Ngoài văn thơ thi từ ca phú ra, trong Văn Học Cổ còn có CÂU ĐỐI mà chữ Nho gọi là ĐỐI LIỄN 對聯. Câu đối chẳng những mang đầy đủ hình thức văn học thi ca như âm luật, vần điệu, điển tích, thành ngữ... ra, còn là một trò chơi tao nhã thú vị và mang đầy tính thách thức trí tuệ và sự nhanh nhạy giữa các văn nhân với nhau. Bỏ qua hết những luật lệ và sự diễn tiến hình thành của câu đối, trong phạm vi bài nầy ta chỉ kể nhau nghe về những giai thoại và xuất xứ của những câu đối hay ho lý thú trong văn học cổ từ xưa đến nay để tiêu khiển trong lúc trà dư tửu hậu mà thôi !
Để mở đầu cho đề tài hấp dẫn và lý thú nầy, trước tiên xin mời nghe giai thoại về câu đối của vua Càn Long đời Thanh sau đây.
Như ta đã biết, Càn Long 乾隆 là niên hiệu của Thanh Cao Tông 清高宗 Ái Tân Giác La-Hoằng Lịch 愛新覺羅·弘歷, là ông vua thứ tư mạnh nhất trong Thanh sơ Tam Đế, và cũng là ông vua sống thọ nhất, trị vì lâu nhất trong lịch sử Trung Hoa. Ông ở ngôi 60 năm, sau khi nhường ngôi rồi còn nhiếp chính thêm 3 năm nữa, vị chi cầm quyền đến 63 năm và sống thọ đến 89 tuổi. Tương truyền...
Khi Càn Long du giang nam, lúc dạo chơi ở Tây Hồ, khi đến viếng Linh Ẩn Tự nhà vua gặp một ông lão đi cúng chùa thọ đến 141 tuổi, nhưng vẫn còn minh mẫn đi lại như thường. Vua bèn làm một đôi câu đối tặng cho ông lão như sau :
花甲重開,外加三七歲月;Hoa giáp trùng khai, ngoại gia tam thất tuế nguyệt;
古稀雙慶,內多一個春秋。Cổ hi song khánh, nội đa nhất cá xuân thu.
Chú thích :
- Một HOA GIÁP là 60 năm, nên HOA GIÁP TRÙNG KHAI 花甲重開 là Hoa giáp mở ra 2 vòng, 60 x 2 là 120 năm. NGOẠI GIA 外加 là Ngoài ra còn thêm, TAM THẤT TUẾ NGUYỆT 三七歲月 là ba(3) bảy(7) tháng năm. 3 lần 7 là 21 năm. Tổng cộng : 120 + 21 = 141 năm.
- CỔ HI là 70 tuổi, CỔ HI SONG KHÁNH 古稀雙慶 là 2 lần mừng tuổi cổ lai hi là 70x2 =140 năm. NỘI ĐA 內多 Bên trong còn thêm, NHẤT CÁ XUÂN THU 一個春秋 là 1 cái xuân thu tức là 1 năm nữa. Tổng cộng 140 + 1 = 141 năm.
Câu đối trên có nghĩa :
- Hoa Giáp hai vòng, ngoài thêm tháng năm ba bảy;
- Cổ Hi hai lượt, trong còn xuân hạ một lần.
Hai vế đối đều xoay quanh các con số đưa đến số tuổi thọ của ông lão là 141 tuổi. Đây chỉ là một cách chơi chữ bằng các con số của nhà vua mà thôi.
Vua Càn Long qua họa hình và tạo hình trong điện ảnh.
Một lần khác, Càn Long hoàng đế lại cải trang làm dân thường, cùng với tùy thần là Trương Ngọc Thơ cùng đi uống rượu ở một thanh lâu. Đang khi tửu hứng, nhà vua bèn chỉ vào một ca nhi họ Nghê đọc câu :
妙人兒倪氏少女; Diệu nhân nhi Nghê thị thiếu nữ;
Có nghĩa :
Con người tuyệt diệu là thiếu nữ họ Nghê.
Cái lắc léo của câu nói nghe ra rất bình thường nầy là : Chữ NHÂN 亻và chữ NHI 兒 ghép lại thành chữ NGHÊ 倪; còn chữ THIẾU 少 và chữ NỮ 女 ghép lại thành chữ DIỆU 妙.
Trong một lúc, Trương Ngọc Thơ không biết phải đối lại như thế nào. Thời may có một ca nhi khác đứng cạnh nghe thấy, bèn đối là :
大言者諸葛一人。 Đại ngôn giả Gia Cát nhất nhân.
Có nghĩa :
Người nói lớn tiếng chỉ mình ông Gia Cát.
Vế đối lại thật tài tình : Chữ NGÔN 言 và chữ GIẢ 者 ghép lại thành chữ GIA 諸; còn chữ NHẤT 一 chồng lên lên trên chữ NHÂN 人 thì thành chữ ĐẠI 大.
Vua Càn Long khen hay, bảo Trương Ngọc Thơ thưởng cho nàng ta ba chung rượu. Trương Ngọc Thơ cầm bình lên rót, nào ngờ rượu trong bình đã hết, chỉ nhễu ra mấy giọt. Nàng ca nhi cười nói với nhà vua :
永凉酒,一點两點三點, Vĩnh Lương tửu, nhất điểm nhị điểm tam điểm;
Có nghĩa :
Rượu Vĩnh Lương, một nhễu, hai nhễu, ba nhễu;
Chữ ĐIỂM 點 vừa có nghĩa là một Chấm, vừa có nghĩa là một giọt, một nhễu nước, trà, hay rựơu...mà chữ VĨNH 永 có một chấm ở trên đầu, chữ LƯƠNG 凉 có 2 chấm bên trái, chữ TỬU 酒 có 3 chấm bên trái.
Vua Càn Long trong một lúc không nghĩ ra được câu gì để đối lại, còn đang ngỡ ngàng, thời may có người bán hoa đi vào, cận thần Trương Ngọc Thơ trông thấy các loại hoa, bèn nhanh trí đáp rằng :
丁香花百頭千頭萬頭。 Đinh Hương hoa, bách đầu thiên đầu vạn đầu.
Có nghĩa :
Hoa Đinh Hương, trăm đầu ngàn đầu vạn đầu.
Đinh Hương là loại hoa nhỏ, một chùm có rất nhiều đầu hoa. Chữ trăm, ngàn, vạn là phiếm chỉ có rất nhiều rất nhiều đầu hoa mà thôi. Nhưng hay ở chỗ chữ BÁCH 百 có đầu là một gạch ngang 一 giống như chữ ĐINH 丁. Chữ THIÊN 千 có đầu giống như là chữ HƯƠNG 香, chữ VẠN 萬 có thảo đầu 艹 giống như là chữ HOA 花.
Câu đối trên là lối chơi chữ bằng cách nhận định tự dạng, những phần giống nhau trong một chữ. Lối nầy chỉ thích hợp với những người thật giỏi chữ Nho mà thôi ! Sau đây lại là một lối chơi chữ khác nữa của nhà vua...
Trong thành Bắc Kinh lúc bấy giờ có một tửu lâu tên là "THIÊN NHIÊN CƯ 天然居". Có nghĩa là : Cư trú trong thiên nhiên. Một hôm, Càn Long lại vi phục xuất tuần, khi đi ngang qua tửu lâu nầy, nhà vua đã nổi hứng ra một vế đối như sau :
客上天然居,居然天上客; Khách thượng thiên nhiên cư, cư nhiên thiên thượng khách;
Có nghĩa :
- Khách lên trên tửu lầu Thiên Nhiên Cư, thì Đương nhiên là khách qúy ở trên trời.
Cái khó của câu đối nầy là 5 chữ sau theo thứ tự ngược lại với 5 chữ trước. Nhưng ý nghĩa lại hoàn toàn khác nhau, như chữ THƯỢNG phía trước là Động Từ có nghĩa là "Đi Lên" (còn được đọc là THƯỚNG), chữ THƯỢNG phía sau là Hình Dung Từ, nên THƯỢNG KHÁCH 上客 có nghĩa là "Khách Quý", nếu đọc liền ba chữ THIÊN THƯỢNG KHÁCH thì có nghĩa là "Khách ở trên trời"; còn CƯ NHIÊN 居然 có nghĩa là "Hiễn nhiên, đương nhiên"... Nên khi viết xong vế trên rồi, thì nhà vua nghĩ mãi cũng không ra được vế đối lại cho hay, bèn đọc cho triều thần nghe và ra lệnh cho mọi người đối lại. Khi các quan còn đang loay hoay tìm câu đối thì
Thừa Tướng Kỹ Hiểu Lam 紀曉嵐 đã đối lại rằng :
僧遊雲隱寺,寺隱雲遊僧。Tăng du Vân Ẩn Tự, Tự ẩn vân di tăng.
Có nghĩa :
- Nhà sư dạo chơi Vân Ẩn Tự, Mái chùa che khuất nhà sư vân du.
Chữ DU 遊 phía trước là Động từ, có nghĩa là Đi dạo chơi; chữ DU phía sau đi với chữ VÂN thành VÂN DU 雲遊 là trôi nổi như đám mây vô định, nên VÂN DU TĂNG 雲遊僧 thì VÂN DU là Hình Dung Từ bổ nghĩa cho chữ TĂNG, chỉ Nhà sư đi giảng đạo trôi nổi khắp nơi vô định, như sư Giác Duyên trong Truyện Kiều, khi Thuý Kiều lập am xong cho người đi tìm sư thì mới biết :
Sư đà hái thuốc phương xa,
Mây bay hạc lánh biết là tìm đâu ?
Vế đối lại quá hay, nên các quan và nhà vua đều tán thưởng. Chuyện câu đối của ông vua trường thọ nầy còn dài dài, sẽ kể tiếp ở những phần sau... Để tạm kết thúc bài viết nầy, xin mời nghe một câu đối rất lý thú cũng của một nhân sĩ đời Thanh.
Lý Văn Phủ 李文甫 từ nhỏ đã nổi tiếng là thần đồng. Một hôm theo thầy đi dạo. Thầy chỉ ngọn núi xanh xa xa phía trên đĩnh có tuyết phủ trắng xóa đọc :
Thanh sơn nguyên bất lão, vị tuyết bạch đầu. 青山原不老,為雪白頭。
Có nghĩa :
- Núi xanh vốn chẳng già, vì tuyết phủ mà đầu bac.
Phủ ngẫm nghĩ giây lâu, nhìn hồ nước trước mắt đọc vế đối lại là :
Lục thủy bổn vô ưu, nhân phong trứu diên. 綠水本無憂,因風皺面;
Có nghĩa :
- Nước biếc vốn chẳng ưu tư, bởi gió thổi nên nhăn mặt.
Câu đối nầy hay ở chỗ nói lên được vì tác động ngoại lai mà làm cho bản chất thay đổi. Nước bản thân không có phiền muộn gì cả, mặt nước nhăn vì bị gió thổi chớ không phải tại buồn lo; cũng như núi xanh bị tuyết phủ nên đầu trắng xóa, chớ không phải vì già mà đầu bạc. Câu đối nầy khác nghĩa hoàn toàn với 2 câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan trong bài thơ "THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ":
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
"Trơ gan cùng tuế nguyêt" là đương đầu chịu đựng với thời gian...
"Cau mặt với tang thương" là cảm thán xúc động trước sự tang thương biến đổi, mặc dù nước là vật vô tri...
Cảm khái trước câu đối trên, người đời sau đã thêm vào mỗi vế đối một ý như sau đây :
綠水本無憂,因風皺面, 風止水猶綠;
Lục thủy bổn vô ưu, nhân phong trứu diện, phong chỉ thủy do lục;
青山原不老,為雪白頭, 雪化山更青。
Thanh sơn nguyên bất lão, vị tuyết bạch đầu, tuyết hoá sơn cánh thanh.
Có nghĩa :
- Nước biếc vốn không lo, vì gió mà nhăn mặt, gió ngừng nước vẫn biếc;
- Núi xanh vốn chẳng già, vì tuyết mà đầu bạc, tuyết tan núi càng xanh.
"Tuyết tan núi càng xanh" Núi càng xanh càng như trẻ lại hơn, chớ thời gian qua đi rồi thì con người sẽ không bao giờ trẻ lại được nữa !
Hẹn bài viết tới :
NHỮNG CÂU ĐỐI THÚ VỊ (2)
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét