Mai về Thủ Đức ngang trường cũ,
Xén bớt cho em chút tím chiều,
Cánh phượng hồng
trường em ngày nhỏ,
Và lá tình thư thủa mới yêu. (thơ Đông Hương)
Tôi đến Mỹ khá muộn màng khi đã ngoài 40 tuổi, cho nên khi tôi ra đi đã mang theo hình ảnh quê nhà đầy ắp ở trong lòng.Giã từ Việt Nam năm 1993, hình ảnh cuối cùng của quê hương, đột nhiên đóng băng lại và bất biến. Trên 20 năm xa xứ, tôi cũng giống như phần lớn những người ly hương khác, cùng mắc cái bịnh “ngày ở đêm về”. Ban ngày vất vả với công việc, ban đêm nằm gác tay trên trán lại mông lung trở về quê nhà.
<!>
Quê nhà xa lắc xa lơ đó, hình như càng ngày càng mờ dần trong tâm trí tôi, nhưng mà lạ một điều, giống như ai đó đã nói: “…quê hương trong lòng chỉ còn có mỗi cái thời đi học…” Vâng, cái thời đi học không biết sao vẫn còn rực sáng, trong khi các phần khác lại từ từ phai nhạt.
Trong một lần họp mặt tại nhà một người bạn. Chị chủ nhà đã nói một câu như thế này: “Tại sao ngày trước mình không lập gia đình với bạn mình nhỉ? Cùng học chung lớp chung trường, tụi mình đều biết nhau rõ hết. Vậy mà lấy chi người xa lạ, để bây giờ thêm khổ!” Nghe bạn nói thế, tôi vừa thấy hả dạ vừa thấy bùi ngùi.
Hả dạ! Vì ngày xưa các cô đâu có thèm để đám con trai chúng tôi trong mắt và bùi ngùi vì cảm thấy sao quá thương bạn mình. Câu hỏi của chị, cứ lẩn quẩn trong đầu tôi, khiến cho tôi cứ lần mò trở về chốn cũ, để tìm hiểu nguyên nhân tại sao lại như thế?
Năm 1963, tôi đậu vào lớp Đệ Thất của Trường Trung Học Thủ Đức. Thời đó thi cử gay go lắm, cả cái lớp Nhất của tôi tại trường Tiểu học, chỉ thi đậu có ba đứa. Nghe tin tôi thi đậu Ba Mẹ tôi mừng lắm, bởi vì tôi chỉ là đứa học hành làng xàng (từ nhỏ cho tới lớn). Thỉnh thoảng, tôi nghe mẹ tôi ngồi than thở với mấy bà bạn: “… mấy đứa con đầu lòng (là tôi) đứa nào cũng khờ khạo cả…”. Chắc bà không muốn nói thẳng ra, tôi chỉ là một ngốc tử!!!
Có một bài văn tuyệt vời của Thanh Tịnh, mà bất cứ đứa học trò nào vào thời chúng tôi đều thuộc nằm lòng: “… hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm miên man của buổi tựu trường. Buổi mai hôm ấy một buổi mai đầy sương thu và giá lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi, dẫn tôi đi trên con đường dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi nhiều thay đổi và chính lòng tôi có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học…”
Buổi học đầu tiên của tôi, không hề có sương thu và gió lạnh, mà là một buổi trưa đầy nóng bức. Tuy nhiên, tôi cũng được mẹ tôi nắm tay dẫn đến trường. Sau khi điểm danh vào lớp, học trò con trai ngồi một dãy, con gái ngồi một dãy. Khi đã ổn định chổ ngổi, tôi chợt ngó ra cửa lớp, và ngạc nhiên khi thấy mẹ tôi vẫn còn đứng ngoài cửa lớp, nhìn chăm chăm vào tôi. Mãi đến mấy chục năm sau này, khi lần đầu tiên tôi dẫn con gái tôi đến trường, tôi mới hiểu được tấm lòng của mẹ tôi vào cái ngày xa xưa đó.
Trường của tôi là trường quận lỵ, thuộc ngoại ô của Sài Gòn. Lúc đó trường mới mở chỉ có một năm, không có nhiều học trò, nên con trai con gái học chung. Tuy học chung với nhau nhưng chia làm hai thái cực rạch ròi. Các chị lúc đó còn nhỏ xíu, đi học mặc áo dài trắng tinh, đi đứng khoan thai nhẹ nhàng. Vào lớp các chị ngồi cái lưng thẳng tắp, tà áo xếp gọn lại, nói cười nhỏ nhẹ, dáng điệu giống y như tiểu thư con nhà khuê các.
Đám con trai chúng tôi vừa qua thời “con nít nhỏ” bước qua thời kỳ “con nít lớn”, nên trông vẫn còn “lổn nhổn”. Khi mới vào lớp, áo bỏ vào quần chỉnh tề, được một lát, sau một hồi đùa nghịch, quần áo xốc xếch trông rất nhảm. Có hôm Thầy Cô chưa kịp vào lớp, đám con trai bắt đầu làm loạn. Rượt đuổi nhau í ới từ bàn này sang bàn khác, có khi chạy cả lên bảng đen, bục giảng, và còn chạy quanh bàn viết nữa chứ. Cả đám quậy phá tưng bừng, ầm ầm như quỷ sứ. Trong khi các chị thì khác hẳn, họ chụm lại rù rì từng nhóm nhỏ, thỉnh thoảng lườm nguýt sang đám con trai, không biết họ có rủa thầm chúng tôi là đồ con nít hay không nữa.
Không biết tự lúc nào, đám con trai coi các chị là bề trên, nhất Thầy Cô – nhì mấy chị. Dù cho chúng tôi có ngổ ngáo đến đâu chăng nữa thì không bao giờ vô lễ với mấy nàng. Lúc nào cũng gọi bằng chị và xưng tôi một cách nghiêm chỉnh (cũng may là chưa xưng bằng em, nếu không bây giờ gặp lại cố nhân thì thiệt là xấu mặt).
Cũng lạ một điều, các cô cũng tự coi mình là bề trên của chúng tôi, tệ lắm cũng coi là ngang hàng, chứ họ không bao giờ tự hạ mình là “bề dưới” (dẫu có mai sau!). Xưng hô với tụi tôi các nàng có hai cách, hoặc là kẻ cả hoặc là bình bình. Chẳng hạn như thế này là ngang hàng: “Châu cho Hiếu mượn cục gôm”. Còn như thế này là bề trên: “Châu chở chị đi học về với nhen!”.
Các cụ có nói Gái thập tam, Nam thập lục. Có phải câu này ám chỉ, con gái bắt đầu trổ mã từ tuổi 13, con trai nhổ giò bể tiếng từ tuổi 16. Lúc các cô bắt đầu trổ mã, có lẽ đám con trai chúng tôi là người phát hiện đầu tiên. Có gì lạ đâu, bởi vì chúng tôi “dòm lén” các chị hàng ngày. Tóc các chị càng ngày càng mượt mà óng ả chứ không xơ xác như râu bắp nữa. Có chị thì mặn mà da bánh ít và phần lớn các chị đều trắng trẻo tựa như bông bưởi bông lài. Có chị thì khổ sở với mấy cái mụn dậy thì, lúc thoa nghệ, lúc dán thuốc cao.
Trong khi đám con trai nhổ giò cao lêu nghêu, ốm nhách như cây mía lau, giọng nói ồ ề như vịt xiêm và lông mép thì bắt đầu mọc ra lún phún. Trong khi các chị có giọng nói thánh thót dịu dàng và đặc biệt chú ý nhất là các đường cong “uốn lượn” trước sau bắt đầu xuất hiện. Đến năm 16- 17 tuổi, các chị trở mình biến thành thiếu nữ, mãn khai rực rỡ. Tội nghiệp, trong khi đám con trai, từ thằng nhóc biến đổi thành thằng quỉ sứ mắc dịch.
Chao ôi! ông Trời thật bất công, đám con trai với mặc cảm tự ti nên cảm thấy không xứng đôi với các chị một chút nào. Các chị càng lớn càng xinh đẹp ra, tụi tui đâu phải là gỗ đá ngây ngô, nên làm sao mà không biết điều đó. A ha! chuyện “lửa gần rơm” là chuyện tất nhiên dễ xảy ra rồi.
Nói, chúng tôi có cả đống thằng “thầm yêu trộm nhớ” mấy chị, nhưng khổ một nỗi, vì mặc cảm, vì nhút nhát, nên chúng tôi không dám bộc lộ ra điều này. Đang đi trong hành lang nhà trường, gặp các chị đi ngược chiều, là chúng tôi lảng sang hướng khác. Đang dòm lén các cô, bị bắt quả tang sợ điếng người. Có hôm làm gan mon men đến bắt chuyện các cô, nói được vài câu là hụt hơi hết sức, bèn kiếm cớ chuồn thẳng.
Khổ thân đám con trai, có khi ngồi trong lớp, tụi tui dỏng tai nghe, các cô đọc thư tình của ai đó gửi cho một người trong đám các cô. Rồi các cô chụm đầu lại để phê bình, chỉ trích, đánh giá, cho điểm, và sau đó rú lên cười rất khoái trá. Tụi tôi nghe họ cười mà thất kinh hồn vía, cũng may không phải là trong đám tụi tui, nếu không thì chắc là độn thổ hết biết. Tội nghiệp, đám chúng tôi cũng có thằng thức đêm thức hôm để viết nên những lá thư tình lâm li lai láng, định gửi đi cho ai đó, nhưng suy đi nghĩ lại rồi thôi. Nghĩ đến cái cảnh, lá thư của mình được đem ra chốn công cộng để “mần thịt” thì thật là khiếp vía. Nhưng cũng có thằng si tình quá chịu hết xiết, nên dở chiêu mượn tập của nàng, rồi nhét vội tình thư vào trong đó, xong đem trả lại cho nàng. Vài hôm sau, lại thấy lá tình thư nằm trong sọt rác. Các nàng thiệt ác ghê.
Rồi chuyện gì đến cũng phải đến, các nàng càng ngày càng kiều diễm, thì ong bướm lượn lờ tới càng nhiều. Không biết tự lúc nào, có những anh chàng lạ hoắc nhưng thường có bộ mặt hí hửng đáng ghét, xếp hàng dài ở cổng trường trong giờ tan học, để chờ đón các nàng. Các tiểu thư bước ra khỏi cổng, với dáng điệu thẹn thùng, e ấp vén áo dài ngồi lên yên xe cho các anh chàng đó rước đi.
Đám con trai lúc đó “đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư” mà cõi lòng tan nát. Các cô đâu có biết tụi tôi nghĩ gì đâu há? từ đó, trong đám chúng tôi có vô số thằng trở thành thi sĩ, với những vần thơ đầy máu lệ (nghe thấy ớn).
Thời đó, các cụ rèn luyện con cháu rất nghiêm ngặt. Đối với con trai nghiêm một phần thì con gái gấp nhiều lần hơn nữa. Công dung ngôn hạnh đủ mọi bề, nghe thấy sợ. Đi đứng phải ra làm sao, ăn nói phải uốn lưỡi như thế nào, giao tiếp xử sự với mọi người sao cho đúng đắn… Ôi đủ thứ nhức đầu học hoài không hết. Ngày xưa các cụ học từ lớp người trước ra sao, bây giờ các cụ truyền lại con cháu y chang như vậy.
Nhất là chuyện luyến ái nam nữ, các cụ xem là chuyện nghiêm ngặt nhất. Với quan niệm, chứa con gái trong nhà như treo hũ mắm đầu giường, các cụ cứ thấp thỏm canh chừng các cô như canh ăn trộm. Cho đến nổi, các cô không còn đuờng nào mà thở nữa, thật tội nghiệp.
Con gái ra đường phải nhìn thẳng, không được nhìn ngang liếc dọc, dễ bị hiểu lầm là liếc mắt đưa tình. Dáng đi phải khoan thai yểu điệu, không được đi đứng lật đật giống người có số vất vả. Con gái không được nói những lời thô tục như “sướng quá” hay ”đã đời”, những từ này chỉ dành riêng cho quý bà.
Các nàng khi nói chuyện với con trai thì nhớ giữ khoảng cách, đừng đứng quá gần, dễ bị coi là khá thân mật. Con trai có rủ đi uống sinh tố hay ăn chè… nếu lần đầu thì nên khôn khéo từ chối, dù trong lòng rất thích. Đợi lần sau nếu được mời nữa thì có thể ok, nhưng nhớ ăn uống phải nhỏ nhẹ, và nhớ phải chừa lại một phần ba ly chè đừng ăn hết sạch. Cho đúng điệu tiểu thư, chứng tỏ ta đây không phải là hạng ham ăn uống.
Khi quen biết đến độ thân thích, con trai có mời đi xi nê, nếu các nàng ưng ý thì nhớ dắt theo nhỏ bạn hay đứa em, để phía “đối tác” không thể làm ăn gì ráo trọi.
Các tiểu thư tuyệt đối không được gọi đám con trai bằng anh và xưng em, nghe sao lả lơi quá, dễ hiểu lầm. Trước mặt thì gọi bằng ông hay bằng tên, sau lưng thì gọi bằng “thằng”. Nếu các nàng ngồi lên yên xe cho mấy “thằng” chở đi, thì nên nhớ nằm lòng, ngồi xa chừng nào tốt chừng đó, nhớ vịn yên xe cho thật chặt, để phòng ngừa chiêu thức “vừa chạy vừa thắng” hay cứ nhắm ổ gà mà xông tới. Cả cái lũ con trai, đứa nào cũng “ma quái inside” như nhau, nếu không thì thuộc loại “hai hệ”.
Tiểu thư khi ngồi ăn uống trước mặt con trai còn nhiêu khê hơn nữa. Trước hết phải tạo dáng ngồi cho đẹp, cái lưng thẳng tắp, hai đùi khép lại. Dù đói cồn cào cũng không được gắp lia lịa, trông bình dân. Chìa đũa gắp nhón nhén từng miếng nhỏ xíu, cho vào miệng nhai từ tốn, khi nhai không được phát ra tiếng kêu chóp chép, nghe rất thô, không được độn thức ăn hai bên má, trông rất khỉ. Khi đang ăn mà muốn nói chuyện, thì phải nuốt thức ăn cho trống miệng, rồi hãy nói. Nếu không, thức ăn sẽ bắn ra ngoài, trông rất ngượng. Khi ăn xong nếu muốn xỉa răng, thì làm ơn đi vào toa lét, đừng có ngồi tại bàn mà đánh tăm tanh tách, nghe rất ghê.
Có tiểu thư nào muốn thử lòng gã con trai đang đeo bám mình, hãy dụ hắn đến nhà mình chơi cho biết. Khi hắn đến, cứ để ông bà, cha mẹ, cô dì chú bác, anh chị em… xúm lại interview hắn, chỉ một lần là đủ tởn. Nếu gã có can đảm vượt qua cửa ải này thì coi như “pass”, nếu sợ quá thì thuộc loại dỏm, xin hãy biến.
Tiểu thư thường được mẹ dạy rằng: “trâu đi tìm cọc, chứ cọc không tìm trâu”. Với lý do đó, các cô không được bộc lộ bất cứ cử chỉ “chịu đèn” nào, nghĩa là không được bật đèn xanh cho phía bên kia. Không được “đá lông nheo”, không được ởm ờ những câu bóng gió đầy ẩn ý.
Trong trường hợp tao ngộ lần đầu, các cô phải giữ nét mặt lạnh lùng xa xăm. Không được vui cười hí hửng làm mất giá. “Sự khác biệt giữa người nam và người nữ khi bắt đầu yêu. Người nam khi yêu cứ sợ người ta không biết, còn người nữ ngược lại, cứ sợ người ta biết mình đã yêu.” (Nguyễn Nhật Ánh).
Cứ thế, đám con trai- con gái lớn dần lên theo năm tháng. Con trai chơi bên đàng con trai, con gái theo bên đàng con gái. Hàng ngày họ vẫn đụng đầu nhau chan chát, nhưng giả lơ như người xa lạ. Ngoài mặt thì như vậy, nhưng lại biết nhau hết. Tỷ dụ như: “… thằng H. độ rày để hàng ria mép, trông đàn ông ghê ta…” hay là: “Ý cha! Thấy nàng P. khổ sở vì mấy cái mụn quái ác nổi trên mặt, trông tội nghiệp làm sao…”
Dầu gì đi nữa, nguyên nhân sâu xa nhất, các bậc trưởng thượng đã thành công trong việc tách rời con trai- con gái trong một thời gian khá dài. Ngồi nhớ lại, trong suốt mấy năm trời cùng ngồi dưới một mái trường, có những cô bạn gái học chung lớp, mà chúng tôi chưa hề nói năng với nhau một câu nào cả.. Bây giờ nghĩ lại, sao thấy lạ lùng, không hiểu nổi.
Con trai thời đó mang nặng tính sự nghiệp “không công danh thà nát với cỏ cây…” Đàn ông chưa có sự nghiệp, hình dáng trông rất hèn. Nên chưa đủ tự tin để động đậy đến các nàng. (Trời đất ơi! quá là ngu, chờ các anh nên sự nghiệp, thì đám con gái chúng tôi đã hết thời xuân sắc!).
Phía con gái thì ngược lại, các nàng mong trao thân gửi phận cho những anh chàng có sự nghiệp, đám con trai chung lớp chung trường chỉ đáng gọi bằng “em cưng”. Trai tài- Gái sắc, khổ một nỗi cái tài của con trai thường phát triển rất muộn, thường thường cũng phải ngoài 30. Trong khi “sắc nước hương trời” chỉ kéo dài từ 17 đến 25, sau đó thì coi như qua cầu. Sự tréo ngoe cũng đủ đẩy đám con trai con gái về hai hướng khác nhau.
Những trang viết của tôi vừa qua, là kết quả nghiền ngẫm qua một thời gian dài, nhằm lý giải một điều mà tôi cứ thắc mắc mãi: tại sao con trai con gái trường tôi hiếm có người nên vợ nên chồng, cho dù gắn bó với nhau qua một thời gian dài.
Sau khi từ giã mái trường, chúng tôi tưởng đâu chia lìa vĩnh viễn. Vậy mà, mấy chục năm sau chúng tôi lại tìm đến nhau, cho dù xa cách tận chân trời góc biển. Gặp lai nhau, như ai đó nói một câu rất thấm “… rưng rưng một niềm cảm xúc thời gian…” Từ trong sâu thẳm, chúng tôi cảm thấy có một sợi dây gắn bó đến vô cùng. Chúng tôi đã nói với nhau thật nhiều, để bù lại cho những ngày tháng cũ. Những kỷ niệm xưa lại lô xô hiện về, đã khiến chúng tôi chìm ngập trong tình thân ái đằm thắm nhất.
Té ra là thế, ngày xưa chúng tôi tưởng chừng đối xử với nhau thờ ơ lạnh nhạt, thật ra không phải vậy. Tình thân cũng nảy sinh ra sau một thời gian dài gần gũi, nhưng vì hoàn cảnh thời đó, chúng tôi không dám bộc lộ ra. Cũng thấy thương bạn ngồi khóc nức nở, khi bị Thầy mắng vì không thuộc bài. Cũng thấy xót xa cho bạn vì bị mấy cái mụn hành hạ. Cũng thấy thương bạn nhà nghèo nên phải mặc áo vá vai. Cũng thấy thương bạn phải bỏ học giữa chừng để đi lính. Và cũng thấy thương bạn khi ngồi học những giờ phút cuối cùng để rồi chia tay mãi mãi.
Tôi vẫy tay chào trường tôi năm 1971, hình ảnh ngôi trường đã ngưng lại bất biến, mãi cho đến tận bây giờ. Ngôi trường đó phải có các Thầy cô cũ, phải có cái sân cờ rộng mênh mông, để mỗi sáng thứ hai cả trường tề tựu nghiêm trang dự lễ chào cờ và cùng hát bài Quốc ca Việt Nam Cộng Hòa. Phải có những thằng bạn của tôi nghịch ngợm như quỉ sứ mà lại rất dễ thương, và dĩ nhiên phải có các cô bạn hiền lành nhút nhát như thỏ đế. Ngôi trường phải y chang như vậy, nếu không nó không còn là ngôi trường của tôi nữa rồi.
Tôi đến Mỹ khá muộn màng khi đã ngoài 40 tuổi, cho nên khi tôi ra đi đã mang theo hình ảnh quê nhà đầy ắp ở trong lòng. Giã từ Việt Nam năm 1993, hình ảnh cuối cùng của quê hương, đột nhiên đóng băng lại và bất biến. Sau nhiều năm sinh sống trên đất Mỹ, tôi đã trở về thăm quê nhiều lần, và mỗi lần như thế, cảm giác hụt hẫng càng lúc càng lớn dần. Theo thời gian Thủ Đức-Sài Gòn đã biến đổi rất nhiều, nó khác hẳn hình ảnh năm xưa trong lòng tôi một cách ngậm ngùi. Tất cả đã thay đổi, buồn thay, và trong tôi đã cảm thấy chán nản rất nhiều mà không biết tại sao nữa.
Đối với tôi Việt Nam bây giờ, chẳng những quang cảnh đã đổi khác, mà con người cũng thay đổi theo. Những bạn cũ mà tôi gặp lại, tôi thấy họ hành xử và suy nghĩ khác hẳn lúc trước và dĩ nhiên khác xa với tôi bây giờ. Nói chuyện với nhau một hồi, mỗi người nói một phách. Họ ăn nói, hát hò, lái xe, nhâu nhẹt… cái gì cũng lạ. Bạn chê tôi nói chuyện hay chêm tiếng Mỹ. Còn bạn thì cứ “ngôn” vô tư: hoành tráng, bức xúc, điểm nhấn, cú hích, chà pá, bà cố, khí thế… tôi nghe mà tưởng chừng đến một nơi nào xa lạ.
Bạn hỏi tôi sống ở Mỹ ra sao? Tôi ậm ừ, thì cũng phải cày như trâu mới kiếm được đồng tiền. Bạn bỉu môi chắt lưỡi, đi Tây đi Mỹ chi cho cực khổ, có tiền ở Việt Nam vẫn sướng hơn. Tôi thở dài, không biết nói sao cho bạn hiểu, cuộc đời đâu phải chỉ có cơm áo gạo tiền. À mà thôi! nói làm gì cho mích lòng, có lẽ hai đường thẳng song song không hề gặp nhau ở vô cực.
Tôi về, đôi lúc thấy lòng buồn ghê lắm. Đi ngang qua ngôi trường cũ, bây giờ xây dựng lại rất bề thế, mà sao tôi không có chút cảm giác nào. Đi trên những con đường phượng vĩ trong Làng Đại học, không còn thấy cảnh cũ như ngày xưa. Đi dọc dài ra Thủ Đức, người chạy xe ngoài đường đông ngùn ngụt, nhưng lạ một điều không thấy ai quen. “Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ” Thở dài, tôi lại mong đến ngày trở về Mỹ, thật không sao hiểu nỗi lòng mình. Rừng xưa đã khép.
Ngô Đình Châu
*Xin trở lại thủa ngày xưa tinh nghịch- thơ Hoàng Anh Tuấn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét