Không bao giờ quên Anh... - Trà Khan ( http://hon-viet.co.uk/)
Ðêm nay, mưa rơi kéo dài, tuy không lớn, nhưng tiếng mưa đều đều trên mái hiên nhà, gian phòng nơi tôi ngồi trở nên hắt hiu vắng lạnh. Tiếng nhạc nhà ai bên hàng xóm đã từng thức khuya hằng đêm, như vô tình lọt qua khe hở nơi tôi ngồi, một thứ âm thanh như nhắc nhở người bỏ nước ra đi, đừng bao giờ quên người chiến sĩ đã nằm xuống năm xưa...”. Tôi nhớ tên anh như nhớ trông ai, tôi nhớ tên anh muôn kiếp không phai,... Tôi nhớ tên anh vào nghìn đời sau còn nhớ...” Tiếng nhạc lời ca trầm bổng tưởng như tiếng lòng của hồn thiêng sông núi vọng lên từ lòng đất mẹ, tâm tư tôi như cuốn trôi theo dòng nhạc buồn gục đầu trong đêm vắng ấy. Tôi có cảm nghĩ giấy bút cũng buồn theo!
<!>
Tôi viết những dòng cảm tác này, trên một đất khách lạc loài, cách quê mẹ nghìn trùng xa thẳm. Nhưng! không vì nghìn trùng xa thẳm ấy, mà “cách mặt xa lòng.” Song! Trong tôi, vẫn da diết nhớ về quê mẹ, như một trẻ thơ vừa mới bỏ vú mẹ hôm qua.
Bởi vì tôi không phải là rêu phong gỗ đá, mà trong tôi đang chan chứa tràn đầy tình yêu quê hương xứ sở, trong đó có tình người chiến hữu của tôi năm xưa.
Với tình yêu thiêng liêng ấy, vì nó không phải là một thứ ân tình “mâm cao cỗ đầy” để đãi thực khách, một khi đã “hết xôi thì rồi việc.” Cũng vì thế, Lacordaire nói rằng: “Tình yêu quê hương nảy sinh trong lòng người, nó là tâm tình sâu thẳm và vị tha, được nuôi dưỡng bằng lịch sử của quá khứ và kỷ niệm của cuộc sống cá nhân, nơi đó tập trung những gì ta đã thấy, ta đã làm, và ta đã sống từ những ngày lành của tuổi ấu thơ, đến những xao động của thời lão thành, và viễn tượng của mồ mả ông cha.”
Cuộc chiến Nam Bắc đã chấm dứt từ lâu! Một thứ an bình trong đau khổ của kẻ mất quê hương, những khăn sô của thiếu phụ vẫn còn đó, những anh em thiếu chân, cụt tay, đui mù vẫn còn lê lết bên lề đường xin ăn, làm sao tôi quên được, vì họ là những chiến binh cùng tôi một chiến tuyến, và cùng tôi có chung một ý thức hệ!
Vì thế tôi không thể vui, một khi quê hương đã mất, nhạc buồn nói về đời lính, là niềm xúc cảm vô biên, bằng những gợi nhớ, gợi thương, một khi bắt gặp những lời ca tiếng hát “người tình không chân dung” “bây giờ anh ở đâu” hay “tấm thẻ bài mang tên anh” v.v... thì môi tôi thiếu hẳn một nụ cười, vì nụ cười chỉ là giọt nước mắt khô không lệ!
Những bước chân ngày hai buổi trên lối đi về, tôi đếm bước bằng những ngày tàn mà nghe hồn nhỏ lệ! Trên miền đất tạm dung, nơi đây nơi đó, tôi vẫn thấy cô đơn, một thứ cô đơn lưu đày và mất mát miên viễn, vì nó không phải là nơi tôi mở mắt chào đời. Cho dầu, nơi tôi đang ở là một đất nước sang giàu, rộn tiếng hát câu cười, nhiều niềm vui giải trí. Nhưng không đánh đổi được cảm xúc nhớ thương, mỗi khi nghĩ về quê mẹ “ruột đau chín chiều.”
Tháng Tư lại về trên đất khách, là nỗi buồn của kẻ mất quê hương. Tôi nhắm mắt để cố quên đời chiến sĩ. Nhưng cố quên lòng lại càng nhớ thêm, đó là điều ngang trái nhất trong tôi.
Ba mươi chín năm trôi qua. Và đây cũng là ngày giỗ thứ 39, nơi mà anh đã nằm xuống!
Mau quá các anh nhỉ! một nén hương xưa không còn đâu nữa! vì nó đã tan biến theo mây khói và đã trở thành băng giá. Hơn nữa, nó còn lạnh lùng như tảng băng ở miền Bắc Cực vậy!
Nhưng! riêng tôi! Lúc nào, trong mọi lúc, mọi nơi, và mọi hoàn cảnh, dẫu phải vất vả lo cho nghiệp sống nơi chính mình. Nhưng trong tôi, lúc nào cũng còn tồn tại một nén hương lòng ngầm cháy mãi trong tim, như một lời tri ân mãi nhớ không nguôi đến anh! và các anh đã vì nước quên mình!
Ngày đau thương trọng đại, khi nước nhà xóa sổ, lại có những người chiến sĩ hào hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vì đại nghĩa quên mình, để cứu vớt cho những người còn sống một niềm vinh dự to lớn, là khỏi bị ám ảnh tủi nhục “hàng thần lơ láo, phận mình ra chi” đó là những vị tướng lãnh, biết chọn đến cái chết cao cả “chết vinh hơn sống nhục.”
Tôi là một người lính, như mọi người lính trận bình thường của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Nhưng vẫn mãi ở trong cương kỷ, cho dầu giấy đã rách nhưng vẫn giữ lấy lề, và không để cho “giậu đổ bìm leo” như lời nói người xưa. Vả cũng đừng để một ai đó bóp méo sự thật, ở những người lính VNCH đã nằm xuống.
Lúc nhớ các anh, tôi thường thuộc nằm lòng bài thơ “Anh hùng vô danh” của tác giả Ðằng Phương, cho dù vô danh hay hữu danh, các anh cũng đã giữ vững được thế đứng của chính mình. Vì nước quên mình “Nước còn thì còn tất cả” nước mất bản thân theo nước mà mất. Toàn dân Miền Nam Việt Nam chân chính nghiêng mình, và muôn đời tôn vinh và thương kính các anh.
Thời gian trôi qua, năm tháng trôi theo. Quá khứ lui dần vào quá khứ. Nhưng! dư âm vang vọng như một Tháng Tư 1975 vẫn còn lảng vảng đâu đây.
Những lời hịch truyền xuống từ dưới trướng các anh, là một lời lệnh “Phép Công Là Trọng Niềm Tây Sá Nào.” Kể từ đó, từng sư đoàn đến sư đoàn, không chậm trễ một phút giây, nhất tề tung quân diệt loài quỷ ác, bảo vệ từng tất đất của đất mẹ, mà tổ tiên nghìn đời có công dựng nước và giữ nước với câu nói “nếu ngươi lấy một tất đất của thánh tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải bị tru di.”
Trên chiến trường bốn vùng chiến thuật, từ Bình Long Anh Dũng, Kom Tum Kiêu Hùng, đến Quảng Trị Bách Chiến Bách Thắng, nơi nào cũng có dấu chân các anh. Chiến trường rực màu khói lửa, những người lính dưới trướng các anh không lùi bước trước họng súng của kẻ thù. Chiến công hiển hách, báo cáo dồn dập đến tận Bản Doanh Hành Quân Các Anh, đã làm cho Quân Dân Miền Nam nức lòng tin tưởng vào thế tất thắng cuối cùng của người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Nhưng cô đơn và đau đớn thay! Tôi chẳng biết chọn một lời lẽ nào để diễn tả đúng với niềm đau năm tháng ấy. Một khi phải “giã từ vũ khí” cũng là lúc người lính VNCH nhìn súng súng thẹn! nhìn gươm, gươm xấu hổ!
Nhưng! người lính thua trận, cho dầu đã hụt hẫng thế đứng, nhưng vẫn nghiêng về một phía Chính Nghĩa, dù vinh hay nhục nhất thiết không sống chung và đi chung cùng loài ác quỷ cộng sản.
Sự cô đơn của người lính, là mang theo một thứ mặc cảm chán chường, không còn dám nhìn thẳng, sống trong tâm trạng như người “lạ mặt,” trên quê mẹ, cũng như trên đất nước“lạ mặt lạ người.” Mặc dầu đó là đất nước của mình và là những người thân của chính mình. Nhưng! họ nhìn người lính thua trận, như nhìn người không quen. Cho dầu, mới ngày hôm qua còn thân thiết quyến luyến.
Hôm nay! Mùa Xuân trên miền đất lưu vong đã bắt đầu gối Hạ. Tôi miên ngẫm đến ngày giỗ của Việt Nam Cộng Hòa. Ngày của Tổ Quốc Vấn Khăn Tang! Ngày của Quân Dân Miền Nam Việt Nam oai hùng bị bức tử. Ngày của các bọn thế lực “Ðồng Chí Ngoại Lai,” sau những ngoắt ngoéo về chính trị, bọn chúng cùng nhau manh tâm bán đứng Miền Nam Việt Nam cho giặc phương bắc. Và cũng là ngày người lính VNCH bị trói tay cột chân bởi người Ðồng Minh Mỹ. Họ đã phản bội không báo trước, thật đáng ghê tởm.
Người lính Việt Nam Cộng Hòa không còn một viên đạn diệt thù. Không còn một trái hỏa châu soi sáng!
Chúng tôi cần soi sáng! Soi sáng để nhận diện rõ bộ mặt xảo trá, lật lọng gian manh của kẻ thù. Bọn chúng vẫn dùng cái “điệp khúc“ đường xưa lối cũ” Từ Mậu Thân lật lọng cho đến Hiệp Ðịnh Paris phản bội. Và lẫn ngầm cái hỗ trợ nhịp nhàng cho kẻ thù phương bắc, bởi người bạn Ðồng Minh “Cốt Lõi” trắng trợn phản bội “khi xanh như lá lúc bạc hơn vôi.”
30 Tháng Tư! Ngày giỗ! Ngày giỗ của bao chiến sĩ hào hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã ngã xuống trên đất mẹ. Máu xương của các anh đã nhuộm thắm trên nương khoai, ruộng vườn, từ bìa rừng nầy đến đồi cao dốc thẳm nọ, nơi nào cũng có in chiến tích hiển hách và máu xương của các anh, cho Miền Nam được phú cường, cho người người được ấm no hạnh phúc.
Nhưng! Hỡi anh! Trách người một, trách ta mười, bởi vì ta quá tin lời ở người bạn Ðồng Minh “chung thủy” “chung tình.” “chung sức” Nên giờ thì “nghĩ mình, mình lại thương mình bấy nhiêu.”
Tiếc thay cho cuộc chiến kéo dài trên 20 năm, đã mang lại cho người lính VNCH những gì? Tưởng không đơn giản, như lời một người tình nói với người yêu “ngủ đi em mộng bình thường.” Không ai có thể dại dột tin đến thế. Thế mà! Chúng nó gói trọn “Ta trong Ta,” và bỏ Ta vào trong cái gọi là “Giấc Ngủ Nam Kha” khi bừng mắt dậy thấy mình tay không!
“Không Bao Giờ Quên Anh” bằng những lời tâm sự với những Anh Hồn Vị Quốc Vong Thân. Như một lời tình buồn ngắn nhất cũng là lời dài nhất, mà trong ba mươi chín năm qua, người lính sống còn trong cuộc chiến, đã chưa có dịp thực hiện những điều thiết thực, để tưởng nhớ đến người lính đã nằm xuống, ở giờ thứ 25 của cuộc chiến 1975.
Và đã 20 năm, lạc bước lưu đày. Lần đầu tiên tôi đến thăm thủ đô nước Mỹ! Như để trắc nghiệm lại lòng mình, là nơi chốn ấy có gì đẹp lắm không? đã làm cho thiên hạ trên thế gian này, thường ca tụng không ngớt lời về nước Mỹ, là nơi thiên đường tuyệt diệu!
Ðứng trước tòa Bạch Ốc! Hận lòng trai, tim như hụt hẫng nhịp đập. Tôi tự cảm thấy mình xấu hổ vì bị mang nỗi nhục mất nước, nên không lấy gì làm vui! và cũng không lấy gì làm “mặn mòi” cho lắm.
Tiếp nối những suy nghĩ, đã kéo tôi đến kết luận, như một “định đề” khá “mỉa mai” vì cảnh vật nơi nầy không “đeo sầu.” Song lòng người lính năm xưa “đeo sầu” thế nên “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.”
Và hơn thế nữa, nơi đây! đã gợi cho tôi “cái quá khứ” “nhiều đắng lắm cay” cho dân tộc tôi, và cho đất nước tôi, trong một hoàn cảnh đầy nghiệt ngã “gừng cay, muối mặn” một khi gợi nhớ đến, đã làm môi tôi mặn, mắt tôi cay. Vì thế, tôi không nhìn được cái đẹp hùng vĩ ở nơi này, chỉ thấy tâm tư mình ray rứt bằng những mất mát đắng cay, những tang thương đổ nát!
Thì liền sau đó! Cuộn phim dĩ vãng năm xưa từ từ quay thật chậm trước mặt tôi, như một vết nhơ hận lòng. Dư âm tiếng nói ngày ấy còn vang vọng đâu đây. Tổng Thống Kennedy nói gì và sau đó TT Johnson hứa gì, rồi bộ trưởng quốc phòng Mc Namara đến Sài Gòn xác nhận lời cam kết ra sao, và liền sau đó TT Nixon hành động ra sao và làm gì?
Thế rồi! Ðã đến lúc gừng không còn cay, muối đã hết mặn, các ông đành bỏ tôi! đưa Miền Nam đến cảnh nước mất nhà tan!
Thưa các anh! Người đã hy sinh trong cuộc chiến 1975! Cuộc chiến đã tàn. Nhưng dư âm vẫn còn đó! Mặc dầu tóc chúng tôi nay đã bạc. Nhưng, lòng chúng tôi không bạc như tuyết, không trắng như vôi! Khi nghĩ về đất nước, nhớ đến các anh! Một xót xa trên chót vót của xót xa vô cùng tận.
Những lời này về anh, và tất cả cho các Anh! Những người chiến sĩ thân yêu đã vì nước quên mình!
Khi “Màu Cờ Vàng” đã hóa thành “Màu Cờ Trắng” lệnh từ Dinh Ðộc Lập truyền ra.
Rồi sau đó, biểu tượng hào hùng của người lính Việt Nam Cộng Hòa, là những vị: Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ và Phạm Văn Phú, Nguyễn Văn Long, Hồ Ngọc Cẩn... Các ngài đã hiên ngang đạp lên lệnh đầu hàng, chấp nhận cái chết làm cứu cánh cho chính mình là vĩnh viễn ra đi, nước mất là mất theo nước, nhất định không hàng giặc.
Lẫm liệt thay! Hiển hách thay! “Hãy chém đầu thần rồi sẽ hàng” của một Trần Thủ Ðộ trên hai trăm năm trước, vẫn còn in bóng trong tim các ngài.
Ðất nước rơi vào tay giặc thù, ngôi vị của các ngài, là lấy sự tận trung để đền đáp Sơn Hà Xã Tắc, lấy sự tận hiếu đễ đền đáp công ơn thê nhi gia tộc.
Ðược tin buồn các ngài tuẫn tiết, theo gương trung liệt tiền nhân, đã là lúc “máu chảy ruột mềm. Toàn Quân Dân Cán Chính Miền Nam khi nghe hung tin, tim như rạn vỡ, bàng hoàng như trong cơn chiêm bao. Thương nhớ đến các ngài, thương nhớ nhất đời!
Sống Vi Tướng, Tử Vi Thần, Anh Hùng Tử Khí Thiên Bất Tử. Các ngài đã trở thành vị thánh thời đại 1975, của một Võ Tánh, của Ngô Tùng Châu, của Hoàng Diệu, của Nguyễn Tri Phương v.v...
Bại trận là nhục. Ðầu hạng còn nhục nhã hơn nữa. Nhục mất nước! Và kéo theo biết bao nhiêu điều sỉ nhục! Nhục không dám chết! Nhục không chết được!
Nhưng thưa các ngài! Chúng tôi biết sống là nhục, nhưng phải sống để chịu nhục! Còn hơn là phải vào luồn ra cúi, tìm chút “công thừa việc bẩn” từ kẻ thắng ban cho.
Rồi mai này, bảng vàng bia đá sẽ khắc tên các ngài. Tên các ngài sẽ ghi đậm nét trên trang sử Việt. Các ngài mất đi đã làm rạng tiết nghìn thu cho cháu con mai hậu muôn đời tôn thờ kính phục. Tên các ngài sẽ được đời lưu danh thiên cổ. Chúng tôi mãi nhớ các ngài, cho dù ở bất cứ không gian và thời gian nào.
Các ngài tuẫn tiết không phải ở nơi chiến địa hiểm nghèo, mà ở trên cái bến cuối cùng của cuộc sống.
Các ngài nằm xuống cho hận thù vào lãng quên, cho hậu thế tôn vinh nhớ đời. Cái chết hiên ngang của các Ngài, nơi có trụ Cờ Vàng ba sọc đỏ, ngạo nghễ phất phới bay trong gió, đã làm nhân chứng cho bất cứ sự hy sinh cao cả nào khác.
Thưa các ngài! Người đã ngủ yên bỏ lại đằng sau bao phiền lụy của cuộc sống. Linh hồn các Ngài đã về với hồn thiên sông núi, nơi chốn bồng lai, hay đã tự tại nơi chốn thiên đường nào đó, nếu linh thiêng xin phù hộ cho con dân nước Việt sớm thoát khỏi cảnh gông cùm cộng sản.
Thương thay! Các ngài ra đi, ra đi trong đớn đau buốt lạnh. Không bạn bè tiễn đưa chào kính! không một lời điếu văn, không một tiếng kèn truy điệu, v.v...
Ba mươi chín năm trôi qua, là trên mười bốn nghìn ngày mang nỗi buồn của kẻ mất quê hương. Mặc dầu thế, chúng tôi, trong mỗi lúc của từng mỗi lúc, lúc nào cũng cảm thấy hình bóng các Ngài luôn mãi ở bên cạnh chúng tôi trong suốt mọi chặng đường trên quê mẹ, cũng như mọi nơi, mọi miền trên đất khách.
Chúng tôi người lính! xin một phút cúi mặt! Vì cho đến nay vẫn chưa đúc được tượng, chưa lập được đền thờ để tưởng nhớ đến các ngài. Mặc dầu, tiểu bang California nói chung và Orange County nói riêng, cộng đồng Người Việt tỵ nạn cọng sản trên dưới nửa triệu người, và được mang cái tên khá hãnh diện là “Thủ Ðô Của Người Tỵ Nạn.”
Là những người lính thân phận lạc loài trên một đất nước tạm dung. Chúng tôi chỉ có tấm lòng, nhưng không “đủ tài” “đủ sức” và nghĩ rằng, “một cây làm chẳng nên non” chúng tôi rất cần nhiều bàn tay của muôn triệu bàn tay. Từ trí thức khoa bảng, từ những anh hùng hào kiệt, từ những mạnh thường quân, cho đến các cơ sở thương mai có tầm vóc, đến những hội đoàn, đoàn thể, các trung tâm băng nhạc nổi tiếng.
Và hơn thế nữa! đằng sau lưng của các hội đoàn nói trên, còn có một lực lượng khá hùng hậu, đó là hội cựu tù nhân chính trị, sao không cùng nhau làm những việc hết sức cao cả, là phát động phong trào “tất cả cho một đền thờ của người chiến sĩ vị quốc vong thân!” Và cũng là lúc để cho người bản xứ thấy rằng, dân tộc Việt Nam là một dân tộc “uống nước nhớ nguồn” và có văn hóa. Nhưng tiếc thay, chúng tôi “cùng trông lại mà cùng chẳng thấy.”
Rồi mai đây không sớm thì muộn, Việt Nam có tự do dân chủ. Không còn bóng dáng người cộng sản. Nếu chúng tôi chưa làm được. Nhưng chúng tôi vẫn còn một hy vọng khi “tre tàn thì măng mọc” con cháu chúng tôi sẽ tiếp tục làm cho bằng được, một khi trở về quê hương nơi chỗ các ngài nằm xuống, sẽ xây đền thờ tưởng niệm các ngài, để mọi người dân Việt Nam lui tới nhang khói nhớ ơn các ngài!
Lời tâm sự tuy mộc mạc, nhưng rất chân thành, chúng tôi không dám “múa rìu qua mắt thợ” chắc chắn có nhiều lỗi lầm thiếu sót ngoài ý muốn. Mong người đọc rộng lòng khoan dung. Và cũng xin đừng để những lời này “gác ngoại vòng thoi.”
Sau cùng, chúng tôi xin mượn lời thơ “một năm người có mười hai tháng, ta trọn năm dài một Tháng Tư”. Như tự nhủ lòng là mãi nhớ đến các anh và “Không Bao Giờ Quên Anh.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét