Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 27 tháng 4, 2021

Ngày xưa không còn nữa - Nguyễn Văn Tỷ

Nghe mấy cháu Gia Long diễu cợt với một cụ già Pétrus Ký. Các cháu nói về áo dài Gia Long, về quần xanh sơ mi trắng của Pétrus Ký, Pétrus Ký thập thò trước cửa Gia Long. Tôi bật cười, nhớ lại hồi xưa. Thời của cụ già Pétrus Ký này đâu có Gia Long áo dài và Pétrus Ký quần xanh sơ mi trắng.- Sơ Lược về Pétrus Ký- Vào trường là năm 1948. Khi đó trường còn tên là Lycée Pétrus Trương vinh Ký, tọa lạc ở góc đường Nancy (sau đổi là Cộng Hòa, thời Việt Nam Cộng Hòa) và đường 11ème RIC (sau đổi là đường Nguyễn Hoàng, thời VNCH). Sát với góc đường nầy còn là giao điểm của đường Féderic Drouet (sau đổi là đường Hồng Bàng, thời VNCH) đi vô Cholon, đường Hui Bon Hoa (VNCH đổi lại là đường Minh Mạng) đi về hướng Ngã Bảy, đường Chasseloup Laubat (sau đổi là đường Hồng Thập Tự, thời VNCH) đi ra Saigon. Trường Pétrus Ký ở giữa Saigon và Cholon. 
<!>
Tới năm 1948, cho đến năm 1954, trường vẫn còn nguyên trạng với kích cở như vậy. Bốn dãy lầu (bên trái hình) trước kia (thời năm 1948) là dortoir cho học sinh nội trú. Về sau, thời VNCH, bốn dãy lầu đó được chuyển thành cơ sở của Faculté des Sciences.
Lycée Pétrus Ký chỉ dành cho con trai. Trường có ban Cao Đẳng Tiểu Học (lúc đó gọi là Enseignement Classic hay Enseignement Primaire Supérieur) và ban Tú Tài (lúc đó gọi là Enseignement Secondaire). Ở ban nầy có nữ sinh, chừng hơn mươi cô, mặc áo dài (thường màu trắng), đoan trang, thông thái. Nói chừng hơn mươi cô, vì thời buổi đó (cuối thập niên 40), các cô học xong Enseignement Primaire Superieur (ở Gia Long hoặc không phải Gia Long) thì thường là mười tám, mười chin tuổi, nên các cô hoặc đi làm hoặc đi lấy chồng. Số qua Pétrus Ký để học ban Tú Tài là những cô ngoại lệ, vừa học giỏi (mới thi đậu vào học ban Tú Tài), vừa chưa muốn lấy chồng.

Học sinh Pétrus Ký thời buổi đó được ăn mặc tự do, quần short, hoặc quần tây dài. Áo sơ mi (bỏ ngoài hay bỏ trong quần), mang giày sandale hay giày bít. Nếu có đội nón thì thường là nón casque trắng (kiểu nón cối thuộc địa mà người Pháp thường đội thời đó). Màu quần, màu áo đa dạng. Mặc làm sao miễn là dể coi, không bắt buộc là quần tây dài xanh với áo sơ mi trắng bỏ trong quần.

Vậy mà thời đó, có hai anh bạn, cùng lớp tôi, một người tên T. , một người tên H. Hai anh nầy thường mặc quần tây dài, hai ống quần túm bó hai ống chân trông như hai cái ống điếu. Áo sơ mi dài tay, rộng phùng phình. Áo bỏ trong quần nhưng phùng phình, xề xệ ở thắt lưng. Áo và quần, khi màu nầy, khi màu khác. Quần thì không nói. Nhưng áo thì có trắng, nâu, vàng, xanh… khi có hình bông hoa hoặc chim cò màu sắc lòe lẹt. Chân luôn mang giày da bóng lưởng, có mũi dẹp lép, gọi là giày bec-canard (giày mõ vịt), đế da cứng có đóng gót sắt, kêu cộp cộp trên nền gạch bông ở hành lang theo mỗi bước chân hai anh đi.
Quên nói, đầu hai anh tóc dài nhưng chải gọn với brillantine láng cón, tém ra phía sau ót. Chải đầu cách đó được gọi là chải đầu tém. Cách ăn mặc của T. và H. như vậy là thời trang của những anh chàng ăn chơi hay công tử (bột) thời đó. Hai anh không phải là anh em một nhà nhưng thích đi chung với nhau. Mỗi lần thấy hai anh đi ngang qua, mấy học sinh hay nhìn theo rồi ngó nhau cười tủm tỉm. Không biết các thầy surveillant (giám thị) có để ý tới cách ăn mặc của T. và H. không, nhưng thấy trang phục của các anh như vậy hoài, lâu ngày cũng quen mắt.
Tuy ăn mặc khác với anh em như vậy, nhưng T. và H. tiếp xúc và đối xử với anh em rất bình thường, không cao ngạo, không làm phách, mầy tao vui vẻ đề huề.

Về sau, T. là Tư lệnh phó Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Vào tháng 3 năm 1975, khi cả miền Trung rút về Saigon, T. đã ở lại cuối cùng,(…). Sau 30-4-75, T. bị đi cải tạo mười mấy năm, hiện đang định cư tại Dallas, Texas theo diện HO. Còn H., nghe T. nói là đã qua đời bên Việt Nam.
Ngoài T. và H. các học sinh khác vì sinh vào thời chiến, nên số đông đều đi theo con đường binh nghiệp. Một số thi qua Pháp, vào Salon, Auxerre, Rocheford hoặc qua Maroc vào Marakech, theo ngành Không Quân. Số khác còn nấn ná ở Việt Nam để chờ thời, rốt cuộc cũng vào Võ Bị Quốc Gia Đàlạt, hoặc bị gọi đi Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Có người ra Nha Trang học Hải Quân bềnh bồng trên các chiến hạm, hoặc vào trường Không Quân học lái máy bay quan sát. Tất cả, khi ở trong quân đội VNCH,(….) Lâu dần, theo thời gian và chiến công, (kể riêng về PK 48), nhiều người lên Tá, lên Tướng, giữ các chức vụ Chỉ Huy Trưởng, Không Đoàn Trưởng, Hạm Trưởng, thuộc Hải, Lục, Không Quân của QLVNCH. Và, cũng có người biệt tâm, chắc là vào cỏi thiên thu, đền xong nợ nước.

Ở Texas, ở Cali, bên Pháp, bên Úc, bên Canada… và cả ở Việt Nam, dân Pétrus Ký thời 48 hãy còn. Ở đâu không biết, nhưng ở Bolsa, nam CA, những anh Pétrus Ký 48 hay gặp nhau mỗi thứ năm hằng tuần trong một quán nước quen thuộc. Họ là những người đã có một thời oanh liệt. Gặp nhau để tán gẩu, nhắc chuyện thời xưa, thỉnh thoảng văng ra một tiếng chưởi thề. Họ bảo như vậy mới vui. Chỉ có ở chỗ riêng biệt với anh em như thế mới dám chửi thề. Ai nghe được thì nghe, không nghe thì thôi. Ở nhà không dám chưởi thề vì có mấy đứa cháu và nhất là có “bà chủ nhà”.
Lâu lâu thấy có một bản Phân Ưu trên mail, ghi tên một cựu Pétrus Ký thời 48 thành nguời thiên cổ. Bên dưới bản Phân Ưu, là một dọc tên những người bạn cùng thời ở Pétrus Ký phân ưu, chừng mấy mươi người, có ở CA. ở TX, Canada, Pháp, Việt Nam, và ở Úc.
Lúc còn đi học, có một ít vô khu theo Việt Minh vào những năm 50, 51, 52 rồi tập kết ra Bắc. Biết có mấy người tử trận trong trận chiến Mậu Thân khi từ Bắc xâm nhập miền Nam. Sau 75, có anh Pétrus Ký 48(…) vào tiếp quản các bệnh viện trong Chợ Lớn; có anh là chuyên gia về từ Liên Sô, làm việc trong một cơ quan khoa học kỹ thuật.
Cũng có một số ít không vào quân đội, không theo Việt Minh, chuyên tâm học hành, đổ làm bác sĩ, kỷ sư, luật sư, làm giáo sư … tốt nghiệp trong chế độ VNCH. Một người tên H. từng là hiệu trưởng một trường trung học lớn ở Biên Hòa, hiện đang sống đơn độc trong nhà của Housing ở Fountain Valley, nam CA. Một người tên Q. từng có Master bên Mỹ trước 75, làm luật sư, sau 75 phải vượt biên, đang ở San Jose với gia đình của con cái.
Đó là bên Pétrus Ký. Còn bên Gia Long?

Thời đó, năm 48, Gia Long còn là Collège Gia Long, có cổng chính ngó ra đường Le Grand De La Lyraye (thời VNCH đổi là đường Phan Thanh Giản) với hai hàng cây sao cao ngất nghểu che mát con đường. Collège Gia Long chỉ dạy tới lớp 4ème Année của Enseignement Primaire Supérieur. Học xong lớp nầy, thi Diplôme (bằng Thành Chung) hoặc bằng Brevet 1er Cycle. Muốn học Tú Tài thì phải thi vào ban Tú Tài (Enseignement Secondaire) bên trường Pétrus Ký. Hồi đó, (tôi nói hồi đó) ở trong Nam, học tới Diplôme thì ngon lành rồi. Dù thi không đậu Diplôme (thi cữ thời đó rất khó) nhưng chữ nghĩa là tiếng Pháp đủ làm thầy thông thầy ký trong các công sở do người Pháp cầm đầu.
Vì không phải là Gia Long nên không dám nói nhiều về Gia Long như đã nói về Pétrus Ký. Tuy vậy vẫn biết là vào thời đó, các nữ sinh GL nhập học năm thứ nhất (Première Année) không ít cô vào tuổi 13, 14, 15 (tuổi cập kê).

Các cô đều mặc áo bà ba với quần vải đen đi học. Áo bà ba thường bằng vải, bằng popeline, đôi khi bằng soie. Màu trắng nhiều hơn các màu khác. Màu trắng là tượng trưng cho sự trong trắng của người con gái. GL lúc đó chưa có phù hiệu bông mai, cũng chưa mang nhản hiệu tên trường. Người Gia Long lúc đó cũng được ăn mặc tự do (như bên Pétrus Ký) nhưng trong khuông phép lễ giáo, đức hạnh truyền thống. Vì vậy, bộ đồ bà ba, áo trắng quần đen giãn dị đó là đủ cho một người con gái Gia Long. Người Gia Long có thể mang sandale hay mang dép, mang guốc. và che nắng bằng chiếc nón lá. Nón lá rẻ tiền, đội mát đầu, đầu không ra mồ hôi làm hôi tóc, lại có thể dùng làm quạt phe phẩy lúc trưa hè. Nón lá còn để che mặt khi cảm thấy có ai đang nhìn trộm. Không đội thì máng nón lá trên guidon xe hay cặp vào khuỷu tay.

Với bộ đồ bà ba, Gia Long thời đó có thể khi thì nhảy cò cò, nhảy dây, khi thì ngồi bẹp dưới đất đánh đủa. Nghịch hơn thì đá cầu, hoặc chơi “u – hấp”. Dù với bộ bà ba, không phất phơ lả luớt như những tà áo dài của Gia Long sau nầy, nhưng vào tuổi của năm thứ nhì (Deuxième Année), năm thứ ba (Troisième Année), với cái áo bà ba được cắt may vừa vặn, có chỗ eo, chỗ nở khéo léo đúng chỗ đúng nơi, Gia Long thời đó cũng làm mất hồn nhiều anh Pétrus Ký. Đơn sơ mà kín đáo, gọn gàng nhưng cũng yểu điệu nên rất dễ thương Lắm chàng bên Pétrus Ký khi hết giờ học vội vàng đạp xe qua Gia Long để được gặp nàng.

Gia Long còn có suối tóc đen mượt kẹp sát ót, thoát qua vành nón lá, chảy dài trên lưng áo trắng bà ba. Nhiều trai trẻ khi đạp xe ngang, phải xoay đầu lại ngẩn ngơ nhìn. Cái nhìn đó cũng được người ta thấy nhưng người ta giả bộ làm ngơ. Vì vậy, ít có Gia Long học đến Tú Tài. Vừa xong Trung học (Diplôme hoặc Brevet 1er Cycle) hay còn đang học là đã có người rước lên xe hoa. Gia Long nào đậu qua ban Tú Tài để trở thành Pétrus Ký thì mới bỏ bà ba để mặc áo dài.

Cũng có Gia Long “nâng khăn sửa túi” cho PK cùng thời đến “tóc bạc răng long”. Được trường hợp nầy, Pétrus Ký có thập thò trước cổng trường (hay nhà) của Gia Long thì cũng hân hạnh và chẳng bỏ công chút nào. Qua PK để học Tú Tài hay về nhà Pétrus Ký để sửa túi nâng khăn thì Gia Long cũng thành Pétrus Ký. (Gia Long! Đừng chọc quê Pétrus Ký nữa nha!)
Ngày nay, các cô nói đến Gia Long mà chỉ nhắc về thời áo tím hay áo dài trắng, không nhắc đến Gia Long áo bà ba là thiếu sót lớn. Gia Long áo bà ba cũng vang bóng một thời. Lúc tôi biết là năm 48. Năm 47, trước đó một năm, cũng là Gia Long áo bà ba.
Nói vậy vì tôi biết.
(….)
Trở Lại Pétrusky Và Gia Long.
Có quân đội Nhật ở Đông Dương trong Thế Chiến II, có VM, có quân đội Pháp và chiến tranh Pháp với VM như đã đề cập bên trên là những biến cố khiến học sinh không đi học được liên tục và bị trễ học. Năm 47, 48, học sinh thi vô Gia Long và Pétrusky thường ở vào tuổi 13, 14, có khi là 15. Vô năm thứ nhứt (Première Année) với tuổi như vậy là học trể, nên đơn xin dự thi phải kèm theo đơn xin miễn hạn tuổi. Thời kỳ đó, năm 47, 48, đời sống còn khó khăn, nên cách ăn mặc cũng theo sự khó khăn mà thành đơn giản. Con gái, quần vải đen, áo bà ba trắng, mang dép hay guốc dông với cái nón lá trên đầu là đủ rồi. Con trai, quần short, áo sơ mi, giày Bata hay sandale, là tươm tất. Cha mẹ lo được cho con như vậy với chiếc xe đạp, để đi học trường Pétrusky và Gia Long

Sau nầy, khi cụ Ngô đình Diệm về Việt Nam chấp chánh và người Pháp để Việt Nam được độc lập hoàn toàn, Việt Nam Cộng Hòa được thành lập. Giáo Dục được cải tiến. Pétrusky với Gia Long cũng như Trưng Vương với Chu Văn An, từ Bắc di cư vô Nam, đều có sắc phục. Con gái trung học thì mặc áo dài. Con trai trung học thì mặc quần tây dài xanh, áo sơ mi trắng bỏ trong quần. Tất cả đeo bảng tên trường với phù hiệu. Con trai thì không nói làm gì, nhưng con gái khi mới vô đệ thất Gia Long hay Trương Vương, bé xíu, mới mười một tuổi mà mặc áo dài thì thiệt tốn vải. Đã vậy, còn bất tiện cho các bé khi chơi đùa. Các bé phải quấn vạt áo cột ngang hông hay nhét vô lưng quần cho gọn, dễ chạy nhảy. Có khi vạt áo bị bé khác đạp trúng, đứt xoạt mất một vạt, mặc chẳng giống ai ……. Nhưng không sao. Thời kỳ cụ Ngô đình Diệm làm Tổng Thống là thời kỳ miền Nam tháì bình thạnh trị. Dân chúng có ăn, có mặc với các khu dinh điền, các khu trù mật ở khắp miền Nam. Những Người Bắc 54 đều gây dựng nên sự nghiệp, tài sàn ở Hố Nai, Gia Kiệm, Túc Trưng, Cái Sắn, v.v… Miền Nam giàu có. Nhiều đồng bào miền Bắc lỡ dịp di cư chánh thức nên kết bè vượt biển vô Nam tìm tự do.(…)
Bây giờ, nước mất rồi. Tên trường cũng đã mất. Hoài niệm trường xưa, nhắc tới Gia Long áo tím thì đừng quên nhắc Gia Long áo bà ba như vừa nói và khi nói tới các cụ già Pétrusky thì đừng nói quần tây xanh với áo sơ mi trắng mà thôi.
Xót xa, ngày xưa không còn nữa!

Thằng Mõ Pétrus 1948
Nguyễn Văn Tỷ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét