Cuộc đời con người ta trong cõi trần gian này cũng giống như con thuyền nan lênh đênh trên dòng nước, có lúc nó trôi thật êm đềm như lượn lờ thơ mộng dưới ánh trăng, có nhiều lúc nó như nhỏ bé li ti trên dòng nước mà lao đao qua bao thác ghềnh và giông bão gian nguy, nhưng nếu vững tay chèo lái thì con thuyền ấy vẫn đến được bến bờ hạnh phúc bình yên. Mỗi lúc nhìn lại thì hình như có một bàn tay mầu nhiệm nào đó đã che chở cho con thuyền nan ấy đã không tan tành ra mảnh vụn khi bị cuốn hút vào cơn cuồng nộ của những bão táp phong ba trên sóng nước đục ngầu một màu đỏ. Quả thật vậy, chúng tôi đã vừa vượt qua được bốn năm đầu tiên gian khổ thiên nan vạn nan nhất trong cuộc đời tù tội và lưu đầy từ miền Nam ra xứ Bắc với những mùa Hè nóng như thiêu như đốt và mùa Đông lạnh cắt vào da thịt của những người tù vốn đã gầy ốm và chẳng còn hơi sức.
<!>
Bao nhiêu người đã ngã xuống tan tành như chiếc thuyền nan không qua khỏi cơn bão nhưng những người còn lại thì vẫn đứng thẳng người bước về phiá trước dù là họ chỉ còn như cây sậy hay bộ máy biết cử động theo từng tiếng kẻng đánh thức dậy chuẩn bị một ngày lao động mới và lên chiếc chiếu chỗ nằm của mình theo tiếng kẻng đi ngủ.
Lúc đó khoảng đầu năm 1979 khi mà những người tù đang đi đến vực sâu của tuyệt vọng thì bỗng đâu ánh sáng nhiệm mầu hiện ra như nước cam lồ bắt đầu soi chiếu xuống trại giam và hai điều thần kỳ bắt đầu xảy ra cùng một thời gian đã vực họ sống lại.
Điều kỳ diệu thứ nhất là những chuyến xe chở hàng thăm nuôi bắt đầu đến các trại giam ở miền Bắc để tiếp tế cho những người tù sau bốn năm họ đã phải cố gắng sống còn với khẩu phần ăn ít ỏi, với áo quần mong manh, để chống lại cái lao động khổ sai, cái mưa phùn gió bấc mùa Đông có thể làm họ ngã gục bất cứ giờ phút nào.
Đầu năm ấy, phía trại giam họ thông báo như là một ân huệ của chính sách “khoan hồng nhân đạo” của Nhà Nước cho các người tù được viết thư về gia đình để xin các thứ cần thiết nhưng tuyệt đối không được tiết lộ tên trại nơi giam giữ ở miền Bắc mà phải đề là đang bị giam tại trại giam 50-A Chí Hòa – Sàigòn, miền Nam.
Báo hại cho Mẹ tôi tưởng thật là con mình còn ở miền Nam nên đã chuẩn bị rất là công phu những thứ gì gửi cho tôi đầy cả một giỏ và mang các món ăn nóng mà trước kia tôi rất thích như chả giò, giò lụa, chả quế đem đến tận trại giam Chí Hòa và năn nỉ tên lính gác cho vào thăm tôi.
Tay lính gác đó đương nhiên là từ chối thẳng thừng vì tụi tôi làm gì có mặt tại Chí Hòa thời gian ấy mà cho Mẹ tôi vào thăm với nom. Cuối cùng năn nỉ mãi không được, Mẹ tôi đành rưng rưng nưóc mắt mà bỏ giỏ quà lại đó cho họ và đi về mà trong lòng dâng lên một niềm căm phẫn khôn nguôi đối với cái chế độ XHCN ác độc này.
Các gói quà đó đã được tập trung hết lại để xe tải quân đội của họ chuyên chở từ Nam ra Bắc hết ba ngày đêm cộng thêm một ngày trại kiểm tra nữa, nên khi tôi ra nhận vào rồi mở ra thì các thức ăn đã đóng thành một khối mốc meo xanh xám không nhận ra được món gì cả.
Trong lúc đang cần thức ăn bồi dưỡng, nhìn gói quà đầu tiên từ gia đình gửi cho sau bốn năm trời không liên lạc, tôi và tên bạn thân là Luận nằm bên cạnh cố gắng mà cũng không phân tích được là món gì trong đó cho đến khi thư của Mẹ tôi trại kiểm duyệt xong đưa lại thì tôi mới thấy tiếc và thương Mẹ tôi cất công đi gửi cho con mà chẳng được gì.
Dầu sao thì cũng còn vài thức ăn khô, một tuýp kem đánh răng Leyna, và vài bộ quần áo lót lấm lem với các mốc xanh xám ấy. Việc họ cho thăm nuôi nhận quà gia đình chẳng phải vì lòng nhân đạo thương tiếc gì mấy người tù chính trị này mà vì hai lý do.
Lý do thứ nhất là thế giới đặc biệt tại Mỹ và Châu Âu đang dấy lên phong trào cứu giúp thuyền nhân vượt biển, lên án chế độ Cộng Sản cai trị hà khắc phi nhân nên dân chúng đã phải lao ra biển đi tìm Tự Do trong cái chết; và đòi thả hết các tù chính trị.
Lý do thứ hai là số tù chết và bệnh tật trong trại lên cao, những người tù còn sống thì hầu hết đã quá suy dinh dưỡng và sắp hết khả năng lao động để làm ra của cải vật chất cho trại nên phía Nhà Nước Cộng Sản đẩy trách nhiệm qua cho gia đình để họ đỡ tốn kém mà lại được tiếng với thế giới.
Gia đình thì vì lòng thương xót của cha mẹ dành cho con, vợ dành cho chồng mà cố gồng gánh thêm việc thăm nuôi trên đôi vai vốn đã trĩu nặng những âu lo trong cuộc sống mới dưới chế độ xã hội chủ nghĩa đầy những cam go, tinh thần thì bị khủng bố liên tục, và tương lai thì bất định.
Dầu sao thì những đợt thăm nuôi đầu tiên tựa như dòng suối tiên tưới vào những cành cây đã bao năm khô héo và làm nó sống lại. Những người tù chính trị như vươn vai đứng dậy sau bao năm say ngủ và sức khỏe của họ cũng hồi phục được một phần.
Điều kỳ diệu thứ hai cùng trong năm 1979 là tất cả tù đã được di chuyển từ các trại Hoàng Liên Sơn ở miền biên giới Việt-Trung và từ Vĩnh Phú xuôi về miền trung du và đồng bằng với khí hậu bớt khắc nghiệt hơn để tránh cuộc chiến tranh sắp xẩy ra giữa Hà Nội và Bắc Kinh.
Việc di chuyển trại khởi nguồn từ một hai năm trước đã xẩy ra tình trạng giết người Việt hàng loạt gọi là “cáp duồn” bên Campuchia, không những nhắm vào thường dân mà các bộ đội Bắc Việt cũng cùng chung số phận. Thây người bị giết bị chặt đầu thả trôi đầy trên sông. Đa số các đơn vị Bắc Việt tại Miên bị tấn công là thành phần thân Nga Sô.
Để tái lập trật tự và nắm quyền kiểm soát lại Campuchia, phía Hà Nội đã tung ra một cuộc hành quân quy mô với bộ đội chính quy của họ để càn quét Khmer Đỏ bên Miên năm 1978 và một chính phủ thân Hà Nội được thiết lập lên tại Nam Vang.
Việc này đã động chạm đến quyền lợi của Trung Cộng và Bắc Kinh quyết định dạy cho Việt Nam một bài học. Nhờ đó mà hàng chục ngàn người tù chính trị chế độ cũ hầu hết là các sĩ quan đã được vội vã chuyển trại sâu xuống phía nam trước khi cuộc chiến diễn ra tại sáu tỉnh biên giới vào đầu năm 1979. Tình cờ, anh cả của tôi là Thiếu Tá sư đoàn 5 BB và tôi đã mất liênlạc ngay trước ngày Sàigòn sụp đổ, được chuyển về cùng trại với tôi và hai anh em đã gặp nhau thật là ngẫu nhiên một cách lạ lùng.
Mẹ tôi khi hay tin cũng thầm cảm ơn Trời Phật là hai anh em đã gặp được nhau và ở cùng một trại để cho việc thăm nuôi dễ dàng hơn.
Tôi cũng rất mừng là có dịp chăm sóc cho anh mình vì ông anh cả của tôi tính tình rất là thờ ơ chẳng để ý đến chuyện gì hết, cho nên bao nhiêu gói quà gia đình gửi vào cho hai anh em, anh ấy giao cho tôi giữ hết để ăn chung và chia sẻ cho các anh em còn thiếu thốn.
Trước đó, tôi chỉ biết anh tôi khóa 20 Võ Bị Đà Lạt và cậu em họ là Tạ Mạnh Huy khóa 19 Đà Lạt cũng bị giam ở miền Bắc nhưng không rõ ở những trại nào vì lúc đó hằng trăm trại giam cho tù chính trị mọc lên như nấm suốt từ Nam qua miền Trung ra Bắc đến tận các vùng biên giới.
Sau một loạt “biên chế” thì buồng giam của tôi nhận thêm ba người mới - đó là ba anh cấp bực Trung Tá làm trong Tổ Điện mà tôi đã có duyên được quen biết.
Ba người tù trong Tổ Điện này là bộ phận duy nhất phụ trách toàn bộ máy chạy điện và các đường dây trong ngoài trại và cũng là những con người mà tôi vô cùng khâm phục về trí thức về sự can trường và cách sống của họ.
Lúc đó, một phần lớn anh em đều đã được gia đình trong Nam, hay thân nhân ngoài Bắc đến thăm, hay gửi hàng qua bưu điện, nhưng ba anh Tổ Điện này thì vẫn chưa. Tôi và một số anh em trong phòng đã đem ít thực phẩm, trà thuốc đến biếu ba anh và rồi quen nhau thật là thân tình lúc nào không hay.
Ba anh gọi nhau theo thứ tự gia đình, anh Hai là người Bắc lớn tuổi hơn, Trung Tá Không Quân có bằng Master khi du học tại Hoa Kỳ, người đọc được bẩy thứ tiếng; kế là anh Ba người miền Nam hiền lành và ít nói, Trung Tá tốt nghiệp kỹ sư Phú Thọ; và anh Tư cũng là người Bắc, Trung Tá Hải Quân rất giỏi về cơ khí.
Ban đầu tôi thân với anh Tư hơn vì anh rất là cởi mở vui vẻ và xởi lởi, nhưng dần dần tôi và anh Hai lại thân hơn vì tôi nhìn thấy ở anh ngoài tính gương mẫu của cấp chỉ huy, là sự hiểu biết uyên bác của anh và sự dũng cảm đương đầu với số phận và không nhận một sự gia ân nào từ phía cán bộ trại và gia đình họ.
Tôi để ý thấy trong buồng giam anh Hai chỉ nói chuyện xã giao với mọi người nhưng lại đặc biệt tâm sự nhiều nhất với tôi mỗi buổi tối trong các buổi trà đàm. Anh có cái dáng dong dỏng cao, bước đi rất là khoan thai lúc nào cũng nhàn nhã và khuôn mặt trí thức với cặp kính trắng và thỉnh thoảng nói chuyện lại cười thật tươi lộ chiếc răng khểnh rất là có duyên.
Công việc của các anh tuy không nặng nhọc bằng lao động ngoài hiện trường hay đồng áng nhưng có những ngày mùa Đông lạnh căm căm giá buốt, mấy anh đi sửa điện cho khu gia binh mà bắt mãi không được mấy con ốc vít vì quá đói làm cho tay run lên và đến hoa cả mắt đành phải ngồi xuống nghỉ một lát. Bất chợt có một cán bộ nữ có lẽ biết tình cảnh thiếu thốn trong trại nên từ trong nhà đem ra cho các anh một đĩa xôi lạc mà chị ta vừa nấu xong vẫn còn nóng. Lúc đó, một củ khoai một củ sắn cũng quá là quý rồi chứ đừng nói gì đến xôi lạc nữa là điều không ai dám mơ ước, nhưng anh Hai nhất định bảo anh Tư phải đem vào trả lại và cám ơn họ.
Chị cán bộ kia lại bước ra ân cần đưa tận tay anh đĩa xôi, nhưng anh vẫn nhất quyết từ chối và cám ơn một cách từ tốn. Một điều không ai ngờ là người nữ cán bộ này sau đó lại đem lòng thương yêu anh Tư và gửi cho anh những lá thư chứa đầy tình thương và tình người và thổ lộ rằng các anh là thần tượng của khu gia binh và của cô ta nữa và vì các anh hoàn toàn khác hẳn với đám cán bộ luôn bon chen, lừa gạt lợi dụng lẫn nhau mà cô ta phải sống và làm việc cạnh nhau hàng ngày.
Anh Tư có lần đã cho tôi xem một phần bức thư ấy và nói rằng anh rất cảm động nhưng hai chiến tuyến ngăn cách và anh đã gập người phụ nữ ấy và nói rằng anh rất cám ơn tình cảm chân thành dành cho anh nhưng anh không thể đáp lại tình cảm ấy được nhất là tin tức gia đình anh vẫn biệt tăm mấy năm nay.
Tối hôm đó, tôi ngồi tâm sự rất lâu với anh Tư và hết sức an ủi anh rằng gia đình anh chắc còn khó khăn chưa xin phép địa phương đi thăm anh được mà thôi. Nhưng có điều tôi cũng không ngờ rằng sau này chính tôi lại rơi vào tình trạng bi thương tương tự như vậy.
Những nghĩa cử mà tổ điện đã giúp đỡ cho khu gia binh đã làm cho họ nhìn chân ra được sự thực là những người tù này chẳng phải ăn gan uống máu người như phía Nhà Nước họ vẫn tuyên truyền mà là những người đầy lòng nhân ái luôn giúp đỡ tận tình cho khu gia binh không nề hà khó nhọc, không những về điện nước mà còn phổ biến cả kiến thức phổ thông giúp cho họ hiểu cách sống và cách ăn uống như thế nào để phòng tránh bệnh tật và còn chỉ dậy cho con cái họ nữa.
Từ khi các anh lo cho đường dây điện của trại thì tình trạng bị cúp điện ít khi xẩy ra nữa và cái máy phát điện cũ kỹ từ thời Pháp để lại cũng được sửa chữa và thay thế nhiều bộ phận cần thiết nên ít hư hỏng hơn trước. Không những tay cán bộ Tổ Điện tỏ ra có thiện cảm và nể nang với cả ba anh thợ điện dưới quyền mình mà hầu như toàn thể khu gia binh đều bàn tán nhiều về ba người tù học thức và “khác thường” này.
Chính ba anh cũng là một trong nhiều anh em đã biến đổi cách nhìn của cán bộ trại đối với tù chính trị từ hận thù qua cảm thông và không khí ngột ngạt không còn nữa và phía bên tù hình sự cũng tự nhiên ngưng các việc chửi bới vu vơ và nhục mạ nhắm vào bên tù chính trị. Trong thời gian quen biết và ở cùng phòng với ba anh trong Tổ Điện tôi học hỏi được rất nhiều, không những về kiến thức, sự nhận xét tinh tế của anh Hai, sự thâm trầm bình thản chấp nhận số phận của anh Ba và sự năng động thích ứng với mọi hoàn cảnh của anh Tư; mà nhờ đó sau này tôi biết cách ứng xử và thích nghi nhanh hơn với mọi tình huống để tồn tại khi mà càng về sau lại càng đòi hỏi người tù một tinh thần vững vàng bình tâm hơn nữa nếu muốn sống còn.
Thời gian đó, ngoài việc gia đình đến thăm đem lại nguồn sống cho những người tù về vật chất mà còn làm tinh thần họ vươn lên cao khi biết tin tức gia đình, và nhất là tin tức về những hội đoàn như Hội Tù Nhân Chính Trị của bà Khúc Minh Thơ, của các cá nhân Việt-Mỹ đã tranh đấu với chính phủ Mỹ để làm áp lực buộc Hà Nội phải sớm thả hết các tù nhân, và về sự đặc biệt quan tâm của Tổng Thống Ronald Reagan đối với vấn đề tù chính trị.
Một điều tôi không ngờ là tin tức của ba anh thợ điện, đúng ra là từ anh Hai lại vô cùng chính xác về những cam go trong các công cuộc tranh đấu này. Những tin tức anh cho biết, tôi lại thông báo kín đáo cho các bạn thân và nhờ đó mà hầu hết anh em đều hay tin vui này và giữ được sức khoẻ để đi nốt quãng đường còn lại.
Khi biết với phương tiện nào mà các anh đã thâu lượm được những tin tức quí giá và hoàn toàn chính xác như thế thì tôi lại càng khâm phục ba anh, nhất là anh Hai là người đầu não của tổ đã có những sáng kiến thật là độc đáo về kỹ thuật thông tin.
Cũng nhờ vào những tin tức phấn khởi liên tục như vậy từ những gia đình thăm nuôi đem đến và từ anh Hai tiết lộ cho tôi và vài người bạn thân trong nhóm, rồi loan truyền đi qua các buồng giam khác đã thực sự đem đến cho chúng tôi một niềm tin rằng mình sẽ có ngày trở về.
Bởi vì Cộng Sản Việt Nam đã dập khuôn đúng theo trại tập trung “cải tạo” của Liên Xô, cứ hết ba năm tù thì lại chồng thêm ba năm nữa không cần kêu án và người tù cũng không cần phải ra trước tòa làm gì mất thì giờ. Bởi vậy khi người dân ngoài Bắc nghe đến chữ tập trung “cải tạo” là họ đều rùng mình sợ hãi còn hơn là bản án tù chung thân.
Tôi gặp hai cậu nhỏ có lẽ chỉ 17 tuổi bên tù hình sự, cả hai đều bị bắt về một tội là trộm một con gà nhưng cái cậu bị bắt quả tang thì lãnh án 5 năm còn cậu kia chỉ vì bạn mình khai ra thôi và dù là không bị bắt quả tang thì bị lãnh án tập trung cải tạo.
Sau ba năm được giảm án, cậu bé 5 năm tù được thả ra về còn cậu kia vẫn còn trong tù vì hết ba năm rồi thì tự động cứ chồng thêm ba năm án tù tập trung nữa không cần xét xử bởi gia đình cậu ta chẳng có tiền mà đút lót cho chuyển qua có án. Luật pháp dưới chế độ XHCN là như vậy đấy.
Từ khi có gia đình đến thăm, hình như cái nghiệp chướng tù đầy cũng vơi đi nhiều và chúng tôi tìm thấy niềm vui bên cạnh nhau uống chén trà hút điếu thuốc và hàn huyên mỗi buổi tối.
Những cuối tuần vào tối thứ Bẩy thường hay có party văn nghệ bỏ túi và không ngờ trong anh em xuất hiện nhiều tài năng, có những người hát rất hay đàn thật giỏi. Trong cái không khí vắng lặng của trại giam, vì các cán bộ trại đều kéo hết ra chơi ngoài thị xã ngay từ chiều thứ Bẩy, những bài hát tình cảm ngày xưa như “Chiều trên phá Tam Giang”,“Thuyền Trăng”, “Thiên Thai”,”Nha Trang Ngày Về”, “Hòn Vọng Phu”, “A time for us”,“Love Story”, v.v. đã như cho ta sống lại cái không khí của ngày nào thật thơ mộng và êm đềm, ngày nào thật là hạnh phúc khi còn ở Sàigòn năm xưa và tạm quên đi số phận tù đày.
Các cán binh đi gác hay đi tuần tra ban đêm không ngờ cũng là những khán giả thuờng xuyên của các phòng trà bỏ túi đó. Ban đầu thì họ khuyến cáo giải tán văn nghệ đi để đi ngủ, nhưng anh em đưa cho họ điếu thuốc ba số 5 hay bi thuốc lào ngon, chung nước trà móc câu thì họ đều ngồi lại bên ngoài cửa song sắt bỏ cả súng ống qua một bên để nghe nhạc.
Nhiều lúc họ kéo nhau hai ba đứa đến một lúc bỏ cả canh gác, ngồi ngoài cửa sổ cùng uống trà hút điếu thuốc và cùng thưởng thức những bản nhạc ngày xưa và còn yêu cầu các bài bài mà họ thường nghe tại các party bỏ túi này. Họ nói rằng nhạc của các anh hay quá và thích nghe hơn là các bài hát tuyên truyền vẫn phát ra rả hàng ngày qua loa phóng thanh.
Anh Hai cũng tâm sự với tôi rằng trước kia vì có bằng cấp bên Mỹ nên khi về nước, anh đã được đơn vị biệt phái qua làm việc với một bộ phận Quân Báo của Đệ Thất Không Đoàn HK trong Tân Sơn Nhất và được người Mỹ rất tin cậy cho nên được tháp tùng theo trong một vài phi vụ bí mật thử các loại vũ khí mới của HK trên chiến trường miền Nam.
Anh nói rằng người Mỹ họ không muốn chiến thắng chứ với những vũ khí tối tân như hiện nay chiến lược biển người kiểu như Việt Minh tại Điện Biên Phủ 1954 hay Trung cộng áp dụng biển người tại cuộc chiến Triêù Tiên 1950 đã hoàn toàn lạc hậu và hoàn toàn vô tác dụng.
Để giải vây cho một tiền đồn của một đại đội Dù 101 Mỹ trên ngọn đồi trong vùng Khe Sanh đang bị hai trung đoàn quân Bắc Việt bao vây với ý đồ sẽ làm cỏ đại đội này, không quân HK đã được trưng dụng để thử một loại vũ khí mới. Hai trái bom đã thả xuống hai trung đoàn địch là loại bom nhằm hút hết chất nước trong người ra trong chu vi một cây số vuông. Chỉ nửa tiếng đồng hồ sau thì không còn nghe những tiếng gào thét tấn công man rợ của lính Bắc Việt nữa và chiến trường đột nhiên im tiếng súng vì quân Bắc Việt đã âm thầm tháo chạy hết bỏ cả cờ xí, súng ống.
Không quân HK còn đem thử cả loại súng bắn bằng tia Laser để triệt hạ một họng pháo phòng không mà Bắc Việt đã dấu trong lòng núi cũng trong khu vực Khe Sanh. Khẩu phòng không này rất lợi hại vì ẩn trong núi nên nó đã hạ nhiều loại máy bay của VNCH và Mỹ bay qua trong vùng làm cho tôi nhớ đến cuốn phim “Les Canons de Navarrone” với hai họng súng khổng lồ của Đức Quốc Xã dấu trong hang núi đã bắn chìm bao nhiêu chiến hạm Đồng Minh khi qua vùng vịnh đó và cuối cùng nhờ đến toán biệt kích Anh Mỹ xâm nhập được vào tận nơi mới đặt mìn triệt hạ được hai họng đại pháo này.
Loại súng gắn tia Laser này được đặt trên một vận tải cơ và khi đến nơi nó đã cắt họng súng phòng không của Bắc Việt ra từng mảnh như cắt bánh và ánh sáng của nó đã làm cho các pháo thủ địch bị mù mắt chỉ còn biết dắt díu nhau xuống núi.
Anh nhìn tôi và nói rằng tiếc là người Mỹ họ không giúp chúng ta đến nơi đến chốn chứ chúng ta không thua trận.
Trong ba người, anh Hai lại đặc biệt hợp với tôi và mỗi lần chín giờ đêm khi anh tan ca trực và được đưa lại vào buồng giam cũng đi ngang qua chỗ tôi nằm nói nấu ít trà. Lúc đó tôi biết ngay là anh có điều gì muốn kể lại sau một ngày ra ngoài công tác hay có được tin gì hấp dẫn, và thời gian cứ thế tuần tự trôi đi cho đến vài năm sau thì ba anh được chuyển trại vào trong Nam và chúng tôi xa nhau từ đấy.
Tối hôm ấy anh kể cho tôi nghe hai chuyện đáng chú ý. Câu chuyện thứ nhất chiều hôm đó khi anh đang đứng canh máy điện cạnh một con đê chạy sang một làng bên kia sông thì thấy một bà cụ chống gậy định đi hướng vào ngôi làng thì rẽ qua gặp anh. Nhìn cái áo Treillis mầu hoa rừng anh đang mặc hỏi có phải anh là tù chính trị trong trại không và cấp bực gì rồi cho anh vài cái bánh lá.
Anh không dám nhận sau khi cám ơn bà cụ thì bà cụ nhìn anh một cái nhìn vừa thương mến vừa trách móc:
-“Thật là đẹp mặt nhỉ! Chúng tôi cứ ngỡ là các anh ra đây giải phóng ngoài này chứ ai đâu ngờ ra nông nỗi này”, và cụ thở dài:
-“Âu thôi cũng là số Trời đã định.”
Anh nói rằng lúc đó, tuy anh là con người rất cứng rắn chưa hề nhỏ một giọt nước mắt dù đau khổ đến đâu trong suốt bốn năm qua, nhưng không hiểu sao câu nói ấy đã khơi dậy một nỗi đau sâu kín nhất trong lòng và bất chợt anh quỳ xuống xin lỗi cụ vì mình bất tài đã không giữ được nước. Những giọt nước mắt anh cứ tuôn ra không thể cầm lại được nữa trên đôi gò má sạm nắng như cho vơi đi những u uẩn trong lòng bấy lâu nay, trong tiếng xào xạc của ngọn gió từ bờ sông thổi qua rặng cây bên đường trong khi ráng chiều đang ửng lên cho một ngày nữa lại sắp tàn trên con đê vắng bóng người.
Nhìn dáng cụ chậm rãi bước trên con đê quanh một dòng sông nhỏ là nhánh của sông Hồng về phía ngôi làng bên kia sông, anh thầm nghĩ bà cụ là ai hay một vị tiên vừa giáng xuống an ủi những tù nhân? Tối hôm đó hai anh em tôi mắt đều đỏ hoe, điếu thuốc và chén nước trà sao nghe thật đắng trên môi và trong lòng một nỗi u hoài không sao ngủ được khi nhớ đến lời nói trách móc nhẹ nhàng nhưng thấm thía của bà cụ trên con đê chiều nay.
Không phải là các anh trong những Biệt Kích nhẩy toán ra miền Bắc mà tôi đã được gặp tất cả đều trông mong QLVNCH chúng ta ra Bắc giải phóng cho họ mà trong thâm tâm người dân cũng mong có ngày đó.
Nhưng than ôi đúng là Định Mệnh quá khắc nghiệt và số Trời đã định để chúng ta thành kẻ bại trận như lời bà cụ. Câu chuyện thứ hai là con Ma dấu mặt. Lý do là dạo này điện chạy cả đêm cho nên các anh và cả tay cán bộ Tổ Điện cũng phải thay nhau ngủ canh máy điện suốt đêm ngoài cái chòi bên con đê.
Tối nào cứ vào giấc khoảng một giờ sáng thì các anh thấy mặt mình lạnh toát hóa ra y như có ai lật cái chăn mền đang đắp. Anh Tư là người dạn nhất nên đã quyết tâm tìm ra thủ phạm và đêm hôm qua anh Tư trực nằm đắp chăn nhưng cố gắng không ngủ dù là rất mệt mỏi thì quả thật qua nửa đêm anh thấy rõ ràng một bàn tay người con gái mặc đồ trắng lật tấm chăn xuống, anh vùng dậy thì chỉ thấy một bóng trắng mà khuôn mặt thật mờ ảo nhẹ nhàng lướt đi về phía con sông rồi biến mất.
Các anh hỏi tay cán bộ thì hắn cũng xác nhận rằng hắn ta cũng thấy đúng như vậy vì vùng này họ đặt tên cho nó là con Ma dấu mặt. Có lẽ là một thiếu nữ nào đó ở làng bên đã chết oan tại con sông này và không siêu thoát được. Ba anh trong tổ điện cũng là những người đã đóng góp nhiều vào sự thành công phải nói là vang dội của đội văn nghệ của trại và làm thay đổi hẳn 180 độ cách đối xử của trại đối với tù chính trị.
Số là năm đó trại quyết định thành lập một đội văn nghệ và giao trách nhiệm cho bên tù chính trị để thành lập đội. Các anh em có năng khiếu lần lượt được chuyển vào đội này. Lúc đó tôi vẫn còn bên đội gạch, là một đội lao động nặng nhất trong trại, một đội trừng giới mà bất cứ anh em nào bị kỷ luật thì đều bị đưa về đội này như một hình thức tiếp tục trừng phạt. Mãi hơn một năm sau, vài người bạn có lẽ thương tình hay sao mà tìm cách kéo tôi về được đội văn nghệ và nhờ đó mà tôi được đi theo trong một chuyến lưu diễn tại cây số 60 – một kỷ niệm không bao giờ quên được trong đời.
Ba anh tổ điện cũng nằm trong nhân số của đội để lo cho phần âm thanhvà ánh sáng và thành phần nhân tài cũng rất là đông đảo. Linh hồn của đội lúc bấy giờ phải nói tới các nhạc sỹ ghi-ta như anh Cầm, trung úy – đội trưởng, anh Qúi biệt danh Quí Lùn – đại tá, soạn hòa âm, anh Sỹ – thiếu úy, violon là bác Định. Các ca sĩ như anh Bửu Uy kiêm về hòa âm và hát bè, Tuấn, Hùng, Công, V.T. An, Bình – đại uý pilot trực thăng. Cải lương vọng cổ kép chánh là anh Diệp Tùng, anh Đẹp, Hùng đen, ông Hữu Vị trung tá; phụ trách designer là anh Linh – đại uý pilot với ria mép rất bảnh trai, và những anh đàn vọng cổ, v.v...
Bước đầu là vô cùng gay go vì trại họ muốn hát các bài của họ nhưng phía anh em đều phản đối. Nhóm đầu não của đội mới ngồi lại bàn bạc trong đó cũng có các anh thợ điện và cuối cùng đã đưa ra được một chương trình dung hòa bao gồm vài bài hát tình cảm nổi tiếng thời bấy giờ của họ kèm theo những bài hát Anh, Tây Ban Nha, Pháp, kết hợp với các vũ điệu.
Sau nhiều lần thuyết phục, tay quản giáo văn nghệ nói trại chịu chương trình văn nghệ đầu tiên đó và cho tập dượt. Chương trình này, ngoài ba tiết mục vọng cổ và tân cổ giao duyên, còn lồng trong những vũ điệu rất là lả lướt là các bài hát nhạc Pháp, Anh,Tây Ban Nha như “Un Homme Est Venu”, “Dans Le Soleil Et Dans Le Vent”, “Main Dans La Main”, “La Paloma”, “Beautiful Sunday”, v.v, và một vở hài kịch. Bản nhạc Guantanamera, lời Tây Ban Nha, được dàn dựng thành một ca khúc mở màn với hợp ca hai bè và vũ khúc với hai anh Linh và Tân nhẩy múa theo điệu Habanera trong y phục Mễ Tây Cơ và mũ rộng vành sombrero.
Khi bắt tay vào mới thấy thật nhiều khó khăn trở ngại vì mọi thứ đều thiếu thốn từ quần áo, make up, đến nhạc cụ, nhưng mọi người đều quyết tâm và nói như họ là tạo “khí thế”. Khi chương trình đầu tiên trình diễn trước trong trại thì ngoài cơ quan đều kéo rốc hết vào xem hết. Chương trình đầu tay đó đã thành công ngoài dự tính vì không ngờ là dân ngoài Bắc lại rất mê cải lương và các bài hát phương Tây cùng các vũ điệu mà chúng ta vẫn nhẩy trong Nam trước kia nên thành công bất ngờ ấy đã như là một chấn động vang xa ra đến tận Hà Nội.
Các buổi diễn sau đó thì khu gia binh và cả thân nhân họ từ Hà Nội cũng vào xem, tay quản giáo nói là họ mê nhất là vũ khúc mở màn bài Guantanamera và các bài hát Tây phương và vọng cổ. Thời gian đó, hầu hết khu gia binh đều không còn che dấu tình cảm của họ dành cho đội nữa, mỗi khi gập chúng tôi đi lao động gần khu họ ở hay gần cơ quan thì các cán bộ nữ và các bà trong bếp chạy ra hỏi thăm tíu tít. Họ mượn đâu ra hai cây đàn ghi ta và yêu cầu chúng tôi hát ngay tại một gốc cây cạnh hiện trường lao động bài “Beautiful Sunday” và nghe một cách say mê.
Thế rồi lúc đó khoảng năm một chín tám mốt, bất ngờ trại quyết định cho đội văn nghệ đi lưu diễn qua trại cây số 60 và cho đồng bào xem.
Đây cũng là một dấu mốc quan trọng cho sự chuyển hướng về thái độ của họ đối với tù chính trị. Chúng tôi có ba ngày để chuẩn bị cho buổi lưu diễn và sau đó tất cả khoảng gần ba chục người lên ba chiếc xe vận tải hở mui cùng tất cả phông màn trang trí phụ tùng trực chỉ cây số 60. Trại này lấy tên cây số 60 vì cách thị xã đúng 60 cây số. Trước kia, một số anh em cấp Trung Tá đã bị giam giữ ở đây nhưng bây
giờ chỉ còn toàn tù hình sự. Ba chiếc xe chay bon bon trên con đường độc đạo về phía cây số 60, nhiều lúc chúng tôi phải thụp xuống vì những nhánh cây to bên đường có thể quét văng ra khỏi xe lúc nào không hay.
Một vài anh không để ý thì người mất nón lá người mất cái mũ. Lần đầu tiên ra khỏi trại giam sau hơn sáu năm trời, chúng tôi thấy cái gì cũng lạ lẫm, nhất là những ngôi nhà lá vách đất trong những khu làng nghèo xơ xác với những con trâu già ì ạch như không kéo nổi cái cầy nữa bên người nông phu cũng luống tuổi. Có lẽ trai tráng thanh niên đều đã ra đồng hay lên núi lao động hết rồi. Khi vào đến sân trại, chúng tôi được tiếp đón như là các người khách chứ không như tù nhân và được cho ở riêng một căn buồng giam.
Nhìn điều kiện vệ sinh rất thấp kém của trại này và tình trạng thường xuyên khan hiếm nước, chúng tôi đã hiêủ vì sao các anh Trung Tá bị giam ở đây truớc đó đã ngã bệnh rất nhiều đưa đến một số tử vong vì tiêu chẩy và kiết lỵ. Trại chỉ có một giếng nước và cứ đến mùa khô là nó cạn chỉ còn trơ đáy giếng đầy đá lởm chởm và để có nước nấu ăn, nhà bếp đã phải ngày ngày kéo các xe cải tiến với các thùng phuy to đi xa vài cây số ra các làng bên để xin nước chở về. Các tù nhân phải tự túc về nước uống cho nên khi ra lao động phải tắm tại một nhánh sông nhỏ và đem ít nước về trại để dùng.
Nhưng nhánh sông ấy vào mùa Hè thì cũng cạn trơ cả lòng sông và chỉ còn ít nước cho nên nhiều lúc tù nhân phải vục xuống các vũng trâu nằm mà uống nước nên hầu hết đều bị bệnh đường ruột. Buổi chiều khi kẻng tan giờ lao động, các tù hình sự lần lượt theo đội mà nhập trại, họ như những bộ xương còn biết đi và phấp phới bay trong bộ quần áo rộng thùng thình đi đầy sân trại để lãnh phần ăn chiều là mấy củ sắn khô. Một hình ảnh thật là ghê rợn của trại tù miền Bắc. Nhìn họ, tôi nhớ đến chúng tôi một vài năm trước cũng chẳng khá gì hơn và vẫn thắc mắc tại sao họ còn sống được trong điều kiện mất vệ sinh và thiếu ăn thiếu cả nước uống như vậy?
Chỉ có những tù phục vụ trong nhà bếp và trật tự viên là còn có da có thịt vì được trại ưu đãi cho phần ăn khá hơn. Khẩu phần ăn cho chúng tôi tương đối khá hơn một chút vì có thêm ít mỡ màng bồi dưỡng và khi đang ăn thì một số tù hình sự đến gần nhìn rất là thèm thuồng. Anh em chúng tôi bèn nhường bớt phần ăn cho họ và lấy phần lương khô đem theo ra ăn một chút cho đỡ đói vì ai cũng mệt vì chịu sóc trên xe vận tải hai tiếng đồng hồ, bởi nhiều khúc con đường lởm chởm đá mà tài xế vẫn không giảm tốc độ có lẽ muốn đến cho đúng giờ quy định. Buổi tối lúc giăng mùng đi ngủ chúng tôi mới thấy hãi hùng vì từ trong vách tường đất nứt nẻ hiện ra hàng đoàn rệp bò như xe tăng xuống dọc theo tường và vào đầy các chỗ nằm; và dù có tấn mùng kỹ cách nào thì nó cũng chui vào được để xin tí huyết.
Anh Phát nằm cạnh tôi, người Huế và rất là hiền lành thì niệm Phật và cười: “Thôi thì tối nay anh em mình cũng hoan hỉ cho chúng một bữa ăn no vậy thôi, có lẽ chúng đói cũng lâu rồi vì buồng này có vẻ như bỏ trống một thời gian rồi, nhện giăng đầy bốn góc.” Báo hại mỗi buổi sáng thức dậy, chúng tôi phải lôi hết mùng màn ra sân nắng bắt từng chú rệp một cả hai tiếng đồng hồ mới xong để chuẩn bị cho một màn chiến đấu nữa với xe tăng rệp vào ban đêm.
Để quảng cáo cho dân làng chung quanh và những nơi xa xôi bên kia rặng núi về chương trình văn nghệ tân cổ giao duyên này, một điều lý thú là trại cho một số anh em chúng tôi mặc quần áo dân sự đi theo trên hai chiếc xe díp có vẽ bảng quảng cáo đầy màu sắc gắn hai bên xe là ”Đoàn Cải Lương Sàigòn 7″ sẽ lưu diễn hai đêm trong và ngoài trại để đồng bào đến xem. Anh em chúng tôi thực sư ngạc nhiên vì không ngờ họ bốc phét ngang nhiên như vậy nhưng chỉ cười không nói gì vì thấy mấy tay cán bộ trại có vẻ thực sự thích thú vì đã từ lâu họ cũng không được xem một tuồng tích cải lương nào.
Sau buổi diễn thành công trong trại cho tù hình sự xem, anh trật tự chính của tù hình sự đến thăm chúng tôi bầy tỏ lòng ngưỡng mộ và không ngờ ít lâu sau anh ta được chuyển về cùng trại với tụi tôi và trở thành một tay đắc lực đã ngầm giúp nhiều lần mua bán các thực phẩm cần thiết cho anh em chúng tôi một thời gian dài.
Tên anh ta gọi là anh Binh, lúc đầu tôi tưởng là tên cha mẹ đặt cho, sau hỏi ra mới biết đó là biệt hiệu vì dáng anh cao lớn và tên tù nào lạng quạng là bị “binh” ngay thôi cho nên đám hình sự rất là sợ anh ta. Không hiểu sao, đặc biệt với tôi và mấy anh Tổ Điện, anh tỏ ra nhiều cảm tình và nhất định mời vài anh em qua buồng anh để thết đãi vài chung rượu trắng.
Ở một nơi thâm sơn cùng cốc này, nước còn không đủ uống mà đem rượu ra mời thì phải là khách quý lắm cho nên tôi đưa mắt nhìn anh Tư và anh gật đầu. Khi tôi và anh Tư qua thăm họ xã giao thì thấy chỗ anh nằm đã được quét dọn sạch sẽ, anh trải chiếu mới mời ngồi rồi rót ba chung rượu chúc mừng sự thành công. Anh nói rằng anh rất cảm phục những người tù chính trị từ khi các anh Trung Tá còn ở đây vì tác phong, nhân cách và lòng thương người của các tù chính trị đối với phía hình sự. Anh Binh nói rằng buổi diễn tối mai cho dân chúng sẽ còn thành công hơn nữa vì tâm lý khán giả bây giờ thích xem và nghe nhạc tây phương, cổ nhạc và các bài hát về quê hương Hà Sơn Bình như chúng tôi trình diễn hơn là chương trình nặng về tuyên truyền của các đoàn văn công trung ương.
Từ đó tôi hiểu được rằng không kể những người tù, mà lòng người dân ngoài Bắc cũng đã quá chán ngán những bài hát ca tụng chiến tranh sắt máu nhưng không dám công khai chống lại thôi. Sáng hôm sau, chúng tôi có cơ hội hiếm có và là lần đầu tiên trong hơn năm năm trong tù là tản bộ ra ngôi làng gần bên để xem dân cho biết sự tình. Hai tay cán binh đưa chúng tôi đến một quán nước thì hẹn sau hai
tiếng sẽ quay lại đón rồi biến mất.
Ngôi làng quê này sao giống y như trong các sách của Tự Lực Văn Đoàn ngày xưa mà các nhà văn Nhất Linh, Khái Hưng hay Thạch Lam đã mô tả. Cũng những mái tranh nghèo, những con đường đất quanh co bên vài thửa ruộng cằn cỗi, lũy tre làng một mầu xanh ngát bao quanh, ít hàng quán mà đa số chỉ là quán bán nước chè xanh, trà móc câu, vài nải chuối, ít kẹo lạc, thuốc lào, vậy thôi, và người dân làng thì chất phác hiền lành suốt đời chỉ quanh quẩn trong thôn xóm với ruộng đồng nương khoai; nhiều cụ già trong làng cũng chưa hề biết đến thành phố thị xã là gì. Chúng tôi xin một bình trà và hai chị em đưa ra một giỏ ấm trong đó có một bình trà bằng sứ còn nóng và rót ra các cái chung nhỏ xíu nhưng uống thì rất là thơm ngon.
Hai cô bé hàng nước khoảng chừng mười tám đôi mươi và da trắng chứ không rám nắng như các thôn nữ khác và ăn nói thì lại dịu dàng. Khi biết chúng tôi trong đoàn văn nghệ thì cô em gái yêu cầu hát một bài nhạc xưa và khi anh Hùng đen vừa ca tân nhạc rồi cổ nhạc chay, vì không có đàn, thì cô em nắm trong tay tờ hóa đơn gì đó và nghe say sưa đến vò nát tờ giấy lúc nào không hay.
Khi trả tiền tôi loay hoay mãi đếm không xong vì chưa quen với tiền hào tiền xu của họ, hai cô em nhất định không lấy tiền bình trà nhưng chúng tôi cứ bỏ tiền lại trên bàn rồi nhắn họ vào xem văn nghệ đêm hôm sau rồi rút lui. Hóa ra chị em cô hàng nước là một trong số những gia đình người Hà Nội ngày xưa đã bị đuổi ra khỏi thành phố và tống lên vùng hoang vu này khi Việt Minh nắm chính quyền sau tháng bẩy năm 1954.
Một số không nhỏ những người gốc Hà Nội này đã kiệt sức chết vì khí hậu của nơi rừng thiêng nước độc và vì thiếu thuốc men và thực phẩm. Kỷ niệm khó quên là buổi diễn tối hôm sau ngoài trại dành cho đồng bào. Từ trưa chúng tôi đã chuẩn bị sân khấu, căng phông màn cho các tuồng tích rất là chu đáo vì nghe nói ở đây hàng chục năm cũng chưa có đoàn văn nghệ nào đến lưu diễn nên anh em chúng tôi cố gắng để lại cho dân làng một kỷ niệm tốt đẹp về những người tù chính trị. Trại dành cho chúng tôi có lẽ là một đặc ân vì mỗi người được một thùng nước giếng để tắm rửa chuẩn bị cho màn biểu diễn buổi tối.
Dự trù 7 giờ tối khai mạc chương trình nhưng khi 6 giờ hơn rồi tôi nhìn xuống bãi cỏ rộng mênh mông dành cho khán giả chỉ thấy lèo tèo vài đám con nít và người già và nghĩ rằng buổi diễn chắc phải hủy bỏ. Thế nhưng chỉ một lát sau khi trời sập tối thì tôi thật ngạc nhiên khi thấy một quang cảnh kỳ lạ chưa nhìn thấy bao giờ và không tin vào mắt mình nữa, là từ phía bên kia rặng núi, đồng bào Kinh và Thượng đi nối đuôi nhau như rồng rắn với những bó đuốc sáng rực trên những con đường mòn chạy quanh để vượt dãy núi mà hướng về phía trại.
Chỉ một giờ sau thì bãi cỏ đã đầy kín những người là người không còn chỗ trống. Một số đồng bào trong đó có hai chị em cô hàng nước hôm qua cũng có mặt và còn đem lên tặng chúng tôi nào là chuối, đu đủ mà họ trồng trong vườn. Khi mở màn thì khán giả mới biết đây là đoàn văn nghệ của tù chính trị nhưng họ vẫn vỗ tay và ở xem cho đến tiết mục cuối cùng sau ba tiếng rưỡi đồng hồ.
Tiếng vỗ tay của khán giả vang dội cả một khu vực trại giam khi hạ màn và nhiều người còn quyến luyến chưa chịu về. Có người nói họ đi bộ hơn mười cây số từ bên kia rặng núi qua để xem văn nghệ, có người nói là họ đạp xe đạp suốt ngày lúc tờ mờ sáng từ nhà để đến xem cho kịp. Trước khi tản ra về vì màn đêm đã buông xuống tối sẫm cả bầu trời, khán giả đều vẫy tay chào các người nghệ sỹ bất đắc dĩ là chúng tôi và với những thái độ rát chân thành họ chúc cho chúng tôi mau được trở về đoàn tụ với gia đình thật là cảm động.
Ngày hôm sau là ngày cuối cùng tại trại cây số 60 và điều bất ngờ là từ sáng tôi và một số bạn được đánh thức dậy để đi thăm chùa Hương Tích vì chỉ cách trại này có ba ngọn núi thôi. Quả thật tôi cứ ngỡ như trong mơ có một dịp may như vậy, nhưng phải trèo qua ba ngọn núi mới đến chùa Hương được. Anh em chúng tôi khoảng bẩy người ráng lắm cũng chỉ vượt được hai ngọn núi vì phải có một tay cán binh leo trước dẫn đường, leo từng nấc một, có lúc dễ nhưng nhiều khi chênh vênh tốn thời gian mới leo qua được một khúc cho nên trước khi đến quả núi thứ ba thì hết giờ và đành phải tiếc nuối quay về vì xe vận tải đang chờ.
Lối đi mòn này là của dân điạ phương thường vượt phía sườn núi bên này để đến chùa Huơng chứ không phải là con đường chính thức vào động Hương Tích. Chỉ có toán anh em đi lên núi từ năm giờ sáng thì đã đến được Chùa Hương và mua về được một số kỷ vật.
Tôi cứ tiếc mãi là đã vượt qua hai phần đường rồi mà vô duyên nên không kịp đến thăm được động Hương Tích, không được đảnh lễ Phật Bà nơi có ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng nhất miền Bắc này. Vài năm sau thì tất cả các trại giam tù chính trị đều tập trung về trại Ba Sao – Nam Hà rồi một đợt lớn di chuyển tù nhân vào Nam năm một chín tám ba trong đó có anh cả của tôi và ba anh trong tổ điện.Tôi mừng cho anh tôi và các bạn được xuôi trên chuyến tầu vào Nam, miền quê hương nắng ấm, gần gia đình hơn nhưng họ cũng đem bao nhiêu là tình cảm và kỷ niệm trong tôi theo với chuyến tàu.
Một năm sau nữa là năm 1984, tôi được tin anh tôi và một số sĩ quan cấp tá đã được thả ở trong Nam.Sau đợt di chuyển tù vào Nam, thì đội văn nghệ giải tán và chúng tôi, những người còn lại vẫn tiếp tục con đường “cải tạo” qua lao động. Mỗi khi nghĩ lại những quãng đường trong cuộc đời mình đã đi qua, tôi nghiệm thấy rằng hình như con người ta có số mạng.
Trên những chặng đường mình đi, hình như Định Mệnh đã an bài để ta gặp những người bạn nào đó trong giai đoạn khó khăn ấy ngõ hầu giúp cho ta thêm kiến thức, thêm phong cách, thêm hiểu đời hơn, sức chịu đựng bền bỉ hơn, rồi sau đó họ tự nhiên biến mất y như khi họ bất ngờ xuất hiện. Tôi muốn nói đến những người bạn thân trong tù mà tôi đã sống chung một thời gian chia sẻ những vui buồn, trong đó có ba anh thợ điện mà tôi rất mến phục.
KD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét