Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 4 tháng 5, 2021

Bản Án Tử Hình - Khôi An

Mắt tôi mờ đi, tờ giấy nhòe ra.
Hàng chữ run lên, uốn éo như con rắn độc. Nó phóng tới, mổ vào giữa tim tôi. “Xử phạt: Trần Văn Bé - Tử hình.” Giọng nói run rẩy của tôi vang lên như âm thanh từ một cơn ác mộng, “Má nhận tin này hồi nào?” Mẹ chồng tôi còn mếu máo thì cô em chồng nghẹn ngào đỡ lời, “Từ tháng Năm, nhưng Má chưa dám nói với chị…” Mẹ chồng tôi chùi nước mắt, phân trần, “Má tính đi kiếm cho ra mộ chồng con rồi mới nói cho con biết. Bởi vậy, hổm rày con đòi đi kiếm chồng, Má biểu để Má kiếm cho. Má sợ con chịu không nổi khi đối mặt với tụi công an… Con ơi, bữa đưa tin tụi nó làm dữ lắm! Công an phường, công an quận, công an thành phố kéo lại cả bầy. Tụi nó đưa ra tờ giấy này ra, biểu Má ký nhận. 
<!>
Lúc đầu Má không chịu ký, vì Má nghĩ ký nghĩa là chấp nhận rằng thằng Hai đáng bị xử tử. Tụi nó hăm dọa Má, nhắc tới thằng Ba còn đang bị tù ngoài Bắc. Má sợ tụi nó đem thằng Ba ra bắn luôn nên phải cắn răng ký tên lãnh án tử hình của con mình. Má đứt từng khúc ruột, con ơi…” Mẹ chồng tôi nghẹn lời, bà khóc nức nở.
Thế là hết!

Anh Bé đi tù tháng 6 năm 1975, sau đó tôi chỉ nhận được ba lá thư của anh. Lá cuối cùng đề tháng 2, 1976, gởi từ trại Suối Máu, Biên Hòa. Sau đó, anh bặt tin. Tôi chờ đợi mòn mỏi, lên xuống trạm công an cả chục lần, hỏi gì họ cũng trả lời không biết. Cuối cùng, tôi nhất quyết làm đơn khiếu nại.

Lúc đó, tôi và sáu đứa con - đứa lớn nhất mười một tuổi, đứa nhỏ nhất mới lên hai - đang nương náu trong một mảnh vườn hẻo lánh tại Mỹ Tho. Vì vậy, tôi dùng nhờ địa chỉ nhà Mẹ chồng ở Sài Gòn. Cả chục lá đơn gởi tới trại tù Suối Máu đều như biến vào khoảng không, chẳng còn một chút tăm hơi.

Trại tù không trả lời thì tôi hỏi cấp trên; tôi mày mò kiếm địa chỉ của hai “Tòa Án Nhân Dân” ở Sài Gòn và Hà Nội rồi gởi đơn tới cả hai nơi đó. Thời miền Nam vừa mất, cây củi cũng mắc, mua một con tem là thâm vào tiền mua gạo cho các con, nhưng tôi vẫn cắn răng bớt miệng con để gởi đi mấy chục lá đơn, từ tháng này qua tháng khác. Cuối cùng, nhà cầm quyền Cộng Sản cũng phải trả lời. Ngày 10 tháng Năm, 1977, họ gởi thư về nhà Mẹ chồng tôi. Để xác nhận rằng: họ đã giết chồng tôi.

Cô em chồng đưa tay đỡ vai tôi cho tôi khỏi gục xuống. Sáu đứa con sợ hãi chạy lại vây quanh, tôi chỉ nói được mấy tiếng “Ba chết rồi!” rồi khóc ngất. Lũ trẻ thấy vậy cũng khóc òa lên, thằng lớn nhất ôm lấy con em kế, bệu bạo nói “Vậy là Ba không về nữa!” Sau vài ngày ở nhà Mẹ chồng, tôi lại phải gượng đứng lên, dắt đám con về căn chòi trống huơ, trống hoác, nóc dột, tường xiêu ở Mỹ Tho.

Mẹ chồng tôi sợ tôi chết thì bà sẽ không nuôi nổi bầy cháu, còn cha mẹ ruột thì lo tôi sẽ phát điên. Tuy vậy, Mẹ chồng tôi không đủ sức cưu mang bảy mẹ con tôi và cha mẹ tôi cũng chỉ dám ghé thăm vài ngày rồi đi về. Thời đó, mỗi tuần người dân đều phải đi họp tổ dân phố để công an điểm danh, ai đi đâu cũng phải xin phép, vì thế không người nào dám đi lâu, sợ công an kiếm cớ làm khó dễ.

Ngày mẹ chồng tôi làm lễ phát tang anh Bé ở Sài Gòn, tôi chỉ đủ tiền mua ba tấm vé xe cho thằng con trai lớn nhất, đứa con gái út, và tôi. Họ hàng phần vì không có tiền đi xa, phần vì sợ liên lụy với “tử tù” nên không ai dám tới. Ngoài ba mẹ con tôi, đám tang chỉ có mẹ chồng và hai cô em ruột của anh. Sau ngày giao bản án tử hình, công an khu vực dòm ngó nhà chồng tôi như chồn cáo rình chuồng gà; vì thế, ngay cả trên bàn thờ của anh chúng tôi cũng không dám chưng bày nhiều.

Di ảnh của anh đứng sau dĩa trái cây lỏng chỏng, một bát nhang hiu hắt và hai cây đèn cầy leo lét. Trước bàn thờ, bốn người đàn bà đầu tóc rũ rượi quỳ bên hai đứa nhỏ xanh xao, ngơ ngác. Chỉ có tiếng nhà sư đọc kinh nho nhỏ, còn chúng tôi phải kềm tiếng khóc trong lồng ngực, nuốt ngược nỗi đau vào lòng. Anh Bé sống ở khu xóm đó từ nhỏ, ai cũng biết và thương mến anh, cho nên bà con lối xóm kéo đến rất đông, nhưng không ai dám bước vô nhà. Họ giả làm kẻ tò mò đứng trước cửa, nhưng suốt buổi lễ họ lén dùng tay áo quẹt nước mắt, và nhìn chúng tôi bằng những cặp mắt đỏ hoe, ứa tràn thương xót.

Tôi quỳ ở đó, dật dờ nửa mê, nửa tỉnh.
Những hình ảnh cuối của anh trở về trong đầu tôi.
Chiều 30 tháng 4, 1975, anh lái xe Jeep đến nhà cha mẹ tôi ở thành phố Mỹ Tho, nơi tôi đem sáu đứa con thơ từ khu cư xá sĩ quan ở Bình Dương về nương nhờ trong cơn hỗn loạn. Tóc anh rối bời, mặt anh bơ phờ, nhưng anh vẫn mặc quân phục trên người. Anh ôm hôn từng đứa con, rồi nói với Ba tôi, “Ba cho con gởi vợ con của con.”

Ba tôi đã nghẹn ngào hứa, “Con đừng lo, vợ con của con ở đây với Ba Má, rau cháo có nhau. Con đi đâu cũng vậy, khi con trở về đây, vợ con của con sẽ còn đầy đủ.” Trước mặt Ba Má tôi, anh ngại ngùng không ôm tôi lần cuối. Anh chỉ xiết tay tôi, dặn dò tôi giữ gìn sức khỏe và cố lo cho các con. Tôi quá bàng hoàng, lo sợ nên chỉ biết nghẹn ngào nhắc anh hết sức giữ gìn tánh mạng. Anh lưu luyến thêm một lát rồi quay đi.

Tôi đứng chết lặng ở bậc cửa.
Anh leo lên xe, rồ máy. Xe chuyển bánh. Chạy đi. Xa dần. Rồi mất hút.
Tôi cảm thấy một phần thân thể mình vừa bị chặt lìa ra…

Sau này tôi mới biết anh đã lái xe về nhà mẹ ruột ở Sài gòn và trốn ở đây cho tới ngày đi trình diện “học tập cải tạo”. Mới hai năm qua mà tôi đã mất anh, con tôi đã mất cha. Người ta giết anh vì tội “trốn trại cải tạo nhằm mục đích phản Cách Mạng.” Độc ác hơn nữa là họ không thông báo gì cho thân nhân. Mạng sống của anh, của những người tù, và nỗi đau của gia đình họ, đối với người cầm quyền không có ý nghĩa gì!

Mãi hơn một năm sau từ ngày bắn anh, có lẽ vì mấy chục tờ đơn tìm chồng của tôi, họ mới gởi Tờ Trích Lục Án Hình về nhà. Tờ giấy đánh máy một cách cẩu thả vào tháng 5, 1977 đã đề sai ngày của phiên toà xử tử anh là 10 tháng 4, 1977, trễ một năm. Tôi ngước nhìn anh trong uất nghẹn. Anh cũng đang đau đáu nhìn tôi. Có phải mắt anh long lanh vì nỗi đau cắt ruột, hay chỉ là màn lệ chan hoà từ mắt tôi?

Sau khi về lại Mỹ Tho, tôi nằm bẹp trên võng, không khóc nhưng nước mắt nóng hổi tuôn ra như vắt hết sức sống của tôi. Lòng tôi nặng trĩu niềm đau, nỗi hận. Trong đầu tôi vang vang những lời oán trách số phận, nguyền rủa bọn giết người. Chồng tôi cả đời thanh liêm, đi lính Việt Nam Cộng Hoà tới lon Thiếu Tá mà vẫn không mua được cho vợ con một căn nhà riêng, tại sao anh phải chết tức tưởi như vậy? Làm vợ lính, tôi đã nhiều lần nghĩ đến việc chồng tử trận, nhưng thà anh hy sinh trong cuộc chiến để các con còn được hãnh diện, để tôi còn được an ủi.

Bây giờ chiến tranh chấm dứt rồi, chồng tôi đã phải mang thân tù tội, tại sao người ta còn giết anh? Tại sao họ đẩy mẹ con tôi thành “thân nhân của tử tội”, lớp người cô đơn, khốn cùng nhất trong cái xã hội đầy móng vuốt này? Ngày tiếp ngày trôi qua trong cơn đau, mí mắt tôi sưng vù, rát bỏng, tiếng các con réo gọi nghe xa xôi như vọng lại từ một thế giới khác, tôi nghe nhưng không thể nào trả lời nổi. Tôi nằm đó, dật dờ giữa hai bờ sống, chết.

Một buổi trưa, không biết là bao lâu sau, tiếng khóc thảm thiết của hai đứa con nhỏ nhất kéo tôi ra khỏi cơn mê sảng. Tiếng than đói của hai đứa bé xoáy vào tim tôi, nhắc rằng tôi còn bổn phận với sáu đứa trẻ thơ. Tôi ngồi bật lên, quơ tay tìm con và ôm xiết chúng vào lòng. Giữa ban ngày mà trước mắt tôi tối đen. Không! Con không thể mù, con không thể chết! Xin Trời giúp con! Xin cứu con để con của con được sống!

Nhờ Trời thương và chắc anh vẫn theo phù hộ nên tôi hết bệnh, dù không có thuốc men gì. Tôi lết ra vườn, mò mẫm trồng rau, trồng khoai nuôi con. Năm tháng rơi lặng lẽ như những sợi tóc của tôi rụng tơi bời trong cơ cực. Tay chân tôi khẳng khiu, trầy trụa, bầm dập, nhưng những vết thương đó không thấm thía gì với cái đau ở trong lòng.

Ở miệt vườn hẻo lánh, sự kìm kẹp của chính quyền địa phương khủng khiếp gấp mấy lần ở những thành phố lớn; công an mà dòm ngó, trù dập ai thì người đó không ngóc đầu lên nổi. Trong đám dân quê mùa, chất phác, gia đình có thân nhân là sĩ quan “Ngụy” đang ở tù đã là một điều ghê gớm, nói gì tới chuyện là con cái của người tử tội.

Thời đó, nhà trường cứ vài tuần lại bắt học sinh khai lý lịch, vì thế mỗi niên học các cháu đem về mấy chục tờ lý lịch nhờ tôi viết. Lúc nào tôi cũng khai là “Cha mất tích”, và các con tôi được dạy đi dạy lại rằng không bao giờ hé môi với ai về cái chết của cha.n Vậy mà cũng có lần chúng tôi xém bị lộ!

Tết Trung Thu năm 1977, trường học phát quà cho con của gia đình liệt sĩ. Thằng bé thứ Năm nhà tôi mới vô lớp Một, không biết nghe ai giải thích “liệt sĩ” là những người đi lính đã chết, thế là nó tính chạy lên lãnh quà.

May mà cô giáo của nó quen với tôi, cô thấy nó nhớm đứng lên, vội đè vai bắt nó ngồi xuống. Hôm đó thằng nhỏ tủi thân và thèm quà, khóc tức tưởi cả buổi chiều. Tôi xót cho các con ngây thơ mà phải chịu quá nhiều thiệt thòi, dồn nén, phải sống trong hất hủi, phải thèm khát từ miếng ăn tới tình thương. Đêm đó, tôi khóc trắng.

1979.
Nước ngập cao. Hút mắt chỉ thấy làn nước đục ngàu, lềnh bềnh rác rến. Những cây chuối chỉ còn lú lên chút ngọn run rẩy bên những cành mận trụi lủi, khẳng khiu đang vật vã trong gió. Trời vẫn mưa! Mưa như xối nước.

Trên mấy bộ ván chồng lên nhau, tôi và sáu đứa nhỏ nằm, ngồi lủ khủ bên đống chăn mền, quần áo, bếp lò, chén dĩa - tất cả tài sản còn lại của bảy mẹ con. Cơn bão đã kéo dài gần một tháng, nước sông Tiền dâng ngập hết ruộng vườn, cuốn băng đi công sức mẹ con tôi vật lộn với mảnh đất này trong gần bốn năm trời kể từ tháng Tư, 1975. Mưa càng lúc càng nặng hột. Gió xoáy mạnh, rít lên như oán trách, như thay tôi than tiếc cho công sức của mẹ con tôi đang trôi theo giòng nước.

Như lời đã hứa, sau tháng 4, 1975, Ba Má tôi hết lòng bao bọc mẹ con tôi. Nhưng vai gầy không thể chống được cả bầu trời đang đổ xụp, sức lực của hai cụ già không thể nào đỡ nổi trận hồng thủy của cuộc đổi đời. Nhà cầm quyền Cộng Sản bắt cha mẹ tôi phải nạp hết ruộng cho Hợp Tác Xã rồi mỗi tháng chúng phát cho mấy ký gạo vừa đủ cho hai người già sống cầm hơi.

Bảy mẹ con tôi không có tên trong “hộ khẩu” nên trở thành những người “ngoài pháp luật”, sống lây lất bên lề xã hội. Mỗi ngày, Ba Má tôi thu mót hoa màu trong vườn, rồi đem bán để mua gạo chợ đen về nuôi cháu.

Sau mấy tháng tôi không thể chịu được cảnh cha mẹ khổ sở, lo lắng, chạy ăn từng bữa vì mình nữa. Tôi đành nuốt nước mắt đem các con về ở tại năm công đất vườn do ông nội của chồng tôi chia cho anh từ thời anh còn trẻ.

Ngày mẹ con tôi dắt díu nhau ra đi, tôi không dám quay đầu nhìn lại, sợ ba má tôi thêm nát lòng. Tôi cắm đầu bước, nước mắt ràn rụa. Tôi gọi tên anh, xin anh giúp sức cho người vợ mỏng manh, yếu ớt, chưa bao giờ biết cầm cái cuốc, cái cày… Khu vườn thiếu người chăm sóc chỉ có thưa thớt vài cây mận, bà nội chồng thương nên cho thêm ba công ruộng ven để tôi kiếm gạo nuôi con.

Tôi nắm một đầu chiếc gầu giai, đầu bên kia thằng Hai và con Ba - đứa mười một tuổi, đứa tám tuổi mím môi giữ. Trời nắng như đổ lửa, mặt tôi ướt đẫm mồ hôi; phía bên kia, dưới vành nón lá rách nát, hai đứa con tôi mặt đỏ bừng như lên cơn sốt. Chúng tôi múc từng gàu nước từ con rạch cạn, tạt vào những cây lúa đèo đẹt đứng gục đầu trên mảnh ruộng nứt chân chim.

Mùa đầu tiên trời hạn, sau khi trả tiền mướn trâu, tiền công cấy, tiền phân bón, tiền thuốc trừ sâu, tiền đóng thuế cho nhà nước, chúng tôi không còn một hột lúa mà ăn, đành đi vay mượn chờ năm tới.

Mùa kế, tôi chỉ dám mượn tiền để trả công cày rồi cố gắng tự làm đủ thứ việc, hy vọng cuối mùa thu được chút gạo sống qua ngày. Tôi học cách nhổ cỏ, rải phân, cấy lúa. Ngày ngày tôi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Có lần tôi khiêng bình thuốc trừ sâu to hơn một vòng ôm đi xịt quanh ruộng. Bình thuốc lớn che khuất mặt, tôi không thể thấy thuốc xịt đều hay không nhưng vẫn nghiến răng tha cái bình đi xịt hết một vòng. Làm xong, tôi run run leo lên bờ ruộng thì bình thuốc đẩy tôi té ngược ra sau. Tôi nằm ngửa như con nhái bén ôm bình thuốc to tướng, hên là đất ruộng không quá cứng nên tôi không bị thương. Lần đó, đám con tôi phải xúm lại kéo cả bình và tôi lên bờ ruộng.

Không hiểu vì cày không sâu, cấy không khéo, phân không đủ, thuốc không đều, nước không đẫm, hay vì vận mạng của chúng tôi lúc đó đang tối tăm nên đất ruộng cũng không chịu hợp tác với mẹ con tôi. Tôi thất thu ba năm liên tiếp, nợ sau chồng lên nợ trước, cuối cùng tôi phải thế ruộng để trừ nợ, mẹ con rút về kiếm ăn trên mấy công vườn xơ xác.

Khai mương, đào đất, trồng cây, tưới bón, tất cả chỉ có tôi và hai đứa con lớn lăn lộn làm, còn mấy đứa nhỏ đành bỏ liều trong lều.

Có một lần tôi hái mận đem ra chợ bán, đường xa nên mãi tối mịt mới về. Về tới nhà, thấy thiếu thằng Năm, tôi hoảng hồn chạy ra vườn, nhảy xuống mương tìm. Con mương không sâu lắm, chỉ để lấy nước tưới cây, nhưng cũng làm tôi lo lắng từ ngày mới về đây. Nước dưới mương ngập tới gần bắp vế, tôi vừa gọi tên con vừa khom người mò. Đụng thấy một vật tròn cứng như đầu người, tôi hét lên rồi vật ra chết giấc. Cũng may là lưng tôi dựa vô bờ mương nên tôi không ngộp nước và có con bé Ba chạy theo, nó vừa khóc vừa kéo tôi lên. Và may hơn nữa là cái vật tròn tròn đó chỉ là một cái gáo dừa chìm dưới mương, còn thằng Năm vẫn trùm mền nằm ngủ sau đống quần áo trong lều. Chắc nó đói quá nên lả đi, không lên tiếng khi tôi gọi.

Trăm ngàn khổ cực vậy mới thu được vài mùa mận, mà bây giờ cơn lụt lại phá tan hoang mảnh vườn, nguồn sống duy nhất của chúng tôi… Cuối cùng nước lụt cũng rút để lại khu vườn đầy rác rến với những luống khoai bị nước san bằng và những gốc cây trụi lá, gãy cành. Chỉ còn vài cây chuối non, tôi chặt về bào mỏng bóp với muối cho các con ăn qua bữa.

Đói thì đầu gối phải bò, tôi lại bỏ liều các con ở nhà, qua Bến Tre đi buôn. Xứ dừa Bến Tre bạt ngàn cây trái nên dân bên đó khá giả, có lò nấu đường, làm xà bông. Tôi mua hàng đem về Mỹ Tho bán để kiếm chút lời.

Thời 1979-1980, trạm thu thuế mọc lên ở khắp nơi, như bầy rệp đói hút máu dân nghèo. Công an rình ở khắp các ngả đường, khám xét càng ngày càng gắt gao. Tiền lời chỉ đủ để đóng thuế nên người đi buôn phải trốn, nếu thoát thì kiếm được chút đỉnh, không may bị bắt là bị tịch thu hết hàng, đứt vốn.

Một mình tôi kiếm không đủ tiền rau cháo nên tôi phải dắt hai đứa con trai theo. Tôi cưỡi một chiếc xe đạp, hai đứa chở nhau trên chiếc xe đạp khác, làm bộ như hai anh em chở nhau đi học nhưng trong cặp chúng nhét đầy đường và xà bông.

Thằng Hai còn biết xoay xở chút ít, còn thằng Tư ngây thơ, tính tình lại nhút nhát nên nó rất sợ. Mỗi khi qua trạm gác, mắt nó nhìn thẳng phía trước, làm bộ bình tĩnh, nhưng ngón chân nó bấm xuống dép, cổ nó căng lên như sợi dây đàn. Tôi ngó mà đau như bị đâm vào tim.

Chuyến phà Bến Tre - Mỹ Tho chiều hôm đó đông nghẹt. Mặt trời đã xế nhưng vẫn tỏa sức nóng hừng hực làm cho những gói đường quấn quanh bắp chân, quanh bụng tôi thêm trĩu nặng. Tôi ì ạch dắt xe, nón lá che xùm xụp xuống mặt nhưng vẫn liếc mắt ngó chừng hai đứa đi phía sau. Chỉ còn một khúc nữa là vô trạm gác, ba mẹ con càng tách xa nhau như người xa lạ để nếu có bị bắt thì không bị dính cả chùm. Tôi thoát qua trạm gác, đứng lại, làm bộ gỡ nón quạt để ngó lại tìm con. Thằng Hai vừa dắt xe đi ra, thằng Tư đang tiến vào trạm…

Bỗng nhiên cái cặp ở tay thằng Tư rớt xuống, những gói đường và xà bông văng tung tóe. Mắt thằng nhỏ mở lớn, hãi hùng, miệng há ra nhưng không dám khóc lên thành tiếng. Một tên công an bước tới, nắm lấy cổ áo nó. Mắt tôi hoa lên, ngực tôi nhói đau, tôi ngồi xụp xuống để khỏi té vật ra. Phà đã tới, đám đông ùn ùn xô nhau tràn tới, tôi đội xụp nón lên đầu rồi đành bước chân đi.

Phà qua tới Mỹ Tho, thằng Hai mới dám chạy lại bên tôi, mếu máo, “Má ơi, thằng Tư bị bắt rồi!” Tôi ôm con, vuốt lên mái tóc cháy nắng khét lẹt rồi nói cứng, “Chắc họ không nhốt con nít đâu. Con đem đồ về nhà trước để tụi nhỏ khỏi trông, Má ở đây chờ em.”

Trời đã nhá nhem tối, tôi đang nghĩ cách quay lại kiếm con thì thằng Tư thất thểu bước ra khỏi phà. Lưng nó khom xuống, mặt nó thất thần. Vừa thấy tôi, nó phóng tới ôm riết rồi khóc nức nở, người nó run bần bật trong những cơn nấc nghẹn ngào. Nước mắt tôi cũng rớt như mưa. Tôi hận mình bất tài, hận số phận mình khốn khổ để tuổi thơ của các con quá bi thảm và tủi nhục. Tôi lại ngửa mặt gọi anh. Anh ơi, hãy giúp em cứu các con ra khỏi cảnh khổ hận này.

Từ bữa đó, tôi không dám bắt các con đi buôn lậu nữa. Tôi đi tới từng vườn trái cây mua rồi chở đi bỏ cho những bạn hàng ở Sài gòn. Mỗi ngày tôi dậy từ 3 giờ sáng, cột mấy giỏ trái cây lên xe đạp rồi chở ra bến, đón xe đem về Sài Gòn.

Tiền xe hai chuyến đi về mắc mỏ mà tôi thì sức yếu, vốn nhỏ nên lời rất ít. Thấy dân nghèo tứ xứ bày bán đủ mọi loại hàng trên lề đường trước cửa chợ, tôi quyết định không bán sỉ nữa mà bán lẻ để kiếm lời khá hơn.

Tôi trải đại một tấm ny lông xuống lề đường, bày một ít trái cây làm mẫu, phần còn lại để trong giỏ gởi mấy cửa tiệm ở mặt đường, có tiệm thương tình cho gởi, có tiệm bắt trả tiền. Tôi lê la từ chợ Cầu Ông Lãnh tới chợ Tân Bình, chợ An Đông, đôi khi gặp bạn bè cũ, tôi cúi gầm mặt dưới vành nón, không dám ngước lên.

“Ủy Ban Trật Tự Thành Phố” nói rằng bán hàng trên lề đường gây hỗn loạn nên ra lệnh cấm, nhưng người dân đói quá cứ làm liều. Từ cụ già tám mươi tuổi đến đứa bé sáu, bảy tuổi, từ người lành lặn tới anh thương phế binh, người trải tấm nylon, kẻ đẩy cái xe tự đóng bằng ván mục, người bưng cái rổ, kẻ đội cái mâm, chúng tôi đứng ngồi la liệt trên khắp các ngả đường để kiếm sống.

Ngày nào bán được khá, ngoài mấy lít gạo tôi còn mua về cho con vài ổ bánh mì. Trời sụp tối tôi mới về đến nhà, nhìn chúng chia nhau nhai ngấu nghiến một cách hết sức thèm thuồng, tôi có thêm sức mạnh để tiếp tục lăn lộn trên vỉa hè.

Tuy nhiên, những ngày vui thường ít hơn những ngày buồn. Rất nhiều khi đang ngồi bán thì người ở đầu đường la, “Công an!” và mọi người vùng lên chạy. Những người bán mặt hàng gọn, nhẹ thì túm tấm trải lại, ôm vào người rồi biến vào trong những ngõ hẻm. Tôi quảy đống trái cây nặng hơn nên thường lẹt đẹt phía sau và bị công an hốt. Công an đem tôi về “Trụ Sở Ban Quản Lý Chợ”, bắt ký tên vào biên bản rồi tịch thu hết hàng.

Tôi nhớ tới lời Mẹ chồng tôi thường an ủi tôi rằng “trời sanh voi, sanh cỏ” mà muốn gào vào lên sao các người ác vậy, đã giết chồng tôi mà còn không chừa cho mẹ con tôi một cọng cỏ để ăn! Những ngày bị mất hàng, tôi trở về nhà với hai tay không, thê thảm như người vừa bị cướp. Mấy mẹ con phải ra vườn mót những củ khoai đèo đẹt và hái rau dại về ăn. Ngồi nhìn đám con chia nhau dĩa rau luộc chấm nước muối, lòng tôi đau nhói. Mới ngày nào tôi là cô dâu hai mươi tuổi, ngây thơ, lãng mạn cùng chồng mơ về một căn nhà ấm cúng với đàn con ngoan ngoãn, cười giỡn rộn ràng. Bây giờ, đàn con tôi gầy ốm, buồn rầu còn tôi thì da đen xạm, tay chân chai sần, tóc tai xác xơ như lòng tôi tan nát.

Sau nhiều lần bị công an bắt, vốn liếng sắp cạn thì tôi may mắn gặp được quý nhân. Chị là vợ của Trung Tá Kh. ở cùng Sư Đoàn 5 với chồng tôi, và hai gia đình đã ở gần nhau trong Cư Xá Sĩ Quan Ngô Quyền tại Bình Dương trước năm 1975. Không ngờ sau cuộc đổi đời, chị cũng dắt con về ở ngay bên cạnh xã tôi. Con út của chị học chung một lớp với con tôi, có lẽ cùng thuộc diện con “tù cải tạo” nên chúng thân và tâm sự với nhau. Kể qua kể lại, té ra là hàng xóm hồi xưa, con tôi vui mừng về báo cho tôi và tôi đã tìm thăm chị.

Hầu hết các con của chị Kh. đã lớn nên kiếm được việc làm lặt vặt để sống qua ngày. Thời đó, phong trào đan mây tre và làm nón để xuất khẩu ra nước ngoài lên mạnh, chị giới thiệu cho tôi lãnh nón về thêu ăn công. Đêm nào tôi và con gái lớn cũng ngồi thêu bên cây đèn mù mờ, nước mắt sống chảy ròng ròng vì dùng mắt quá độ, nhưng số tiền công rẻ mạt chỉ giúp chúng tôi kiếm thêm chút cháo. Chị Kh. có người thân ở Huế nên chị cũng làm đại lý cung cấp nón lá Huế cho các sạp bán lẻ, thấy vậy chị lại thương tình cho tôi lấy nón về bán, bán xong mới đưa lại tiền vốn cho chị.

Thời đó, chợ huyện Tân Hiệp họp từ một, hai giờ đêm để người ta kịp mua hàng đem lên Sài Gòn bán lúc sáng sớm. Khoảng mười một giờ đêm là tôi mò mẫm dắt xe đạp ra khỏi nhà, trên yên sau là gói hàng lặt vặt như tiêu, tỏi, xà bông, bột ngọt, phía trên là chồng nón. Chiếc xe đạp cũ nát run rẩy bò trên con đường đất gồ ghề, hai bên là ruộng, côn trùng ếch nhái kêu nỉ non, đom đóm bay lập lòe như mắt quỉ.

Hồi còn con gái, tôi rất sợ ma, nhưng lúc đó tôi chỉ còn sợ… người. Trời tối đen, chỉ nhìn thấy một khúc đường ngắn lờ mờ trước mặt, tôi vừa đạp xe vừa cầu xin anh phù hộ cho tôi không bị cướp. Ra tới chợ, có những đêm vừa bày hàng xong thì trời đổ mưa, tôi lấy hết nylon che cho hàng hóa rồi ngồi chịu trận trong cái áo mưa đầy lỗ lủng, nghe từng giọt nước lạnh như kim chích trên lưng, nghe gió quất từng cơn trên gương mặt ướt đẫm nước mưa hòa nước mắt.

Sau những đêm ế ẩm, sáng ra tôi phải đạp xe tới từng nhà quanh chợ, mời người ta mua nón dùm. Các bà không ai biết chuyện chồng tôi bị xử tử, nhưng họ biết tôi là vợ tù nên rất thương tôi. Họ cũng chẳng dư dả gì nhưng người mua dùm cái nón, người cho củ khoai, ly nước, người dúi cho tôi chút trái cây để đem về cho các con. Những ngày tôi bán ế, không đủ tiền trả vốn số nón đã lấy của chị Kh., chị chỉ mắng yêu, “Thôi, không đủ tiền thì thím để bữa sau bán tiếp rồi trả, chớ không lẽ bây giờ tui bắt xác thím được ha…”

Bữa đói bữa no, bịnh không có thuốc nhưng nhờ Trời thương, đám con tôi vẫn lớn như cây dại mọc ở bờ rào. Các cháu biết thân phận mình nên rất ngoan và chăm học. Ngoài giờ học, chúng đi câu, đi chạ, đi lưới để kiếm thêm thức ăn. Tuy vậy, chúng càng lớn thì tiền học, tiền sách vở càng tốn kém, rất nhiều lần các cháu bị thầy cô rầy la vì xài chung chỉ một cuốn vở cho mọi môn học, nhưng các cháu không hề than van.

Những ngày tôi đi buôn bán về trễ, lòng tôi ấm lại trước cảnh các con quây quanh ngọn đèn dầu leo lét, mấy đứa nhỏ tập đọc ồn ào, nhưng mấy đứa lớn vẫn ráng chăm chú giải toán, học bài.

Dù không có tiền đi học thêm, dù sự giảng dạy ở vùng quê trồi xụt bất thường, ba đứa con lớn của tôi đã đạt được điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp trung học. Tuy vậy, các cháu nhưng chỉ được trúng tuyển vào những trường dạy nghề như Trung Học Lâm Nghiệp ở Sông Bé, Trung Học Sư Phạm ở Tiền Giang, và Trung Học Xây Dựng ở Vĩnh Long. Dù sao, đây là một điều rất quan trọng cho cuộc đời của hai cháu trai bởi vì nếu không được đi học tiếp, các cháu sẽ phải đi “nghĩa vụ quân sự”, bị gởi đi đánh nhau ở vùng biên giới Tàu hay Campuchia.

Tôi đã thề cùng vong linh của anh rằng tôi sẽ làm mọi cách để các con chúng tôi không bị đi bộ đội. Chỉ tưởng tượng các cháu phải mặc cùng bộ quân phục, đứng cùng hàng ngũ, và đem thân đi chết vì chính kiến của những người đã giết cha các cháu, tôi rùng mình. Nếu bị kêu đi “nghĩa vụ”, các cháu chỉ còn nước bỏ làng xóm đi sống lang thang, dật dờ như rất nhiều thanh niên thời đó.

Dù trúng tuyển vào trường, nhưng sau khi tốt nghiệp, cả ba cháu không có tiền chạy chọt, không quen biết ai, nên bị gởi đi làm việc ở những nơi xa xôi, hẻo lánh. Các cháu chán nản quay về nhà, làm ăn lặt vặt qua ngày. Cuộc sống tuy đỡ đói khổ hơn thời các cháu còn nhỏ, nhưng đầy bế tắc, không có tương lai.

Từ đầu thập niên 1980 đã có lác đác sĩ quan đi tù được thả về. Mỗi lần nghe tin người quen được về với vợ con, tôi mừng cho họ nhưng nghe lòng càng thêm cô đơn, cay đắng. Chồng tôi sẽ không bao giờ trở về, mà thân xác anh cũng vẫn còn lạc lõng ở tận phương nào. Mẹ chồng tôi đã già yếu, không còn tiếp tục đi tìm mộ anh được nữa, còn tôi thì lăn lộn kiếm gạo cho bầy con nên không thể hết lòng tìm kiếm. Vì thế, ngoài nỗi khổ đói nghèo, nỗi hận mất chồng, nỗi sợ hãi xã hội nhiễu nhương, và nỗi buồn đơn chiếc, tôi còn mang cảm giác nặng trĩu tội lỗi của người vợ vô tình.

Tôi không thể ngờ rằng năm 1984, tám năm sau khi anh mất, anh đã tìm về với mẹ con tôi.

Hôm đó, tôi đang lúi húi ngoài vườn thì chị Hai tôi bước vô cổng. Vừa tháo nón lá quạt lia lịa, chị vừa kêu, “Dì Ba! Dì Ba ơi! Có tin dượng Ba!” Tôi quăng cuốc chạy ra, chị chụp tay tôi, hổn hển vừa thở vừa nói, “Mèn ơi, thiệt không ngờ! Em nhớ cô giáo H. dạy trong trường chị chớ? Chị với cổ thân nhau, lúc người này có chuyện thì người kia dạy dùm. Mới cách đây mấy bữa, chị coi lớp dùm cổ để cổ đi hốt cốt người em trai tên Thịnh, chết trong tù cải tạo. Cổ đi về kể chuyện cho chị nghe, cuối cùng cổ nói thêm ‘Kế sát bên mộ em tui có ngôi mộ của một ông chết cùng ngày. Tội nghiệp, chắc gia đình ổng đi vượt biên hết nên không ai chăm sóc, cỏ mọc tùm lum!’ Trước giờ chị ít để ý chuyện của ai, nhưng bữa đó như có gì xui khiến nên chị hỏi tới, ‘Vậy chứ bà có nhớ tên người đó không?’ Cổ nói ‘Tên là Trần Văn Bé, sinh ở Long An.’ ”

Giữa trưa nắng mà tôi sống lưng tôi lạnh toát. Tôi đã nghe các bạn tù của anh kể lại rằng sau khi bọn cai tù bắt được anh và đem trở về trại Suối Máu, bọn chúng còn chuyển về một người đã vượt trại ở Hóc Môn tên là Thịnh. Cả hai bị nhốt vào connex và bị bắn trong cùng một ngày, chồng tôi vào buổi sáng, anh kia vào buổi chiều.

Như vậy là những người bạn tù đã chôn hai anh kế bên nhau, và đã thương xót lập bia để chỉ đường cho thân nhân các anh mai sau đi kiếm. Trong gần bốn triệu người dân Sài gòn, cơ may hiếm có hay hồn thiêng của hai anh đã đem chị tôi và chị của anh Thịnh đến với nhau, để cho họ thân thiết và tin cậy nói cho nhau nghe những nỗi đau sâu kín của gia đình những người lính Cộng Hòa gãy súng.

Có lẽ hồn thiêng của chồng tôi níu chân chị H. nên chị đã để ý tới nấm mộ hoang khuất trong cỏ rậm, và đọc được cả những chi tiết viết bằng tay mờ nhạt trên miếng gỗ đã tám năm trời phơi mưa nắng. Mẹ chồng tôi lập tức lo việc xin giấy phép đi đường, giấy phép cải táng và kiếm nhà quàn lo dịch vụ. Ngày đi bốc mộ, tôi và Mẹ ruột tôi từ Mỹ Tho về Sài Gòn cùng đi với Mẹ chồng, cậu ruột của chồng, và một cô em chồng.

Nhờ chị của anh Thịnh đã chỉ đường rất kỹ nên chúng tôi tới mộ khi mặt trời chưa đứng bóng. Cỏ dại đã được phạt đi nên chúng tôi thấy ngay ngôi mộ có tấm bia bạc phếch đứng chơ vơ trong nắng. Có lẽ đây là khúc cây tốt nhất mà các bạn tù của anh đã lựa, có lẽ họ đã khắc tên anh bằng cả tấm lòng, có lẽ vì mộ nằm ở khu đất cao và khô ráo, và có lẽ hồn anh còn quanh quẩn nên tấm bia vẫn còn đứng vững và những giòng chữ vẫn chưa phai sau tám năm hoang lạnh.

Người ta bắt đầu đào, tiếng bình bịch của cuốc bằm xuống đất dội bưng bưng vào óc tôi làm tôi choáng váng, phải ra ngồi dựa vào một gốc cây. Nấm mộ không sâu nên chỉ một lát là chạm đến cái hòm thô sơ, bể tan sau vài nhát cuốc.

Tôi vẫn ngồi dưới gốc cây, hai mắt mở trừng trừng. Tôi thấy như hồn tôi tách khỏi thân xác, bay là là trên cao nhìn mọi người đang khóc và tôi đang ngồi sững sờ như hóa đá. Từng khúc xương được bốc lên, mẹ chồng tôi nhìn bộ răng và nói rằng đúng là anh với hàm răng thiếu một chiếc ở góc trong. Khi mẹ kêu tôi tới nhận diện chồng, tôi mới lảo đảo đi tới gần mộ. Bên cạnh cái hộp sọ đã bể, tôi thấy chiếc áo sơ mi sọc do chính tôi sắm cho anh ngày xưa nằm cạnh sợi dây nịt của lính. Có lẽ anh em bạn tù đã thu nhặt túi đồ của anh và chôn theo anh. Tới lúc đó nước mắt tôi mới có thể trào ra. Cuối cùng thì em cũng đã tìm được anh rồi!

Sau khi thiêu cốt, Mẹ chồng tôi đề nghị đem gởi vào chùa ở Phú Lâm. Tôi đồng ý vì ở Sài Gòn dù sao cũng an toàn hơn là ở Mỹ Tho trong ngôi nhà xiêu vẹo, chông chênh của mẹ con tôi.

***
“Mẹ có nhà không con?”
Đang loay hoay đếm nón để khuya đem đi bán, tôi chạy vội ra cửa vì giọng nói đầy vẻ hái hức của cô bạn thân, học chung từ nhỏ. Vừa thấy tôi, H. níu tay kéo ngồi xuống bậc cửa, móc trong túi áo ra một tờ báo được xếp gọn. Với vẻ mặt hết sức trang trọng, H. giở báo, chỉ vào một bản tin nhỏ với tựa đề : Thông Cáo Về Việc Làm Hồ Sơ Xuất Cảnh Cho Những Người Từng Đi Học Tập Cải Tạo. Hai chúng tôi chúi đầu vào đọc. “Những người từng đi học tập cải tạo trên ba năm sẽ được làm hồ sơ đi Mỹ, ngay cả vợ con của những người đã chết trong trại cũng được đi.”

Run run, tôi hỏi H. “Bà nghĩ tin này thiệt không?”
“Thiệt mà! Ở trên Sài Gòn người ta xác định rồi, mấy người bạn ông xã tui đang làm đơn rần rần kìa!” Thế là chiều hôm đó tôi mở cái hộp sắt, lấy ra tờ Trích Lục Án Hình vừa coi lai vừa van vái chồng tôi.

Năm đó là 1988, như vậy chồng tôi bị giết đã mười hai năm. Nước mắt rơi lã chã, tôi lại kêu anh. Anh ơi! Anh giúp em cứu các con ra khỏi nơi này. Mẹ chồng tôi nghe tôi kể chuyện làm đơn xin đi Mỹ, bà chép miệng, “Làm đơn thì phải khai ra cái chuyện chồng con bị tử hình. Tụi công an xã mà biết thì giống như khui ổ rắn. Má sợ các con mà đi không được, sau này sẽ khổ hơn…”

Tuy nhiên lòng tôi đã quyết, đây là cơ hội duy nhất để cứu con tôi, điều mà tôi ước mơ từ mười mấy năm nay. Với sự giúp đỡ của vợ chồng bạn, tôi xin mẫu đơn, điền chi tiết, đính kèm bản sao của bản án tử hình rồi đem nộp ở Ty Ngoại Vụ Tỉnh Tiền Giang. Gia đình H. và chúng tôi đều được xếp vào danh sách H.O. 7.

Nhưng chỉ mấy tuần sau tôi nhận được thư từ Sở Ngoại Vụ ở Sài Gòn từ chối đơn của tôi với lý do: chồng tôi bị tử hình năm 1976, do đó anh không hội đủ điều kiện bị tù ba năm. Tôi nghiến răng rủa bọn Cộng ngu xuẩn, chồng tôi bị tử hình nghĩa là đi tù không bao giờ về, cớ gì mà không đủ điều kiện ba năm. Tôi viết thư khiếu nại nhưng Sở Ngoại Vụ từ chối, họ nói bắt buộc phải có ba năm ở tù. Đối với họ chết là hết, là không còn giá trị gì nữa.

Lúc đó, gia đình của những người sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà đã hồi sinh như ruộng hạn gặp mưa rào. Họ tụm năm, tụm ba, thì thào về chuyện làm đơn, chuyện nhận được giấy tờ chấp thuận cho đi. Họ len lén mua sắm, chuẩn bị cho ngày lên đường. Mọi người chạy qua chạy lại, bàn bạc, chia sẻ với nhau những tin tức góp nhặt được về đời sống bên Mỹ, về ước mơ tương lai. Lác đác tiếng cười đã trở lại trong những căn nhà lụp xụp, buồn hiu.

Tôi đứng bên ngoài hạnh phúc đó, nhìn cảnh tượng đó bằng cảm giác của đứa con nít bị bỏ rơi. Các bạn của tôi cứ nghĩ là tôi không có hy vọng, nên họ tránh bàn chuyện đi Mỹ trước mặt tôi. Có nhiều khi họ đang nói mà thấy tôi đến là im bặt. Tôi ráng cười nói cho họ yên tâm dù lòng đau như cắt.

Giữa năm 1991, H. lên đường đi Mỹ theo diện H.O. 7.
Đêm trước khi đi, hai đứa nói chuyện thật lâu. H. hứa sau khi sang Mỹ sẽ hết lòng giúp mẹ con tôi. Tôi bỏ bản sao của tờ đơn xin đi diện H.O., bản sao của tờ Trích Lục Án Hình, và lá đơn khiếu nại của tôi vào một cái phong bì lớn. Tôi thêm vào đó bản sao của tấm hình thờ của anh, mong có phép lạ để một trong những người Mỹ từng làm việc với anh ở Phòng Nhì tiểu khu Định Tường, Mỹ Tho ngày trước nhận ra anh mà cứu mẹ con tôi. Tôi van vái, “Anh ơi! Anh phù hộ cho H. đưa được đơn đến tay người tốt, cho họ mở lòng thương mà cứu vớt gia đình mình.”

Ngày chia tay, tôi hết gượng nổi, tôi khóc như mưa.
H. lên xe, đem theo hy vọng của chúng tôi. Xe chuyển bánh rồi từ từ xa dần.
Tôi đứng dưới ánh nắng gay gắt, nước mắt chứa chan, nhìn dõi theo chiếc xe mờ dần trong bụi khói rồi biến mất sau khúc quẹo.

H. đi rồi, tôi hồi hộp chờ đợi từng ngày.
Nhiều gia đình cựu sĩ quan ở trong vùng đã ra đi làm tôi càng thấy bơ vơ, khó kiếm người tâm sự. Khó hơn nữa là khi nghe tôi nói rằng tôi muốn khiếu nại với người Mỹ, hầu hết bạn bè đều chớp mắt ái ngại, rồi làm thinh.

Tôi hiểu rằng họ nghĩ người Mỹ sẽ không quan tâm đến một gia đình ở cách nửa vòng trái đất mà mối liên hệ với Mỹ đã bị tử hình từ mười sáu năm trước. Vài người bi quan còn không dám tin là H. sẽ giữ lời hứa với tôi. Họ lắc đầu nói, “Trước khi đi ai cũng hứa hẹn nhưng qua đó nhiều thứ phải lo quá nên người ta quên hết...”

Nhưng H. đã không quên mẹ con tôi.
H. có người anh chồng từng học Quốc Gia Hành Chánh và cũng là một sĩ quan VNCH. Năm 1975, anh giữ chức trưởng phòng kinh tế của Quân đoàn 4, anh cũng bị đi tù nhiều năm, sau đó anh vượt biển và định cư ở Mỹ. Lá thư đầu tiên H. gởi về kể rằng anh ấy đã dịch lá đơn cùng với lá thư khiếu nại của tôi ra tiếng Anh rồi gởi cho cơ quan di trú Mỹ.

Từ đó, sáng nào tôi cũng thắp nhang trên bàn thờ chồng rồi ngóng chờ thư. Khoảng hai tháng sau, thư của H. đến.
Tôi dụi mắt, coi đi coi lại giòng chữ viết tay của H. để biết chắc là mình không lầm. “Văn phòng ODP bên đây chấp thuận hồ sơ của gia đình bà rồi! Họ sẽ liên lạc với Việt Nam để hoàn tất thủ tục.”

Hai tuần trôi qua với lo lắng, chờ đợi. Rồi tôi nhận được một lá thư của Sở Ngoại Vụ tại Sài Gòn yêu cầu tôi bổ sung giấy tờ về cái chết của chồng tôi.
Tôi đọc lá thư mà điếng hồn.

Như vậy là tờ Trích Lục Án Hình mà tôi đã nộp là không đủ. Chồng tôi bị xử theo luật rừng vào năm 1976, trong một phiên toà rừng tại trại tù, biết có biên bản hay không? Nếu có, biết họ có còn giữ lại sau mười sáu năm hay không? Tôi lại mở cái hộp sắt và lấy tờ Trích Lục Án Hình ra soi xét. Góc trái của tờ giấy có hàng chữ “Tòa Án Quân Sự Quân Khu 7”. Tôi sẽ đi tìm từ đầu mối đó.

Ngày đó, ở Mỹ Tho điện nước còn không có đủ, nói gì tới máy tính hoặc mạng internet. Thêm nữa, những hồ sơ về tù chính trị không bao giờ lộ ra ngoài nên tôi thông thể tra cứu, tìm kiếm được ở bất cứ nơi nào.
Cách duy nhất là tới thẳng Tòa Án Quân Sự Quân Khu 7 mà tôi không biết ở đâu. Tôi phải nhờ chị ruột và anh rể tôi đang ở Sài Gòn đi hỏi thăm dùm.

Một buổi trưa nắng gắt, có một người đi bộ từng bước xiêu vẹo trên con đường trơ trụi từ bến xe vô nhà tôi. Đó là chị Hai tôi! Vừa tới nhà tôi, chị lột cái nón quạt lia lịa rồi vừa thở vừa nói, “Tìm thấy địa chỉ của Tòa Án Quân Khu 7 rồi! Đâu dè nó ở ngay tại Sài Gòn! Bây giờ, cái khó là em có dám vô đó hỏi họ về bản án không?”

Hai bàn tay tôi bỗng ướt nhẹp mồ hôi. Mười sáu năm qua tôi đã viết hàng trăm tờ lý lịch khai là chồng tôi mất tích, bây giờ tôi phải đối mặt với công an để nói rằng anh đã chết và tôi muốn kiếm bản án tử hình. Họ có túm đầu cả gia đình tôi về tội khai gian không? Nhưng giấc mơ đi Mỹ của cả gia đình đã gần kề, cánh tay cứu vớt của người Mỹ đã đưa ra rất gần rồi, tôi nhất định phải nắm lấy. Tôi phải vượt qua mọi gian nan vì tương lai của các con.

Tôi gom góp cây trái trong vườn đem bán, kiếm đủ tiền mua cái vé xe lên Sài Gòn rồi ghé ở nhờ nhà anh chị. Chị tôi trao cho tôi tấm giấy ghi rõ địa chỉ nơi tôi cần đến, cho tôi mượn bồ đồ tươm tất nhất để mặc, nhưng chị cũng lo ăn từng bữa nên chỉ giúp tôi được tới đó.

Tôi cầu cứu cậu em út lúc đó mới tốt nghiệp Sư Phạm, có vợ vừa sinh con nhỏ. Hai vợ chồng vét tất cả gia tài phòng thân đưa cho tôi mượn hai trăm ngàn, lúc đó mua được gần một chỉ vàng.

Buổi sáng ngày tốt mà tôi đã chọn, cậu em chở tôi bằng xe Honda tới trước Tòa Án Quân Khu 7. Trời còn sớm, con đường còn vắng vẻ, cậu Sáu ngừng xe rồi quay lại nhìn tôi, lặng lẽ. Ánh mắt cậu nửa như khuyến khích, nửa như lo lắng, thương cảm khiến tôi mủi lòng muốn khóc. Nhưng tôi gom hết can đảm, lấy giọng bình tĩnh, “Sáu đậu ngay đây, rồ máy sẵn nghe. Có chuyện gì chị phóng lên xe, mình chạy liền nghe.” Cậu em gật đầu, “Em biết rồi, chị cứ vô đi. Ráng cẩn thận!” Tôi xuống xe, thò tay soát lại cuộn tiền dấu trong túi nhỏ ở lưng quần, rồi mím môi bước tới.

Khúc sân xi măng dẫn tới căn nhà nhỏ có tấm bảng đề “Trạm Tiếp Dân” chỉ có mấy thước ngang mà tôi thấy quá dài. Chân tôi ríu lại, tim tôi đập dồn dập, tôi không ngừng van vái, “Anh ơi, phù hộ cho em!”

Tôi là người khách đầu tiên trong ngày, cả căn phòng còn trống không, chỉ có một người công an còn rất trẻ ngồi ở cái bàn nhỏ ngay gần cửa vào. Thấy tôi, hắn hất hàm, “Cần gì?” Tôi đưa bản sao tờ Trích Lục Án Hình ra rồi lấy giọng nhỏ nhẹ nhất, “Chào chú, tôi muốn xin bản sao của toàn bộ bản án này.” “Xin để bổ túc giấy tờ đi H.O, phải không?”

“Dạ… Dạ phải. Chú làm ơn giúp dùm!”

Tên công an săm soi ngày tháng trên tờ giấy rồi nói, “Vụ này từ năm 1976, giấy tờ đem ra Hà Nội hết rồi.” Tôi liếc nhìn quanh, rồi rút nhanh cuộn giấy bạc nhét vào tay hắn và nài nỉ, “Chú làm ơn hỏi dùm tôi…”
Tên công an đút lẹ tiền vào túi, suy nghĩ một chút rồi nói, “Được rồi, để tôi cố tìm. Hai tuần sau chị trở lại.”

Tôi vừa cám ơn hắn vừa lùi ra cửa.
Mười bốn đêm tôi trằn trọc vì lo lắng. Lỡ mà tên công an đó trốn luôn, lỡ mà bản án không còn, lỡ mà công an đòi thêm tiền… Hàng chục cái “lỡ” hiện ra trong đầu làm cho tóc tôi thêm bạc, mặt tôi thêm hốc hác.

Đúng hai tuần, tôi trở lại ngay lúc Toà Án vừa mở cửa. Tim tôi nhảy bình bịch khi thấy tên công an trẻ hôm trước, hắn lôi ra trong ngăn kéo ra một phong bì, đưa cho tôi với một nụ cười thoáng trong ánh mắt nhưng chỉ nói cụt ngủn, “Đây.”

Tôi chụp lấy, miệng líu ríu cám ơn hắn, chân vọt nhanh ra cửa. Mới thấy mặt cậu em, tôi run run lôi ra ba tờ giấy từ trong bao thư ra và nói líu lưỡi, “Có rồi, có rồi, Sáu ơi!” Tờ đầu là lý lịch của chồng tôi, tờ thứ hai ghi lại diễn tiến trốn trại của anh, và tờ cuối kết thúc bằng giòng chữ: Xử phạt: TRẦN VĂN BÉ Tử Hình

Nước mắt tôi lúc đó mới tuôn ra và lòng tôi lại đau như cắt trước cái trớ trêu của đời tôi: bản án tử hình với những lời chửi chồng tôi là “ác ôn, phản động” cũng là tờ giấy để cứu mẹ con tôi.

Tôi sao lại bản án để gởi lên Sở Ngoại Vụ, còn bản chính tôi cất vào chiếc hộp sắt chung với tờ giấy Trích Lục Án Hình tôi đã nhận năm xưa.

Những đêm mất ngủ tôi lại lấy bản án ra đọc, và tôi đã thuộc từng câu trong đoạn diễn tả những điều xảy ra khi anh vượt trại.

“… Hồi 11 giờ 30 ngày 5 tháng 3, 1976, Bé đã chui rào trốn ra tới Quốc Lộ 1 và thuê xe lam chạy đến khu vực ấp Bắc Hải. Đến đây nghe thấy tiếng súng nổ ở phía sau, Bé liền xuống xe chạy vào nghĩa địa lẩn trốn. Lúc 18 giờ ngày 5 tháng 3, 1976 Bé chạy tới xã Tân Hiệp – Biên Hòa trà trộn trong nhân dân… Đã có sự bố trí từ trước, nhân dân và chính quyền địa phương đã bắt Bé.”

Như vậy là anh đã lẩn trốn hơn sáu tiếng đồng hồ, từ trưa tới chiều ngày 5 tháng 3, 1976. Lòng tôi đau như cắt khi nghĩ đến lúc anh bơ vơ ở Biên Hòa, vùng đất miền Nam quê hương, nơi rất thân quen nhưng lúc đó đã trở thành xa lạ, đầy cạm bẫy trong móng vuốt kẻ thù.

Trời ơi! Chúng đã bao vây anh ở Tân Hiệp ra sao? Anh có hoảng hốt, tuyệt vọng không? Anh có bị đánh đập nhiều không? Rồi trong hơn một tháng từ ngày 5 tháng 3 cho tới 10 tháng 4, 1976, anh đã bị hành hạ tới mức nào? Những ngày nóng như lửa nằm trong connex, anh đã đau đớn, đói khát tới bao nhiêu? Những đêm dài khủng khiếp anh đã nghĩ gì? Anh có nhớ vợ con nhiều không? Anh có lời gì muốn nói với với chúng tôi không?
Óc tôi bưng bưng với hàng trăm câu hỏi, ruột tôi đau như xát muối khi nghĩ tới những khổ hình anh phải chịu lúc cuối đời. Trong đêm lặng lẽ, nước mắt tôi tuôn ra, chảy ngược xuống ván, ướt đẫm hai bên tóc mai. Và tôi thường thiếp đi với bản án tử hình úp trên ngực…

Sau khi tôi nộp bản án tử hình lên Sở Ngoại Vụ, hồ sơ được Mỹ chấp thuận nhanh chóng và gia đình tôi được vào danh sách H.O. 14.
Nhưng nhà cầm quyền Cộng Sản đâu có để chúng tôi ra đi một cách dễ dàng! Ngày tôi đi lãnh hộ chiếu, một nhân viên Sở Ngoại Vụ cau có nói, “Nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa đã bỏ tiền ra đào tạo nuôi dạy các con của chị, nay các con chị lại ra đi, không phục vụ cho Đảng và nhà nước. Chị phải đền lại tất cả số tiền mà nhà nước đã bỏ ra. Chị đi về đi, khi nào trả tiền xong cho nhà trường, cầm biên lai lên đây thì sẽ được lãnh hộ chiếu.”

Tôi lại ra về với nỗi lo thắt thẻo ruột gan.
Trong tay tôi không có tới vài chục ngàn mà họ đòi bồi thường tiền triệu! Chạy xuôi chạy ngược hết mọi nơi, suy nghĩ nát đầu óc, cuối cùng tôi lại phải về cầu cứu mẹ ruột của tôi. Bà suy nghĩ trắng một đêm rồi quyết định cắt một phần đất vườn nhà đưa cho tôi, coi như chia gia tài, mặc dù mẹ tôi còn sống.

Tôi rớt nước mắt vì thương mẹ và tủi thân mình. Từ nhỏ cha mẹ nuôi tôi ăn học, lớn lên làm cô giáo lương bổng ít oi, lấy chồng quân nhân, “tiền lính, tính liền” nên tôi chưa bao giờ có cơ hội báo hiếu cha mẹ.

Rồi cuộc đổi đời làm tôi góa bụa, một nách sáu con thơ, sống được tới giờ cũng nhờ cha mẹ nhịn ăn mà bao bọc. Nay ba tôi đã khuất, các con tôi đã lớn, vậy mà lúc ngặt nghèo cũng lại là mẹ già phải hy sinh. Tôi vừa khóc vừa rao bán phần đất mẹ cho. Người ta biết tôi cần tiền nên ép giá, chỉ trả hơn một cây vàng. Tôi đem đền trường học gần hết, phần còn lại không đủ để đi xe lên xuống Sài Gòn phỏng vấn và khám sức khỏe nên tôi lại phải mượn em trai tôi.

Rồi cái ngày mong đợi cũng tới. Ngày 20 tháng Mười Một, 1992, chúng tôi ra phi trường với một cái va li duy nhất chứa hành lý của cả gia đình sáu người. Mỗi đứa con tôi chỉ có một bộ quần áo trên người và một bộ đem theo, chỉ có tôi là được sắm một cái áo lạnh còn lại thì đành tới đâu hay tới đó.

Tôi ôm trên tay tài sản quý nhất, đó là cái bao thư lớn đựng di ảnh của chồng tôi, một vài tấm hình thời chúng tôi yêu nhau, và bản án tử hình.

Máy bay cất cánh, tôi nhìn qua cửa sổ thấy Sài Gòn thu nhỏ dần mà nghẹn ngào. Cuối cùng, các con tôi đã thoát ra khỏi cái ngục tù bao la của nhà cầm quyền Việt Nam. Lần đầu tiên từ sau tháng Tư, 1975, tôi cảm thấy bình an.
Anh ơi, em đã lo được cho các con như lời anh dặn dò lần cuối. Cái chết đau đớn của anh và nước mắt, mồ hôi của em đã mở đường cho các con đi đến một tương lai tươi sáng. Anh đang mỉm cười, phải không anh?

KA,

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét