ANAHEIM, California (NV) – Tất cả đề tài Bé Ký vẽ, đều gần gũi với quê hương Việt Nam. Từ cuộc gặp gỡ đầu tiên với Hồ Thành Đức, họ nên duyên vợ chồng. Tại Sài Gòn, một buổi chiều năm 1965, họa sĩ Hồ Thành Đức mở cuộc triển lãm đầu tiên. Buổi chiều, bên ngoài phòng tranh, nắng bắt đầu dịu dần, phòng triển lãm vắng khách. Hồ Thành Đức lơ đãng đi dạo quanh phòng, thì cánh cửa chợt mở, một người con gái bước vào. Nàng ăn mặc rất giản dị, nếu không nói là quê mùa, tóc kẹp buông thả dài sau lưng. Nàng đến xem từng bức tranh treo trên tường.
Nên duyên
Mới nhìn người con gái, Đức thấy lạ, nhưng khi nàng dừng lại ngắm từng bức tranh, anh mới chợt nhớ ra, khuôn mặt nàng là một hình ảnh quen thuộc anh thường thấy trên các báo, kể cả những tờ báo ngoại quốc. Ô! Anh nhớ ra rồi. Đó là họa sĩ “đường phố” Bé Ký. Bé Ký đã nổi tiếng qua các bài giới thiệu qua nét vẽ đặt biệt của cô.
Đức khấp khởi vui trong lòng, nhưng anh cũng cố làm mặt tỉnh.
Đức đến gần cô gái, như người chủ phòng tranh đến giới thiệu tranh mình đến với khách thưởng ngoạn. Anh vừa định lên tiếng thì cô gái đã nói trước:
-Anh là họa sĩ Hồ Thành Đức? Phòng tranh có vẻ vắng quá há?
Đức nói như muốn thanh minh, về sự thành công của cuộc triển lãm này:
-Thưa cô! Không đâu cô, buổi sáng và trưa nay khách đến xem tranh rất đông. Tôi đã bán được một số tranh khá nhiều. Bây giờ là buổi chiều nên hơi vắng.
Anh cố làm ra vẻ bằng lòng với câu trả lời của mình. Nói xong anh nở một nụ cười thật tươi, nhưng cô gái vẫn im lặng không đáp lễ. Cái im lặng của cô gái ghi nhận một sự đứng đắn, nhưng không lạnh lùng. Cô nhìn quanh phòng tranh và tiếp tục chăm chú xem từng bức tranh.
Nữ họa sĩ Bé Ký bên tác phẩm. (Hình: Gia đình cung cấp)
Anh tỏ vẻ thân mật, muốn mời cô gái ký vào tập ghi chữ ký lưu niệm của khách, thì bỗng nhiên cô gái hỏi:
-Anh có biết tôi là ai không?
Dù biết đây là Bé Ký, nhưng Hồ Thành Đức vẫn cố giấu. Anh trả lời:
-Thưa cô! Thật lấy làm tiếc, xin lỗi cô là ai?
Cô gái sửa lại mái tóc, nhìn anh cười:
-Tôi là Bé Ký.
Đức xuýt xoa, nói như một sự xin lỗi vì sự không quen biết này:
-A, thế ra cô là Bé Ký, họa sĩ đường phố. Thế là chúng ta cùng một nghề, nghề cầm cọ.
Trả lời xong, Đức thấy lòng mình yên ả, nhẹ nhàng. Một tình cảm ùa vào tâm hồn anh, như một luồng gió mát len vào căn phòng trưng bày, chỉ có hai người.
Anh hỏi tiếp người con gái xưng mình là Bé Ký:
-Hôm nay cô không ra Catinat, Lê Lợi để vẽ tranh à?
Cô gái cười hiền hậu. Rồi cô nói như một tâm sự:
-Không anh ạ, mấy hôm nay tôi không ở Sài Gòn. Tôi ở Ban Mê Thuột mới về, về cốt để xem phòng tranh của anh đó.
Hồ Thành Đức reo vui trong bụng. Bé Ký đã là một họa sĩ nổi tiếng, có thể tên tuổi của nàng nổi trội hơn anh bây giờ. Dù anh đã học Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, rồi Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn, nhưng đây là lần đầu tiên anh triển lãm, trong lúc đó, Bé Ký đã có cuộc triển lãm đầu tiên từ năm 1957 và sau đó đã có triển lãm nhiều lần nữa.
Từ cuộc gặp gỡ đầu tiên, như có một sợi dây vô hình, như là định mệnh, đã gắn kết tình yêu của hai người lại với nhau, dù trước đó, Đức đã có bạn gái, nhưng anh cũng cho qua, để đến với Bé Ký, như một tình yêu đầu đời, với sự trong sáng, giản dị, chân thành của Bé Ký. Sau khi tìm hiểu nhau, cả hai biết cùng đồng cảnh ngộ, đều là trẻ mồ côi.
Và lễ cưới diễn ra. Họ nhà trai không có ai, họ nhà gái cũng vậy. Khách mời toàn là bạn bè từ các bạn văn nghệ, các họa sĩ thân quen, đến các bạn là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, cùng đồng hương Quảng Nam Đà Nẵng…
Đám cưới thế mà vui, rôm rả tiếng cười nói, của đám bạn trẻ. Và lời chúc tụng hai người hãy sống với nhau đến đầu bạc răng long.
Và đúng như vậy, từ 1965 đến nay 2021, đúng là 56 năm, một cuộc tình dài lâu, dù trải qua nhiều biến đổi của đất nước, có vượt biên, có tù tội… Nhưng cuối cùng gia đình Hồ Thành Đức-Bé Ký vẫn qua được bến bờ tự do, đã định cư tại Midway City, California, Hoa Kỳ, từ năm 1989 đến nay.
Họa sĩ Bé Ký (phải) và Hồ Thành Đức. (Hình: Gia đình cung cấp)
“Biết”
Tôi “biết” tên Bé Ký từ những ngày còn nhỏ, khi đọc trên tờ Thế Giới Tự Do ở thư viện quận lỵ nơi tôi ở. Tờ Thế Giới Tự Do in đẹp, giấy láng tốt. Tờ báo giới thiệu Bé Ký một cách trang trọng, dành hai, ba trang gì đó.
Với sự ăn mặc giản dị, Bé Ký đi trên đường phố Sài Gòn, vẽ tranh và bán cho khách qua đường. Tôi chỉ biết về Bé Ký như vậy, nhưng qua xem tranh của chị trên tờ Thế Giới Tự Do, tôi rất thích vì tất cả đề tài chị vẽ, đều gần gũi với quê hương Việt Nam, như “Mẹ và Con, “Chọi Gà,” “Mẹ Chải Tóc Cho Con,” “Giã Biệt,” “Che Dù,” “Đi Chợ Mua Bông Sen”…
Với Hồ Thành Đức thì tôi cũng chỉ nghe tên anh trong những bản tin hội họa trên các báo. Nổi đình nổi đám nhất là lúc Hồ Thành Đức làm chủ tịch Hội Họa Sĩ Trẻ (trước 1975).
Ở Mỹ, khoảng những năm 2001, 2003, tôi phụ trách tờ Đặc San Quảng Nam Đà Nẵng, Hồ Thành Đức năm nào cũng sốt sắng đóng góp bài vở, anh không có cái kiêu hãnh của người đã nổi tiếng, là người họa sĩ đã thành danh.
Rồi những ngày sau, là ngồi cà phê. Cách đây khoảng hơn 15 năm, Hồ Thành Đức thường đến cà phê F. Anh đến một mình, đi xe buýt nhiều chặng để đến, khi về, có anh em nào rảnh, cùng đường, thì cho anh quá giang về. Còn không, anh đón xe buýt về.
Ngồi với Hồ Thành Đức, nghe anh nói chuyện, cũng là một niềm vui. Nói về anh, về Bé Ký, hay những quen biết thơ văn với các tác giả khác. Anh nói thao thao bất tuyệt, có những giai thoại rất hay về các tác giả khác, như về Bùi Giáng, về Nguyễn Đức Sơn. Anh mê thơ Bùi Giáng nên anh thuộc nhiều thơ Bùi Giáng. Hồ Thành Đức có một trí nhớ rất tốt là thuộc lòng nhiều thơ của các tác giả mà anh thích.
Sau đó, Hồ Thành Đức có thực hiện một tuyển tập tranh, lấy tên là “Ngựa Trắng Đi Khuya,” anh bỏ công hàng năm trời để “thực hiện cho bạn bè văn nghệ” tập này. Mỗi nhà thơ, nhạc sĩ, anh lấy một số đoạn thơ, hay một lời nhạc anh thích, rồi ghép với tranh của mình, để thành tuyển tập.
Sau khi thực hiện xong, anh muốn in tập này trong nước, nhưng qua “gọng kìm kiểm duyệt” trong nước, sách không được cho in. Sau đó anh chọn lọc lại, và in ở hải ngoại.
Một tác phẩm của họa sĩ Bé Ký. (Hình: Gia đình cung cấp)
Tôi được anh biếu một cuốn, trong sách được anh dành cho một trang, với bức họa của anh có tên là “Đá Đam Mê” với hai đoạn thơ trong bài thơ “Uyên Ương” của tôi:
“Em hương nhụy hồng hoa ta hãy hái
Chùm môi thơm từng cánh rã trên tay
Lòng hoang tưởng mùa thu em thức dậy
Bàn tay mềm cho tình ái mê say
Ta hát khúc uyên ương trên đồi cọ
Giữa mùa thu trùng điệp ánh sao rừng
Lòng đã mở tan hoang bài ca cũ
Khúc tình tang trùng khuất giữa mùa xuân”
Lần đầu tiên tôi đến nhà Hồ Thành Đức để mượn anh một số tranh nhân ngày họp mặt đoàn tụ của các cựu học sinh liên trường Quảng Nam Đà Nẵng sắp tổ chức, tôi mới diện kiến họa sĩ Bé Ký. Dáng chị nhỏ con, gương mặt hiền lành. Thấy tôi đến chị ra chào hỏi vui vẻ. Giọng nói Bé Ký toát ra vẻ chơn chất của người đàn bà thực thà. Chị nói chuyện khoảng 5 phút là chị trở vào phòng, để tôi nói chuyện với chồng. Anh Đức đã dẫn tôi đi xem phòng tranh của anh và Bé Ký. Căn phòng khách chứa đầy tranh.
Sau đó, tôi đến nhà thăm và xem tranh Hồ Thành Đức và Bé Ký nhiều lần. Mỗi lần đến chị Bé Ký đều ra tiếp, vẫn với nụ cười hồn hậu, với khuôn mặt hiền lành, chị cũng chỉ hỏi thăm vài ba câu rồi rút vào trong phòng. Hình ảnh Bé Ký tôi chỉ nhận được có thế.
Khoảng hai, ba năm gần đây, Hồ Thành Đức không đi uống cà phê nữa. Nghe nói vì tuổi già nên anh yếu sức, lại có bệnh Alzheimer nên không đón xe buýt được nữa. Về Bé Ký, nghe nói chị cũng yếu, và cũng bị Alzheimer.
Cho đến vào chiều Thứ Tư, 12 Tháng Năm, 2021 vừa qua, họa sĩ Bé Ký qua đời tại nhà, ở thành phố Midway City, hưởng thọ 83 tuổi.
Trong lời với phóng viên báo Người Việt, anh Hồ Thành Cung, con trai của anh chị, kể: “Mẹ mất vào khoảng 2 giờ đến 6 giờ chiều. Tôi về nhà thì thấy bà mất trong lúc ngủ và đang nắm tay ba.”
Chỉ từng đó chữ, mà cảm động biết bao nhiêu, khi Bé Ký ngủ và “đi” luôn, trong lúc còn nắm tay chồng.
Xúc động thay với tình yêu gắn bó của cặp vợ chồng cầm cọ này!
(Trần Yên Hòa) [qd]
(từ: nguoi-viet.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét