Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

Nguy cơ châu Á sẽ lại thành tâm dịch thế giới - Vi Cường

Nhân viên y tế di chuyển một bệnh nhân COVID-19 tại thủ đô Manila (Philippines) vào ngày 22-4. Ảnh: REUTERS(PLO)- Sự lây lan mạnh của nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2 khiến châu Á một lần nữa đứng trước nguy cơ lại trở thành tâm dịch thế giới.Nhiều tuần gần đây, trong khi các nước phương Tây đã dần bước vào trạng thái ổn định thì số ca nhiễm COVID-19 có xu hướng tăng mạnh tại nhiều nước châu Á.Ấn Độ bị nặng nhất châu lục với số ca nhiễm mới mỗi ngày lên tới hàng trăm ngàn, trở thành tâm dịch lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Indonesia, Philippines, Thái Lan trong vòng 24 giờ qua tiếp tục ghi nhận thêm hàng ngàn ca nhiễm mới. Riêng Nhật và Hàn Quốc trước đó tuyên bố kiểm soát dịch thành công nay cũng bắt đầu ghi nhận lại hàng trăm ca nhiễm mới mỗi ngày.
<!>

Biến thể mới tỏ rõ sức nguy hiểm
Không nhắc tới những lý do chủ quan trong ý thức chấp hành quy định y tế và mức độ hiệu quả của chiến dịch chống dịch riêng từng nước, tờ The Nikkei cho rằng khác biệt lớn nhất giữa đợt dịch hồi đầu năm ngoái và đợt dịch lần này ở châu Á là sự lây lan mạnh của nhiều loại biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Theo giới chuyên gia, SARS-CoV-2 trung bình tự đột biến hai tuần một lần để thích ứng với môi trường và điều kiện dân cư tại đất nước mà virus này hoạt động. Tại châu Á, bốn biến thể phổ biến và nguy hiểm nhất là B117 (phát hiện tại Anh, hiện lây lan mạnh tại Philippines và Thái Lan), B1617 (mới được phát hiện tại Ấn Độ và cũng đang lây lan mạnh ở nước này), P3 (phát hiện và lây lan tại Philippines) và B1351 (phát hiện tại Nam Phi, hiện có mặt tại Nhật và Philippines).

Điểm chung của các biến thể mới là chúng mang trong mình đột biến E484K - được giới nghiên cứu cảnh báo là có khả năng mạnh hơn các loại vaccine ngừa COVID-19, thậm chí người được tiêm vaccine cũng có nguy cơ nhiễm. Riêng biến thể B1617 ở Ấn Độ nguy hiểm hơn, có thêm hai đột biến nữa là E484Q và L452R. Trong một cuộc họp báo hồi tuần trước, chuyên gia y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - bà Maria Van Kerkhove cho biết hiện chưa có nhiều dữ liệu về hai đột biến mới của B1617, song nghiên cứu ban đầu cho thấy E484Q và L452R có thể giúp virus tăng đáng kể khả năng lây nhiễm và kháng vaccine, đặt ra thách thức rất lớn cho nước nào bị biến thể này ảnh hưởng.

Hiện các hãng dược lớn như Pfizer (Mỹ), Moderna (Mỹ), BioNTech (Đức) và AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) đã lần lượt công bố nghiên cứu nhấn mạnh vaccine của mình - ban đầu được bào chế để ngăn chủng SARS-CoV-2 gốc - vẫn có hiệu quả tốt với các biến thể mới phát sinh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn kêu gọi các hãng này nên nỗ lực nghiên cứu cải tiến chất lượng vaccine cho phù hợp hơn với bối cảnh hiện tại.
Quảng Cáo
“Nhiều người bệnh được chữa lành đồng nghĩa với việc lượng kháng thể tự nhiên trong xã hội cũng tăng lên, chủng gốc vì thế cũng dần mất tác dụng và biến mất. Trong khi đó, mỗi lần xuất hiện biến thể mới là mỗi lần chúng ta lại bùng lên một đợt dịch khác gây tổn thất nghiêm trọng tiền của và sinh mạng. Virus thay đổi liên tục đòi hỏi chúng ta cũng phải thay đổi liên tục và liên tục cải tiến các biện pháp ngăn ngừa. Không thể chỉ dựa vào một loại vaccine hay một biện pháp cụ thể nào để đối đầu với đại dịch” - trang tin The Conversation dẫn ý kiến chung của bốn chuyên gia dịch tễ học thuộc ĐH London (Anh).

Châu Á khó cân nhắc phong tỏa
Để đối phó với tình thế nguy cấp trước mắt, chính phủ nhiều nước châu Á đã thiết lập các biện pháp khẩn cấp để giảm lượng bệnh nhân đổ về bệnh viện, gây quá tải cho hệ thống y tế. Ở Ấn Độ, thủ đô New Delhi đã rơi vào tình trạng khủng hoảng gần hai tuần nay khi người dân phải chật vật tìm giường bệnh, bình ôxy, thuốc men, cũng như sự trợ giúp từ các quan chức chính phủ. Các bệnh viện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu ôxy y tế trầm trọng do nhu cầu vượt quá nguồn cung. Chính phủ nước này mới đây đã kéo dài lệnh phong tỏa thủ đô ban bố hôm 19-4 đến sáng 3-5, hãng tin Reuters cho biết.
Ở Thái Lan, quan chức Bộ Y tế Kiattiphum Wongrajit ngày 25-4 cho biết Trung tâm Phản ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Thái Lan đã họp khẩn bàn cách đối phó với mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch mới nhất, theo tờ The Bangkok Post. Các quan chức đồng ý sẽ siết các biện pháp phòng dịch theo từng khu vực, dựa vào hệ thống mã hóa bằng màu sắc để khoanh vùng các tỉnh bị ảnh hưởng. Vùng đỏ là nơi phải áp dụng các biện pháp phòng dịch tối đa và là khu vực có số ca nhiễm cao. Màu cam tương ứng với mức phòng dịch cao thứ hai, tiếp theo là màu vàng, trong khi màu xanh là những địa phương không có ca lây nhiễm. Biện pháp này chủ yếu để khoanh vùng những địa phương có dịch và phong tỏa chỉ nơi đó, tránh phải ban bố một lệnh phong tỏa toàn quốc.

Về phía Philippines, chính quyền Manila đang nỗ lực tăng cường thêm giường bệnh cho các bệnh viện cấp trung ương tại trung tâm thủ đô, đồng thời phát động các chiến dịch tuyên truyền để người dân tự giác chấp hành các hướng dẫn vệ sinh an toàn và giãn cách xã hội, duy trì cảnh giác trước các điểm tụ tập đông người.
Có thể thấy chính phủ các nước châu Á đang phải viện tới mọi biện pháp có thể áp dụng được để tránh phải áp dụng phong tỏa toàn quốc sau thiệt hại kinh tế nghiêm trọng của đợt dịch đầu tiên. Hơn nữa, chỉ tính riêng việc dịch bùng phát gần đây thôi cũng đã có nguy cơ thổi bay mọi thành quả phục hồi kinh tế đạt được sau bốn tháng năm nay.
1tỉ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm trên toàn thế giới tính tới ngày 24-4, thống kê của hãng tin AFP cho biết. Nước đi đầu trong công cuộc tiêm chủng là Israel, với hơn 80% số người trên 20 tuổi ở nước này được tiêm đủ hai liều. Nước đứng thứ hai là Mỹ, với phân nửa dân số được tiêm ít nhất một liều. Theo sau là Anh, với khoảng một nửa dân số được tiêm ít nhất một liều.

“Làn sóng dịch COVID-19 lần hai tại nhiều nước châu Á có vẻ nghiêm trọng hơn lần đầu tiên về mức độ ảnh hưởng. Đặc biệt, Ấn Độ, Thái Lan chịu nhiều nguy cơ nhất” - The Nikkei dẫn lời ông Manishi Raychaudhuri, Trưởng bộ phận nghiên cứu chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng BNP Paribas (Hong Kong), nhận xét.

Chỉ số BSE Sensex của chứng khoán Ấn Độ đã giảm hơn 4% kể từ đầu tháng 4. Trước đó, chỉ số này ghi nhận mức tăng hơn 10% từ đầu năm lên mức cao kỷ lục hôm 16-2. Các ngân hàng, công ty chứng khoán, gồm UBS Securities và Nomura Securities, đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ. UBS đã hạ dự báo tăng trưởng của nước này từ 11,5% xuống còn 10% trong năm 2021, còn Nomura hạ từ 13% xuống còn 12,6%.

Cũng theo ông Raychaudhuri, chứng khoán toàn cầu, đo lường bằng chỉ số MSCI All Country World Index, đã tăng hơn 8,4% so với các thị trường châu Á kể từ ngày 1-2, chứng tỏ các thị trường trong khu vực đang phải chịu áp lực rất lớn và là lời cảnh báo rõ ràng nhất cho bất kỳ nước nào muốn tái áp đặt phong tỏa quy mô lớn.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét