Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

KÝ ỨC THÁNG TƯ: Những Ngày Tháng Sinh Viên Tại SÀI GÒN Sau Tháng Tư 1975 - Tuệ Vân

Vài tuần trước ngày 30 tháng 4 1975, Saigon đã thật sự rất hoang mang trước những tin tức đồn đãi Việt Cộng sắp vào thành phố. Trên đường phố, theo như nhận xét của Bác và Mẹ tôi, thì đã có sự xuất hiện của những người lạ mặt chạy xe xích lô mà không rành lối ngõ. Gia đình dì ruột của tôi thì đã lên phi cơ bay sang Canada, để lại những căn biệt thự, cơ sở kinh doanh và các tài sản khác cho bác tôi trông giữ. Chiếc xe hơi của chú tôi và các xe gắn máy của các em họ tôi thì được đem về đậu trước cửa nhà tôi. Những tin tức truyền miệng rằng khi Việt cộng chiếm được Sài gòn thì sẽ cho nhổ móng tay và bắt những người Bắc di cư vào miền Nam năm 1954 đi bộ trở về miền Bắc, đã khiến cho anh chị em tôi lo sợ vô cùng. 
<!>
Thoạt đầu các anh tôi đã có kế hoạch đưa tất cả mọi người trong gia đình ra Bến Tầu để di tản trốn Việt Cộng. Tuy nhiên vì mẹ chúng tôi nói lên ước ao của bà là bà muốn ở lại để được gặp bà Ngoại ở miền Bắc đang sống với các bác thì không ai muốn bỏ mẹ mà đi. Mặc dù khi đó 5 chị em gái trong nhà chúng tôi đã có giấy tờ bảo lãnh đi sang Hoa Kỳ do người chị Cả gởi về. Chị Cả chúng tôi là người mà ba tôi trên con đường hành quân khi ông còn trẻ, thấy ba mẹ chị đã chết vì bị Việt Minh giết, đã nhận chị làm con nuôi kể từ khi chị tuổi mới được mấy tháng.

Ngày 30 tháng 4, các chị em gái chúng tôi mặc những bộ bà ba đen do mẹ tôi may vội để không bị để ý bởi những người cộng sản. Chúng tôi núp trong nhà nhìn lén qua ban công xuống đường theo rõi những nữ cán bộ Việt Cộng mặc áo bà ba đen, đeo súng trường trên vai. Không khí những ngày sau ngày 30 tháng 4 rất là căng thẳng. Theo lệnh của mẹ tôi chúng tôi không ai được bước ra đường. Cặp đựng giấy tờ, hồ sơ, hình ảnh và các huân chương của ba tôi dù ba tôi đã qua đời cũng bị các anh tôi phân loại và đem đốt.

Khi thấy trong khu phố những người nữ cán bộ Việt Cộng bỗng biến mất và thay vào đó là những người bộ đội mặt rất non trẻ và mọi người bắt đầu đổ ra đường trò chuyện với nhau thì tôi cũng xin phép mẹ để tôi đạp xe lên trường xem tình hình ra sao.

Đến trường tôi thấy có một số sinh viên và học sinh đứng giáo dác ở cổng trường, lo lắng tìm hiểu về tương lai của trường học. Khi thấy tôi, các bạn tôi đã ùa tới trò chuyện. Qua câu chuyện tôi được biết sinh viên của các phân khoa mà đa số là con cái của các thương gia và sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã đi tản khỏi Việt Nam. Cả Ban Chấp Hành của trường ngoại trừ tôi không còn ai ở lại. Trong lúc lúng túng đó, thì may mắn đã có 3 người bạn của lớp tôi nhận rằng ba của họ là những người tập kết nay đã trở về với gia đình. Thông qua những người cha này, họ có thể giúp cho chúng tôi bắt liên lạc với những người trách nhiệm của thành phố để giải quyết tình trạng của trường học và của các sinh viên học sinh tại trường Regina Pacis.

Một nữ cán bộ tên là Hai Tuyết sau đó đã đến trường Regina Pacis liên lạc nói chuyện với chúng tôi và đã bảo chúng tôi mời các phụ huynh đến họp. Trong buổi họp này tôi trước đây chỉ là một thành viên của Ban Chấp Hành trường trách nhiệm khối Văn Nghệ nay bất đắc dĩ trở thành người đại diện cho cả trường bao gồm cả khu học sinh Trung Học. Dưới sự bảo đảm của cán bộ Hai Tuyết mọi người phần nào đều cảm thấy yên tâm. Cán bộ Hai Tuyết được biết là bị ở tù Côn Đảo nay mới được thả ra. Ngoài hàm răng của người nữ cán bộ này trông đáng sợ vì lúc nào cũng thấy máu chẩy ra từ nướu răng, chị tương đối dịu dàng, hiền lành. Có một chuyện mà tôi không bao giờ quên là vào buổi họp với phụ huynh học sinh trên trường, có một em học sinh lớp 10 đã đến nói chuyện với tôi. Em nhờ tôi đến nhà em, xin phép ba em cho phép em đi học lại ở trường. Tôi đã nhận lời. Đến hôm sau khi tôi đến nhà em trong khu cư xá gần trường Văn Lang, tôi đã bị sợ hãi đến tản thần. Ba em vốn là một sĩ quan VNCH. Ông nhầm tưởng tôi là một nữ cán bộ Việt Cộng cho nên đã chỉ mặt mắng và đuổi tôi ra khỏi nhà. Ông nói cho dù con ông có bị thất học ông cũng không cho phép con ông học trường học do cộng sản phụ trách. Khi về nhà và kể chuyện lại cho gia đình nghe, mẹ tôi đã bảo từ nay tôi không được phép làm tài lanh như thế nữa, vì có ngày có thể tôi sẽ gặp nguy hại đến tính mạng, do miền Nam khi đó vẫn còn rất nhiều người không ưa thích chế độ cộng sản.

Trường Regina Pacis cấp đại học chúng tôi sau khi khai báo với giới chức cộng sản thẩm quyền tại thành phố Sài Gòn, đã cùng với mười mấy trường Đại Học khác của Sài Gòn như Vạn Hạnh, Luật Khoa, Minh Đức, Đà Lạt, Cửu Long, Hòa Hảo, … từ năm thứ hai trở lên tới Cao Học, thuộc các ngành Kinh Tế, Thương Mại, Tài Chánh, Kinh Doanh vân vân, được cho sát nhập vào Đại Học Kinh Tế vốn là Đại Học Luật Khoa trước đây để sàng lọc lý lịch, sau đó chúng tôi được chia ngành và được huấn luyện theo chương trình mới.

Trước ngày tham dự lễ mừng thống nhất đất nước do Việt Cộng tổ chức, tôi được chị Hai Tuyết ngỏ ý muốn kết nạp tôi làm Hội Viên. Trong tình hình lúc đó tôi không thể từ chối vì lo ngại cho an nguy của gia đình. Buổi tối trước khi chuẩn bị lên trường Đại Học Khoa Học để tuyên thệ và ngủ đêm tại đó chờ hừng sáng cùng ra tụ tập với sinh viên các trường để tham gia biểu tình mừng chiến thắng của Việt Cộng, mẹ tôi đã khóc. Bà ôm tôi vào lòng và bảo “Vì gia đình con phải khổ rồi.” Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi đã không ngủ đêm ở nhà.

Trước giờ tuyên thệ chị Hai Tuyết đã đưa tôi một mẫu giấy bảo tôi điền vào các chi tiết cá nhân, trong đó có phần ghi về bí danh. Suy nghĩ tôi đã chọn tên Năm Thùy. Năm là vì tôi thứ năm. Thùy là tên lót của cô em gái Út mà tôi rất yêu quý. Phần gia đình thì tôi viết bừa rằng ba mẹ đều là lao động tay chân.

Con đường gọi là phấn đấu đi vào Đoàn Đảng của tôi theo như sự thúc đẩy của chị Hai Tuyết, tuy nhiên may mắn đã không hoàn thành do vào tác phong tiểu tư sản của tôi với phần lý lịch anh tôi là ngụy lại bị tình nghi là ăn cướp mà tôi sẽ đề cập đến trong bài sau.

Tờ mờ vào lúc khoảng 3 giờ sáng sinh viên học sinh các trường đã được huy động ra tập trung ở khu vực biểu tình. Trường Regina Pacis chúng tôi đứng trước trường Đại Học Kiến Trúc. Trong lúc thực tập hô các câu lập lại trong cuộc biểu tình, mỗi khi cán bộ Việt Cộng hô “Khỏe, Khỏe, Khỏe” thì các sinh viên Kiến Trúc đã la lên “Ghẻ, Ghẻ, Ghẻ.” Các sinh viên chúng tôi đứng quanh, nhìn nhau cố mím môi cười nhưng không dám phụ họa theo vì sợ bật thành tiếng khiến cho cán bộ VC để ý.

Nhờ sự bảo lãnh của họ hàng ngoài Bắc và các bạn của Dì tôi, tôi đã được giữ lại Đại Học Kinh Tế để tiếp tục việc học. Qua đó tôi được phân bổ vào lớp Kinh Tế 11 ngành Kinh Tế Công Nghiệp, với những sinh viên của các trường Đại Học khác bao gồm Qúy, Trường., Phạm Khắc Trung., vân vân, vốn thuộc những gia đình có máu mặt tại Saigon nhưng dưới chế độ mới tất cả bỗng dưng trở nên có nguồn gốc bần cố nông. Đây cũng là những người đã đem đến cho tôi những ký ức khó quên.

Phạm Khắc Trung chẳng hạn vào những giờ giải lao trong những buổi học tập chính trị đã cố gắng thuyết phục tôi lên ngâm bài thơ Quê Hương của Giang Nam. Lối giới thiệu của Trung rất hài hước và duyên dáng khiến ai cũng phải chú ý và bật cười theo những lời giới thiệu. Một trong những ký ức khó quên nữa, là bạn tôi Phạm Khắc Trung đã giả điên mượn bài hát Áo Lụa Hà Đông nhân ngày tiễn thầy trở về Hà Nội để mắng chế độ Việt Cộng. Trung đã bị tắt micro và bị bảo vệ trường bắt vào văn phòng giám hiệu để xử trí, nhưng thầy Tuấn là người bị Trung tế sống lại là người đứng ra để xin tha tội cho Trung. Lại còn chuyện lúc chúng tôi đi đào mương vùng kinh tế mới, khi mương vừa được đào xong, lấy cớ là cần hát khánh thành mương. Qúy, Trường, Trung đã bảo mọi người đứng nghiêm và sao đó thì đã hát bài Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa. Chị tổ trưởng vốn là một người học chung Regina Pacis với tôi và có cha là người đi tập kết về đã xanh mặt muốn khóc. Chị đã phải van xin các bạn đừng hát bài phản động đó nữa vì sẽ có hại cho chị và cho tổ.

Cũng có một ký ức nữa mà phần nào đã gây cho tôi sự bồi hồi mong được tha lỗi khi nhớ đến chuyện tôi đã gây ra do bản tính nghịch ngợm.

Vào một buổi sáng, chúng tôi đã đi đến rạp hát Hào Huê trong Chợ Lớn để tham gia vào một buổi học tập chính trị tổ chức cho sinh viên các trường Đại Học đã được sát nhập vào trường Đại Học Kinh Tế. Mỗi trường được chỉ định ngồi chung vào một khu vực. Trường Regina Pacis của chúng tôi được chỉ định ngồi ở phía tầng trên lầu. Chúng tôi lúc đó đều mặc áo dài trắng là đồng phục của trường. Sau khi ngồi yên vị được một lúc thì các bạn tôi với bản tính ưa chọc ghẹo đã đảo mắt đến các khu vực của những Đại Học khác để chấm điểm các nam sinh viên hiện diện trong hội trường. Sự chú ý của các bạn tôi đã hướng đến một thanh niên ngồi dưới lầu ngay phía chúng tôi ngồi. Người thanh niên đó có nét mặt lạnh lùng với làn da nâu đỏ. Các bạn tôi khai rằng họ đã để ý đến sinh viên đó vì anh có nét thanh tú lạnh lùng của một tượng đồng, hay lặng lẽ một mình, không nói chuyện với ai và không hề để mắt tới con gái. Một vài bạn tôi đã từng tạo điều kiện để làm quen nhưng đã không thành công. Hôm đó mọi người vì một lý do gì đó đã thách đố tôi làm sao làm quen được người sinh viên này, và tôi đã nhận lời. Thấy có một ghế trống cách hai ghế cạnh nam sinh viên này, tôi đã đi xuống lầu và đi vào hàng ghế có chỗ trống đó. Khi đi ngang qua chỗ anh ngồi tôi đã giả vờ làm rơi cuốn tập. Anh đã nhặt cuốn vở tôi làm rơi và trao lại cho tôi. Trong khoảng khắc ánh mắt đối nhau, qua nụ cười và ánh mắt anh nhìn, tôi hiểu là tôi đã thành công trong việc làm quen anh. Ngồi khoảng năm phút thì tôi buộc miệng nói “Ôi tôi đã ngồi nhầm chỗ.” Thế là tôi lại xin lỗi mọi người để nhường cho tôi bước trở ra khỏi hàng ghế và đi lên lầu nơi trường của tôi đang ngồi. Tan buổi học tập, trên con đường đạp xe về nhà, người thanh niên đó đã xuất hiện và lái xe ngang xong xong với tôi. Anh giới thiệu tên anh và ngỏ ý xin kết bạn với tôi. Chúng tôi đã nói chuyện trong một khoảng đường. Ngày hôm sau, trong khi sửa soạn đến trường thì em tôi chạy lên lầu nói tôi có bạn đến nhà rủ đi học. Tôi xuống nhà và thấy anh đang ngồi tại phòng khách, mắt nhìn vào cuốn vở trên tay. Những ngày sau đó anh đều lái xe đến nhà chờ tôi đi học chung cũng như lái xe theo tôi trên con đường tôi về nhà. Dạo đó bản tính tôi thích quen biết nhưng lại muốn giữ khoảng cách với mọi người nam vì không muốn bị kéo vào tình cảm với ai. Cho nên khi thấy tình cảm của anh dành cho tôi có vẻ khác, tôi đã tìm cách nói thẳng với anh đừng đến nhà tôi và đừng đi theo tôi nữa. Anh hiểu ý và từ đó tôi không còn gặp lại anh. Các bạn tôi bảo rằng anh đã đi vượt biên. Nhà anh ở là một ngôi biệt thự nằm trên đường Công Lý, cha anh là sĩ quan VNCH đã bị bắt đi học tập cải tạo. Công an VC họ muốn chiếm căn biệt thự nhà anh ở và đuổi gia đình anh đi đến vùng kinh tế mới.

Trong suốt ba năm học tại Đại Học Kinh Tế các sinh viên chúng tôi đã phải trải qua một thời gian học tập chính trị Xã Hội Chủ Nghĩa. Chúng tôi đã được dậy rằng Việt Nam sớm muộn gì cũng sẽ gánh trách nhiệm đại đồng thế giới, nhuộm đỏ vùng Đông Nam Á. Việt Nam rồi sẽ kinh qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa để tiến lên thời kỳ quá độ XHCN. Khi đó con người trong xã hội sẽ không còn phân cách giữa giầu nghèo mà chỉ còn có tình người trong xã hội với sự yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Thực tế Việt nam bây giờ, 46 năm sau buổi đó đã cho thấy luận cứ tuyên truyền rót vào tai chúng tôi hôm đó là một trò hề vĩ đại với toàn bộ hệ thống cán bộ VC từ trên xuống dưới tham nhũng thối nát, chồm lên nhau bòn rút tài nguyên quốc gia, tranh nhau trấn lột đồng bào, mưu mánh đủ kiểu để có điều kiện giầu sang hưởng thụ, trong một xã hội mà đặc điểm là “kẻ ăn không hết người lần không ra”.

Sau ba năm học tập đó, vào cuối năm 1978 những sinh viên học tại Đại Học Kinh tế, ngoại trừ có nguồn gốc gọi là cách mạng thì sẽ được giữ lại trường làm luận án tốt nghiệp và ra trường với bằng cấp Cử Nhân, còn lại thì tất cả đều được cho ra trường với văn bằng Cao Đẳng Kinh tế. Chúng tôi dĩ nhiên đã cùng ra trường vào dịp này.

Một điều lý thú là khi đến trường để thâu nhận sinh viên tốt nghiệp, các đơn vị ở xa đã được trường Kinh Tế cho ưu tiên lựa chọn các sinh viên ưu tú thông hiểu về đường lối cách mạng. Các sinh viên không được đánh giá cách mạng cao thì bị bỏ qua bên. Kết quả là nhóm phản động chúng tôi đều đã bị lọt sổ trong việc được các đơn vị ở xa lựa chọn. Trong cái xui mà lại thành cái may, nhóm kém ý thức cách mạng như chúng tôi, kết cục đều đã được Sở Công Nghiệp Sài Gòn, là nhóm có ưu tiên chọn lựa hạng chót, nhận vào sở làm ở Sài gòn.

Cũng trong vòng một năm sau đó, tất cả những người trong nhóm chúng tôi đều đã lần lượt vượt biển ra đi vì đã không thể sống chung với chế độ Việt Cộng, một chế độ độc tài, giả nhân giả nghĩa và gây nhiều ai oán trên đất nước.

Tuệ Vân
Tháng 4 2021.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét