái rồi cũng xong. Đã trải qua những ngày tháng quá cực, quá căng thẳng, quá sợ hãi, đã quen với thức khuya dậy sớm, nên khi đến xứ lạ, chỉ hướng tương lai mà dấn bước. Có lẽ không phải mình tôi như vậy, mà tất cả những người di dân đến từ các nước thứ ba đều như thế. Từ từ, mới nhận thức và áp dụng được mấy chữ take it easy... Thép đã tôi là thế đấy...
*
Mấy mươi năm đã đi qua, có những chuyện muốn quên nhưng vẫn mãi nhớ. Mà dễ gì quên được, ký ức là một phần của tài sản để thỉnh thoảng chúng lại trở về, nhất là trong những ngày thiếu nắng âm u... Nhớ lại để trân quí cuộc sống nhiều hơn và để mang ơn Trời Phật nhiều hơn. Nhớ lại để trân trọng những con người đã trải qua những trầm luân của thời thế, để tôn trọng những con người âm thầm chịu đựng, âm thầm hi sinh, để khâm phục những ý chí, nỗ lực tiến đến tương lai tươi sáng dù ở đâu đi nữa.
*
Tháng tư rồi, những chiếc lá vàng đỏ đang rụng và những hàng cây sẽ lại rất trống trải, để một tháng tư lại qua, và để sang năm tháng tư lại trở về cho những ký ức lại cựa mình sống lại....
*
Dễ gì quên, ừ dễ gì quên....

Thiên Hương
30 tháng 4 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét